Nghịch lý trung tâm thương mại ở Hà Nội: Xa đông, gần vắng. Clip: Trung Hiếu.
Nằm tại khu "đất vàng" trên trục đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội), nhưng một trung tâm thương mại lớn lại vắng vẻ lạ thường. Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, mặc dù vào khung "giờ vàng" ngày cuối tuần nhưng lượng khách đến đây chỉ lác đác vài người. Nhiều gian hàng vẫn còn nguyên hàng hoá, kệ tủ… cửa đóng then cài trong giờ hành chính.
Ngồi chờ 10 phút đồng hồ tại khu vực trưng bày đồ gia dụng, dụng cụ bếp ngay cửa ra vào, phóng viên mới gặp được một vị khách trẻ tuổi tên Phạm Đức Doanh (20 tuổi, Hà Đông) tiến vào phía trong. Theo chàng trai 20 tuổi, anh chủ yếu đến đây để tham quan, thư giãn… chứ không có nhu cầu mua hàng.
Sau khi đi một vòng quanh trung tâm thương mại này, anh Doanh bộc bạch: “Thực ra mình thấy trung tâm thương mại mà vắng khách thì cũng không thú vị lắm, các khu vui chơi thậm chí đều đóng cửa nên nhu cầu giải trí của mình không được đáp ứng. Hôm nay tiện đi đường qua đây nên mình ghé vào thử, mình thấy lượng người lui tới nơi này rất ít, không khí 'vắng lặng như tờ', mình đi một lần cho biết chứ cũng không có ý định quay trở lại”.
Cùng chung "cảnh chợ chiều", một trung tâm thương mại khác nằm ngay mặt đường Cầu Giấy dù sở hữu 8 tầng với các khu ẩm thực, nội thất, vui chơi giải trí, thời trang… riêng biệt, nhưng nhiều gian hàng bị bỏ trống. Một số điểm tung ra các chương trình đại hạ giá nhằm thu hút khách nhưng gần như không có ai vào để nhân viên giới thiệu sản phẩm.
Một chủ gian hàng bán quần áo tại đây cho biết, sau đại dịch Covid-19, tình trạng vắng vẻ, ế khách diễn ra thường xuyên. Người này nói trong tiếng thở dài: “Dù không bán được hàng nhưng vì hợp đồng thuê mặt bằng vẫn chưa hết hạn nên tôi chưa thể hoàn trả. Từ ngày hôm qua đến hôm nay tôi không bán được một sản phẩm nào”.
“Đó là chưa kể các chi phí dịch vụ, marketing, thuế trung gian… hàng tháng khiến tôi bị lỗ rất nặng sau nửa năm kinh doanh. Tôi đã phải tiến hành thanh lý một số mặt hàng tồn với giá thấp hơn cả giá gốc nhập vào cho một đại lý khác. Thậm chí, tôi còn nghĩ đến trường hợp mình không thể cầm cự thêm được nữa thì sẽ buộc phải ngừng kinh doanh”, chủ gian hàng này tâm sự.
Theo ghi nhận, một ngày cuối tuần giữa tháng 9, trung tâm thương mại ở quận Long Biên bên kia sông Hồng (Hà Nội) lượng khách ra vào tấp nập. Dạo một vòng quanh khu ẩm thực, các chỗ ngồi đã chật kín. Lượng người xếp hàng chờ thanh toán ngày càng đông khiến các nhân viên thu ngân phải làm việc hết công suất.
Cùng bạn bè đến trung tâm thương mại này để vui chơi dịp cuối tuần, anh Lê Mạnh Hùng (21 tuổi, Nam Từ Liêm) cho biết đây là thói quen được anh duy trì từ khi bắt đầu học Đại học đến nay. “Sau mỗi tuần học việc và làm việc mệt mỏi, mình cần được thư giãn cùng bạn bè. Mình không tới các điểm mua sắm hoặc vui chơi trong khu vực mấy quận trung tâm vì đường phố thường xuyên bị tắc. Mình ưu tiên chọn khu vực ngoại thành nhiều hơn, dù nhà mình cách đây 13km, lý do là vì đường sá thông thoáng và đồ ăn trong này nhiều loại, mình ăn thử ở đây 3 năm rồi vẫn chưa hết đồ” (cười).
“Một trong những lý do khiến mình ưu tiên lựa chọn điểm đến này vì ngoài sự đa dạng về đồ ăn thức uống, mình còn có thể xem phim hay tham gia các hoạt động vui chơi giải trí khác, rất đa dạng”, chàng trai 21 tuổi nói sau khi cùng bạn thảo luận nên xem bộ phim nào sau giờ ăn trưa.
Tương tự anh Hùng, chị Lê Thúy Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ, bản thân chị cũng bị thu hút bởi những trung tâm thương mại đông người qua lại. “Mình cảm giác đi ăn uống tại đây mà thấy nhiều người cùng tới ăn chứng tỏ chất lượng món ăn ngon. Nhiều hôm cuối tuần nhưng còn công việc cần giải quyết thì có thể đem giấy tờ, tài liệu tới đây ngồi xử lý, bao giờ xong việc thì tiện ăn trưa hoặc ăn tối luôn, rất tiện lợi”.
Chị Thúy Anh cũng bày tỏ sự hào hứng: “Trong trung tâm thương mại này, các thương hiệu thời trang khá đa dạng, mình cũng thường xuyên cần mua sắm quần áo và phụ kiện công sở để phục vụ cho việc đi làm. Lượng khách hàng vào dịp cuối tuần thường rất đông nhưng mình không ngần ngại đứng xếp hàng gần cả tiếng đồng hồ chờ đến lượt thanh toán để mua được sản phẩm ưng ý”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Văn Tịnh - chuyên gia bất động sản cho hay, cùng là địa điểm mua sắm, ăn uống… với hình thức đầu tư tương tự nhau, nhưng các trung tâm thương mại tại Thủ đô lại luôn trong tình trạng “xa đông, gần vắng” vì chính sách mở rộng giãn dân. “Về cơ bản, dân tập trung ở các khu mới đông hơn, nên chi phí thuê mặt bằng rẻ hơn, sản phẩm bán ở trung tâm thương mại xa nội đô cũng rẻ hơn”.
Anh Tịnh nói thêm: “Chưa kể, các trung tâm thương mại ở xa trung tâm có diện tích rộng hơn, nhiều khu vui chơi đi kèm nên thu hút đông đảo khách tới trải nghiệm, nhất là các bạn trẻ”.
Nhận định về mặt bằng cho thuê quý IV năm nay và giai đoạn đầu năm sau, anh Tịnh cho rằng, giá thuê mặt bằng sẽ tiếp tục có sự hạ nhiệt, đặc biệt ở phân khúc cho thuê địa điểm bán hàng tại các trung tâm thương mại ở nội đô. “Vì tình hình suy thoái chung, không có người thuê, bắt buộc đơn vị cho thuê cần giảm giá thuê. Các chính sách hỗ trợ của bên cho thuê là cần thiết để thu hút các khách hàng thuê mới thay thế cho các khách hàng đã rời đi và chính sách marketing của các trung tâm thương mại cũng có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng mua sắm”.