Chợ Cầu K13 được xem là chợ đầu mối nông sản lớn nhất tỉnh Tây Ninh. Chợ chuyên thu mua các mặt hàng rau ăn quả như bí, bầu, mướp, khổ qua... (thường gọi là hàng bông) của nông dân trong tỉnh rồi đưa đi các nơi.
Chợ Cầu K13 hình thành vào khoảng năm 1992 do nhu cầu tự phát của người dân và tiểu thương.
Chợ do tư nhân đứng ra thuê đất với diện tích 4.000m2 để xây dựng tạm, rồi cho tiểu thương thuê để tập kết hàng hoá nông sản trong tỉnh.
Chợ tập trung lượng hàng hoá lớn từ 30-50 tấn/ngày. Thời gian hoạt động nhộn nhịp nhất là từ 11 giờ đến 16 giờ.
Các thương lái sẽ vận chuyển nông sản từ chợ Cầu K13 về các chợ ngoài tỉnh như TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước. Một số lượng khác cũng được đưa lên khu vực biên giới Xa Mát, Chàng Riệc để sang Campuchia.
Những năm gần đây, lượng hàng hoá tại chợ Cầu K13 nhiều, phương tiện vận chuyển tăng cao.
Chợ nằm ven đường 781, cặp bờ kênh Tây tại cầu K13 thuộc xã Bàu Năng. Nhu cầu tập kết hàng hoá lớn khiến việc bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực này, nhất là vào giờ cao điểm rất khó khăn.
Ông Lê Văn Trắng - Quản lý chợ đầu mối nông sản chợ Cầu K13 cho biết, khi chưa có địa điểm hoạt động chính thức và ổn định, chợ Cầu K13 giải quyết rất tốt nhu cầu mua bán nông sản của bà con nông dân Tây Ninh.
Song vì diện tích nhỏ hẹp, lượng hàng hóa và xe cộ tập trung về đã tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm mới hình thành nên chợ bị quá tải.
Nhiều trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. "Nông dân và tiểu thương rất mong sớm có chợ chính quy để bà con mua bán ổn định, không ảnh hưởng giao thông", ông Trắng nói.
Anh Trần Ngọc Lĩnh, một nông dân trồng rau, thường giao hàng tại chợ cho biết, nhiều người giao hàng xong rồi lại quay về tay không. Họ không được nhận ngay tiền mặt, cũng không biết nông sản mình bán với giá bao nhiêu.
Dù thương lái đã mua và chở hàng đi TP.HCM, nhưng mình vẫn chưa biết chắc sẽ được trả với giá nào. "Đây vẫn là nỗi trăn trở của nhiều nông dân, rất cần được chính quyền địa phương hỗ trợ", anh Lĩnh nói.
Theo ông Nguyễn Trung Sâm, cán bộ Ban Tổ chức Kiểm tra (Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh), nhu cầu lập chợ của người dân là chính đáng, phát triển chợ nông thôn vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chợ là nơi bà con tiêu thụ nông sản địa phương, giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa, đưa quá trình giao thương ở nông thôn đi vào nề nếp, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Tuy nhiên, chợ Cầu k13 là chợ tư nhân, không có giấy phép. Đi kèm với chợ tự phát là các vấn đề phát sinh như trật tự an toàn giao thông đô thị, vệ sinh thực phẩm, cũng như việc quản lý giá cả bình ổn.
Theo ông Huỳnh Hưng Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), ngoài vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự, vị trí của chợ hiện tại nằm trong phạm vi dự án đường cao tốc thành phố Tây Ninh – Xa Mát đi qua.
Do đó, cần thiết bố trí một địa điểm mới để tiểu thương có nơi kinh doanh, vừa giúp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vừa tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án đường giao thông.
Vị trí mới cách điểm cũ khoảng 1km về hướng Đông, hiện đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây là điểm tập kết hàng hoá được đầu tư xây dựng quy mô, trên diện tích 2ha. Vị trí mới có nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu về bãi xe, bãi tập kết hàng hoá, mặt bằng mua bán phù hợp, giúp tiểu thương và người dân yên tâm hoạt động.
Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu tập kết, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, UBND xã Bàu Năng thông báo chợ Cầu K13 hiện tại sẽ được di dời đến vị trí mới từ ngày 15-20/3.