Hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh sản xuất kinh doanh thế nào mà Công ty KT thủy lợi Miền Nam chả được lợi?
Hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh sản xuất kinh doanh thế nào mà Công ty KT thủy lợi Miền Nam không được lợi?
Trần Khánh
Thứ sáu, ngày 23/02/2024 06:00 AM (GMT+7)
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam không được hưởng lợi từ rất nhiều hoạt động khai thác cát, điện mặt trời, trồng rừng, nuôi trông thủy sản trên công trình thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (trên địa bàn tỉnh Tây Ninh).
Ngày 22/2, Thứ Trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cùng đoàn công tác đã thị sát công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh) nhằm đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam.
Vai trò lớn của công trình thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa là tiền thân của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết, đơn vị đang quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa và hệ thống 5 công trình thủy lợi vùng ĐBSCL.
Các công trình thủy lợi này được công ty quản lý theo hướng đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị.
Công trình thủy lợi thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa có dung tích 1,58 tỷ m3 nước, diện tích mặt nước 2.700ha. Qua gần 40 năm vận hành khai thác, công trình đã có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế xã hội và cải thiện điều kiện môi trường cho những vùng hưởng lợi.
Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh thành (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM), công trình còn có nhiệm vụ phòng - cắt lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho hạ du.
Hiện nay, trên hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa đang có rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân như khai thác cát, điện mặt trời, trồng rừng, nuôi trông thủy sản, giao thông thủy.
Ông Nguyễn Việt Anh cho biết, các hoạt động này cơ bản được các cấp, ngành, chính quyền và công ty quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn công trình, môi trường chất lượng nước.
"Tuy nhiên, do chưa có cơ chế, chính sách, công ty không được hưởng lợi nguồn thu từ các hoạt động trên", ông Việt Anh nhấn mạnh.
Khai thác công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu
Trước đây, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam xây dựng Kế hoạch sử dụng đa mục tiêu trong lòng hồ và vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng xây dựng Đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050 theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, do liên quan nhiều bộ luật, nhóm lĩnh vực, quy hoạch và thẩm quyền phê duyệt, đến nay, đề án đang tạm dừng.
Để phát huy hiệu quả việc quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, công ty kiến nghị Bộ NNPTNT cho chủ trương thực hiện các dự án đầu tư phát triển.
Cụ thể là trên các lĩnh vực như nạo vét lòng hồ, khai thác tiềm năng quỹ đất hiện có, điện mặt trời, trồng rừng, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.
"Các dự án, lĩnh vực này có thể thực hiện theo hướng liên doanh, liên kết, tận dụng các nguồn lực để kinh doanh tổng hợp nhằm vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa tạo nguồn thu cho công ty", ông Việt Anh kiến nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Miền Nam là một trong những doanh nghiệp công ích có quy mô lớn trực thuộc Bộ. Công ty đang quản lý, vận hành nhiều công trình thủy lợi trọng điểm, có tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội và an ninh quốc gia.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, sứ mệnh của ngành thủy lợi là phát triển theo hướng đa mục tiêu. Mặc dù còn tồn tại một số vướng mắc nhưng Bộ NNPTNT rất quan tâm về vấn đề này.
Thứ trưởng đề nghị công ty tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn thiện đề án thủy lợi đa mục tiêu và thực hiện theo từng bước một, có trọng tâm, trọng điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.