Những bộ phim giản dị, kể về những con người bình thường nhưng lại đề cập được tới những vấn đề không nhỏ, có tầm khái quát lớn và tính cảnh báo, thức tỉnh sâu sắc. Mỗi tác phẩm của ông- dù làm về đề tài đương đại hay lịch sử, đều hàm chứa một lời nhắn nhủ tha thiết tới con người trong xã hội ngày nay, "là một lời tuyên ngôn của người nghệ sĩ trước cuộc đời".

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - Những bộ phim có lửa - Ảnh 1.

Xin phép được trao đổi cụ thể hơn với đạo diễn về những bộ phim ông làm liên quan đến chiến tranh, có những phim trực tiếp cũng có phim chỉ gián tiếp đề cập đến cuộc chiến.

"Thị xã trong tầm tay" được coi là bộ phim truyện đầu tiên ông tự viết kịch bản và tự đạo diễn. Phim đề cập đến vấn đề nóng hổi ở thời điểm đó là cuộc chiến tranh biên giới 1979 với góc nhìn khá trực diện, táo bạo. Những điều ông muốn gửi gắm và tâm đắc trong bộ phim này là gì, thưa đạo diễn?

- Về bộ phim này tôi đã viết nhiều, đã nói nhiều và đã kể tỉ mỉ trong cuốn "Hồi ký điện ảnh" của tôi gần đây được Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM tái bản lần thứ 3 (hai lần trước do 2 nhà xuất bản khác in). Bộ phim này là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời sáng tác của tôi sau khi tôi đã NGỘ được cái đạo của nghề đạo diễn như tôi đã nói ở trên.

Điều tôi muốn nói đến trong phim là sự PHẢN BỘI giữa con người và con người cũng như trong quan hệ giữa các quốc gia từng coi nhau là đồng chí. Câu chuyện phản bội giữa hai quốc gia được lồng xen kẽ vào câu chuyện phản bội trong tình yêu của đôi nam nữ thanh niên giữa Vũ (nhà báo người Hà nội) và Thanh (cô giáo người Lạng Sơn). Tôi tâm đắc với phim này vì đây là lần đầu tiên tôi được làm một phim như tôi muốn làm, một thứ điện ảnh như tôi quan niệm (có thể không như người khác quan niệm). Đó là một thứ điện ảnh không phải để kể một câu chuyện mà để diễn tả những suy nghĩ nội tâm bên trong của nhân vật.

Một phim khác của ông có liên quan đến chiến tranh cũng rất nổi tiếng là "Bao giờ cho đến tháng 10" đã giành được rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, được đài truyền hình CNN bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất. mọi thời đại Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hình ảnh người phụ nữ trong phim (nhân vật Duyên) phải chịu quá nhiều thiệt thòi và hi sinh, không được sống thật với nỗi đau của mình có phần hơi tàn nhẫn. Ông lý giải điều này như thế nào? Đằng sau nỗi đau và sự hi sinh ấy ông muốn thể hiện điều gì?

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - Những bộ phim có lửa - Ảnh 3.

- Mỗi người xem đều có quyền có ý kiến riêng của mình, tôi đều tôn trọng. Nhưng đã từng chiếu nhiều lần cho khán giả xem, chưa ở đâu tôi được nghe ý kiến như vậy. Họ đều thấy đây là một phim nói về nỗi đau của một người phụ nữ Việt Nam mất chồng trong chiến tranh, nhưng kết cục của bộ phim lại không bi lụy mà hé mở một tia hy vọng về một tương lai khác.

Có khán giả ở Mỹ còn muốn tôi làm tiếp phim về quan hệ của anh giáo Khang và chị Duyên. Họ hình dung anh sẽ trở về làng tìm chị sau mọi sự hiểu lầm,dị nghị của dân làng và anh sẽ thay thế cho người lính đã khuất lo toan cho hạnh phúc của chị và con trai chị. Điều đóđã hé lộ trong đoạn kết phim khi Duyên hỏi thăm tin về anh giáo Khang. Và giọt nước mắt cuối cùng ta thấy trong phim lăn trên má cô giáo trẻ chứ không phải trên má chị Duyên. Nỗi đau cuả chị Duyên nay đã có người chia sẻ.Đó mới là ý nghĩa nhân văn của bộ phim và tôi chắc vì ý nghĩa đó mà nó được Đài CNN bình chọn.

Sau hai bộ phim trước có xu hướng đi theo mạch tư tưởng chung của thời đại thì đến phim "Cô gái trên sông" năm 1987 lại là một hướng đi khác. Các nhân vật trong phim cũng được xây dựng khác với những mẫu nhân vật thường thấy trong các phim cùng thời. Tại sao ông lại chọn một cách thể hiện khác biệt như vậy?

- Như tôi đã nói ở trên: Tất cả các phim tôi làm đều xuất phát từ trải nghiệm bản thân. Tôi vốn là người Huế và Huế luôn ở trong tôi cho dù tôi có làm gì và ở đâu. Nỗi lòng của cô gái trông ngóng người chiến sĩcách mạng mà cô đã cứu trong một đêm trên sông Hương quay trở lại tìm cô cũng là nỗi lòng của tôi muốn quê hương tôi được hạnh phúc, không bị phụ bạc, bị lãng quên. Bởi vì Huế đã hy sinh cho cách mạng rất nhiều và cũng chịu đựng quá nhiều đau khổ không đâu bằng. Tôi không chọn cách thể hiện mà cách thể hiện đến với tôi xuất phát từ nội dung và những điều mình muốn chia sẻ với người xem.

Phải tới 10 năm kể từ "Cô gái trên sông" ông mới quay lại làm về chiến tranh với bộ phim "Hà Nội mùa đông năm 46". Với độ lùi thời gian như vậy, cái nhìn của ông về sự kiện lịch sử năm 1946 có gì đặc biệt và ông muốn tập trung thể hiện ở góc độ nào?

- Tôi làm phim "Hà Nội mùa đông năm 46" vào năm 1997, nhưng ý định làm bộ phim này nảy ra trong đầu tôi cách đấy 15 năm, khi lần đầu tiên được xem bộ phim "Ghandi" của điện ảnh Ấn Độ. Tuy phương thức đấu tranh cho độc lập dân tộc của hai nhà cách mạng có khác nhau, nhưng tư tưởng hiếu hòa của Ghandi cũng có trong con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và điều đó thấy rõ nhất vào giai đoạn 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cố gắng nhân nhượng với phía Pháp bằng mọi cách để tránh không xảy ra chiến tranh.

Tôi ấp ủ chủ đề đó suốt 15 năm, đọc và nghiên cứu tài liệu, hồi ức của các nhân chứng, để đến 1995 thì hình thành xong kịch bản và năm 1997 thì thực hiện thành phim. Ngay khi vừa làm xong nó được mời ra mắt tại LHP Toronto ở Canada, rồi Nhật bản , Ấn độ,,, .Năm 2016,bộ phim lần đầu được chiếu tại Liên hoan phim Amiens - Pháp và công chúng Pháp hết sức ngạc nhiên, thích thú khi được nhìn lại giai đoạn bi thương này của hai dân tộc Pháp - Việt qua con mắt của những người làm phim Việt Nam. Họ cảm động nhận ra tính nhân văn và tính nghệ thuật trong phim. Có khán giả cho rằng "Hà Nội mùa đông năm 46" như một tượng đài của phim về đề tài lịch sử.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - Những bộ phim có lửa - Ảnh 4.

Chúng tôi muốn đi sâu hơn một chút vào bộ phim "Đừng đốt" – bộ phim về chiến tranh gần đây nhất của ông. Trong "Đừng đốt", hình tượng nhân vật nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm được ông khắc họa rất đẹp và chân thực. Ngoài ra, những nhân vật khác cả ở hai phía Việt Nam và Mỹ cũng được xây dựng theo hướng rất nhân văn, đầy tình người. Tinh thần của cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" có tác động như thế nào đến bộ phim?

- Sau khi phim "Đừng đốt" ra đời, có rất nhiều bài viết về bộ phim, nhưng đối với tôi bài viết của nhà văn hóa Hữu Ngọc trên báo Sức khỏe và Đời sốngra ngày 16/3/2014 đã nói đầy đủ nhất những gì mà những người làm phim muốn nói trong bộ phim này. Tôi xin trích một đoạn trong bài báo đó:

"Phim Đừng đốt có một leitmotiv (nét chủ đạo được lặp đi lặp lại) là lửa. Vượt lên ngọn lửa bom đạn chiến tranh tàn phá là ngọn lửa lý tưởng thiêng liêng của con người thể hiện trong Nhật ký, những giá trị nhân bản của Đừng đốt. Thoát thai từ chủ đề ấy, phim đã mang một tầm vóc độc đáo. Trước hết, đây là một phim chiến tranh khá đặc biệt. Anh Minh nói: "Tôi muốn làm một phim chiến tranh để nói về hoà bình!" Không giống hàng loạt phim chiến tranh của ta ca ngợi những chiến công anh hùng, thể loại đã bị mòn…

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - Những bộ phim có lửa - Ảnh 5.

Đừng đốt mang triết lý "cái chai ném xuống biển" của Vigny. Hiếu và Fred đã vớt được cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm với bản thông điệp nhiều ý nghĩa: Yêu Tổ quốc, yêu con người, tính nhân văn, cái thiện không biên giới, không phân biệt màu da, vượt qua hệ tư tưởng, hòa giải, yêu hòa bình và đời sống chân thực, giản dị... Một bản thông điệp quốc tế".

Thiết nghĩ nhà văn hóa Hữu Ngọc đã nói hộ những người làm phim chúng tôi quá đầy đủ. Điều quan trọng là ông đã nhận ra cái khác của phim Đừng đốt so với những phim về đề tài chiến tranh đã làm trước đây. Bộ phim chiếu ra mắt khán giả đúng vào dịp kỷ niệm ngày 30/4 năm 2010. Nhiều tỉnh đã đề nghị Cục Điện ảnh cho in thêm bản phim để phục vụ khán giả ở tỉnh mình, đặc biệt là Quảng Ngãi - nơi liệt sĩ Đặng Thùy Trâm từng chiến đấu và hy sinh. Sau đó phim đã được chiếu tại Mỹ và rất nhiều nước trên thế giới. Ở đâu phim cũng được đón nhận với nhiều thiện cảm, đặc biệt là ở Nhật, nơi bộ phim đã nhận được Giải khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka năm 2010.

Cơ duyên đưa ông đến với bộ phim "Đừng đốt" chắc hẳn rất đặc biệt?

- Vào giữa năm 2005, cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" xuất hiện lần đầu tiên. Lúc đầu trên báo Tuổi trẻ đăng dần từng kỳ, sau đó được xuất bản thành sách. Tôi cũng háo hức đọc và thấy rất cảm động. Tôi thấy chị Đặng Thùy Trâm rất gần gũi với tôi vì tôi có hai cô em gái cũng trạc tuổi như vậy và tính cách tình cảm cũng rất giống với những gì chị viết trong cuốn nhật ký. Sau đó tôi có dịp đến thăm gia đình và được bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – PV) tiếp đón rất niềm nở. Tôi cảm tưởng như giữa tôi và gia đình này đã thân quen từ lâu. Và đúng thật, gia đình đó cùng họ Đặng - tuy không phải cùng nhánh của tôi, nhưng cũng là người gốc Huế. Và cụ thân sinh ra tôi -Giáo sư Đặng Văn Ngữ cũng là thầy dạy chị Đặng Thùy Trâm ở trường Y. Tất cả điều đó như những mối dây ràng buộc vô hình nên khi đến với gia đình ấy, tôi thấy như đến với những người thân.

Sau đó, nói thực là tôi cũng chưa có ý định làm phim về cuốn nhật ký này, vì đọc thì thấy chị (Đặng Thùy Trâm) mỗi ngày viết về một chuyện, mỗi ngày một xúc cảm thì làm sao làm phim được. Nếu có làm phim thì chỉ làm được phim truyền hình nhiều tập chứ không thể làm phim truyện được. Phim truyện phải có một kết cấu nào đó.

Cho đến khi tôi đọc được những bài viết về số phận của cuốn nhật ký lưu lạc sang tận bên Mỹ, gặp được viên sĩ quan Mỹ đã từng nhặt được và lưu giữ cuốn nhật ký này suốt 35 năm thì tôi mới xác định đượccấu trúc cũng như tư tưởng chủ đạo của bộ phim, và cái mà chị Đặng Thùy Trâm chinh phục được đối phương chính là lòng nhân ái, tình thương yêu con người của chị. Đó mới là sức mạnh của chị chứ không phải chị giết được bao nhiêu lính Mỹ,… Trong phim không có cảnh nào chị cầm súng cả mà chỉ có tình thương là vũ khí, là sức mạnh của chị.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - Những bộ phim có lửa - Ảnh 6.

Là một đạo diễn thành danh với những bộ phim chiến tranh, điều ông quan tâm nhất trong bộ phim này cũng như các phim về chiến tranh khác là gì?

- "Tôi không xác định cho mình là một ngườichuyên làm phim về chiến tranh,hay làm phim về phụ nữ, làm phim về anh hùng…", mà cảm xúc đến với mình thì mình làm. Phim nào tôi làm thì cái quan trọng là Con người, tôi muốn nói về Con người. Con người có lúc trong hoàn cảnh hòa bình, có lúc trong hoàn cảnh chiến tranh. Chiến tranh chỉ là hoàn cảnh bên ngoài thôi, điều quan trọng tôi quan tâm là cái bên trong của con người, của nhân vật.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - Những bộ phim có lửa - Ảnh 7.

Bộ phim "Đừng đốt" đã được khán giả Mỹ đón nhận, ông có lường trước được điều này không. Theo ông họ đón nhận nó vì điều gì?

- Khi tôi làm phim, tôi chỉ biết làm cho tốt thôi, tôi không biết khán giả Mỹ họ thích cái gì. Làm sao mà biết được. Tôi chỉ cố gắng làm những gì tốt nhất, đúng với tâm trạng của mình nhất. Và bất ngờ là người Mỹ rất cảm động, thậm chí chiếu xong nhiều người còn khóc nghẹn, không phát biểu được.

Có một kỉ niệm mà đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi, là có một lần chiếu phim ở một trường đại học (bên Mỹ trường nào cũng có rạp chiếu phim rất to, có thể đến 300 – 400 chỗ ngồi). Sau khi xem xong có một anh người da màu đứng lên nghẹn ngào nói: "Tôi có người anh chết trong chiến tranh Việt Nam. Từ khi anh tôi chết tôi rất căm ghét người Việt Nam. Nhưng hôm nay xem xong bộ phim này thì tôi không còn căm giận nữa. Tôi quên hết sự thù hận đó, vì đúng là con người ở đâu cũng giống nhau!".

Chị Đặng Thùy Trâm cũng giống cô em gái của tôi, giống những người Mỹ xem phim của tôi. Bởi vậy những tình cảm chung của con người làm cho người ta gần lại với nhau chứ không phải là những khác biệt. Chính những cái giống nhau đó khiến con người xích gần lại với nhau. Chính những đức tính mà chị Đặng Thùy Trâm bị phê bình là "tiểu tư sản" lại làm cho người Mỹ thấy gần với chị, quý mến chị.

Làm phim chiến tranh lúc này khó thu hồi vốn nên không phải là mối quan tâm của điện ảnh tư nhân.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh - Những bộ phim có lửa - Ảnh 8.

Những năm gần đây, số lượng phim về chiến tranh của các đạo diễn trẻ rất ít ỏi, hiếm hoi. Theo ông điều gì dẫn đến tình trạng đó? Với những phim chiến tranh ông đã xem thì ông cảm nhận như thế nào?

- Phim về chiến tranh những năm gần đây ít vì Nhà nước ít tài trợ cho điện ảnh để làm phim về đề tài này. Có cảm tưởng Nhà nước cũng cảm thấy mệt khi cứ tài trợ mãi cho các phim để phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn mà không mang lại hiệu quả mong muốn. Còn điện ảnh tư nhân thì làm phim về đề tài chiến tranh lúc này khó thu hồi vốn nên không phải là mối quan tâm của họ.

Tuy vậy, vẫn có một số phim do các đạo diễn trẻ được nhà nuớc tài trợ làm về mảng đề tài này khá thành công, như các phim của các đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Đinh Tuấn Vũ v.v..… Nhiều đại cảnh chiến tranh với đông đảo quần chúng, bom đạn,  khói lửa , kỹ xảo v.v… trong các phim của họ rất ấn tượng.

Là một đạo diễn đã tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế và cũng nhận được nhiều giải thưởng, ông nhận định thế nào về điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới?

- Tôi đã đi rất nhiều nước, dự nhiều liên hoan phim, tất cả đều do các phim tôi làm đưa tôi đi. Do đi nhiều nên tôi biết rằng điện ảnh Việt Nam còn khó mới chạm đến các LHP lớn như Cannes, Venice hay Berlin (những liên hoan phim loại A) hay giải Oscar… Vì thứ nhất mình chưa có phim hay,nếu có thì là hay với mình thôi chứ chưa phải với thế giới. Thứ hai là điện ảnh mình cũng chưa đủ tầm, đủ lực. Tôi không bao giờ ảo tưởng về bản thân mình. Tôi không phải là "ếch ngồi đáy giếng" mà là đã ngồi trên miệng giếng nên tôi rất hiểu mình là ai và điện ảnh của mình đứng ở chỗ nào trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Cuối cùng ông có điều gì tâm huyết muốn chia sẻ với các đạo diễn trẻ?

-Những điều tâm huyết tôi đã thổ lộ ít nhiều trong cuộc trả lời phỏng vấn này. Nếu có gì đó bổ ích cho các bạn trẻ thì có nghĩa là cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay không phải là vô ích.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc đạo diễn luôn mạnh khỏe, giữ mãi ngọn lửa trong điện ảnh!


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem