Lý do VIMC muốn trở thành tập đoàn logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á

17/09/2023 16:48 GMT+7
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã ban hành Nghị quyết số 349/NQ – HĐQT về việc phê duyệt chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 Việt Nam.

The đó, mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt ra là trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam, hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có phạm vi hoạt động toàn cầu, phát triển trên nền tảng ba trụ cột chính là cảng biển, vận tải biển và logistics toàn cầu.

"VIMC xác định lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng", lãnh đạo VIMC kỳ vọng.

Lý do VIMC muốn trở thành tập đoàn logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Container tại cảng biển TP.Hải Phòng. Ảnh: Thế Anh

VIMC cũng sẽ tập trung phát triển các cảng nước sâu có đủ năng lực để đảm nhận vai trò trung chuyển container trong khu vực (các cảng Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ và Lạch Huyện) và điều tiết các hoạt động trong dịch vụ chuỗi logistics trọn gói.

Từ đó, phát huy tối đa vai trò và vị thế của các cảng lớn nằm tại các cửa ngõ, khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước, giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tập trung nguồn lực để phát triển đội tàu container chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải quốc tế.

Lãnh đạo VIMC khẳng định: "Việc phát triển đội tàu container sẽ góp phần nâng cao năng lực đội tàu container của Việt Nam để lấp đầy khoảng trống trong thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Qua đó, tránh tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ hàng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước".

Trên thực tế, VIMC đặt mục tiêu lớn như vậy là đều có cơ sở, bởi giai đoạn năm 2020 - 2022, tổng doanh thu toàn VIMC đạt 41.850 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm. Doanh thu thực hiện hàng năm đều tăng hơn 50% so với kế hoạch.

Cùng với đó, tổng doanh thu năm 2022 tăng 38% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận đạt 7.359,55 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2022 tăng hơn 6 lần so với năm 2020 và lọt vào Top 50 doanh nghiệp, có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Doanh nghiệp cũng nộp ngân sách tăng bình quân 5,24%/năm, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là trên 5%/năm.

Cũng tại báo cáo tài chính Quý II/2023 của VIMC cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống cảng biển của VIMC thu hút hơn 52 triệu hàng hóa thông qua, sản lượng vận tải đạt gần 10 triệu tấn.

Doanh thu hợp nhất toàn VIMC đạt hơn 8.7000 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh sự tăng trưởng của kết quả sản xuất kinh doanh, quy mô của VIMC cũng tăng trưởng mạnh với tổng tài sản tăng trưởng bình quân 5%/năm. Đến 30/6/2023, tổng tài sản ước đạt 27.179 tỷ đồng, tăng 11%; vốn chủ sở hữu ước đạt 14.672 tỷ đồng, tăng 56%.

Thế Anh
Cùng chuyên mục