Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhà báo Trần Mai Anh sinh năm 1973, là con gái của nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà thơ Bùi Kim Anh. Cuối năm 2007, sau nhiều thủ tục pháp lý, chị Trần Mai Anh chính thức trở thành mẹ nuôi của Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ lại một mình trong khu rừng tại Quảng Nam, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục.
May mắn biết bao khi em bé sơ sinh ấy được một gia đình phát hiện ra và đưa đi cấp cứu. Cái tên Thiện Nhân cũng do chính các y bác sĩ đặt cho với hy vọng sau này em sẽ là một cậu bé lương thiện và làm được nhiều việc tốt.
Quả nhiên, số phận đã mỉm cười với Thiện Nhân khi em được nhận nuôi bởi gia đình của chị Mai Anh. Chị đã yêu thương Thiện Nhân như yêu hai cậu con ruột Thiên Minh và Hải Minh.
Hành trình làm mẹ của Thiện Nhân đã giúp sức để chị, một nhà báo vốn được bao bọc trong vòng tay cha mẹ, trở thành một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng trong sự kiện vinh danh của Forbes năm 2017 với vai trò là người sáng lập "Hành trình Thiện Nhân và những người bạn" thuộc Quỹ phòng chống thương vong châu Á, khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
Những đứa trẻ gọi chị là "Mẹ Còi", đúng như dáng vẻ bên ngoài của chị. Chị và những đứa trẻ xa lạ xem nhau như một gia đình thật sự, mà từng thành viên biết cách tự tìm và chắt chiu cho mình những giọt hạnh phúc ngọt ngào từ muôn vàn nỗi khổ đau.
Mẹ còi- Trần Mai Anh- Người chắt chiu ngọt ngào từ muôn nỗi khổ đau -Dân Việt TV
Nhà báo Trần Mai Anh từng nói, con người sinh ra phải có buồn vui hỷ nộ ái ố. Mỗi lần gặp bất hạnh, chị không bao giờ than vãn rằng sao mình bất hạnh quá. Nên chị nghĩ rằng, đời mình sao "phong phú" đến vậy, người khác không được đau khổ tột cùng, vui sướng tột cùng như mình đâu.
Thưa chị Mai Anh, dường như lâu nay mọi người biết đến chị nhiều với vai trò là mẹ nuôi của Thiện Nhân, tôi mong muốn bắt đầu câu chuyện này bằng những chia sẻ của chị về bản thân, một cá nhân độc lập.
- Tôi nghĩ tôi là con người thú vị, bởi tôi thích cuộc đời này. Mỗi ngày tôi đều thấy cuộc đời sinh động, tôi không bị ảnh hưởng bởi việc người nào là người tốt, làm nghề gì, cuộc sống như thế nào… Lúc nào tôi cũng thấy mình có niềm vui là nhìn thấy những khía cạnh tốt trong mọi chỗ, mọi con người.
Không phải tôi sống lạc quan đâu mà tôi nhìn thấy những điều đó. Tôi chẳng thấy có gì trên đời này là bắt buộc cả nên tôi sống thoải mái, những người tôi gặp xung quanh cũng tương tự như vậy. Tính cách Nhân giống tôi nhất, nhiều khi muốn mắng Nhân nhưng giống hệt mẹ nó thì mắng cái gì (cười lớn).
Thiện Nhân phải điều trị nhiều nên tôi phải dành thời gian đưa Nhân đi bệnh viện, trên hành trình ấy mẹ con gắn bó với nhau nhiều hơn. Nhân được chứng kiến mẹ giao tiếp với những người xung quanh như thế nào nên con bị ảnh hưởng bởi mẹ. Nhân khoái tính cách của mẹ mình như thế, lúc cần thì rất là "gấu". Thực sự tôi không phân biệt người tốt, người xấu xung quanh, chỉ có con người với con người sống chân thành với nhau nên chẳng có ai khách sáo, trịnh trọng…
Lý do tại sao chị lại có quyết định liều lĩnh đón Thiện Nhân về nuôi, tự mình trói buộc mình vào một hành trình không biết đến khi nào là kết thúc?
- Tôi nhớ lắm cái cảm giác đau đớn và tuyệt vọng của một đứa trẻ khi con cá vàng mình nuôi bị chết. Con cá vàng óng ánh trong mắt của một đứa trẻ, là tôi, ngày bé lộng lẫy đến tuyệt vời.
Một ngày, khi tôi đi học về, con cá nằm chết bên cạnh cái bể nước. Cả đàn kiến bu lấy nó. Tôi đã gây ra cái chết này, vì ngu dốt đổ quá nhiều nước nên con cá quẫy mạnh rồi bị rơi ra ngoài bể.
Các ông bố sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác này vì họ không có cơ hội được biết cái cử động đầu tiên của một em bé trong bụng mẹ.
Đó là một cái quẫy rất nhẹ, giống như một con cá bé tí xíu quẫy nước. Đó là cảm nhận đầu tiên của người mẹ về một sự sống nhỏ bé bắt đầu lớn lên trong cơ thể mình. Đó là sợi dây đầu tiên kết nối giữa Con và Mẹ. Đó là cử động nhỏ đến mong manh, nhưng lại quyết định niềm tự hào, hạnh phúc hay sự đau khổ của người làm mẹ.
Khi người ta lần đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, thằng bé không có chút biểu hiện nào của sự sống. Tím đen, bị mất chân phải, mất bộ phận sinh dục, và bị kiến bu đầy. Không cha, không mẹ, không tên, một "đứa bé vô danh", một "thằng cụt".
Nỗi đau đớn đến tột cùng, ranh giới của cái chết và sự sinh tồn khiến không biết bao bà mẹ, bao ông bố đã khóc thương, đã căm giận. Tôi rất sợ kiến, tôi khóc thương con cá vàng của tôi, tôi chợt thấy tôi đang bỏ quên một đứa con của mình. Tôi phải đón Thiện Nhân về, để yêu, để bù đắp... Xin đừng đưa trước cho chúng tôi một kết thúc cổ tích, bởi chúng tôi đi, đang đi, và tôi hiểu là tôi sẽ chẳng biết được điều gì đang đón đợi câu chuyện này phía trước.
Đã 14 năm sau ca phẫu thuật bộ phận sinh dục, cậu bé Thiện Nhân bây giờ ra sao rồi, thưa chị?
- Thiện Nhân vô cùng rõ ràng, hiểu bản chất của vấn đề, không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh. Có lần, Nhân bảo với tôi rằng lớn lên con sẽ làm luật sư. Bởi Nhân bảo khi hiểu luật thì không ai bắt bẻ được bạn ấy. Chứ không phải làm luật sư để giúp người khác đâu, mình phải giúp mình trước ấy.
Khi Nhân 4 tuổi, lò cò như chú kangaroo bé chơi trước cửa thì tôi nghe tiếng quát của ông hàng xóm, quát cái lối mang công an ra quát doạ trẻ con cho vui miệng mà nhiều đứa trẻ sợ dúm dó hoặc khóc thét mày nghịch tao gọi chú công an vào bắt bây giờ. Tôi chưa kịp lao ra góp ý với bác hàng xóm thì nghe tiếng Thiện Nhân lễ phép nhưng dứt khoát ông gọi công an vào đây thì ông bị bắt đầu tiên vì cái tội vu khống người không có tội.
Tôi dạy các con từ khi chúng còn chưa biết nói là vậy, là luật pháp để bảo vệ mình và với luật pháp con người là bình đẳng. Tất nhiên với trẻ con đâu có thể hiểu được các lý thuyết phức tạp, nhưng trong nhiều tình huống hàng ngày tôi căn theo luật để xử sự, Thiện Nhân và 2 anh mình từ đấy mà ngấm dần.
Nhân cũng là chàng trai rất mạnh mẽ. Trong suốt cả hành trình dài chữa bệnh, hiếm hoi có lần chỉ một giọt nước mắt lặng lẽ lăn khỏi khoé mắt thằng bé chảy tràn xuống má và một lần thằng bé khóc nức nở, khóc không phải vì mẹ ơi đau quá mà vì mẹ ơi lâu quá. Phẫu thuật lại tiếp phẫu thuật trong cái hành trình không có kết thúc này cảm giác đằng đẵng gây nản còn khủng khiếp hơn cả đau đớn.
Lần đầu tiên bác sĩ bóc từng lớp băng quấn chặt con chim xinh xinh của Thiên Nhân sau ca đại phẫu ở bệnh viện Bologna (Ý), Thiện Nhân nắm chặt ngón tay cái của mẹ, vã hết mồ hôi vì đau đớn, môi bặm chặt đến bật máu, người căng cứng trên giường bệnh.
Sau này tôi hỏi thằng bé sao con không khóc. Thiện Nhân bảo: "Con đau lắm chứ, nhưng hét lên với giãy thì bác sĩ khó làm, còn đau hơn, không khéo khiến bác sĩ cắt nhầm vào con chim thì mất toi tỷ rưỡi của mẹ".
Thường trẻ con rất nhạy cảm và dễ tủi thân nếu nhận ra bản thân mình khác biệt, nhưng qua những câu chuyện chị chia sẻ về Thiện Nhân, dường như tôi thấy cậu bé sớm hiểu và không bị tác động nhiều?
- Đó là bởi mẹ con tôi luôn minh bạch. Thiện Nhân không phải do tôi đẻ ra từ bụng. Đó là sự thật và Nhân là người hơn ai hết được quyền biết sự thật đó. Đã có lúc tôi phân vân có nên nói cho con biết câu chuyện con đến với tôi như thế nào không, nhưng sau cùng, tôi chọn cách đối diện. Số phận đã là vậy thì đừng né tránh để rồi vì thế mà phức tạp, bi kịch thêm cuộc đời ra.
Mọi khái niệm do con người nghĩ ra thì con người cũng có quyền tạo ra những khái niệm khác. Nhân không được mẹ đẻ ra từ bụng nhưng ai cấm mẹ Mai Anh đẻ Thiện Nhân từ trái tim. Mà trái tim thậm chí còn thơm tho hơn, biết rung động hơn cái bụng – từ bé tôi với Nhân cùng hiểu như thế.
Mỗi tối trước khi đi ngủ lũ trẻ thích nhất bà mẹ này của chúng kêu ca: "Trời ơi, nhiều con quá đi, phải điểm danh nào không mất đứa nào cũng không biết". Rồi tôi lần lượt hô theo năm tuổi của 3 đứa con: Rồng con, Khỉ con, Chó con. Từng đứa hào hứng "Dạ!" theo kiểu may quá mẹ không bỏ sót mình.
Khi tôi hỏi tiếp, mà ai đẻ ra các con, chúng sẽ hét lên "Mẹ". Chó con Thiện Nhân sẽ hét lên đầy tự hào nhất vì mẹ nó đã sinh ra nó từ trái tim thơm tho, còn 2 anh thì từ cái bụng thôi.
Trẻ con dù bé lắm, dù còn chưa biết nói cũng có thể hiểu được nhiều điều nếu như chúng ta chia sẻ thông tin với chúng thẳng thắn, đúng mực.
Khi nhận nuôi Thiện Nhân, nhà báo Trần Mai Anh đang làm việc tại tạp chí Heritage, hưởng lương công chức, có một gia đình đầm ấm với hai cậu con trai 5 tuổi và 3 tuổi.
Trong hoàn cảnh của chị, nhận nuôi một đứa trẻ lành lặn đã là điều ít người làm. Nuôi một đứa trẻ mang những tổn thương khủng khiếp cả về cơ thể lẫn tâm lý lại càng hiếm ai dám nhận. Mang Thiện Nhân từ Quảng Nam ra Hà Nội, chị Mai Anh biết mình bắt đầu đặt chân vào một hành trình cam go không biết khi nào mới kết thúc - hành trình giúp Thiện Nhân trở thành một đứa trẻ bình thường.
Chị và cộng sự đã tạo ra Thiện Nhân & Friends, một hành trình truyền cảm hứng, điều này khởi nguồn như thế nào?
- Năm 2010, Thiện Nhân sang Ý phẫu sau khi được rất nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi về Việt Nam thì vết thương bị nhiễm trùng. Con chim xinh xinh giá 1,5 tỷ mà bị thế thì tuyệt vọng lắm. Cả nhà khóc lã chã. Tôi lại cố gắng mời bác sĩ sang Việt Nam để khám cho Thiện Nhân. Lúc đó, giữa gia đình tôi và bác Roberto đã có tình cảm với nhau rồi.
Tôi thuyết phục Roberto: Bác sang đây đi, Việt Nam là một đất nước mới, tôi sẽ mời bác đi thăm vịnh Hạ Long. Sang đây thăm khám rồi bác sẽ đi du lịch một thể.
Tôi lại hỏi thêm rằng: Trong trường hợp bác sang đây mà tiện thể, nếu Việt Nam có những em bé khác tương tự như Thiện Nhân, thì bác có khám giúp không?
Bác Roberto rất tốt bụng, bác ấy bảo là có. Tôi bắt đầu đi tìm hiểu khắp nơi, tra cứu báo chí, tìm đến những gia đình có con bị khuyết bộ phận sinh dục. Thông báo trên báo chí rằng có bác sĩ sang đây thăm khám ai có nhu cầu không? Tôi bị bất ngờ khi cùng lúc có đến 110 hồ sơ gửi về. Nhiều hơn dự đoán ban đầu của tôi khá nhiều".
Đến khi bác sĩ Roberto sang Việt Nam thay vì đi thăm thú vịnh Hạ Long, bác lại có 110 hồ sơ của các bệnh nhân đang chờ trước mặt.
Một điều khó là, khám cho trẻ con xong thì bác sĩ không thể nói với chúng rằng bác đã khám xong rồi, cháu bị nặng lắm, cảm ơn cháu, mời cháu về. Như thế không được! Vậy là có phát sinh thêm chuyện mới: Bác sĩ phải sang Việt Nam lần hai, sau khi thăm khám, để tiến hành phẫu thuật. Và đó là cột mốc thứ 3, một cột mốc mở ra hành trình dài sau đó.
Đến hôm nay, đã bao nhiêu cô cậu bé gọi chị là Mẹ?
- Tất cả các bệnh nhi được TN&F phẫu thuật, có cả bệnh nhân đã trưởng thành nữa. Quỹ TN&F cũng nhận đỡ đầu một số trường hợp, để các con có được sự chăm sóc và phát triển tốt nhất.
Chúng tôi có một "Ngày của con" để các con được gặp, được gắn kết với nhau, cũng là một dịp để cùng nhau nghĩ thêm những việc cần làm, phải làm cho quỹ. Ngày ấy là sinh nhật của Thiện Nhân (15/7).
Là một nhà báo, nghề nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với chị và hành trình TN&F?
- Hành trình TN&F mà tôi đang đi luôn song hành với nghề báo tôi đang có. Từ những mối quan hệ trong nghề nghiệp mà anh, chị, em đã biết tới TN&F nhiều hơn.
Ngòi bút của các đồng nghiệp không chỉ mô tả lại hành trình, đưa thông tin của hành trình đến với nhiều bệnh nhân hơn mà các bạn thực sự đã tham gia vào câu chuyện đó, dùng thời gian, sức lực và cả tiền bạc của mình, đóng góp thời gian và tâm huyết để đến với bệnh viện, đến với những đứa trẻ.
Tôi nghĩ hành trình Thiện Nhân đi xa được tới 14 năm, chuẩn bị sang năm thứ 15 là nhờ hàng trăm bài báo của bao nhiêu đồng nghiệp. Và đến bây giờ, rất nhiều đồng nghiệp báo chí không phải là nhà báo khi đến với hành trình Thiện Nhân đã trở thành những tình nguyện viên, những người phục vụ trong bệnh viện, thành người đỡ đầu cho những đứa trẻ, chung vai vào gánh vác cho tôi được nghỉ ngơi cho đỡ mệt, thực sự điều ấy rất đáng quý.
Nhà báo Trần Mai Anh và các bác sĩ trong "hành trình Thiện Nhân" - chương trình phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục cho trẻ em kém may mắn.
Thiện Nhân - đứa trẻ sơ sinh xấu số của 14 năm về trước đã sống sót một cách kỳ diệu 72 giờ đồng hồ trong rừng khi bị thú dữ ăn mất một phần cơ thể. Chuyện của Thiện Nhân hôm nay không còn là những giọt nước mắt đau buồn mà hoàn toàn mang một gam màu tươi vui hơn.
14 năm đã trôi qua, từ cái đêm ngồi ngủ gục trên chiếc giường xa lạ của mẹ nuôi trong ngày đầu tiên về với gia đình mới, cậu bé 18 tháng tuổi năm ấy đã trở thành một chàng trai mạnh mẽ hơn cả tưởng tượng. Những kí ức vừa đau đớn, vừa đẹp đẽ của 14 năm như vừa mới hôm qua.
Ai dõi theo chị đều dễ dàng nhận thấy, dường như cuộc sống của chị dường như xoay vần quanh Thiện Nhân và dự án TN&F, tôi rất tò mò muốn biết trong chừng ấy thời gian liệu chị có phải đánh đổi điều gì?
- Thực tế là không, bạn thấy trang cá nhân của tôi chia sẻ nhiều về Thiện Nhân đó là vì tôi có trách nhiệm chia sẻ với người giúp con mình là nó đang sống, đang tồn tại.
Tôi vẫn đi chơi suốt đấy. Tôi ghét mọi người cứ áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, thường mọi người sẽ nghĩ là một người mẹ nhiều con sẽ bận trông con, nhiều đưa trẻ mổ thì bận việc mổ không có thời gian làm việc khác.
Đời người có nhiều hoạt động khác ngoài đi làm, người ta có thể đi đánh golf, đi xem phim… mỗi người sẽ có những sở thích khác nhau để sử dụng 24h đấy, thế thì đừng bao giờ lấy 24h của mình ra để áp đặt người khác cả. Tôi sống như vậy nhưng vẫn vui là được. Tôi có cần ai sống hộ đời mình đâu.
Các chương trình, dự án gây quỹ tôi thấy chị rất hay dùng từ "cổ tích", chị có tin vào cổ tích?
- Cổ tích sinh ra từ lòng người. Chỉ có lòng người mới tạo ra những điều kỳ diệu chứ không phải một tiếng khóc gọi Bụt hay chiếc đũa thần kỳ ảo.
Như tôi, đột nhiên rơi vào thế đấy chứ không phải mình chủ tâm làm việc tốt, thế thì nhiều người cũng sẽ như tôi, sẽ tốt ở một góc nào đó trong con người họ tâm hồn họ.
Nhiều người cũng bảo "sao chị làm được những điều như vậy", thật ra là tôi rơi vào dòng chảy cuộc đời mà nó đã tạo ra, trong hành trình tôi đi có rất nhiều người đã cùng tham gia vào dòng chảy đó. Tôi đã đi qua và tôi biết, tôi muốn là nếu có thể tôi mở những dòng chảy khác để nó tự chạy, mỗi người sẽ là nhân vật chính của dòng chảy cuộc đời.
Hành trình đó không phải là hàng ngày đi làm về chỉ lo cho mình nữa, không phải ai cũng muốn điều đó chẳng qua họ chưa có dòng chảy để đi lo cho người khác thôi. Mà muốn lo cho người khác thì không chỉ cần lòng tốt mà nó phải thực sự là dòng chảy mình muốn. Người hợp nước mặn thì phải bơi ở dòng nước mặn, như cá nước lợ thì chỉ bơi ở nước lợ… thả vào những chỗ khác thì không phát huy được sức mạnh, chỉ ngáp ngáp. Mình đã được dòng nước đẩy đi rồi, tôi nghĩ mình sẽ khởi nguồn thêm nhiều dòng nước khác mặn ngọt hay lợ khác. Mỗi con người sẽ là nhận vật chính cuộc đời mình.
Mình cứ cố phải sống tốt thì vô tình bỏ quên một phần con người của mình. Giúp người khác cũng vậy, chúng ta cứ nghĩ là phải bỏ rất rất nhiều công sức, làm cái gì to lớn vĩ đại để giúp người. Nhưng không hẳn là như thế, những điều nhỏ nhắn thôi cũng bắt đầu giúp được một con người rồi.
Làm từ thiện không có nghĩa là tôi đang thừa điều này, tôi đang có rất nhiều điều này, tôi đem đi cho người khác, mà là mình tặng cho người ta cái họ cần và cái điều mà mình cũng muốn tặng. Lòng tốt bé thôi, từ tốn thôi, như con lạc đà đi qua sa mạc, chậm rãi trải qua những nắng nóng mệt mỏi để đi đến đích cuối cùng.
Trần Mai Anh từng nói, trong gia đình chị chỉ có những người yêu nhau ở lại. Một cách rất dung dị như vậy, chị cho những người quan tâm đến mình biết, chị và chồng đã chia tay.
Câu chuyện hôn nhân đổ vỡ có ảnh hưởng nhiều đến mẹ con chị không?
- Không ở được với nhau thì thôi. Chẳng bị ảnh hưởng luôn í. Thiện Nhân lo cho mẹ, nó bảo "Mẹ yêu ai cũng được, mẹ đi chơi đâu cũng được nhưng lúc nào mẹ định lấy ai thì mẹ nên bàn với con". Nó biết tính mẹ bạt mạng nên lúc nào cần lí trí thì nên bàn với nhau tí còn lại thì thôi cứ việc mẹ mẹ làm.
Có những khoảnh khắc trong cuộc đời bắt buộc chúng ta phải trải qua một cách bình thản nhất. Đời này phải tiết kiệm nỗi đau, tiết kiệm sự chịu đựng, tiết kiệm cả nước mắt, hàng nghìn đứa trẻ khác còn đang chờ được xếp lịch mổ, không có chỗ cho sự bi luỵ của tôi.
Vậy mấy năm rồi mẹ vẫn chưa "tuyển" được ông bố nào cho các con?
- Có sao đâu, trách nhiệm của tôi là nuôi con và sống vui vẻ. Con mình sống vui vẻ, đầy đủ là được. Trừ phi không có ông bố đấy con mình buồn rầu cơ, tôi đẻ ra con thì tôi phải có trách nhiệm với con mình và mong những điều tốt đẹp nhất để con trưởng thành.
Tôi không sống phụ thuộc và bị điều nào đó ảnh hưởng tới việc nuôi dạy cũng như để con trai của mình lớn lên, sống vui vẻ. Đời này của mình mình sống, mình không phải hối hận điều gì là được.
Xin hỏi chị một câu hỏi cuối cùng, chị còn điều gì hưa hài lòng hay còn trăn trở về dự án TN&F?
- Tôi nhớ có một lần lúc bé, tôi làm vỡ cái cặp nhiệt độ của mẹ, thuỷ ngân văng tung toé lên mặt đất. Tôi đã đi gom nhặt tất cả chúng lại và cuối cùng chúng đã kết lại thành một. Sau này khi lớn lên tôi thấy rằng cuộc sống của mỗi con người giống như những viên thuỷ ngân bé tí xíu. Mình nhìn kỹ dưới ánh nắng mặt trời hay trong bóng tối đều thấy có những tia sáng lấp lánh, nếu vội vã thì không nhìn thấy đâu.
Trong hành trình này, từ một em bé Thiện Nhân, đã có thêm rất nhiều những đứa trẻ khác nữa. Và mỗi số phận bất hạnh trên cuộc đời này đều có ý nghĩa, nó luôn luôn là sự khởi đầu cho một câu chuyện khác. Thế nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đóng cửa cuộc đời của mình lại cả.
Tôi và Thiện Nhân khi mổ xong lại mở cuộc đời ra để đón những đứa trẻ khác. Và tiếp tục mở ra câu chuyện của thêm những em bé cần phẫu thuật, những câu chuyện đời khác nữa.
- Xin cảm ơn chị Mai Anh và chúc chị cùng các con luôn hạnh phúc với hành trình chị đã lựa chọn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.