Cách ly tại nhà liệu có an toàn?

Nguyễn An Thanh Thứ hai, ngày 28/06/2021 21:05 PM (GMT+7)
Những em bé phải vào khu cách ly một minh - đó là câu chuyện cảm động nhưng cũng rất xót xa và liệu có nên ca ngợi mãi? Việc cách ly F1 và F0 không có triệu chứng nặng tại nhà sẽ giảm bớt gánh nặng cho toàn hệ thống. An toàn hay không chỉ là việc chúng ta làm có nghiêm khắc hay không.
Bình luận 0

Chương trình "cách ly F1 tại nhà" đã được quyết định áp dụng thí điểm tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một vài nơi khác để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung.

Trên thế giới không chỉ F1 cách ly tại nhà mà ở nhiều nơi F0 cũng được điều trị tại nhà ngay từ đầu dịch. Mô hình chăm sóc bệnh nhân Covid-19 từ xa được triển khai ở Trung Quốc, Mỹ, Úc, Canada, Hà Lan, Ireland, và Anh. Trang who.int (của Tổ chức Y tế Thế giới WHO) thậm chí còn có chỉ dẫn cụ thể về cách chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà để giảm tình trạng nhập viện không cần thiết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Tại khu vực Đông Nam Á, Campuchia trước làn sóng dịch tăng cao đã quy định, khi số bệnh nhân trên 70% số giường bệnh thì các địa phương phải kích hoạt phương án điệu trị tại nhà cho bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Ngoại trừ người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền thì các bệnh nhân chỉ sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ bắp, thân nhiệt dưới 38oC, nồng độ oxy trong máu từ 95% trở lên có thể điều trị tại nhà. 

Chuyện F1, thậm chí F0 được phép cách ly tại nhà đúng là "cũ người, mới ta" nên dư luận lo lắng, phản ứng trái chiều là điều dễ hiểu. Việc Bộ Y tế thận trọng và liên tục có sự tham vấn các nước, các nhà khoa học là điều cũng có thể dự đoán được, bởi một quyết định không chính xác kể cả cho/không cho phép thực hiện đều để lại những hệ lụy không nhỏ. Thậm chí, đôi khi vấn đề này lại làm cho tình hình thêm xấu đi và khó lòng sửa sai. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra: Tại sao đến giờ Việt Nam lại đặt vấn đề cách ly F1 tại nhà? Liệu cách ly F1 tại nhà có an toàn hay không?

Vấn đề được đặt ra trong bối cảnh tình hình làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến xấu. Hiện các ca F1 phải cách ly tập trung của TP.HCM đang liên tục tăng cao. Ngày 26/6, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tổng số F1 là 38.165, trong đó 11.528 người đang cách ly tập trung, 26.637 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Với con số hơn 11.000 F1 đang cách ly tập trung, nếu không có được kịch bản dễ dẫn đến vỡ trận. Lực lượng phục vụ tại các cơ sở cách ly đã quá tải, điều kiện trang thiết bị không tốt sẽ dẫn đến lây chéo. 

Cách ly tại nhà liệu có an toàn? - Ảnh 2.

Một khu vực hạn chế người qua lại để chống dịch tại TP.HCM. Ảnh: HCDC

Chưa kể, tính ra có hơn 4.000 trẻ em phải cách ly tập trung không có gia đình bên cạnh. Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương đã có chỉ đạo đến các tỉnh, thành đoàn chủ động đưa ra 4 gói dịch vụ hỗ trợ các em nhỏ. Nhưng việc phải cách ly xa nhà lâu rất có thể gặp phải rất nhiều sang chấn về mặt tâm lý. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, Bộ Y tế đã thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trẻ từ 5 tuổi đến 15 tuổi thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính được phép thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Thực tế, chúng tôi đã tiếp xúc với Chủ tịch UBND quận Hoàng Kiếm (Hà Nội) Phạm Tuấn Long. Ông Long kể câu chuyện trước đây có trường hợp tại phường Cửa Nam, bố F0 đã đi cách ly tập trung, mẹ là F1 cũng thuộc đối tượng cách ly, nhà còn cháu bé 19 tháng tuổi không ai trông nom, trong khi khu cách ly lại không chấp nhận trẻ nhỏ, mà nếu vậy người mẹ cũng không đồng ý. Phải mấy gần nửa ngày, Chủ tịch UBND quận đã phải đích thân có mặt mềm dẻo, linh hoạt thuyết phục để em bé đi theo mẹ, mà cũng phải đến gần nửa đêm mới xong việc. Thực tế cuộc sống luôn diễn ra nhiều tình huống mà các văn bản hướng dẫn không thể nào bao quát hết. Nếu khi đó cho cách ly tại nhà thì UBND quận Hoàn Kiếm đã không quá vất vả khi giải quyết tình huống trên, câu chuyện cũng sẽ nhân văn hơn nhiều. 

Việc cách ly F1 tại nhà có an toàn hay không tùy thuộc vào thái độ của F1 và các biện pháp giám sát, chế tài xử lý vi phạm của tất cả thành viên liên quan. WHO đã  có những hướng dẫn để đảm bảo tuyệt đối an toàn khi cách ly tại nhà, và cũng lưu ý khi thấy hiện tượng xấu, cần lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện đã được chỉ định theo kịch bản cách ly tại nhà. 

 Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế còn khuyến cáo, nên để y tế địa phương phân loại F1. Đối với F1 nguy cơ cao, tiếp xúc quá gần với F0, hoặc cùng lao động, sinh hoạt trong không gian khép kín với F0) vẫn nên đi cách ly tập trung. Trước mắt chỉ cho phép các F1 nguy cơ lây thấp có thể được cách ly tại nhà, một giải pháp đầy kinh nghiệm mà Bộ Y tế cần lắng nghe. 

Điều quan trọng nhất là sau giai đoạn thử nghiệm tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thì Bộ Y tế phải xây dựng được tiêu chí cho phép thực hiện cách ly tại nhà. Y tế địa phương cần kiểm tra, đánh giá và dán tem thông báo đạt chuẩn cách ly tại nhà để cộng động nhận biết. Đây là điều kiện cần để phương án cách ly tại nhà thành công, nói cách khác, không làm được điều này, không tổ chức cách ly tại nhà.

Người được cách ly, ngoài việc hợp tác, tuân thủ, cũng sẽ phải đối mặt với những chế tài nghiêm khắc. Ở nhiều nước Châu Âu hay Úc, cảnh sát thường xuyên đi kiểm tra việc cách ly tại nhà, hòa toàn bất ngờ, và mức phạt rất nặng lên tới 1.500 euro nếu người bị cách ly vắng mặt. Chế tài phải được thực hiện chặt chẽ, nhất là khi đã xảy ra không ít trường hợp rời vùng cách ly đi thăm bạn gái, đột nhập khu cách ly đòi nợ, trốn cách ly vì không chịu được sự bó buộc…

Làm được những điều này, lo gì cách ly F1 tại nhà!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem