Quảng bá hạt lúa Việt ở châu Phi

Thứ tư, ngày 25/01/2012 17:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong bối cảnh Thái Lan và nhiều nước đang đẩy mạnh xuất khẩu, việc quảng bá “hạt ngọc” Việt bằng cách đầu tư trồng, chuyển giao kỹ thuật là một điều hết sức cần thiết.
Bình luận 0

Từ Sierra đến Liberia...

Câu chuyện trồng lúa ở châu Phi, bắt đầu từ cách đây khoảng 5 năm khi bà Từ Thanh Hương, một Việt kiều Đức thuê 110ha đất nông nghiệp ở nước Cộng hoà Sierra Leone làm trang trại trồng lúa. Lý giải về lý do chọn đất nước này, bà Hương cho hay: "Thổ nhưỡng, khí hậu ở Sierra Leone giống như đồng bằng Nam Bộ Việt Nam, rất thuận lợi trồng lúa nước. Trong khi đấy là đất nước còn rất khó khăn về lương thực".

img
Nhiều nông dân ĐBSCL đã được đưa sang các nước châu Phi để chuyển giao kỹ thuật trồng lúa.

Theo bà, việc đầu tư trồng lúa hiện nay ở quốc gia này đang được tiến hành. “Chúng tôi dựa trên cơ sở hạ tầng thuỷ lợi sẵn có rồi đầu tư thêm một số hạng mục để sản xuất lúa giống bán lại cho người dân địa phương"- bà Hương cho biết.

Trước đó, Công ty Long Dân, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mặt hàng nông sản có trụ sở tại TP.HCM đã hợp tác với GS Võ Tòng Xuân bỏ ra 150.000USD để trồng lúa tại đất nước này.

Theo GS Võ Tòng Xuân, tại Sierra Leone chỉ cần cải tạo lại, bón phân hữu cơ, cải tạo hệ thống kênh dẫn nước từ sông vào là có thể trồng được mỗi năm 2 vụ lúa ngắn ngày. Năm 2006, sau một năm rưỡi thử nghiệm, Công ty Long Dân và nhóm chuyên gia do GS Võ Tòng Xuân dẫn đầu đã thu được kết quả khá tốt. Năng suất lúa (giống lúa ngắn ngày đem từ đồng bằng sông Cửu Long qua) đạt 4,8 - 5,2 tấn/ha trong vòng 105 ngày, so với giống lúa địa phương trên 140 ngày mà năng suất dưới 3 tấn/ha.

Một số công ty của nước láng giềng Nigeria nghe tin đã lập tức mời GS Võ Tòng Xuân sang khảo sát giúp. GS Xuân đã sang Nigeria thăm 7 tiểu bang, rồi cũng thiết kế chương trình tương tự như ở Sierra Leone. Cũng tương tự như thế, nhóm chuyên gia Việt Nam đã có mặt tại Sudan, Mozambique, Rwanda, Burundi và Liberia để khảo sát vùng thích nghi cây lúa của Ghana và Mauritania theo yêu cầu của Công ty Nissa Development Ltd và Societe Mauritanienne d'Armement Pelagique.

img
 

Tại Liberia, PGS - TS Dương Văn Chín - Phó Viện Trưởng Viện Lúa ĐBSCL, người đang cùng làm việc với những công nhân nông nghiệp ở một trại thực nghiệm trồng lúa tại vùng Madina cách thủ đô Monrovia 150km, cũng cho biết: “Liberia là một trong số 37 nước trên thế giới đang gặp khủng hoảng và mất an ninh lương thực. Hàng năm đất nước này cần khỏang 500.000 tấn gạo để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong khi đó, diện tích lúa ở đất rất nhỏ, năng suất thấp. Vì vậy, việc các chuyên gia Việt Nam có mặt tại đây để giúp họ trồng lúa, quảng bá hạt ngọc Việt rất có nhiều ý nghĩa”.

Thực tế là sau một thời gian khảo sát, với kinh nghiệm của mình, Việt Nam có thể giúp Liberia phát triển trồng lúa cũng như quảng bá hạt lúa Việt Nam. Theo PGS - TS Chín, chúng ta đã và đang chuyển giao cho bạn những kỹ thuật phù hợp. Thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống thoát thủy khoa học cho vùng đầm lầy. Du nhập và thử nghiệm các giống lúa chất lượng cao từ châu Á. Tập huấn và tổ chức nhân giống lúa cấp xác nhận. “Việc đưa kỹ thuật trồng lúa sang giúp đỡ bạn một mặt sẽ tăng cường quan hệ hai nước, mặt khác sẽ giúp người dân nơi đấy biết đến hạt lúa Việt Nam”- PGS - TS Chín nói.

Vẫn phải vượt qua nhiều rào cản

Châu Phi đang được xem như lục địa có nhiều tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác. Với Việt Nam, các lĩnh vực hợp tác với châu Phi còn nhiều cửa mở như công nghiệp, thương mại, đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp…

Theo những thông tin mới nhất, hiện nay nhiều quốc gia châu Phi đã chính thức đặt vấn đề mở rộng hợp tác đi vào chiều sâu bằng cách đưa nông dân Việt Nam sang châu Phi, triển khai các chương trình sản xuất lúa và chế biến tại chỗ. Hiện tại, ở một số quốc gia châu Phi như Benin, Mali, Mozambique, Guinea Conakry… cũng có khoảng hơn 30 chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đang trực tiếp giúp các nước bạn về nhiều ứng dụng công nghệ - khoa học mà Việt Nam đã thành công trong thời gian qua.

Theo con số thống kê hiện tại, mỗi năm các nước châu Phi phải chi 18 tỷ USD nhập khẩu lương thực. Việc đưa hạt lúa sang đây không những tăng cường quan hệ mà lâu dài còn sẽ quảng bá hạt gạo, giúp hạt gạo Việt Nam tìm kiếm thị trường tại đây.

Theo con số thống kê hiện tại, mỗi năm các nước châu Phi phải chi 18 tỷ USD nhập khẩu lương thực. Việc đưa hạt lúa sang đây không những tăng cường quan hệ mà lâu dài còn sẽ quảng bá hạt gạo, giúp hạt gạo VN tìm kiếm thị trường tại đây.

Tuy nhiên, việc chuyển giao và đưa cây lúa sang trồng ở châu Phi không hề đơn giản. PGS - TS Dương Văn Chín cho biết thực tế, việc qua Sierra Leone trồng lúa đã tiến hành từ mấy năm nay rồi. Chúng ta có lập Công ty Hữu Nghị, đưa khoa học kỹ thuật, nhân lực, tài chính qua để đầu tư, sản xuất lúa tại Sierra Leone nhưng khi công ty lập kế hoạch để vay tiền Nhà nước thì Nhà nước nói không có tiền, dự án ách tắc mấy năm nay". Ông cho biết phía Việt Nam muốn giúp nhưng chỉ có thể chuyển giao kỹ thuật và giống, chia sẻ kinh nghiệm còn kinh phí thì khó khăn.

Ông Alie Badara Mansaray - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực Cộng hoà Sierra Leone cho biết, đã có giống lúa được mang từ đồng bằng sông Cửu Long sang Sierra Leone trồng và giống này phát triển tốt, nhưng việc đầu tư chưa được mở rộng do chính sách đầu tư hạ tầng thuỷ lợi chưa có.

Ông Alie Badara Mansaray cam kết Chính phủ Sierra Leone sẽ có những chính sách hỗ trợ về kinh phí phát triển thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng. Việc quan trọng nhất là thành lập các liên doanh giữa Việt Nam và Sierra Leone để cùng khai thác thị trường tiềm năng và sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu cho các nước Tây Phi, châu Phi và các thị trường khác như châu Âu.

Riêng PGS - TS Dương Văn Chín thì đề xuất, muốn đầu tư phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả thì phải có sự hợp tác 3 bên: "Trong thời gian sắp tới, khả năng dự án có thể khởi động được vì Ai Cập hứa sẽ giúp về mặt tài chính. Hình thức hợp tác là: Sierra Leone có tài nguyên và nhân lực, Việt Nam cung cấp chuyên gia cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, còn nguồn tài chính từ Ai Cập. Khi đó, Bộ NNPTNT sẽ soạn dự án chi tiết. Khi có kinh phí sẽ hoạch định chi tiết làm như thế nào, trong mấy năm, cử bao nhiêu chuyên gia sang, máy móc, trồng cây gì ưu tiên…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem