img img
 

imgimgrung tâm thương mại Lotte – nơi doanh nghiệp của Hong Sun đặt văn phòng – không đông khách như ngày thường. Người ra vào ở thang máy, hành lang, các tầng… đều đeo khẩu trang, đi lại khẩn trương. Ánh mắt nhiều người không giấu được vẻ lo âu.

Hong Sun đã sinh sống ở VN 27 năm. Anh nói tiếng Việt rất sõi. Các dấu hỏi, huyền, ngã, nặng… đều chuẩn nét. Trong câu chuyện, Hong Sun thỉnh thoảng còn chêm thêm mấy câu ví von, hoặc đệm mấy thành ngữ Việt, rất hợp trend như lối nói của giới trẻ…

img img

Vừa đầu năm, Việt Nam đã phải chịu cú sốc của dịch Covid-19. Ông thấy dịch tác động lên triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay ra sao, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như thế nào?

- Trước Covid-19 triển vọng kinh tế Việt Nam rất suôn sẻ, rất tốt, nhưng từ Tết ra đến nay dịch ảnh hưởng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng cả đến những doanh nghiệp Hàn Quốc lớn đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, LG… 30% linh kiện của họ dựa vào thị trường Trung Quốc, Trung Quốc là đại công xưởng của thế giới, nhập khẩu nhiều linh kiện vào Việt Nam.

Kể từ đầu tháng hai việc xuất nhập khẩu qua biên giới hoàn toàn bị đình lại. Từ tuần trước đã mở lại rồi nhưng việc kiểm dịch mạnh hơn, thời gian lưu hàng lâu hơn. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc chưa hoạt động bình thường. Vì thế dự báo chỉ một thời gian rất ngắn nữa thôi nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam không có đủ hàng để tiếp tục sản xuất. Một chiếc điện thoại, dù thiếu một phụ kiện trong số hàng nghìn phụ kiện cũng không thể hoàn thiện.

Ngành dệt may cũng vậy, Trung Quốc là nhà cung cấp vải rất lớn. Tại các trung tâm thương mại như Lotte đây được biết doanh số giảm tới 50 - 80%, nhiều tiểu thương không thể chịu nổi các chi phí phát sinh. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, hẳn sẽ có nhiều khó khăn. Dài hạn có thể chưa dám nói là có vấn đề gì nhưng trước mắt là khó. Nhiều đoàn khảo sát doanh nghiệp đã hủy lịch sang Việt Nam mà họ đặt từ trước đó. Họ phải khảo sát từ đầu năm thì mới có thể có kế hoạch dài hạn cho cả năm hoặc năm sau, năm sau nữa. Nhưng giờ không ai sang cả.

Các công ty du lịch trong nước cũng đang gặp khó. Visa bị tạm dừng. Nhiều tour du lịch bị huỷ. Việt Nam có 100 triệu dân mà hiện mới có hơn 50 người nhiễm virus corona, trong đó 16 người đã chữa khỏi. Vô cùng ít. Vậy mà trẻ con phải nghỉ học... Dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội Việt Nam cũng như toàn khu vực và chúng ta phải giải quyết phối hợp với nhau thì mới có thể vượt qua.

img img

Trước việc dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc, cộng đồng người Hàn ở Hà Nội đã có những động thái phản ứng như thế nào để phòng chống dịch?

- Hiện chưa có thông tin nào về việc có ai đó trong cộng đồng Hàn Quốc tại Việt Nam đã nhiễm virus corona. Nhưng trong cộng đồng chúng tôi đã khuyến cáo cho mọi người rất thận trọng trong việc đi lại, ăn uống, giữ gìn vệ sinh toàn bộ. Nhiều người Hàn ở đây đang lo lắng vì dịch bệnh. Dịch đã có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, vì đa số người Hàn ở đây là doanh nhân, nếu dịch ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đại đa số.

img

Dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc chắc chắn ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước. Ông đánh giá thiệt hại đó như thế nào?

- Trong dịp này cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam đều gặp khó khăn. Vì thế, mặc dù chúng ta đang cố gắng đề phòng nhưng chúng tôi cũng cho rằng không thể nào phòng ngừa 100% được.

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam rất đặc biệt. Dịch bệnh là vấn đề cực kỳ khẩn thiết và nghiêm trọng. Chúng tôi hiểu những phương án phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam và đã tham gia vào phong trào giúp nông dân giải cứu nông sản.

Ngược lại Hàn Quốc dịch đang lan rộng và sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, chúng tôi sẽ phải chịu sức ép rất lớn về hậu quả. Tôi hy vọng rằng mặc dù chúng ta đề phòng toàn diện nhưng không nên có những thông điệp tiêu cực.

Việc một thanh niên Hàn Quốc đến Đà Nẵng bị cách ly bất ngờ, trở về phát biểu với một kênh truyền hình tỏ thái độ không hài lòng, theo tôi đó chỉ là ý kiến cá nhân của người đó.

Báo chí truyền hình nên thận trọng, chọn đúng thông điệp để chia sẻ, không nên làm căng thẳng quan hệ hai bên. Tất cả chúng ta đều muốn dịch nhanh chóng qua đi.

Người Hàn Quốc cũng rất buồn vì Việt Nam là nước thân thiện nhất với Hàn Quốc, có 200.000 người Hàn Quốc sống ở đây, thế nhưng giờ phải ngừng các chuyến bay giữa hai bên, ngừng cấp visa du lịch.

Chính phủ Việt Nam đã hy sinh nhiều, đặc biệt là vấn đề kinh tế, coi việc ảo vệ an ninh an toàn cho xã hội cao hơn tất cả, chúng tôi đánh giá cao và tôn trọng điều đó.

Chúng ta hiểu sự nguy hiểm của dịch nhưng không nên có sự kỳ thị con người hoặc những vấn đề khác, ảnh hưởng sau này đến quan hệ, tình cảm của chúng ta. Thiện chí giữa hai bên cần được giữ nguyên.

img img

Đầu tư của Hàn Quốc vào VN mấy chục năm qua có biến chuyến như thế nào, thưa ông?

- Theo thống kế, dòng đầu tư đó đã thay đổi 3 lần về chất. Năm 1990 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến năm 2000 thì đầu tư tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép. Từ 2008, khi Samsung đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại ở Yên Phong, Bắc Ninh, đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam chuyển sang lĩnh vực giá trị gia tăng cao. Bây giờ làn sóng đầu tư thứ ba sẽ là đầu tư gián tiếp, đầu tư vào thị trường tài chính, chứng khoán, start-up. Các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng cao. Dòng vốn thứ ba rất phù hợp vào thời điểm này, chúng tôi có thể giúp được về tri thức, công nghệ và vốn, kết hợp với các bạn trẻ Việt Nam để tạo ra những sản phẩm tốt đẹp.

Ví dụ như huấn luyện viên Park Hang Seo đã có nhiều kinh nghiệm làm việc ở World Cup, từ đó ông dẫn dắt, đào tạo đội tuyển bóng đá Việt Nam và đem lại rất nhiều thành công. Điều tương tự cũng đang và sẽ diễn ra trong phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước. Tôi hy vọng hai bên tiếp tục được câu chuyện mà ông Park làm được trong bóng đá.

img img

Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài?

- Chính phủ Việt Nam rất tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, đa số họ hài lòng với chính sách của Chính phủ. Việt Nam rất cởi mở, thay đổi nhanh, chế độ pháp luật thuận lợi với nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất muốn vào Việt Nam làm ăn.

Tất nhiên vẫn có một số điều tiêu cực nhưng điều đó xảy ra ở bất kỳ nước nào. Bây giờ tích cực nhiều hơn là tiêu cực, 80% tích cực thì chỉ có 20% là tiêu cực, và có khả năng giảm bớt, cải thiện. Điều đó cần thời gian không thể 100% tích cực ngay, nhưng tốc độ cải thiện và sự cởi mở như vậy không phải là nhỏ. Chúng tôi đánh giá rất cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam.

Vậy ông có thấy khó khăn gì khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam?

- Nhà đầu tư nước ngoài gặp một chút khó khăn khi đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam. Ở nước ngoài, trong nhiều trường hợp người ta phải nhường nhau một chút để đạt được kết quả cho nhanh. Còn với Việt Nam, kỹ thuật (đàm phán) có thể tốt, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hơi khó nhượng bộ, cả về giá, về tiêu chí, về quan điểm được đặt ra từ đầu.

Sự tính toán của doanh nghiệp hai bên khác nhau. Doanh nghiệp Hàn Quốc tính toán các giá trị của quá khứ và hiện tại, nhưng Việt Nam tính cả giá trị của tương lai trong đàm phán, điều đó không phải đơn giản.

img img

Hong Sun Hiện điều hành một doanh nghiệp riêng với 500 lao động, chuyên về xuất khẩu nông sản Việt. Thành công nhiều, thất bại cũng không thiếu khi làm ăn ở Việt Nam.

Ở trên, ông có nói là cộng đồng người Hàn ở Việt Nam đã tham gia giải cứu nông sản cho nông dân, việc đó diễn ra như thế nào?

- Cộng đồng chúng tôi đã mua những loại hoa quả mà nông dân Việt Nam bị ảnh hưởng do không xuất khẩu được, như dưa hấu, thanh long, mít, sầu riêng… Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng nhất loạt tăng cường mua nông sản để tặng cho công nhân viên trong công ty, để tiêu dùng, để sử dụng trong bữa ăn ở nhà máy. Samsung một ngày có 300.000 suất ăn, số lượng dưa hấu sử dụng rất lớn. POSCO cũng vậy. Các công ty nhỏ thì mua để tặng nhân viên trong công ty. Chúng tôi chưa thống kê được nhưng đó là con số khá lớn.

Có dịp sang Hàn Quốc, chúng tôi quan sát thấy các siêu thị Hàn Quốc có rất nhiều nông sản từ khắp nơi trên thế giới, riêng từ Đông Nam Á nào chuối Phillippines, gạo Thái Lan, dầu cọ Malaysia… nhưng rất ít nông sản Việt. Theo ông, làm thế nào để nông sản VN vào thị trường Hàn Quốc nhiều hơn?

- Nông sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng phải thừa nhận với thực trạng hiện tại, nông sản Việt rất khó cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Ngành nông nghiệp phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới tăng sức cạnh tranh. Thái Lan, Philippines họ có những nông trại lớn, có dây chuyền chế biến, phân loại, đóng gói hoàn chỉnh, như một ngành công nghiệp.

Nhiều công ty lớn trên thế giới đầu tư vào các nước này để trồng, chế biến, chuyên chở, tiêu thụ nông sản, thị trường thì có sẵn rồi. Công tác làm thương hiệu của họ rất bài bản. Nhưng Việt Nam chưa có những thương hiệu nông sản mạnh. Xoài Việt Nam chẳng hạn, có rất nhiều loại xoài ngon, nhưng lại chưa có một thương hiệu xoài Việt Nam nổi bật để khách hàng nhớ tới.

Cần có những chợ đầu mối quy mô lớn, tập trung bao giá, phân loại, chiếu xạ, đóng gói. Việt Nam ít chiếu xạ nông sản trong khi để sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ cần chiếu xạ. Nông dân bán hàng thì rẻ, nhưng chi phí chiếu xạ, đóng gói, vận chuyển rất đắt tiền, cần phải làm ăn tập trung.

Ngoài ra, cũng không thể không nói đến một câu chuyện buồn: Có một số ít cá nhân, công ty ở Việt Nam nói thẳng ra là lừa đảo, họ quảng bá giới thiệu trên mạng, người mua gửi tiền nhưng họ không gửi hàng. Tình trạng đó không thường xuyên nhưng đã xảy ra một lần thì làm mất uy tín hoàn toàn sản phẩm và con người Việt Nam với khách hàng. Nhà nhập khẩu bị một lần lừa đảo thì họ không làm việc lại nữa, họ sẽ sợ, không còn tin tưởng nữa. Chính quyền phải xử lý triệt để những kẻ gây ảnh hưởng xấu như vậy.

img img
img img

Tác động từ dịch Covid-19 quả là rất lớn, hy vọng nó không ảnh hưởng đến vị thế suốt nhiều năm của Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Theo ông, điều gì đã khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc đến và cam kết với Việt Nam như vậy?

img
img

- Đó chính là văn hóa Việt Nam, bối cảnh lịch sử, nhân sinh quan, kể cả văn hóa ẩm thực Việt Nam rất thân thiết với người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc sang đây làm việc, sinh sống có cảm giác như không phải là ra nước ngoài hẳn, mà giống như đang ở trên một quê hương xưa của họ.

Văn hóa Việt Nam rất tôn trọng gia đình, mối quan hệ bố mẹ con cái, người Việt rất hiếu học, những điều đó rất gần gũi với người Hàn Quốc, nên cuộc sống ở Việt Nam rất dễ dàng cho người Hàn. Thực ra về mặt gene chúng ta cũng rất giống nhau, không nói chuyện thì có khi không biết một người là người Hàn hay Việt.

Có vẻ như người Hàn cao lớn hơn người Việt…

- Những người Hàn trẻ tuổi hiện nay có thể cao lớn hơn, nhưng những người trung niên thì cũng có vóc dáng giống người Việt. Sự tăng trưởng chiều cao của người Hàn Quốc là do chế độ dinh dưỡng được cải thiện vài thập niên gần đây. Còn trước kia, tầm vóc của người Hàn cũng như người Việt. Tôi thấy trẻ em Việt Nam giờ cũng rất cao to. Kinh tế Việt Nam đang ngày càng tốt dần, chế độ dinh dưỡng được cải thiện. Trong thời gian tới chiều cao cân nặng của người Việt chắc chắn sẽ thay đổi.

img img

Bộ phim "Ký sinh trùng" của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho mới đây đã thắng lớn ở giải thưởng điện ảnh Oscar. Làm thế nào để một bộ phim khắc họa rất rõ nét chân thực cuộc sống của các gia đình Hàn Quốc như vậy lại chinh phục được ban giám khảo quốc tế?

- Phim thể hiện sự mâu thuẫn giữa người bình dân và xã hội thượng lưu. 2 bên sống gần nhà nhau, nhưng sự khác biệt rất lớn, rất khó hợp nhau. Đó không chỉ là vấn đề của Hàn Quốc mà chung của thế giới. Trong cuộc sống hiện đại nhiều người vẫn khó khăn. Xã hội luôn có 2 mặt, một mặt đẹp, mặt kia rất tương phản.

img
img

Ở Hàn Quốc ngay cả hiện nay vẫn có người nghèo, vẫn có những người bị lừa mất 4.000USD thì tự sát vì tuyệt vọng, trong khi một số người khác ăn một bữa cũng hết 4.000USD. Ở Việt Nam cũng vậy, một sinh viên mất mấy chục triệu đồng là mất cả gia tài, và một người mở một chai rượu trong khách sạn 5 sao cũng mất chừng đó tiền.

Từ ban nhạc BTS, KPop, KDrama, làn sóng Hàn Quốc đã chứng minh sức mạnh văn hóa Hàn Quốc trên thế giới. Giờ đây ở các giải điện ảnh Cannes, Oscar cũng vậy, Hàn Quốc đã chinh phục thế giới. Đạo diễn Bong Joon-ho rất giỏi, ông đưa vào phim được nhiều ý tưởng không hề đơn giản.

Làn sóng Hàn Quốc đã tạo nên sức mạnh mềm để đất nước ông phát triển về mặt kinh tế. Ông có nghĩ, Việt Nam với nhiều nét văn hóa đặc sắc cũng có thể phát triển sức mạnh mềm đó không?

- Quả thật không chỉ ở Đông Nam Á mà ở nhiều nơi trên thế giới, như Nam Mỹ, Châu Phi… “sức mạnh mềm” của văn hóa Hàn Quốc len lỏi khắp nơi. Người dân ở đó từ nhỏ đã hâm mộ ca sĩ, phim ảnh Hàn Quốc, từ đó có thiện chí với con người và đất nước Hàn Quốc.

Chile, Peru rất xa nhưng họ vẫn biết đến Hàn Quốc là nhờ "Hàn lưu", nhờ "Ký sinh trùng", nhờ nhóm nhạc BTS. Từ đó họ có thiện chí, có suy nghĩ về hàng hóa "made in Korea" và mua sắm TV, điện thoai "made in Korea", dù trước đây họ thích hàng hóa "made in France", "made in Italy"... Văn hóa góp phần làm nên thương hiệu đất nước.

Nền văn hóa Việt Nam cũng rất lâu đời và đậm đà bản sắc. Hãy tạo điều kiện để các tác giả tạo ra những sáng tác làm sao cho giới trẻ say mê. Tôi đã xem vở diễn "Làng tôi" của Việt Nam, một vở diễn rất đặc sắc, cảm động, không mất nhiều chi phí, nhưng thật sự thu hút. Tôi nghĩ rất nhiều tác phẩm văn hóa Việt, do người Việt tự làm, hoàn toàn có thể hấp dẫn khán giả thế giới.

img img

Có một người Hàn Quốc khác cũng rất được yêu mến ở Việt Nam là huấn luyện viên Park Hang Seo. Ông hẳn biết đến cơn sốt mà ông Park tạo nên?

- Vâng, Park Hang Seo là một phần của cộng đồng người Hàn ở đây, một “anh hùng” của Hàn Quốc. Rất nhiều người Hàn thích và yêu quý ông ấy. Sự thành công của đội tuyển Việt Nam ảnh hưởng rất lớn đến Hàn Quốc. Trước đây chưa bao giờ bóng đá Việt Nam Việt Nam được chiếu trên TV Hàn Quốc, nhưng sau thành công của thầy Park thì có sự kiện nào của bóng đá Việt Nam là TV lại chiếu. Khi hai đội Hàn Quốc - Việt Nam gặp nhau thì người Hàn cho rằng ai thắng cũng được.

img

Thầy Park thường nói ở đội tuyển Việt Nam, “vũ khí tinh thần” là quan trọng nhất. Đó là quan điểm của thầy Park. Còn anh, anh nhận xét gì về tính cách người Việt?

- Người Việt Nam chịu khó hơn người dân ở một số nước đang phát triển, họ có ước mơ, có tầm nhìn xa. Tôi khẳng định Việt Nam có thể trở thành nước hàng đầu trong khu vực trong thời gian tới.

Có vẻ anh rất lạc quan về triển vọng lâu dài của Việt Nam?

- Người dân Việt Nam rất quyết tâm, rất giỏi. Chính phủ Việt Nam thì không nước nào xung quanh có thể so sánh. Tôi thấy Việt Nam không chỉ thuộc Đông Nam Á, mà gần hơn Đông Bắc Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. 4 nước chúng ta đều dùng đũa còn các nước láng giềng Đông Nam Á không dùng. Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản đều ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc. Tiếng Hàn, Việt, Nhật có tỷ lệ nguồn gốc tiếng Trung lớn, văn hóa, tôn giáo… cũng chịu ảnh hưởng chịu ảnh hưởng.

Tôi thấy Việt Nam mang nét văn hóa Đông Bắc Á hơn là Đông Nam Á. Phía nam Việt Nam chỉ là vài trăm năm lịch sử, còn miền bắc mấy nghìn năm lịch sử, gắn kết chặt chẽ với văn hóa Trung Hoa. Hàn Quốc, Nhật Bản cũng vậy, tạo nên sự tương đồng giữa chúng ta. Văn hóa gần nhau, khiến hai nước chúng ta bên gắn bó với nhau, do thế mà việc đầu tư cũng thuận lợi.

Việt Nam có truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân, cùng cha cùng mẹ rồi mới chia tách 2 nửa. Có thể chúng ta cùng cha cùng mẹ chăng?

Vâng, đã từng có hoàng tử Lý Long Tường thời nhà Lý ở Việt Nam phiêu dạt sang xứ Cao Ly từ thế kỷ 13, sau này hậu duệ của ông là Lý Xương Căn - một trong những người Hàn Quốc đầu tiên mở nhà máy ở Việt Nam vào những năm 1990.

- Đúng vậy. Hoàng tử Lý Long Tường đã giúp nhà vua Cao Ly rất nhiều về chiến thuật để chống giặc Nguyên Mông và đã được nhà vua phong là Hoa Sơn Tướng quân. Ông là ông tổ dòng họ Lý ở Hoa Sơn.

img img

Cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc tương đương về số lượng với cộng đồng người Hàn ở VN, nhưng chất lượng có lẽ chưa bằng, một tỉ lệ đáng kể trong đó là những người xuất khẩu lao động và cô dâu người Việt…

- Tôi nghĩ người Việt ở Hàn Quốc cũng rất giỏi. Đúng là ban đầu cộng đồng người Việt ở Hàn phần nhiều là cô dâu Việt và người đi lao động đơn giản, nhưng giờ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn và thành công cứ nối tiếp nhau. Ở Hàn Quốc có Hội người Việt Nam. Một đảng đối lập của Hàn đã mời một vị Chủ tịch hội người Việt Nam làm ứng cử viên nghị sĩ quốc hội của đảng đó. Chưa bao giờ ở Hàn có một nghị sĩ gốc Việt. Đó là sự chứng minh vị thế cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc.

Ông có nói Việt Nam gần hơn với nhóm các nước Đông Bắc Á. Vậy Việt Nam cần làm gì để đạt được sự phát triển tương đương với các nước đó?

- Chính phủ Việt Nam rất giỏi, nhưng cần cải thiện hơn về thu nhập của cán bộ viên chức. Thu nhập của họ phải tương đương với các nước Singapore, Nhật Bản, để họ không tham gia những việc tiêu cực, khẳng định uy tín, để họ làm việc hiệu quả cho Chính phủ.

Tất nhiên để làm được việc đó phải mất rất nhiều thời gian. Hàn Quốc 20 - 30 năm trước cũng giống các nước đang phát triển. Cán bộ viên chức không muốn tham nhũng, nhưng họ có thẩm quyền cấp giấy phép, tạo điều kiện cho người khác. Nếu viên chức nhận quà quá quy định phải bị xử lý nghiêm túc, khi họ thấy lợi ích của việc nhận quà không so sánh được với thu nhập của họ thì họ không dám nhận.

img img
img img

Ban đầu ông đến Việt Nam như thế nào nhỉ?

- Khi mới ngoài 20 tuổi, tôi theo một người bạn của bố tôi đến Việt Nam. Ở đây tôi học tiếng Việt 6 tháng trong trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, thấy ưa thích và ở lại. Giờ đây đã là 27 năm. Vợ và con gái 7 tuổi của tôi cũng sống ở Hà Nội. Con gái tôi nói tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Anh như nhau. Tôi có công việc ở Hàn Quốc và phải về thường xuyên, mỗi tháng một lần, nhưng về Hàn Quốc tôi có cảm giác chỉ như đi công tác. Còn khi máy bay về đến Nội Bài, nhìn thấy phía dưới cánh đồng xanh mướt, những con trâu đang gặm cỏ… tôi có cảm giác như đang trở về nhà.

Làm ăn lâu ở Việt Nam như vậy, ông đã từng thất bại?

img
img

- Tôi đã làm hàng chục dự án, thất bại cũng nhiều lắm. Sau mỗi thất bại, tôi lại rút ra những bài học kinh nghiệm, nhờ thế mà sau này thất bại không nặng nề như ban đầu. Cũng nhờ thế mà tôi được thử thách qua nhiều công việc và củng cố tinh thần doanh nghiệp của tôi. Còn nhớ lần đầu tiên tôi khởi nghiệp ở Việt Nam. Lúc đó Chính phủ quy định không được dùng xe tải thường mà phải dùng xe container để chuyên chở hàng hóa từ cảng về nhà máy. Tôi đã quyết định mua mấy xe container để kinh doanh. Nhưng những năm 1997 - 1998 khủng hoảng kinh tế, làm ăn thua lỗ. Tôi buộc phải đóng cửa doanh nghiệp của mình…

Sau đó tôi thành lập công ty sản xuất vật liệu quy mô lớn 2,5ha ở Hà Nội chuyên sản xuất cửa nhựa, sàn nhựa. Lúc đó có dự án của POSCO và một vài công ty khác nghĩ rằng họ sắp có giấy phép, tôi cho rằng nhu cầu vật liệu lớn, đầu tiên tôi muốn nhập khẩu nhưng chi phí vận chuyển quá cao, nên tôi đầu tư nhà máy sản xuất từ hạt nhựa đến sản phẩm. Đầu tư quá lớn mà thị trường quá nhỏ nên tôi rất khó khăn. Tôi đã thành lập doanh nghiệp hơi sớm, khi thị trường xây dựng chưa chín muồi.

Hoặc trong lĩnh vực nông nghiệp, lúc đầu tôi bị lừa và đến giờ chưa giải quyết được hết hậu quả. May mắn là giờ đây tôi tìm được đối tác tin cậy, đầu vào lớn dần, xuất khẩu ngày càng lớn hơn nữa. Năm rồi, tôi đã xuất tới cả nghìn tấn thanh long đi Mỹ.

Anh thích làm gì lúc rảnh rỗi?

- Tôi thích chơi với gia đình, đi du lịch, thích thể thao như tennis hay golf. Bận thì tôi không chơi golf thường xuyên nhưng tôi rất thích. Môn này đầy thử thách, phải đánh xa, chính xác, phải rất tập trung, nỗ lực để vượt qua chính mình, rất phù hợp với tính cách và con người Hàn Quốc. Trước kia thì đây là môn quý tộc, nhưng nay phổ biến, tiểu thương và người đi làm thuê bình thường cũng chơi được. Người Hàn Quốc rất thích sang Việt Nam chơi golf. Việt Nam có những điều kiện tự nhiên, khí hậu rất thích hợp để phát triển mạnh môn golf.

- Xin cảm ơn Hong Sun về cuộc trò chuyện. Chúc đất nước Hàn Quốc nói riêng và chúng ta nhanh chóng vượt qua dịch Covid-19. Chúc công việc của anh tại Việt Nam thành công!

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem