Dân Việt

Giải thưởng trong mắt ai?

Cẩm Thúy 09/07/2021 15:05 GMT+7
Hai đạo diễn – nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy và Đào Trọng Khánh có thể không bận tâm, so đo về giải thưởng, nhưng công chúng có quyền đòi hỏi một sự vinh danh xác đáng cho tác phẩm của họ. Và vì thế, cần xem lại quyền lực của hội đồng xét giải.

 Hai đạo diễn lớn của điện ảnh Việt Nam, cụ thể là của thể loại phim tài liệu, là NSND Trần Văn Thủy và NSND  Đào Trọng Khánh vừa không có trong danh sách trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nói theo một số người là rất tiếc nuối. Nhưng hơn cả tiếc nuối, theo chúng tôi, là việc phải xem xét lại cái được gọi là "quyền lực" của hội đồng.

Trả lời dư luận, văn bản do Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTT&DL) ký cho biết: Hồ sơ cụm tác phẩm đăng ký xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật lĩnh vực Điện ảnh năm 2021 của NSND Đào Trọng Khánh và NSND Trần Văn Thủy không đạt đủ 80 % số phiếu của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. 

Cụ thể, cụm tác phẩm phim tài liệu của NSND Trần Văn Thủy bao gồm: "Những người dân quê tôi", "Phản bội", "Hà Nội trong mắt ai", "Chuyện tử tế" và "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai".

Cụm tác phẩm của NSND Đào Trọng Khánh bao gồm: "Một thế kỷ - một đời người", "Giọt nước giữa đại dương".

Có lẽ, sở dĩ hồ sơ của NSND Đào Trọng Khánh chỉ đăng ký 2 bộ phim vì trước đấy, năm 2007, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước cho các phim tài liệu: 1/50 giây cuộc đời; Việt Nam - Hồ Chí Minh; Vũ nữ Trà Kiệu; Truyền kỳ sự thật; Hình bóng tổ tiên; Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người.

Điện ảnh Việt Nam những năm tháng rực rỡ nhất, ngoài những bộ phim truyện nổi tiếng, có sự đóng góp của những bộ phim tài liệu. Thậm chí, rất nhiều năm liền, khi tham dự các liên hoan phim quốc tế, phim truyện ít khi được giải, trong khi phim tài liệu luôn đạt các giải thưởng cao. Và các đạo diễn Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh không nghi ngờ gì nữa, là những tên tuổi vào hàng xuất sắc nhất của điện ảnh tài liệu.

Không đủ số phiếu của Hội đồng, 2 đạo diễn lừng danh trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh: Giải thưởng - trong mắt ai? - Ảnh 2.

Nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh. Ảnh: TL.

Có thể nhắc đến "Chuyện tử tế" của NSND Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1985 nhưng cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Hồi ấy, người Hà Nội xếp hàng đi xem phim tài liệu. Nói như ngôn ngữ bây giờ thì "Chuyện tử tế" là phim "bom tấn" làm nổ tung phòng vé. Tác phẩm sau đó đã giành giải Bồ câu Bạc Liên hoan phim quốc tế Leipzig 1985, được báo chí nước ngoài gọi là "quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig". Chưa kể, "Hà Nội trong mắt ai" hay "Những người dân quê tôi", "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" đều là những bộ phim xuất sắc… 

Với riêng đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, cuộc đời ông là cuộc đời của một nghệ sĩ tài năng thực thụ, ông thổi một tâm hồn thấm đẫm chất thi nhân vào những bộ phim tài liệu chính luận mang giá trị lịch sử rất dễ sa vào khô khan.

Đào Trọng Khánh cũng là một đạo diễn hiếm hoi có thể tự làm hết mọi khâu để hoàn tất một bộ phim tài liệu: viết kịch bản, đạo diễn, trực tiếp quay phim, dựng phim, chọn nhạc, và kiêm luôn việc viết lời bình. Thậm chí ông còn tự đọc luôn lời bình. Không chỉ viết lời bình cho phim của mình, Đào Trọng Khánh còn là người viết lời bình cho phim "Hà Nội trong mắt ai", "Chuyện tử tế"…

Các tác phẩm của NSND Đào Trọng Khánh giành được nhiều giải thưởng, với gần 20 giải cao cho các tác phẩm, trong đó có bảy giải cá nhân (ba giải kịch bản, bốn giải Đạo diễn xuất sắc nhất). Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1985), ông nhận hai giải Bông sen vàng cho hai phim tài liệu: Một phần 50 giây cuộc đời và Việt Nam - Hồ Chí Minh. Năm 2007, ông được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 tổ chức ở Nam Định. 

Việc xem xét hồ sơ của 2 đạo diễn lừng danh này, được công văn của Bộ VHTT&DL cho biết: Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước "đã họp, xem xét thảo luận từng hồ sơ trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập, dân chủ của từng thành viên và tiến hành bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, công bố kết quả ngay tại phiên họp Hội đồng…".

Chúng tôi không nghi ngờ tính độc lập, khách quan của các thành viên hội đồng, nhưng có một cái gì đó hoàn toàn không làm công chúng tâm phục khẩu phục khi những tác phẩm như thế, tác giả như thế lại không được trọng thưởng xứng đáng. Chả lẽ hội đồng lại có những đánh giá khác với sự ghi nhận của công chúng và các hội đồng giải thưởng trước đó đã từng trao cho 2 vị đạo diễn ở những kỳ liên hoan phim.

Tôi nhớ những lần gặp NSND Đào Trọng Khánh trong căn phòng chật chội ở phố Thụy Khuê ngay cạnh Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương. Ông giọng sang sảng, cực kỳ nghệ sĩ và hồn hậu vô cùng. Người như ông chắc cũng không quá so đo về giải thưởng.

Nhưng với công chúng thì lại khác, họ có quyền đòi hỏi một sự vinh danh xác đáng cho tác phẩm, tác giả mà họ thấy xứng đáng.

Không đủ số phiếu của hội đồng, câu trả lời vừa đúng vừa tròn vai. Và vô cảm!