Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 1.

Những năm ấy, tôi đang thời sung sức, là phóng viên nội chính của tờ báo Nông thôn Ngày nay (bây giờ có thêm báo điện tử Dân Việt – danviet.vn). Nghe thiên hạ đồn thổi về Nguyễn Tiến Công – tên "vua đạo chích" ấy rất nhiều. Vừa vì tò mò, vừa là máu nghề nghiệp, tôi cố mò mẫm đi tìm, hy vọng có thể gặp được tên trộm có số má của đất Bắc…

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 3.

…Nhưng mọi cố gắng của tôi trở thành vô vọng. Người thì bảo nó đã chết trong tù; người thì bảo nó đã được tha và lại tiếp tục "hành tẩu giang hồ", có người lại nói nó đi làm lại cuộc đời đâu mãi trong miền Nam. Có người bảo nó đi làm ăn bên Trung Quốc… Mỗi người mỗi kiểu theo cách hình dung của họ. Và, sau mấy năm bỏ công tìm kiếm, tôi đành thua cuộc.

Gần 20 năm đã trôi qua, những câu chuyện, những hành trạng và tên tuổi của "vua đạo chích" đã chìm vào quên lãng. Cứ tưởng là tôi sẽ không bao giờ có cơ hội viết về nó – "vua đạo chích" Nguyễn Tiến Công nữa.

Cho đến một buổi chiều của tháng trước…

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 4.

Trong một cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè bên bờ Hồ Tây, Hà Nội. Hôm ấy, có lẽ lập thu. Mưa dầm dề. Trời tối mịt mùng, mặc dù khi ấy mới 15 giờ chiều. Giữa cái không khí liêu trai lành lạnh, dưới ánh đèn vàng tù mù, giữa tiếng bập bùng, thánh thót của cây guitar gỗ, tôi chợt nhớ đến nó – Nguyễn Tiến Công.

Và thật bất ngờ, thượng tá Đào Đức Thực – nguyên cán bộ cảnh sát điều tra, cảnh sát kinh tế, cảnh sát hình sự của Công an Quận Ba Đình (Hà Nội) – một thành viên trong nhóm chúng tôi hôm ấy – vỗ vai và trách móc khi nghe tôi hỏi về "vua đạo chích". Anh bảo: "Hồi ấy sao ông không hỏi tôi nhỉ. Tôi là bố nó đây!".

Ngỡ ngàng. Và sau đó là vui mừng. Ngay chiều hôm sau anh Thực đưa tôi đi gặp "vua đạo chích".

Hôm ấy, anh Thực tự lái xe, chiếc xe bán tải màu tím láng coóng. Trên xe còn có thêm bà xã và cháu ngoại của anh. Anh bảo: "Mỗi lần về thăm nó – Nguyễn Tiến Công – tôi đều muốn đưa người thân của mình đi cùng cho nó đầm ấm, ông ạ!".

Từ đường Dương Đình Nghệ - Trụ sở Báo NTNN/Dân Việt đến nhà của Nguyễn Tiến Công (thôn Thái Bình, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chỉ khoảng 45km mà chúng tôi đi mất gần 2 giờ đồng hồ. Đường quá đông.

Xe chạy trên một triền đê, bên phải đê - phía bãi, trồng bạt ngàn những cây chuối tiêu. Bên trái là khu dân cư. 16 giờ, anh Thực chỉ một hàng cau mọc rất đều phía bên tay trái bảo tôi: "Nhà người yêu xưa của thằng Công đấy!".

Thêm một cây số nữa, anh Thực dừng xe trước một ngôi nhà rất khang trang. Tưởng đã đến nơi. Nhưng không, chắc là do anh Thực đi về nơi này nhiều nên có vẻ thân thuộc. Thấy chủ nhà ra chào hỏi và "OK" cho anh gửi xe. Chúng tôi phải đi bộ gần 300m nữa mới đến nhà Công. Qua một con ngõ phong quang với những giàn hoa giấy đỏ rực bên đường, mồ hôi chúng tôi tuôn như tắm dưới cái nắng chiều đầu tháng tám.

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 5.

Ngôi nhà của Công được xây hai tầng kiên cố. Nhưng nhìn nó, tôi vẫn thấy lành lạnh. Công hớn hở ra mặt khi thấy bố mẹ Thực về thăm. Nó lăng xăng lau bàn, rót nước đầy vẻ lóng ngóng. Gọi là "nó" nhưng trước mắt tôi là một người đàn ông 40 tuổi (Công sinh năm 1981) trắng trẻo, dong dỏng cao với gương mặt còn mờ mờ râu quai nón vừa cạo – một gương mặt nam tính, cương nghị.

Công vừa từ nhà của anh chị ở Đắk Lắk về hơn một tháng nay. Nó bảo với anh Thực: "Chắc con về ở hẳn ngoài này thôi, bố ạ. Nhà cửa không có ai chăm nom, hoang tàn lắm!". Anh Thực hỏi: "Về đây, rồi mày làm gì để sống?". "Từ từ con tính, bố".

Hóa ra, sau khi hết hạn thi hành án (năm 2018), Công vào nhà anh chị ruột ở gần hồ Eaka (Đắk Lắk) tá túc. Anh chị cho nó một khoảnh rẫy làm cà phê. Tự làm, tự ăn, cũng đủ sống. Gia đình mỗi người mỗi nơi. Các anh chị của Công muốn bán ngôi nhà ở quê vì không có người trông nom. Nhưng Công thì không muốn. Nó muốn giữ lại ngôi nhà của cha mẹ "để lấy chỗ đi về cho mọi người". Đấy chính là lý do lần về quê này, nó quyết tâm ở lại.

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 6.

Công nói với tôi: "Nếu không phải là bố Thực đưa anh đến, em sẽ không gặp anh đâu. Chuyện qua lâu rồi, em không muốn nhắc đến nữa. Mà thiên hạ cũng buồn cười anh nhỉ? Ngữ như em thì "vua chúa" gì anh. Những điều anh nghe, chủ yếu là do "giang hồ" thêu dệt là nhiều. Em, nghĩ cho cùng cũng chỉ là một thằng hư hỏng, như những thằng hư hỏng khác thôi!" – Đó là câu mào đầu, trước khi Công mở lòng cùng chúng tôi.

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 7.

Công sinh năm 1981, "tốt nghiệp cấp I" Công bỏ học. Lêu lổng ở nhà một thời gian ngắn, nó bỏ nhà, lên Hà Nội năm 1993, bắt đầu dấn thân vào chốn gió bụi, sông hồ.

Về thủ đô, Công vạ vật ở ngõ Cấm Chỉ - gần chợ xe máy Phùng Hưng. Ai thuê gì làm nấy, gặp gì ăn đấy. Thấy Công có vẻ sáng sủa, thật thà vợ chồng Sơn – Mai, chủ một quán phở đưa nó về nhận làm con nuôi. Công có "công ăn việc làm" và chỗ tá túc từ đó.

"Em nhớ nhất cái Tết đầu tiên xa nhà – Công kể - năm 1993 sang năm 1994. 30 Tết, quán phở vẫn mở cửa. Một nhóm đàn ông 5-7 người ngồi một bàn. Bàn bên cạnh duy nhất chỉ một người đàn ông. Người đàn ông đó sang nhóm người kia mượn bật lửa Zippo để châm thuốc. Nhóm người kia không những không cho mượn vì lý do "Tết nhất, không cho thằng nào lửa" còn xông vào hành hung người mượn lửa vì "dám nhìn đểu bọn tao!". Cốc chén, bát đĩa bay tứ tung, quán phở tan hoang. Cuộc ẩu đả chỉ kết thúc khi một người trong nhóm kia nhận ra là họ đang hành hung "đại ca" Hải "Bánh"…

Tuổi trẻ, thiếu sự giáo dục của gia đình, trường học, giữa môi trường đầy cám dỗ, Công nhanh chóng trượt dài. Năm 1995 (14 tuổi) Công chính thức thành "đạo chích". "Giờ mà anh hỏi em trộm bao nhiêu vụ, trộm những gì, ở đâu... là em không nhớ hết đâu!" Công bảo.

 - Nhưng cũng vẫn nhớ những vụ "điển hình" chứ? 

- Vâng, cũng… hơi nhiều. Ba lần vào tù ra tội cơ mà anh!

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 8.

Nhớ nhất là những lần đột nhập vào Bộ Tư pháp, Tổng cục Bưu điện, Tổng Công ty Cà phê và… nhà riêng cụ Tố Hữu.

Một trong những đặc điểm làm nên "tên tuổi" của "vua đạo chích" là chỉ đột nhập vào công sở và "nhà giàu" (ít nhất là theo suy nghĩ của Công lúc ấy).

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 9.

Xin bạn đọc nhớ cho rằng, vào năm 2002, nhà riêng của Nhà thơ Tố Hữu (số 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội) là gần như "bất khả xâm phạm". Đây là khu vực bảo vệ thuộc địa bàn A1 – nơi ở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Năm ấy, Nguyễn Tiến Công mới 21 tuổi. Thực ra, Công cũng không biết đó là nhà riêng của cụ Tố Hữu. Cứ nghĩ nhà sang thì có nhiều tiền, nên vào thôi. Sau 5 lần 7 lượt "trinh sát", Công đột nhập vào "điểm mù" của căn biệt thự số 76 (nơi các đồng chí cảnh vệ không quan sát thường xuyên hết được). Công trèo qua hàng rào sắt, chui qua giữa cây hồng xiêm và cây bưởi để vào nhà. Lúc ấy đã là khoảng 1 giờ sáng.

Vào nhà, nghe ở phòng trong vẫn còn tiếng người, công nhẹ nhàng chốt khóa ngoài, phòng khi người nhà ra bất chợt, rồi đi lục lọi các phòng khác. Mục đích của Công là đi tìm trộm tiền mặt. Nhưng tìm mãi không có.

Thấy cặp ngà voi, nghĩ là bán được nhiều tiền, Công 'thuổng" luôn (cặp ngà voi này là kỷ vật của già làng người Cơ tu tên là Đễ – già làng của làng Rô, ngôi làng đã cưu mang Tố Hữu từ năm 1942, khi ông cùng người đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục Kon Tum, trở về với cách mạng. Già làng Đễ dặn lại con cháu phải trao tận tay nhà cách mạng Tố Hữu khi nào gặp lại ông – Xin bạn đọc xem lại số báo "Nhân dân" ra ngày 10/12/2003 để hiểu thêm xuất xứ của cặp ngà voi này - NV).

Sang một phòng khác, thấy có "chiếc đĩa" hình tròn vàng chóe, tưởng là chiếc đĩa bằng vàng, Công giắt cạp quần rồi vượt tường trở ra ngoài. Tổng cộng thời gian "thăm" nhà cụ Tố Hữu của Công chưa đến 1 giờ đồng hồ.

Cặp ngà voi được Công đưa về quê cất vào một chiếc hòm gỗ trong nhà. Còn chiếc "đĩa" sau khi biết nó là "Kỷ niệm chương chiến sỹ tù đày" của Cụ, Công đem "phi tang" xuống con sông gần nhà.

Sau này, khi khám nhà, công an chỉ thu hồi được cặp ngà voi. Còn chiếc kỷ niệm chương đành để thất lạc sau rất nhiều ngày tìm mò. Riêng "phi vụ" này, năm 2002, Công nhận án 36 tháng tù giam.

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 10.

Đặc điểm thứ 2 trong phong cách của "vua đạo chích" là chỉ trộm ở một địa bàn – quận Ba Đình (Hà Nội) và chỉ trộm tiền mặt – điều làm nên "tên tuổi" của "vua đạo chích", nhưng cũng là điểm yếu chết người của nó. Chỉ sau một vài vụ, công an Ba Đình đã dựng được chân tướng của Công vì những đặc điểm rất khác với những tên trộm khác.

Tháng 8/2005, sau khi mãn hạn 36 tháng tù, Công quay lại "nghề" đạo chích. Một số trụ sở cơ quan Nhà nước lại bắt đầu bị đột nhập, nhưng chỉ bị mất tiền và một số máy  móc quý thời đó như máy ảnh, laptop… Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2007, Công đã đột nhập và trộm cắp trót lọt 7 vụ trên địa bàn Quận Ba Đình: 4 vụ tại trụ sở Bộ Tư pháp, 2 vụ ở Tổng Công ty Cà Phê, 1 vụ ở Tổng cục Bưu điện. Và một lần nữa, công an Ba Đình lại "chiếu cố" đến Công. Lần này, mức án dành cho nó là 11 năm tù.

Công nói với tôi: "Em bị bắt vì những thói quen không bỏ được: Chỉ trộm ở trụ sở. Sếp nào chả có quỹ đen ở cơ quan anh nhỉ? Có mất họ cũng không dám đi trình báo..". Nhưng Công lại quên mất một điều: Trình báo thì thiếu gì lý do: "Quỹ công đoàn, hội phí, đoàn phí…".

"Vua đạo chích" cũng có một thói quen rất dị: Người ngợm lúc nào cũng bảnh bao, áo bỏ trong quần, kính trắng sành điệu, râu ria gọn ghẽ… "Đồ nghề" nhiều khi chỉ là một lưỡi dao mỏng dính, dùng để cạy cửa và mở khóa.

Là trộm, nhưng rất điềm tĩnh. Mỗi khi kết thúc phi vụ, gặp mưa, Công tìm một chỗ kín đáo tại trụ sở đó để… ngủ. Gặp trời sáng, dễ bị lộ, ngủ - chờ ngớt mưa, chờ đông người đi lại mới trà trộn để thoát ra.

Trộm được bao nhiêu tiền của, Công đem về quê ăn chơi, đập phá. Hết lại về Hà Nội "hành nghề" tiếp.

Chuyện bố con kỳ lạ giữa người cán bộ điều tra và “vua đạo chích” đất Bắc - Ảnh 11.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem