Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) lại cùng đồng nghiệp trở lại "chiến trường" để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chiến đấu chống lại virus SARS-CoV-2 đang reo rắc chết chóc và kinh hoàng cho toàn thế giới.
Với anh, những ký ức về khoảnh khắc đối mặt với sinh tử khi điều trị cho 5 ca bệnh Covid nặng hơn 2 tháng trước vẫn còn "sống động", đặc biệt là hành trình giành giật sự sống cho bệnh nhân 19 (64 tuổi) trong gần 2 tháng. Đã có những giây phút các bác sĩ tưởng chừng để tuột mất bệnh nhân. Khi cứu được bệnh nhân sau 40 phút ép tim, các bác sĩ thấy đó thực sự là một điều kỳ diệu.
Bác sĩ Khiêm tâm sự, Khoa Hồi sức tích cực dù không nhiều việc như đồng nghiệp các khoa khác khi phải tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân, gần 1000 người cách ly nhưng lại nhận nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt: Điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng nhất, phải thở máy, cá biệt có bệnh nhân 19 đã phải dùng đến kỹ thuật tim phổi ngoài cơ thể (ECMO) trong gần 1 tháng, nhiều lần trải qua những giây phút "thập tử nhất sinh".
Anh cũng hy vọng, với những kinh nghiệm cứu chữa cho các bệnh nhân nặng giai đoạn 1 và 2 sẽ giúp anh và các đồng nghiệp bước vào cuộc chiến lần 3 vững vàng hơn, sớm đánh bại virus SARS-CoV-2, bảo vệ người bệnh, bảo vệ mình, bảo vệ đồng nghiệp và cả cộng đồng.
Bác sĩ có thể chia sẻ gì về khoảng thời gian cam go trong cuộc chiến khốc liệt chống lại virus SARS-CoV-2?
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm: Từ khi bắt đầu dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng (đầu tháng 3), tôi trực chiến trong bệnh viện, kéo dài gần 3 tháng mới được "tạm tha" về nhà. Gần 3 tháng, tôi và các đồng nghiệp ăn cũng nghĩ đến SARS-CoV-2, ngủ cũng nghĩ đến Covid-19. Bệnh nhân ở khoa Hồi sức tích cực thì toàn người thở máy, rất nặng, phải theo dõi từng giây từng phút một, lúc nào cũng phải lắng nghe từng tiếng máy, xem các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân.
Có người còn cảm thấy lúc nào đầu óc cũng ong ong, tít tít vì tiếng máy thở. Sợ nhất là tiếng chuông báo động khi có bệnh nhân diễn biến nặng hoặc là tiếng điện thoại giữa đêm. Ngủ cũng mơ thấy Covid-19.
Mệt mỏi, căng thẳng là thế nhưng hết ca trực lại không yên tâm về ký túc xá nghỉ ngơi, cứ loanh quanh ở gần buồng bệnh, để có gì "không hay" kịp thời có mặt. Đêm đêm còn chong đèn đọc tài liệu, tham khảo các nghiên cứu về Covid-19 của chuyên gia y tế khắp nơi trên thế giới.
Nghĩ lại thì ít có đêm nào ngủ dài hơn 3-4 tiếng. Vừa lo lắng điều trị bệnh nhân, vừa nhớ nhà, vừa thèm được một ngày lơi lỏng...
Điều gì khiến bác sĩ và các đồng nghiệp thấy căng thẳng, lo lắng nhất về bệnh dịch này?
- Chúng tôi đã tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 nặng trong giai đoạn mà mỗi ngày thế giới có gần 100.000 người mắc Covid-19 mới, có hàng nghìn ca tử vong. Mọi người đều được cảnh báo những bệnh nhân Covid-19 nặng, người cao tuổi, có các bệnh lý nền thì nguy cơ tử vong rất cao.
Các bệnh nhân chuyển đến chỗ chúng tôi đều đã suy hô hấp, các chỉ số oxy máu đã hạ, phải thở máy, tổn thương phổi nặng, kéo theo các nguy cơ khác...
Đối với điều trị bệnh nhân Covid-19, khó khăn thứ nhất là SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là virus mới toanh, trên thế giới cũng không có kinh nghiệm điều trị, không có thuốc đặc hiệu. Do đó, việc điều trị cho bệnh nhân luôn phải cập nhật, thay đổi, điều chỉnh. Mỗi ngày chúng tôi đều phải theo dõi sát bệnh nhân, từng nhịp tim, từng hơi thở, từng chỉ số biến động của máu, nước tiểu... để điều chỉnh thuốc điều trị triệu chứng. Tối tối, chúng tôi lại chong đèn thức xem tình hình bệnh dịch, các nghiên cứu về virus, kinh nghiệm điều trị bệnh của đồng nghiệp trên thế giới để học hỏi.
Thấy họ có nghiên cứu về các triệu chứng lạ, thuốc điều trị mới là đều phải thảo luận, tham khảo, chuẩn bị cho những tình huống điều trị mới nhất nếu sức khỏe của bệnh nhân xấu đi... Điện thoại lúc nào cũng nối thông để vừa điều trị, vừa xin chỉ đạo của các chuyên gia đầu ngành. Mỗi ngày chúng tôi đều phải đi trên dây, hồi hộp theo dõi sức khỏe bệnh nhân... Chúng tôi thường chia làm 3 vòng trông chừng bệnh nhân. Ở vòng trong nhất có 1 bác sĩ, 4-5 điều dưỡng, vòng thứ 2 lại 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng, chưa kể vòng thứ 3. Họ theo dõi bệnh nhân từng phút, ghi chép lại để trao đổi với tổ hội chẩn chuyên môn mỗi ngày, trong mỗi tình huống khó khăn.
Khó khăn thứ 2 là virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm từ người sang người "rất nhạy". Trên thế giới đã có hàng ngàn nhân viên y tế nhiễm chéo bệnh từ bệnh nhân. Ngay tại Bệnh viện của chúng tôi cũng đã có 2 bác sĩ bị nhiễm bệnh Covid-19 khi tham gia cấp cứu cho bệnh nhân nặng.
Trong khi đó, 5 bệnh nhân Covid-19 mà khoa tôi tiếp nhận đều là các bệnh nhân phải thực hiện các thủ thuật, đặc biệt là can thiệp mở khí quản, đặt ống thở... Đây là kỹ thuật mà bác sĩ, điều dưỡng phải "mặt đối mặt" với bệnh nhân. Bệnh nhân bị kích thích dễ ho mạnh, nguy cơ các giọt bắn từ họng hầu bệnh nhân bắn sang bác sĩ là khó có thể tránh được.
Cho nên, dù không nói ra nhưng mọi người đều có nỗi lo trong lòng. Tuy nhiên, không ai có ý nghĩ chùn bước. Khi có y lệnh, mọi người đều sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.
Các bác sĩ phải mặc đồ phòng hộ kín mít, trong suốt thời gian dài 6-7 tiếng, tôi nhìn cũng thấy... khó thở!!!
- Đúng là như vậy. Đây cũng là khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Việc phải khoác trên mình những bộ đồ phòng hộ kín mít vào thời điểm thời tiết ngày càng nóng, phòng bệnh không được bật điều hòa. Do virus SARS-CoV-2 vô cùng dễ lây nên việc mặc phòng hộ là yếu tố tiên quyết mà mỗi nhân viên y tế đều phải nghiêm túc thực hiện khi điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Mỗi ca trực của chúng tôi trong vòng 12h, được phép cởi phòng hộ 1 lần trong khoảng 30 phút để ăn uống hoặc đi vệ sinh... Các bạn cứ tưởng tượng phải mặc áo mưa chùm kín từ đỉnh đầu đến gót chân, không hở ra bất cứ bộ phận nào của cơ thể khó chịu thế nào thì chúng tôi mặc phòng hộ cũng mệt mỏi như thế. Mồ hôi, kính nhòe, mắt nhòe, ngứa ngáy đều không được gãi... Việc đi uống nước cũng hạn chế để tránh phải đi vệ sinh...
Thế mà nhân viên y tế phải mặc phòng hộ, đi lại liên tục chăm sóc bệnh nhân, kéo dài suốt 5-6 tiếng, không được uống nước, không được đi vệ sinh... Không hề đơn giản... Nhưng mỗi người đều phải chịu gánh nặng như vậy trong suốt nhiều ngày, không ai dám lơi lỏng, lơ là một quy trình nào đó.
Việc đeo khẩu trang N95 trong thời gian dài khiến cho da mặt bị rách, vành tai cũng đau đớn....
Bây giờ nghĩ lại lúc mặc phòng hộ mà tôi đã thấy cả người ngứa ngáy, khó thở rồi...
Nhưng nghĩ lại thì chúng tôi cũng thật may mắn vì ở Việt Nam bệnh nhân ít, trang thiết bị y tế, phòng hộ đều đầy đủ để cung cấp cho nhân viên y tế. Nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã quyên góp cho bệnh viện trang bị phòng hộ, nên chúng tôi được bảo vệ tốt, an tâm điều trị cho bệnh nhân...
Trong khi nhiều nước, các đồng nghiệp của chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều nguy hiểm như dùng áo mưa, túi nilon làm đồ phòng hộ, khẩu trang phải đeo đi đeo lại nhiều lần... Như thế thì làm sao tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Một khó khăn nữa cũng đã gây áp lực cho chúng tôi không nhỏ đó là "cả nước nhìn vào". Từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế... đến người dân đều theo dõi từng diễn biến sức khỏe của bệnh nhân... Mọi người đều kỳ vọng phải điều trị cho bệnh nhân tốt nhất, hạn chế thương vong tốt thiểu. Nên mỗi ngày, chúng tôi đều phải căng mình, đảm bảo không để xảy ra bất cứ sai sót nào, dù nhỏ nhất trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Chúng tôi phải chia ra các ekip trực vòng trong, vòng ngoài. Trong phòng bệnh liên tục có nhân viên y tế bên cạnh bệnh nhân 24/24h, theo sát từng chỉ số, từng dấu hiệu giao động lên xuống trên máy thở, từng cái nhăn mày, cựa mình của bệnh nhân để kịp thời thông báo cho lãnh đạo, chuyên gia y tế...
Ở vòng 2 bên ngoài, thông qua các màn hình, các máy theo dõi lại tiếp tục có người trực để đảm bảo không có bất cứ biểu hiện "lạ" của sức khỏe bệnh nhân bị sót lọt...
Nói riêng về bệnh nhân 19, một trường hợp được đánh giá bằng nhiều mỹ từ như "kỳ tích", "điều kỳ diệu". Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về trường hợp này?
- Bệnh nhân 19 (số thứ tự của Ban Chỉ đạo Quốc gia là 19 nhưng trong Hồ sơ bệnh án của bệnh viện là bệnh nhân 20 –PV) đúng là khiến chúng tôi phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Bà ấy đã có nhiều lúc đối mặt với ranh giới sự sống và cái chết. Đã có lúc chúng tôi tưởng có thể thở phào thì bệnh nhân lại đột ngột trở nặng, ngưng tim... Nhưng rồi bà ấy lại phục hồi kỳ diệu...
Đây cũng là bệnh nhân Covid-19 nằm viện lâu thứ 2 ở Việt Nam (sau bệnh nhân 91, phi công người Anh – PV). Bà ấy vào viện ngày 7/3, là người cao tuổi có bệnh lý nền là tiền đình nên chúng tôi rất cảnh giác. Đúng như lo ngại, chỉ sau vài ngày, bà ấy bị khó thở, sốt cao, diễn tiến nặng, được chuyển lên khoa Hồi sức.
Các kiểm tra cho thấy bà ấy bị tổn thương phổi nặng, oxy máu giảm rất nhanh, tràn dịch màng phổi. Chúng tôi đã xin ý kiến của Hội đồng chuyên môn quốc gia về điều trị Covid-19 để được đặt máy thở vào ngày 15/3.
Tuy nhiên, đến ngày 18/3, tình trạng bệnh nhân càng nguy kịch nên, tổn thương phổi nặng hơn. Sau khi Hội chẩn với nhiều chuyên gia, chúng tôi đã cho đặt tim phổi nhân tạo ECMO để hỗ trợ chức năng phổi cho bệnh nhân. Đây là một trong những kỹ thuật điều trị hiện đại nhất hiện nay.
Bệnh nhân diễn tiến nặng, oxy máu giảm rất nhanh nên chúng tôi đã phải chạy đua với thời gian để thực hiện kỹ thuật này. Hàng chục bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã được huy động để "mỗi người một tay một chân". Nếu bình thường từ chuẩn bị đến hoàn thành ECMO phải mất hơn 1 tiếng thì với bệnh nhân 19 chúng tôi thực hiện kỹ thuật này trong vòng 40 phút.
Sau đó, bệnh nhân đã có sức khỏe ổn định hơn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn phải theo dõi chặt chẽ từng diễn biến rất nhỏ của bệnh nhân để có điều chỉnh về thuốc và chế độ chăm sóc. Như tôi đã chia sẻ, Covid-19 là bệnh mới nên việc điều trị cho các bệnh nhân nặng thế này khiến chúng tôi rất căng thẳng, lo lắng, vừa điều trị, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phác đồ liên tục...
Trong suốt gần 20 ngày bệnh nhân đặt ECMO, mỗi ngày chúng tôi đều như "ra trận". Rất may sức khỏe của bệnh nhân tiến triển hơn. Chúng tôi đã vui mừng khi có thể rút ECMO cho bệnh nhân 19 vào ngày 4/4. Các xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy phổi của bệnh nhân không bị xơ, chức năng của phổi dần ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi lo lắng đến việc bệnh nhân có thể bị suy các tạng khác. Và điều lo lắng ấy đã xảy ra.
Vào rạng sáng ngày 8/4, chỉ sau hơn 3 ngày cai ECMO, bệnh nhân bất ngờ bị ngừng tuần hoàn, ngưng tim...
Cụ thể cuộc chạy đua với tử thần để giành giật sự sống cho bệnh nhân này thế nào, thưa bác sĩ?
- Vào khoảng 1h sáng, lúc đó tôi đang ở nơi nghỉ dành cho nhân viên y tế ngay tại Bệnh viện, còn chưa ngủ mà đang đọc tham khảo các nghiên cứu về Covid-19 của các nhà khoa học trên thế giới thì điện thoại réo vang. Tiếng chuông điện thoại giờ đó đáng sợ lắm. Nó báo hiệu sự khẩn cấp, không lành. Các bác sĩ trực đã cho biết bệnh nhân bị ngưng tim, đang phải ép tim liên tục. Tôi đã tức tốc chạy đến. Trưởng khoa Vũ Đình Phú và nhiều đồng nghiệp khác cũng được gọi đến, có cậu còn mặc nguyên quần đùi, tóc tai dựng ngược...
Các chỉ số của bệnh nhân xuống thấp nhất, bệnh nhân ngưng tim trong một thời gian dài và chúng tôi đã nghĩ đến hậu quả xấu nhất. Thậm chí đã phải gọi điện thông báo cho người nhà về mức độ nguy kịch của bệnh nhân. Nhưng còn nước còn tát, chúng tôi đã thay phiên nhau ép tim cho bệnh nhân, buộc tim phải đập trong suốt 40 phút...
(Bác sĩ Khiêm ngưng nói một lúc. Dường như anh vẫn phải cố trấn tĩnh lại khi hồi tưởng về khoảng khắc nguy hiểm đó).
Ép tim là việc lao lực cực kỳ. Mỗi phút, người thực hiện kỹ thuật này phải ép lên xuống khoảng 120 nhịp với mức độ ổn định, nhẹ không có tác dụng mà nặng sẽ làm tổn thương tim. Một bác sĩ trẻ khỏe mà thực hiện kỹ thuật này trong vòng 2-3 phút là tay đã mỏi rã rời. 8 bác sĩ, điều dưỡng đã phải thay nhau thực hiện ép tim. Cho đến 30 phút, có lúc tim đập trở lại được vài nhịp rồi lại lịm đi, cứ như vậy 2-3 lần, chúng tôi đã tưởng mình thua.
Nhưng chúng tôi vẫn liên tục, liên tục ép tim, không dừng lại và hơn 40 phút sau khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn, nhịp tim đã đập trở lại. Lúc đó, tim chúng tôi cũng đánh như trống trường. Có người ngồi bệt cả xuống sàn vì quá mệt mỏi, căng thẳng...
Sau khi ổn định bệnh nhân, chúng tôi lại ở lại xem xét các xét nghiệm, chỉ số, đánh giá nguyên nhân ngưng tim, gọi điện tham khảo ý kiến của các chuyên gia về hướng điều trị... Lúc chúng tôi bước ra khỏi phòng bệnh thì trời cũng đã bắt đầu trắng sáng... Từ Trưởng khoa Vũ Đình Phú và chúng tôi đều bơ phờ...
Việc ngưng tim trong vòng thời gian dài như vậy thì nguy cơ bệnh nhân bị tổn thương não là rất lớn, đã không ít bệnh nhân sau ngưng tim đã phải sống thực vật. Nhưng điều kỳ diệu là sau vài ngày, kiểm tra cho thấy, bệnh nhân 19 nhận biết tốt. Lúc này chúng tôi mới thở hắt ra, trút được gánh nặng... Tuy nhiên, sức khỏe của bệnh nhân lại suy sụp rất nhanh, suy thận, tổn thương phổi, tổn thương tim... Đã có lúc chúng tôi đề xuất lại đặt ECMO trở lại. Rất may, sự cố gắng, nỗ lực của chúng tôi đã có kết quả...
Bệnh nhân 19 đã ra viện ngày 3/6 vừa qua, về nhà ở TP.HCM với những chẩn đoán về sức khỏe khá tốt, sau 82 ngày nằm viện. Bà chỉ cần luyện tập, ăn uống tốt để phục hồi sức khỏe, đồng thời theo dõi các bệnh về tim mạch, huyết áp.
Trong số 5 bệnh nhân nặng có 2 bệnh nhân người Anh. Bác sĩ và các đồng nghiệp có gặp khó khăn gì trong việc điều trị 2 ca bệnh này không?
- Đây cũng là 2 bệnh nhân với những tiên lượng khó khăn vì tuổi cao, có nhiều bệnh lý nền. Bệnh nhân 26, 69 tuổi có bệnh nền là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp; Bệnh nhân 28, 74 tuổi, có tiền sử bệnh lý nền u lympho (ung thư máu). Các bệnh nhân này đều bị tổn thương phổi nặng, phải thở máy trong gần 1 tháng trời, rất may không phải đặt ECMO.
Ngôn ngữ khác, văn hóa khác nên việc điều trị cũng nhiều lúc "dở khóc dở cười". Việc đặt ống thở cần sự phối hợp của bệnh nhân. Nếu là người Việt thì việc giải thích, hướng dẫn dễ dàng, còn người nước ngoài thì không dễ, kể cả cử bác sĩ có tiếng Anh ổn nhất đến giao tiếp. Hơn nữa, bệnh nhân đặt ống thở, nói yếu, thều thào, chúng tôi nghe mãi mà không "dịch" được. Hướng dẫn, giải thích đều phải làm rất chậm, nói đi nói lại nhiều lần.
Họ cũng rất lo lắng, căng thẳng khi bị bệnh nặng ở một nước xa lạ nên nhân viên y tế càng phải tỉ mỉ chăm sóc hơn.
Có lẽ dù khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ nhưng mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân thì nơi nào cũng giống nhau, chúng tôi hết sức cứu chữa cho người bệnh, vượt qua bất cứ rào cản nào. Tình cảm mà bệnh nhân dành cho chúng tôi cũng vậy.
Một vấn đề nữa là hai bệnh nhân này đều nặng ký theo đúng nghĩa đen. Các ông ấy đều nặng hơn 90kg, người cao lớn cồng kềnh. Trong khi điều dưỡng mình nhỏ bé, chỉ 45-50kg. Trong khi đó bệnh nhân thở máy thì mọi chăm sóc, ăn uống, vệ sinh, lật trở người hàng ngày đều do điều dưỡng thực hiện. Mọi người phải rất vất vả khi chăm sóc 2 bệnh nhân này.
Rất may các bệnh nhân này đều đã qua cơn nguy kịch và xuất viện về nước. Họ đã liên tục nói lời cảm ơn nhân viên y tế, đất nước và nhân dân Việt Nam...
Ngoài ra còn 2 bệnh nhân Việt Nam khác là bệnh nhân 50 (50 tuổi, Hà Nội) không phải thuộc nhóm nguy cơ nhất, nhưng bệnh biến chuyển rất nhanh, vào viện vài hôm đã phải thở máy. Bệnh nhân 161 (cụ bà 88 tuổi, trước khi bị Covid-19 đã liệt nửa người và có tiền sử xuất huyết não).
Cả 5 bệnh nhân Covid-19 nặng mà Khoa Hồi sức tích cực điều trị đều là những bệnh nhân có tiên lượng nặng, rất khó lường... Bệnh nhân nào cũng khiến chúng tôi bở hơi tai.
Chỉ nghe bác sĩ kể thôi mà tôi đã thấy mệt vô cùng. Có lúc nào bác sĩ và đồng nghiệp cảm thấy nản lòng, chùn bước, muốn từ bỏ?
- Chưa có một lúc nào như vậy. Ngay từ khi vào ngành y chúng tôi đã xác định sẽ phải có những giờ phút đối mặt với bệnh tật hiểm nghèo, nguy cơ lây nhiễm cao, phải chịu trách nhiệm về sự sống còn của mỗi bệnh nhân.
Bệnh dịch Covid-19 cũng vậy. Tôi và các đồng nghiệp khi được gọi là sẵn sàng lên đường ngay. Không ai từ chối nhiệm vụ. Thời điểm lo lắng nhất là khi có 2 đồng nghiệp khoa Cấp cứu bị mắc Covid-19 sau khi tham gia cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Mọi người đều thấy trước mắt nguy cơ có thể nhiễm bệnh Covid-19 từ bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó mọi người rà soát lại quy trình phòng hộ, trang bị phương tiện phòng hộ tốt hơn, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt hơn thì nguy cơ lây nhiễm giảm đi rất nhiều.
Trong việc điều trị bệnh nhân nặng thì nguy cơ lây nhiễm nhất chính là kỹ thuật đặt ống nội khí quản, khiến bác sĩ và bệnh nhân "mặt đối mặt" với nhau. Khi chúng tôi vượt qua nỗi e ngại lây nhiễm để điều trị cho bệnh nhân thì ở vòng ngoài, nhiều đồng nghiệp đã tích cực giúp chúng tôi nghĩ ra các phương tiện phòng hộ tốt hơn.
Ví như hộp hỗ trợ kỹ thuật đặt nội khí quản, giúp bác sĩ có thể tránh được nguy cơ lây nhiễm; Bộ dụng cụ đặt nội khí quản bao gồm đèn soi, camera để bác sĩ thực hiện kỹ thuật mà không phải dí mặt vào bệnh nhân...
Nhờ đó mà đến nay, Bệnh viện đã không có thêm trường hợp nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo, dù đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân và tiếp nhận rất nhiều người cách ly...
Việt Nam đã trải qua những ngày chưa từng có, bác sĩ cũng vượt qua những ngày không thể quên. Điều gì khiến bác sĩ nhớ nhất về những ngày qua?
- Vượt qua khó khăn, vất vả khi trắng đêm điều trị bệnh nhân, những thấp thỏm nhớ nhà, những khó chịu khi mặc đồ phòng hộ thì điều khiến chúng tôi nhớ nhất chính là những khoảng khắc cứu được bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, là nụ cười tươi tắn của bệnh nhân khi ra viện.
Đáng nhớ nữa là sự động viên, cảm thông, chia sẻ của tất cả mọi người đến nhân viên y tế. Những món quà nhỏ bẻ như chiếc bánh ngọt ngào, cốc cafe nóng hổi... Nhờ đó mà chúng tôi thấy ấm lòng, được tiếp thêm sức mạnh, được yêu hơn nghề nghiệp mà chúng tôi đã lựa chọn...
Là một bác sĩ Hồi sức, lại làm ở bệnh viện đặc thù, ngoài virus SARS-CoV-2 nguy hiểm đang khiến cả thế giới run sợ, anh còn luôn phải đối mặt với nhiều virus, vi khuẩn đáng sợ, dễ lây khác, bà xã và người nhà của anh có lúc nào cảm thấy lo ngại?
- Tôi và bà xã đã cưới nhau 10 năm, đã có với nhau 3 mặt con, 1 cháu 10 tuổi, 1 cháu 6 tuổi, 1 cháu mới 2 tuổi. Vợ tôi rất thông cảm với nghề nghiệp của chồng. Làm bác sĩ, còn là bác sĩ Hồi sức thì chuyện nửa đêm chạy ra khỏi nhà đã trở thành "kỹ thuật thường quy", vợ lâu dần cũng quen, không quá "sốc lâm sàng" nữa.
Vợ không ái ngại nhưng chính tôi cũng cảm thấy ngại ngần khi nhiều lúc phải đi trực đêm hôm, "say mê" với bệnh nhân, nhất là hơn 2 tháng phải "đóng quân" trong bệnh viện, để vợ phải một mình chăm sóc, xoay xở với 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi nghịch.
Thời gian đó, Các cháu còn được nghỉ học ở nhà nên việc trông coi càng vất vả hơn. Đây cùng là lần đầu tiên tôi xa vợ con lâu đến như vậy.
Dù hiện nay Việt Nam không ghi nhận ca Covid-19 ngoài cộng đồng, nhưng bệnh viện vẫn phải tiếp nhận các ca bệnh từ người nhập cảnh. Cũng may, hiện nay không có ca bệnh nặng nên tôi và các đồng nghiệp cũng đỡ căng thẳng hơn. Nhưng chúng tôi vẫn luôn được "lên giây cót" tinh thần để sẵn sàng đón nhận, điều trị các ca bệnh nặng bất cứ lúc nào.
- Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.