Từ ngày 31/7-1/8, Phó Cục trưởng Cục thuế Bình Định Nguyễn Công Thành, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Dũng cùng 2 doanh nhân chơi golf tại Nhơn Lý. Tại đây, 4 người này tiếp xúc gần với nhân viên ở sân golf là chị T. T. Q (hiện là F0, có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 3/8), mặc dù trước đó UBND TP.Quy Nhơn đã nghiêm cấm hoạt động thể thao ngoài trời, trong đó có môn golf.
Bộ môn đánh golf đã du nhập vào giới doanh nhân, quan chức Việt Nam từ rất lâu. Đây là thú vui, môn thể thao hơi xa xỉ, nhưng đã có hẳn một khái niệm "ngoại giao sân golf", nơi các quan chức ngoại giao trao đổi những vấn đề nóng bỏng của khu vực, thế giới trong một không gian không chính thức, còn các doanh nhân cũng có thể trao đổi việc kinh doanh.
Không phải lúc nào quan chức, doanh nhân cũng làm việc trên bàn giấy, đã hàng tá công việc hanh thông, nhiều bản hợp đồng được giải quyết nhanh gọn trên sân golf.
Nhưng đi đánh golf trong khi đồng đào cả nước đang oằn lưng chống dịch, thì hình như thú chơi golf của ông Phó Cục trưởng Cục thuế và Giám đốc Sở Du lịch Bình Định đã thành một chứng "nghiện".
Theo từ điển, nghiện chỉ là ham thích đến mức thành thói quen khó từ bỏ. Nhưng trong những trường hợp xấu, người ta lệ thuộc vào sự ham thích đó đến mất cả lý trí.
Khi đã bất chấp lệnh cấm do chính cấp trên của mình ký quyết định ban hành, lại trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" của toàn xã hội, nói ông Phó Cục trưởng Cục thuế và Giám đốc Sở Du lịch Bình Định mắc chứng "nghiện" đánh golf cũng không ngoa.
Trong cuộc sống, ai cũng có những thú vui, những thói quen cố hữu khó từ bỏ. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện, rất nhiều người, bất kể giàu nghèo đều phải từ bỏ đam mê, ham thích của mình. Thậm chí hơn thế, có những cụ già từ bỏ thói quen chơi cờ tướng, đi bộ bãi biển, những em nhỏ không mua đồ chơi, đem tiền để dành đóng góp chống dịch. Có người rất nghiện sắm vàng nhưng khi dịch đến họ thầm lặng đi bán vàng quyên góp quỹ vaccine chống Covid-19…
Thế mà ở vị trí quan chức, ông Thành và ông Dũng lại vẫn duy trì những thú vui như đánh golf. Nói vậy để thấy, hành vi của ông Phó Cục trưởng Cục thuế, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định không đơn giản là vi phạm chỉ thị chống dịch, lệnh cấm của chính quyền, mà còn là vấn đề đạo đức, lương tri từ những vị công bộc của dân.
Trong khi chính quyền đang hô hào cùng người dân chống dịch, ông Giám đốc Sở và ông Phó Cục trưởng Cục thuế - những người có học thức, có địa vị xã hội và có quyền yêu cầu người dân thực thi pháp luật, thản nhiên hưởng thụ đánh golf trong khu nghỉ dưỡng cao cấp, giữa đại dịch.
Riêng với ông Nguyễn Công Thành, đây không phải là lần đầu sai phạm. Năm 2019 ông từng bị Bộ Tài chính kỷ luật giáng chức, UBKT Tỉnh ủy Bình Định kỷ luật cảnh cáo. Không biết sửa sai, lần này vị công bộc của dân lại tiếp tục dính sai phạm.
Nếu cán bộ không vượt qua được sự nghiện, sa đà theo thú vui, bất chấp quy định của Nhà nước, thử hỏi làm sao nói người dân nghe, để cùng đồng lòng tin tưởng và thực hiện theo?
Lẽ ra, hai quan chức của tỉnh phải là những người làm gương, đi đầu hỗ trợ giúp dân chống dịch, phát triển kinh tế, ổn định xã hội của tỉnh nhà trong lúc ngặt nghèo này.
Thế nhưng, 2 vị công bộc của dân lại làm điều ngược lại.
Càng ngẫm, càng hổ thẹn bởi hình ảnh của ông Giám đốc Sở, ông Phó Cục trưởng chỉ là chấm đen xấu xí, "con sâu làm rầu nồi canh"… Nó hoàn toàn tương phản khi so sánh với người dân bình thường, nhân viên y tế, lãnh đạo tỉnh… đang ngày đêm vất vả chống dịch.
Ròng rã theo các sự kiện chống dịch ở Bình Định, tôi từng chứng kiến các lực lượng tuyến đầu ngành y tế, công an, quân đội, đoàn viên thanh niên… trắng đêm ở chốt kiểm dịch, những bữa cơm muộn thiếu trước, hụt sau.
Họ lặng lẽ chia nhau từng mẩu bánh mì nhỏ, niềm vui, nỗi buồn, tá túc ở các điểm test nhanh, trạm y tế… chỉ để lo cho người dân.
Những khuôn mặt in hằn dấu vết khẩu trang vì đeo quá lâu, nhiều người đuối sức, mệt mỏi vì bộ quần áo bảo hộ nóng bức, phải mặc ròng rã cả ngày trời.
Càng xót xa hơn, đã có hơn 10 nhân viên y tế tại Bình Định làm nhiệm vụ chống dịch đã mắc Covid-19 khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Họ phải chịu cảnh xa gia đình, tạm quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân để đối mặt với bệnh tật… để hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng.
Hay những câu chuyện xúc động ở huyện Hoài Ân trong các chuyến xe chở nhu yếu phẩm "chi viện" cho người dân TP.HCM. Người dân ở quê góp túi ớt, túi chanh, người vài ký gạo, vợ chồng cụ già "nhường" 5 gói mì tôm dành để ăn sáng, 1 kg gạo, thương cảm người đang chiến đấu với bệnh ung thư, cũng dành 20.000 đồng để giúp đỡ miền Nam.
Hay những điểm phát thức ăn, nước uống miễn phí… tự phát mọc ven quốc lộ ở Bình Định, chỉ để tiếp tế cho đoàn người từ TP.HCM hồi hương về quê tránh dịch, chứa đầy tâm tình của người đất võ. Tất cả đều là những câu chuyện đầy ân tình, nặng nghĩa đồng bào.
Tôi cũng từng chứng kiến hình ảnh ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Phi Long với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi xông pha đến các điểm "nóng" kể cả ngày nghỉ, kêu gọi hỗ trợ người dân lúc nguy nan, tất bật ngược xuôi, kiểm tra nơi cách ly. Đêm muộn ông còn đích thân ra tận sân bay đón người dân nghèo ở TP.HCM trở về "nơi chôn rau cắt rốn".
Dù thấm mệt nhưng với những người lãnh đạo như ông, người nghèo được về quê là niềm hạnh phúc lớn lao. Về quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Nhưng được về nhà sẽ ấm lòng, giảm bớt vất vả cho bà con và trên hết, với cương vị là công bộc của dân họ mong tất cả đều bình an.
Với muôn vàn so sánh, càng thấy hành động đánh golf bất chấp quy định giữa mùa dịch của ông Phó Cục trưởng, ông Giám đốc Sở cùng 2 doanh nhân đã trở thành vết hoen ố giữa những hình ảnh đẹp đẽ, những cố gắng không biết mệt mỏi của Bình Định trong lúc dịch dã nguy nan.
Bình Định chống dịch xuyên suốt với thông điệp đầy cứng rắn, quyết liệt và mạnh mẽ, đã có không ít trường hợp bị khởi tố, truy cứu hình sự do vi phạm quy định phòng chống dịch.
Và lần này, người dân, dư luận tại Bình Định đang rất mong chờ hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với hành vi hư hỏng của cán bộ, để ngăn chặn những manh nha xấu xí trong chốn công quyền.