Vì sao du lịch Tây Ninh tăng trưởng nhưng đại biểu HĐND vẫn chưa hài lòng?
Vì sao du lịch Tây Ninh tăng trưởng nhưng đại biểu HĐND vẫn chưa hài lòng?
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 06/12/2023 18:39 PM (GMT+7)
Năm 2023, du lịch Tây Ninh ước đạt khoảng 4,5 triệu lượt với doanh thu gần 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, doanh thu bình quân 1 du khách tiêu xài tại Tây Ninh khá thấp.
Giải pháp để du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong những vấn đề được đặt ra tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc ngày 6/12.
Du lịch Tây Ninh tăng trưởng mạnh
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, ông Võ Đức Trong - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành du lịch Tây Ninh đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
Năm 2022, khách tham quan du lịch đạt 4,5 triệu lượt khách, tăng 207% so với năm 2021; doanh thu du lịch đạt 1.465 tỷ đồng tăng 140,7% so với năm 2021.
Đặc biệt, vào dịp Tết Nhâm Dần 2022, có những thời điểm, Tây Ninh dẫn đầu du lịch cả nước về lượng khách đến du xuân.
Ước thực hiện năm 2023, khách tham quan các khu điểm du lịch đạt 5,1 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2022; doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2022 (kế hoạch 2023 là 1.800 tỷ đồng).
Các đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh cũng đánh giá, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã có những bước tiến quan trọng. Số lượng du khách tăng đáng kể.
Tuy nhiên, đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh vẫn chưa hài lòng với kết quả này. Nếu tính lũy kế 10 tháng năm 2023, du lịch Tây Ninh đạt khoảng 4,5 triệu lượt với doanh thu 1.895 tỷ đồng.
Như thế, doanh thu bình quân của 1 du khách tiêu xài tại Tây Ninh là khá thấp. Năm 2022 là 311.000 đồng/du khách, năm 2023 là 421.000 đồng.
Vì vậy, các đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh chất vấn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải pháp gì để du lịch Tây Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.
Du lịch Tây Ninh thiếu sản phẩm níu chân du khách
Theo anh Nguyễn Bình, một du khách đến từ TP.HCM cho biết, ngoài sản phẩm đặc thù là du lịch tâm linh, các điểm du lịch ở Tây Ninh gần như không thay đổi nhiều.
Việc tìm kiếm các điểm vui chơi, giải trí về đêm ở Tây Ninh rất khó. "Sau mỗi chuyến du lịch hành hương trên núi Bà, gia đình tôi thường chọn trở về trong ngày chứ không lưu trú lại. Việc chi tiêu khi tham quan tại Tây Ninh vì thế cũng không đáng kể", anh Bình nói.
Trả lời nội dung chất vấn bằng văn bản tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khoá X, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Tây Ninh xác định du lịch là 1 trong 4 chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Nam Giang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, so với các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, thì ngành du lịch Tây Ninh cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.
Ngành du lịch đã thực hiện tốt việc khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có; định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Để du lịch Tây Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện. Trong đó có chính sách đột phá để thu hút nhà đầu tư, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Tây Ninh tiếp tục xác định trọng điểm đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh chính là Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen. Kết nối đồng bộ những điểm đến trọng điểm với các điểm đến mang tính kết nối, lan tỏa khác trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh Tây Ninh.
Đồng thời, Tây Ninh phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch bằng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách, ông Nguyễn Nam Giang cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.