Từ giống mít lạ, ông Mẫn không chỉ thu về tiền tỉ cho gia đình mà còn nhân giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng cho nhà vườn từ Nam ra Bắc vươn lên cải thiện thu nhập, làm giàu chính đáng.
Ông Trần Minh Mẫn năm nay 75 tuổi, dáng người cao ráo, nước da ngăm đen, rắn rỏi. Trong quá trình trò chuyện với tôi, ông vừa nghe điện thoại từ một số siêu thị ở TP Hồ Chí Minh thúc giao hàng mít tươi và chốt đơn hàng bán cây giống mít không hạt từ nhiều nhà vườn.
Ông Mẫn cho biết, trước khi nổi danh với giống mít không hạt, ông được biết đến là nông dân mát tay trong trồng quýt hồng rồi đến sầu riêng nghịch vụ.
Từ năm 2007, vườn sầu riêng của gia đình thoái hóa nên ông quyết định đi tìm giống cây mới để thay thế và cơ duyên gắn bó với giống mít không hạt cũng bắt nguồn từ đây.
Năm 2010, trong lần đi dự hội thảo tại Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, ông ghé thăm nhà một người bạn ở tỉnh Tiền Giang được người bạn giới thiệu về một giống mít có nguồn gốc từ Myanmar với những đặc tính “rất lạ” và được cho 1 trái mang về làm quà. Vài ngày sau, mít bắt đầu chín, tỏa mùi thơm nhẹ.
Ông Trần Minh Mẫn, nông dân tình cờ khám phá, sở hữu giống mít không hạt bên vườn trồng mít không hạt của gia đình ở khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng (TP Cần Thơ).
Ðiều rất lạ là khi cắt ra, mít không có hạt, không có mủ. Ðây có thể nói là 2 nhược điểm lớn nhất của các giống mít truyền thống nhưng giống mít này hoàn toàn khắc chế được. Không chỉ vậy, múi và xơ có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh nên có thể ăn cả xơ.
Vốn là người nhạy bén, giàu sáng kiến, nhìn thoáng qua, ông Mẫn nhận thấy ngay cơ hội làm giàu từ giống mít lạ này.
Thế là ông tức tốc quay lại nhà người bạn ở Tiền Giang để chiết nhánh làm giống. “Ðây là giống mít đột biến, nói đúng hơn là giống mít “trời cho”.
Qua những ngày nghiên cứu, đợt đầu tiên, ông Mẫn làm được 100 cây giống và trồng xen trong vườn sầu riêng. Sau khoảng hơn 2 năm trồng, mít bắt đầu cho rất nhiều trái, trái to nhất có thể nặng đến 20kg” - ông Mẫn nhớ lại.
Mít không hạt được nhân giống và trồng thành công, nhưng ông Mẫn khổ tâm nhất ở khâu đưa ra thị trường vì “người ta không tin có giống mít như vậy”.
Từ đó, ông Mẫn nghĩ ngay đến việc phải quảng bá đứa con tâm huyết bằng cách cho người dân dùng thử ở các chợ, giới thiệu cho các sở ngành...
Năm 2014 đánh dấu sự thăng hoa của giống mít lạ khi ông Mẫn đem sản phẩm của mình tham gia Hội thi Trái cây ngon - an toàn Nam Bộ và được ban tổ chức trao giải Nhất.
Sau hội thi trên, giống mít lạ của ông Mẫn đã chính thức được đặt tên: mít không hạt Ba Láng và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Khi được hỏi tại sao không lấy tên mình đặt cho giống mít, ông Mẫn bộc bạch: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền là những địa danh gắn liền với vùng trồng cây ăn trái, trồng lúa nổi tiếng của Cần Thơ.
Ông bà, cha mẹ của tôi bao đời gắn với vùng đất này nên khi sở hữu giống mít lạ và trồng thành công tôi nghĩ ngay đến việc đặt tên gắn liền với địa danh Ba Láng như một lời tri ân đến quê hương mình”.
Hiện với diện tích khoảng 4.000m2, trồng khoảng 50 gốc mít không hạt, mỗi năm ông Mẫn bán ra hàng tấn mít tươi (giá 50.000 đồng/kg) cùng hàng ngàn cây mít giống (giá 60.000 đồng/cây) và thu về hàng tỷ đồng.
Từ thành công của bản thân, ông Mẫn bắt đầu nhân giống và chia cho bà con trong vùng trồng, nhân rộng. Trong 10 năm qua, giống mít không hạt Ba Láng không chỉ được đặt hàng từ Nam chí Bắc mà còn được bán sang các nước bạn như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào,...
Theo ông Mẫn, quy trình trồng mít không hạt nói khó không khó, nói dễ không dễ, điều cốt yếu là phải để tâm trong quá trình trồng cũng như chăm sóc. Muốn phát triển lâu dài với cây mít, theo ông Mẫn, người trồng phải trau dồi và học hỏi kỹ thuật và biết cách thu hoạch để mít cho trái quanh năm.
Mít không hạt thích hợp trồng ở vùng đất cao, đồi núi, còn trồng ở ÐBSCL phải đặc biệt lưu ý lên mô cao như trồng sầu riêng.
Ðó cũng là lý do tại sao hầu hết các đơn hàng bán giống của tôi chủ yếu ở miền Bắc, Trung và khu vực Tây Nguyên.
“Tôi đã phối hợp với các thầy Trường Ðại học Cần Thơ để hoàn thiện quy trình trồng mít không hạt Ba Láng đạt năng suất, hiệu quả cao. Nếu tuân thủ theo quy trình này, bà con sẽ thu được kết quả như mong muốn.
Mặt khác, nhược điểm của mít không hạt Ba Láng là trái dễ bị méo, do đó bà con đảm bảo bón phân đạm theo đúng tỷ lệ mới cho ra trái mít tròn đều, đẹp mắt.
Ngoài ra, loại cây này rất chuộng phân chuồng, nên chỉ bón phân hóa học lượng ít khi cây trên một năm tuổi”.
Sự nỗ lực của ông Mẫn những năm qua đã dược Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương ghi nhận và tôn vinh như danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; kỷ niệm chương Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam…
Ông Mẫn khẳng định, nhiều năm qua, ông không hề kêu gọi người dân hãy mua cây giống của mình về trồng, cũng không quảng bá bằng cách này, cách kia lôi kéo khách hàng, kể cả nhà ông cũng không treo bảng hiệu bán mít không hạt và cây giống.
Phần lớn người dân trong và ngoài nước biết đến ông Mẫn và mít không hạt qua báo đài, nếu ai muốn tìm hiểu thì đến tận nhà ăn thử thấy ngon thì mua về ăn, hoặc đem cây giống về trồng.
Ông Trần Minh Mẫn, khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) trải lòng: “Tôi năm nay tuổi đã lớn, niềm mong ước lớn nhất của tôi là tiếp tục đưa cây mít không hạt Ba Láng đi xa hơn, được người dân nhiều nơi tiếp nhận và nhân rộng.
Tôi vui vì dù mít không hạt Ba Láng không còn nổi như khoảng 5-7 năm về trước nhưng vẫn có nhiều đoàn khách đến tìm hiểu về mít không hạt.
Và càng vui hơn khi nhận các cuộc gọi từ nhiều địa phương đến đặt mua cây giống về trồng. Ðiều đó chứng tỏ mít không hạt Ba Láng không chỉ đem lại lợi nhuận cho gia đình tôi mà còn thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nhà vườn khắp mọi miền đất nước”.