Kita Invest - "đế chế" bất động sản làm ăn ra sao?

Phương Thảo Thứ bảy, ngày 14/09/2024 08:33 AM (GMT+7)
Dù lợi nhuận các năm của Kita Invest đều tăng trưởng bằng lần nhưng doanh nghiệp này vẫn gánh một khoản nợ khổng lồ. Những khoản nợ phải trả này đều cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, thậm chí, hệ số thanh toán hiện hành kém biểu hiện khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp này yếu.
Bình luận 0

Công ty Cổ phần Kita Invest được CTCP Tập đoàn Kita Group thành lập vào tháng đầu 01/2019, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Kita Group góp 30%, bà Đặng Thị Thùy Trang (giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) nắm 30% và ông Nguyễn Duy Kiên 40%.

Khoảng nửa tháng sau, ngày 21/1/2019, Công ty nâng vốn lên 1.150 tỷ đồng. Tháng 4 cùng năm, ông Kiên - Chủ tịch HĐQT thay bà Trang làm đại diện pháp luật. Hai tháng sau, vào tháng 06/2019, ông Đỗ Xuân Cảnh thay ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật.

Được biết, ông Kiên là Chủ tịch Tập đoàn Kita Group, còn bà Trang là CEO Tập đoàn Kita Group.

Liên quan đến dự án tên tuổi của Kita Invest - Stella Mega City, ngày 14/7 vừa qua Kita Invest đã đem thế chấp phần tài sản liên quan đến dự án này cho khoản vay tại ngân hàng Vpbank, chi nhánh Cần Thơ.

Kita Invest có trụ sở tại TP.HCM nhưng được biết nhiều ở Cần Thơ khi là chủ đầu tư của khu đô thị lớn nhất ở thành phố - Stella Mega City. Dự án có quy mô 150 ha với tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng; cung cấp 5.000 nền nhà phố, biệt thự, shophouse.

Mới đây nhất, hồi đầu tháng 9, công ty cũng khởi công dự án Stella Icon (tên pháp lý dự án: Chung cư Ngôi sao 360 - Stella 360) nằm tại Bình Thủy do Kita Invest làm chủ đầu tư và Kita Group là nhà phát triển dự án.

Kita Invest - "đế chế" bất động sản làm ăn ra sao?- Ảnh 1.

Dự án Stella Mega City

Kita Invest đang kinh doanh ra sao?

Kita Invest - "đế chế" bất động sản làm ăn ra sao?- Ảnh 2.

Tình hình tài chính nửa đầu năm 2024

Theo báo cáo tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024, Kita Invest ghi nhận lãi sau thuế tăng đột biến khi gấp 21 lần so với cùng kỳ, từ 2,4 tỷ đồng lên 50,9 tỷ đồng. Con số lãi này thậm trí còn cao hơn 12% so với kết quả thực hiện cả năm 2023.

Nhìn lại giai đoạn 2021 - 2023, Kita Invest đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tích cực. Chẳng hạn như năm 2021, Công ty ghi nhận lãi vỏn vẹn hơn 510 triệu đồng. Nhưng sang tới năm 2022, con số này đã tăng tới hơn 32 lần lên 4,9 tỷ đồng và tới năm 2023, con số này tiếp tục tăng tới 9 lần lên 44,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng đột biến này lại không được Kita Invest thuyết minh chi tiết.

Kita Invest - "đế chế" bất động sản làm ăn ra sao?- Ảnh 3.

Số liệu: Báo cáo tình hình kinh doanh các năm, Dân Việt tổng hợp

Khả năng trả nợ yếu...

Tính đến ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Kita Invest ghi nhận ở mức 1.255 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0,21% cùng kỳ năm trước lên 4,05% ở kỳ này.

Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh, từ 8,8 lần lên 12,3 lần, tương ứng nợ phải trả vào thời điểm cuối quý 2/2024 là 15.436 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là 1.195,6 tỷ đồng, đưa dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cải thiện từ 0,7 lần về còn 0,6 lần.

Thế nhưng, những con số kể trên chưa thể hiện được hết vấn đề đáng lưu tâm tại Kita Invest.

Tài liệu Dân Việt có được (dữ liệu riêng lẻ), tại ngày 31/12/2023, chỉ tiêu Nợ phải trả của Kita Invest đạt 13.945 tỷ đồng, tăng 3.522 tỷ đồng, tương đương 33,8% so với cuối năm 2022. Nợ cao gấp 11,6 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 92,1% tổng tài sản. Có thể thấy hoạt động của Kita Invest chủ yếu được tài trợ bởi nợ.

Không chỉ gánh khối nợ khổng lồ, vấn đề nợ của Kita Invest còn đáng chú ý hơn khi phần lớn tập trung ở nợ ngắn hạn, điều này khiến áp lực trả nợ là cao.

Hồi cuối năm 2023, nợ ngắn hạn của Kita Invest là 8.343 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ. Trong khi đó, Tài sản ngắn hạn chỉ đạt 6.598 tỷ đồng. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời chỉ là 0,79.

Tuy hệ số thanh toán hiện hành của doanh nghiệp có cải thiện trong năm 2022 - 2023 nhưng theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán nhỏ hơn 1 sẽ thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu - dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Kita Invest - "đế chế" bất động sản làm ăn ra sao?- Ảnh 4.

Được biết, Kita Invest đang có 3 lô trái phiếu KITA.BOND2020.03, KITA.BOND2020.07 và KITA.BOND2020.08 lưu hành trên thị trường. Cả 3 lô trái phiếu trên đều được phát hành vào năm 2020.

Trong đó, hai lô KITA.BOND.2020.07 và KITA.BOND.2020.08 có kỳ hạn 48 tháng, tuy nhiên vào ngày 25/7 vừa qua, công ty đã gia hạn thêm 12 tháng lên 60 tháng.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp này lùi thời gian đáo hạn trái phiếu. Hồi tháng 5, Kita Invest cũng đã thay đổi nội dung kỳ hạn đối với mã trái phiếu KITA.BOND2020.03 phát hành ngày 5/5/2020, mệnh giá 500 tỷ đồng. Theo đó, thay vì đáo hạn vào ngày 5/5/2023, mã trái phiếu sẽ được kéo dài kỳ hạn thêm 6 tháng, kỳ trả gốc vào ngày 5/11/2023.

Lý do kéo dài kỳ hạn trái phiếu được Kita Invest đưa ra là do tình hình khó khăn chung của ngành bất động sản nên tổ chức phát hành mong muốn được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu để giảm bớt áp tài chính và ổn định hoạt động kinh doanh trong thời gian khó khăn.

Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu 6 tháng đầu năm 2024, Kita Invest đã trả lãi tổng cộng 59,5 tỷ đồng cho 4 lô trái phiếu trên.

Kita Group tiền thân là CTCP Thực phẩm đồ uống F1, được thành lập từ năm 2014. Tại thời điểm tháng 8/2016, ông Nguyễn Duy Kiên và bà Đặng Thị Thùy Trang lần lượt sở hữu 55% và 22,5% vốn điều lệ của F1.

Hệ sinh thái của Kita Group ngoài Kita Invest còn có hàng loạt doanh nghiệp "họ" Kita như: CTCP Tập đoàn Kita Group, CTCP Kita Holding, CTCP Kita Land.

Trong 2 năm qua, KITA Group đã "bắc tiến" với loạt dự án nằm ở vị trí đắc địa. Trong đó có thể kể đến dự án KITA Capital nằm trong quần thể Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra với dòng bất động sản cao cấp như: Biệt thự đơn lập, song lập, nhà liên kế, chung cư cao cấp, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và tháp tài chính hiện đại.

Trong lộ trình Bắc tiến của KITA Group còn kể đến dự án Stella tại Quốc Oai (Hà Nội); Dự án Sukura Golf cao cấp (Hải Phòng); Dự án TAX Resort rộng 58 ha (Hà Nội): Phân khu đô thị Hòa Lạc 8,2 ha…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem