Một thị xã của Bình Định từng là kinh đô Vương quốc Champa, có thành Đồ Bàn tồn tại trong 5 thế kỷ

Thứ năm, ngày 28/09/2023 05:09 AM (GMT+7)
Tôi sinh ra ở TX An Nhơn (tỉnh Bình Định), nơi từng là kinh đô của Vương quốc Champa, sau này là kinh đô của vương triều Thái Ðức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Chính vì thế nhiều người vẫn tự hào gọi An Nhơn là “Ðất Vua”.
Bình luận 0

Tôi vẫn thường đi đi về về với quê nhưng mỗi lần về thăm lại thêm một lần chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trên “Ðất Vua”.

Theo lịch sử TX An Nhơn, từ năm 938 đến 1470, nơi đây tọa lạc kinh đô của vương quốc Champa, có thành Đồ Bàn tồn tại 5 thế kỷ (từ thế kỷ XI đến XV). 

Năm 1778, sau khi giải phóng các vùng đất từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc của nhà Tây Sơn lên ngôi và định đô ở An Nhơn. Vua cho cải tạo và mở rộng thành Đồ Bàn, xây dựng thành Hoàng Đế.

Một thị xã của Bình Định từng là kinh đô Vương quốc Champa, có thành Đồ Bàn tồn tại trong 5 thế kỷ - Ảnh 1.

Tác giả đứng cạnh tượng voi đá của người Champa ở thành Hoàng Đế, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: LƯU NGỌC MINH

Thuở bé tôi và lũ bạn thường đến thành Hoàng Đế để chơi. Đơn giản vì có lầu Bát Giác, có mấy con sư tử đá và mấy cây cổ thụ, cành lá sum suê, che mát một khoảng trời. 

Di tích còn lại thu hút cả tâm trí tôi là những đoạn thành được xây bằng đá ong. Đôi lần tôi đã cố vượt qua đám lau sậy bao quanh để được chạm vào bức thành thô ráp, để có cảm giác trở về với lịch sử gần 250 năm trước, khi thành mới xây dựng.

Với tôi không có nơi nào khác ấn tượng hơn vì nó nguyên bản, nó không phải được phục chế như các hiện vật khác. 

Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII, 2 tượng voi đá có kích thước lớn nhất của người Champa hiện còn tồn tại và đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Các cuộc khai quật khảo cổ học trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2012 đã bóc tách, làm xuất lộ những công trình kiến trúc cung đình cùng cấu trúc kinh thành xưa trong khu vực Hoàng cung của Tử Cấm Thành như: Điện Bát Giác, Thủy hồ, cung Quyển Bồng, đàn Nam Giao… 

Trong quá trình khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện hai hồ bán nguyệt cùng nhiều dấu tích kiến trúc thời Tây Sơn trong khu Tử Cấm Thành. 

Việc lộ diện một phần nền cung điện tại khu vực Tử Cấm Thành là một phát hiện giá trị vì đây là lần đầu tiên phát hiện thấy dấu tích một công trình kiến trúc văn hóa thời Tây Sơn từ trong lòng đất.

Cách thành Hoàng Đế không xa về hướng Đông Nam là thành Bình Định, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1814; nay thuộc phường Bình Định, trung tâm TX An Nhơn. 

Thành có chu vi hơn 3 km; tường thành cao hơn 5 m, được xây bằng đất và đá ong. Thành Bình Định được sử dụng trong thời gian 132 năm, từ năm 1814 đến 1946 thì bị phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, hiện chỉ còn di tích Cột cờ.

Theo anh Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH-TT TX An Nhơn, cột cờ đầu tiên được làm bằng gỗ, sau được đúc bằng bê tông cốt thép. 

Năm 2003, UBND TX An Nhơn trùng tu tôn tạo chống xuống cấp và được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 20.5.2005. Và mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích này với tổng diện tích lên đến 18.400 m2.

Từ bề dày văn hóa và tiềm năng kinh tế đa dạng, phong phú, An Nhơn ngày càng phát triển với quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã, đang và sắp hoàn thành, thúc đẩy đô thị phát triển nhanh, bền vững. 

Ngoài tuyến giao thông QL 1, QL 19 và đường sắt đi qua địa bàn, một tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đang giai đoạn san nền, đắp đất, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ thông tuyến. 

Một thị xã của Bình Định từng là kinh đô Vương quốc Champa, có thành Đồ Bàn tồn tại trong 5 thế kỷ - Ảnh 2.

Một góc khu đô thị Hưng Định City, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: LƯU NGỌC MINH

Nhiều khu đô thị mới đã hình thành làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt của thị xã. Đi qua đường Ngô Gia Tự, tôi nhìn thấy khu đô thị Hưng Định City đang được xây dựng hiện đại, nằm giáp ranh 2 phường Bình Định - Nhơn Hưng. 

Dự án do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc (Tập đoàn Tây Bắc) đầu tư xây dựng với quy mô 35 ha gồm 5 phân khu chính; trong đó nổi bật nhất là Khu Phố Chợ - nơi sẽ trở thành đầu mối giao thương lớn nhất thị xã trong tương lai, nhằm thay thế chợ Bình Định cũ đã xuống cấp.

An Nhơn là vùng trọng điểm lúa của tỉnh với hàng ngàn hecta lúa thâm canh, tăng vụ. Năm xưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn viết câu ca để đời: “Đất An Nhơn quê hương của lúa. Lúa trải dài trên những cánh đồng…” (Hát về Nghĩa Bình). 

Nhưng nay, An Nhơn không chỉ có lúa mà còn phát triển rất mạnh ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Bằng nguồn nội lực và kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, hàng chục khu, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng và từng bước đi vào hoạt động. Khu công nghiệp Nhơn Hòa nằm trên địa bàn phường Nhơn Hòa và xã Nhơn Thọ là một điển hình.

Được thành lập năm 2009, Khu công nghiệp Nhơn Hòa do Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Hòa làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch, trong đó giai đoạn 1 là 105 ha, giai đoạn 2 là 134,64 ha và giai đoạn mở rộng về phía Đông Nam là 42,37 ha. 

Đến nay, Khu công nghiệp Nhơn Hòa đã có gần 60 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng. 

Diện tích đất cho thuê của giai đoạn 1 và mở rộng cơ bản đã được lấp đầy. Khu công nghiệp đã thu hút nhiều dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Chế biến nông sản, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, cơ khí… 

Các dự án đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Các thiết chế văn hóa như quảng trường, nhà văn hóa, nhà thi đấu đa năng, sân vận động, cơ sở luyện tập thể dục… được đầu tư xây dựng dần hoàn thiện, tạo cảnh quan và môi trường xanh - sạch - đẹp. 

Hệ thống trường lớp các cấp học từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT không ngừng xây dựng, nâng cấp khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trung tâm y tế với quy mô như bệnh viện loại 2 và các trạm y tế xã, phường đều được nâng cấp đạt chuẩn theo quy định.

Ngày 15.7.2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/TU đề ra mục tiêu phấn đấu đưa TX An Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2024, sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra. 

Năm 2023, TX An Nhơn đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu như: Tổng giá trị sản phẩm đạt trên 22.930 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD; 6 xã đạt tiêu chuẩn trở thành phường và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo TX An Nhơn vào trung tuần tháng 3.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu thị xã khẩn trương hoàn thành quy hoạch đô thị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, tạo ra bộ mặt đô thị hoàn chỉnh. 

Tập trung rà soát, phân tích, đánh giá thật kỹ các tiêu chí còn thiếu, trên cơ sở đó đề ra lộ trình, thời gian, kế hoạch và giải pháp thực hiện cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Cần tính toán, phát triển các khu đô thị, thành phố ven hệ thống sông Côn chạy qua địa bàn.

Một thị xã của Bình Định từng là kinh đô Vương quốc Champa, có thành Đồ Bàn tồn tại trong 5 thế kỷ - Ảnh 3.

 Cầu Trường Thi, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: LƯU NGỌC MINH

Về lại An Nhơn một ngày cuối tháng 8, tôi đến cầu Trường Thi, nối 2 phường Bình Định và Nhơn Hòa. Dưới cầu là dòng sông Tân An trong xanh, đây là một nhánh sông Côn, trước có bến đò, sau người ta xây một cầu tre và nay là một cây cầu bê tông hiện đại. 

Dòng sông có quá nhiều kỷ niệm với tôi khi đắm mình trong suốt những năm học cấp 2, cấp 3 (Trường Trung học Đào Duy Từ - Trường cấp 3 An Nhơn).

Theo cố nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Kim Bửu (An Nhơn), bến sông Trường Thi đã đi vào lịch sử thi cử triều Nguyễn với Trường thi hương Bình Định ở gần đó (hoạt động từ năm 1852 - 1918; dành cho bốn tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa). 

Và bến sông này cũng nối quê nội với quê ngoại của nhà thơ Yến Lan và đó cũng là cái bến sông quê trong bài thơ Bến My Lăng nổi tiếng: “Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu”. 

Chiều muộn! Dòng sông lững lờ trong ráng chiều đỏ thẫm. Dưới cầu, hai bờ phía Đông, thị xã đã cho xây kè đá chống xói lở; rất may phía Tây vẫn còn bờ đất với thảm cỏ xanh rì, tươi mát. Các nhà lãnh đạo, các cơ quan hữu trách đã tính toán đến việc cân đối, hài hòa giữa thiên nhiên và sự phát triển của đô thị. 

Ngọc Minh (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem