Xuyên tâm liên và Kovir "điều trị Covid":Chống dịch cũng lợi dụng cài cắm

Dương Tiêu Thứ tư, ngày 28/07/2021 10:25 AM (GMT+7)
Không thể cứ "vô tư" ban hành những chính sách có thể khiến một số đối tượng trục lợi trên lưng người bệnh, người yếu thế.
Bình luận 0

Đọc bản tin người dân TP.HCM truyền tai nhau, đổ xô đi tìm mua xuyên tâm liên khiến loại thuốc này cháy hàng tôi lại nhớ đợt dịch đầu năm ngoái. Khi dịch mới bùng phát, trong cơn lo lắng, nhiều người cũng đi vét các loại khẩu trang, nước rửa tay khiến khẩu trang trong tình trạng "cháy hàng". Lúc đó, để có một cái khẩu trang N95 cho một ông anh phải vào viện khám lại sau mổ, tôi đã phải nhờ đến một anh bạn doanh nhân, người trước đó đã ôm vài thùng khẩu trang để "dùng dần".

Một loại thuốc không quá quý hiếm vào ngày thường, nếu không muốn nói là thuốc bình thường, mua không cần đơn. Nhưng nó đột nhiên trở nên quý hiếm, bởi Bộ Y tế nói thì sao lại không tin được. Tại công văn 5944 ngày 24/7, Bộ Y tế đưa xuyên tâm liên là một trong 12 loại thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu hỗ trợ điều trị cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1). Sản phẩm này được xếp vào nhóm "phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19" với chỉ định (chữa trị) viêm đường hô hấp. 

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi ban hành, sáng 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký một văn bản khác thu hồi công văn 5944 do có "một số nội dung chưa phù hợp".

Việc Bộ chủ quản ban hành văn bản hướng dẫn việc sử dụng thuốc cổ truyền trong hỗ trợ điều trị Covid-19 là điều dễ hiểu nhưng khó hiểu ở chỗ thay vì một văn bản mang tính định hướng, tính khoa học thì công văn 5944 lại "cài" một danh mục Đông dược, sản phẩm từ dược liệu do một số cơ sở cụ thể sản xuất trong khi còn nhiều sản phẩm cùng loại.

Ngoài xuyên tâm liên mà tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm và đang trong các bước thử nghiệm trên lâm sàng thì các loại thuốc hay viên uống (uyển ngữ chỉ thực phẩm chức năng) khác như Kovir thì chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào. Tìm trên mạng, chúng tôi thấy có một nghiên cứu về tác dụng của Kovir nhưng nghiên cứu đó thực hiện trên… chuột.

Xuyên tâm liên và Kovir "điều trị Covid":
Chống dịch cũng lợi dụng cài cắm - Ảnh 2.

Thông báo của công ty tăng giá Kovir trước khi có văn bản của Bộ Y tế.

Thậm chí, trong danh sách thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu "phòng, hỗ trợ điều trị" có cả hoạt huyết Nhất Nhất với mô tả chuyên trị các chứng huyết hư, ứ trệ dường như không hề liên quan gì đến các bệnh đường hô hấp như Covid-19.

Nhưng danh sách ngắn ngủi đó đã đủ sức khuynh đảo thị trường. Xuyên tâm liên tăng giá từ vài chục lên vài ba trăm nghìn một hộp,  còn Sao Thái Dương -  công ty sản xuất Kovir nhanh chóng niêm yết cái giá tăng với mức độ "xuyên tâm", "xuyên ví" người dân. 

Qua việc này có thể thấy Cục quản lý Y dược học cổ truyền – đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ, xứng đáng được khen vì thực hiện tốt mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Còn việc công ty tăng giá đón đầu cho mỗi hộp viên  nang cứng Kovir là minh chứng cho mục tiêu kép này. Chỉ khác là ở đây toàn bộ nhân dân thiệt mỗi Sao Thái Dương "phát triển".

Dịch đã qua hơn một năm rưỡi với 4 lần bùng phát nhưng có vẻ công tác chống dịch tại cơ sở vẫn tùy hứng. Không chỉ trong lĩnh vực y tế. Mới đây chúng ta chứng kiến một Phó Chủ tịch phường không coi bánh mì là lương thực, thực phẩm. Một clip lan truyền trên mạng lại cho thấy, cô gái đi mua bao cao su được cho là hàng hóa không thiết yếu. Rồi việc có tỉnh chấp nhận test nhanh bằng kháng nguyên, có địa phương đòi kết quả xét nghiệm PCR. Xe chạy qua tỉnh này thì được, vào thành phố khác thì không. 

Riêng "hàng hóa thiết yếu", ngoài quy định tại Luật Giá, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên như Bộ Công Thương thừa nhận, "do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau".

Tại văn bản do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký chiều ngày 27/7, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh.

Thay vì đếm (rất dễ thiếu) các loại "hàng hóa thiết yếu" thì Bộ này liệt kê danh mục những hàng hóa "cấm lưu thông". Ngoài danh mục này thì được lưu thông. Như vậy đảm bảo nguyên tắc: Công dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Tương tự, Bộ Y tế chỉ cần nêu ra những thành phần, dược liệu cổ truyền có thể hỗ trợ điều trị Covid-19 (tất nhiên là sau khi nghiên cứu thực tế). Những thành phần này có trong những thuốc dạng A, B, C. Còn quyền lựa chọn dùng Đông dược nào, thực phẩm chức năng nào là của bệnh nhân, của các cơ sở y tế. 

Đã qua hai năm chống chọi với dịch Covid-19, nhưng một số cơ quan, một số cán bộ vẫn còn lúng túng nhất là trong những hoạt động bổ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất rõ ràng, quyết liệt nhưng triển khai ở cấp liên Bộ, liên địa phương hay cấp cơ sở có vẻ đôi chỗ còn rời rạc.

Rất cần những quy trình, quy chuẩn rành mạch, chuẩn xác, ngắn gọn, dễ dàng thực hiện, áp dụng ngay tại cơ sở. Ví như mới đây, TP.HCM có văn bản hướng dẫn về các biện pháp giảm lưu thông trên đường từ 18h trong đó quy định rõ những nhóm đối tượng được ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh được mở cửa từ 18h đến 6h hàng ngày.

"Chống dịch theo tinh thần chủ động tấn công" là các cơ quan hữu quan phải chủ động khơi thông bế tắc từ thực tiễn, chủ động ban hành các chính sách không chỉ xử lý tình huống mà còn xây dựng hệ thống nguyên tắc làm việc. Nếu không làm được như vậy thì thà "ngồi im cũng là yêu nước" chứ không thể cứ "vô tư" ban hành những chính sách có thể khiến một số đối tượng trục lợi trên lưng người bệnh, người yếu thế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem