Cùng với giá đất tăng chóng mặt, tình trạng san nền, mua bán đất ruộng cũng diễn ra phổ biến. Ngành tài nguyên, môi trường và chính quyền sở tại bối rối, lúng túng… chưa tìm ra giải pháp ngăn ngừa và giữ gìn trật tự xã hội nông thôn.
Giá đất liên tiếp tăng cao, liệu nhà đầu tư, người bán, người mua được lớn, giàu nhanh hay "đem tiền đi vỗ béo "cò"?
Còn nhớ khi điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội (năm 2008), có thông tin quy hoạch trung tâm hành chính các bộ, ngành…tại huyên Ba Vì, thì năm 2009 xảy ra sốt đất tại các xã trong dự kiến quy hoạch.
Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050" không có quy hoạch ở khu vực này. Giao dịch đất đai không còn - hậu quả là các nhà đầu tư, người mua đã "chôn tiền vào đất", nhiều người lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất…trong khi đó, "cò đất" lại phất lên từ những món hời.
Mới đây, chỉ sau 2 tuần công bố Dự án ven sông Hồng và quy hoạch dự kiến xây dựng 4 cây cầu: Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Giang Biên, Sông Đuống, chưa biết bao giờ được thi công, nhưng giới "cò đất" đã vào cuộc và thổi giá đất lên chóng mặt.
Tại xã Dương Hà (Gia Lâm), nếu tháng 12/2020 giá đất được rao bán 20 triệu đồng/m2 thì tháng 3 này đã lên 30 triệu đồng, không ít trang mạng được "cò đất" rao giá 50 triệu đồng/m2 . Khu vực Hòa Lạc, Đồng Mô, Đồng Chanh có tin sẽ xây khu an dưỡng. Thế là, ngôi làng ẩn sâu trong núi, mấy tuần nay, xe con ra vào nườm nượp, giá đất cũng tăng lên 2 lần.
Với chiêu thức không mới, giới "cò đất" luôn theo dõi thông tin dự án, dự kiến quy hoạch xây dựng. Ngay tức thì, "cò đất" liên kết với nhau làm giá, thổi giá và bài binh bố trận kịp thời. Thậm chí ở Bình Ba (Vũng Tàu), giới "cò đất" ngang nhiên vẽ ra dự án như thật rồi tạo cảnh giả; vào khu dân cư mua đất, đặt cọc, hợp đồng với chủ đất, hẹn làm thủ tục trong 20 đến 30 ngày. Sau đó, đăng thông tin lên mạng xã hội, đẩy giá lên gấp rưỡi, gấp 2…tạo nên những cuộc giả mua, giả bán…, để kích thích người có tiền lao vào tranh giành đất bằng cách trả giá cao hơn. Giá đất leo thang do đầu tư "lướt sóng" cứ thế mà "nhảy" lên bần bật, có chỗ thay đổi theo ngày, giờ.
Giải mã về sốt đất ảo, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do thiếu khung pháp lý, sự xung đột pháp luật có liên quan đến bất động sản và sự điều chỉnh không kịp thời trong quá trình phát triển nhà ở. Do năm 2021, cả nước xây dựng quy hoạch vùng, tỉnh, ngành… mà quy hoạch mới đưa ra ở dạng ý tưởng, tầm nhìn. Hơn nữa, do lãi suất tiền gửi ngân hàng mức thấp, dao động 4,4- 5%/năm – chỉ bằng mức lạm phát cơ bản. Và nguyên nhân thứ 4 là, dân ta có quan niệm "người đẻ, đất không đẻ", tâm lý có tiền thì cứ mua, "của mua là của được"!
Sốt đất ảo – câu chuyện dằng dặc trong nhiều năm. Mỗi khi có thông tin dù là ý tưởng, tầm nhìn về dự án, quy hoạch xây dựng công trình, đô thị hay xã lên phường, huyện lên quận, đồng ruộng thành khu chế xuất…, dù chỉ là chủ trương, chưa có ranh giới, quy hoạch chưa rõ ràng, lộ trình phát triển chưa có mốc thời gian, hoặc một khi từ sự thiếu chuyên nghiệp của quản lý ngành…, thì y rằng, giới "cò đất" nhảy vào xúi giục người mua đất, người bán đất làm náo loạn thị trường.
Còn đó, bài học từ vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Cty Địa ốc Alibaba với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Liên tiếp từ 2019 đến nay, vẫn có hàng chục vụ dự án ảo, lừa bán đất nền, đất ruộng… đã được cơ quan pháp luật, báo chí phanh phui, kẻ lừa đảo đã bị vào tù vì vi phạm pháp luật, nhưng sốt đất ảo vẫn xảy ra, giới "cò đất" vẫn phất lên từ những khoản thu đầy màu mỡ.
Phải chăng còn sự non nớt về quản lý đất đai, về pháp luật, về thị trường, về tính chuyên nghiệp của công chức, hoặc nhà đầu tư, người có tiền nhẹ dạ, cả tin lao vào mua bán đất. Hoặc khi lòng tham trỗi dậy thì khác nào đem tiền đi vỗ béo "cò"!