An dân trong đại dịch

Quốc Phong Thứ hai, ngày 02/08/2021 08:50 AM (GMT+7)
Những dòng người chạy dịch cả nghìn cây số từ thành phố về quê, những gia đình còn kẹt lại trong thành phố... - muôn vàn những thách thức mà cả người dân, cả chính quyền phải đối mặt giữa đại dịch. An dân lúc này là điều cốt tử.
Bình luận 0

Ông T.H. - một người quen có đến hàng chục năm từng làm tham mưu cho lãnh đạo cấp cao của Chính phủ vừa mới tâm sự với tôi:"Để xảy ra cuộc di dân này cho thấy có gì đó không ổn trong quyết sách của chúng ta …" Ông vừa dứt lời thì thật may, ngay chiều 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký một công điện khẩn gửi các địa phương nêu rõ : "Không để người dân rời khỏi các tỉnh thành cư trú sau ngày 31.7.2021 đến hết giãn cách", và "đối với người dân nào đã rời khỏi địa phương, xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương là đích đến bảo đảm an toàn". 

Điều này diễn ra tuy hơi chậm, nhưng theo tôi vẫn là cần thiết và rất quan trọng, khi chính chúng ta luôn đề cao người dân một tinh thần yêu nước rất giản đơn: "Ở yên trong nhà chính là yêu nước !"

Vị tham mưu mà tôi vừa nhắc cứ trăn trở: "Những người buộc phải rời khỏi TP.HCM về quê những ngày qua cũng chỉ vì họ là những lao động nghèo, không ra đường là không có tiền sống. Bản thân lớp người lao động nói trên họ thường không có tích lũy cần thiết vì cuộc sống của họ cũng đâu dư dả gì trước đó".

Ông phàn nàn tiếp khi thấy trên mặt báo có đưa thông tin lãnh đạo một số tỉnh  lúc đầu "hô" rất to, hứa hẹn nhận đồng bào mình trở về quê. Thế nhưng chỉ được một, hai chuyến lại tuyên bố cấm cản họ…

Theo ông, đáng ra vào lúc này Chính phủ và TP.HCM cần sớm hỗ trợ họ 1-2 tháng trợ cấp. Nó chỉ cần đạt mức sống tối thiểu nhất và có biện pháp thuyết phục ,vận động chủ cho thuê nhà miễn tiền thuê hoặc cho nợ, trả chậm một, hai tháng lúc khó khăn này. Mục đích là nhằm giữ người ngụ cư ở yên một chỗ tới khi nào hết dịch, để họ ít nhất vẫn khỏe mạnh mà tiếp tục đi làm, kiếm sống. "Để dân tràn về các tỉnh trên các nẻo đường vạ vật như thế mà vẫn không có giải pháp gì là rất bất an cho các địa phương. Bộ Lao động-Thương binh – Xã hội dường như "hụt hơi" trong công tác tham mưu nội vụ này trước Chính phủ rồi sao?" – ông nói.

An dân trong đại dịch - Ảnh 2.

Ngày 24/7 có khoảng 2.000 người từ các tỉnh phía Nam về Tây Nguyên qua Đắk Nông nhưng đến chiều 25/7 đã có khoảng hơn 5.000 lượt người - Ảnh: N.G

Ông cũng kể với tôi câu chuyện với một người bạn, là nguyên Chủ tịch Đăk Lăk. "Tụi mình đồng quan điểm: Nên lập trạm đón tiếp đồng bào trở về ở giáp ranh các tỉnh  Đăk Nông và  Đăk Lăk, lập một khu gọi là cách ly tại chỗ để kiểm soát dịch. Nhà nước cần lo ăn ở cho họ, thời gian khoảng 21 ngày chứ không để họ bơ vơ rồi tìm cách trốn tránh về phi pháp".

Tôi thấy rất tâm đắc với cách nhận xét của mấy bậc đàn anh .

Việc kéo dài tiếp thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đã được thực hiện ở một số tỉnh. Từ năm ngoái, chúng ta đã quyết định chi gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ cho người lao động và các doanh nghiệp, nhưng gặp nhiều vướng mắc rất khó giải ngân. Liệu có nên chuyển hướng dùng một phần còn lại đó sang cho một số giải pháp đơn giản hơn như trên, vào thời điểm này, để giúp người lao động bớt đi sự khốn khó? 

Chiều 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo nghị quyết này, toàn bộ các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt được giảm từ 10-15% tiền điện trong 2 tháng, tùy theo mức độ sử dụng. Ước tính, tổng số tiền mà các hộ được giảm vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Đây cũng là một biện pháp kịp thời, góp phần giảm khó khăn cho dân lúc đại dịch bùng phát lần thứ 4. Và đây cũng  là lần thứ tư, việc miễn, giảm tiền điện được Chính phủ thực thi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Việc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đã và đang ưu tiên nguồn vaccine dù còn hạn chế cho các tâm dịch là một chủ trương rất đúng. Thế nhưng với đối tượng yếu thế trong xã hội mà tôi đang đề cập, theo tôi cũng cần được tiêm sớm. TP.HCM đã đưa ra chủ trương tiêm chủng cho tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại thành phố, dù có hộ khẩu hay không. Đây là một chủ trương rất linh hoạt và nhân văn. Tuy nhiên, các tỉnh thành khác của cả nước, nếu đang là điểm nóng thì cũng nên thống nhất cách làm như vậy. Những người yếu thế, nếu bị nhiễm Covid-19, việc cách ly tại nhà với nhiều thiếu thốn và tiện nghi sẽ khó mà đảm bảo an toàn. Từ đó sẽ lại là một nguy cơ cao về mức độ lây nhiễm cho cộng đồng, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.   

Một vấn đề "cốt tử" nữa ,theo tôi cũng nên lường trước từ kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia. Đó là không loại trừ chuyện các tệ nạn xã hội dễ gây mất an ninh trật tự sẽ xảy ra khi tỷ lệ mất việc, thiếu thốn tăng cao. Vì thế, đây chính là lúc cần thể hiện vai trò của Đảng và Nhà nước trong việc an dân. "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân" - trích "Đại cáo Bình Ngô" cửa Nguyễn Trãi - cổ nhân chúng ta đã  dạy rồi. 

Tôi tin rằng Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp tích cực triển khai trong những ngày sắp tới.

Chỉ có an dân lúc này mới không nảy sinh những rối loạn, bất an xã hội vì đói kém, dịch bệnh hoành hành. Các cụ dặn rồi, "bần cùng tất sinh đạo tặc". Điều này xin hết sức lưu tâm. Việc ứng xử với dân khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đòi hỏi thật nghiêm túc. Song, nếu như cứng nhắc, không khéo léo dễ nảy sinh tâm lý căng thẳng và ức chế dễ xảy ra xô xát không đáng. Đây cũng là điều nên rút kinh nghiệm, như chuyện ở TP Nha Trang, Khánh Hoà, một công nhân đi mua bánh mỳ nhưng chiếc bánh bị coi là hàng không thiết yếu và anh công nhân bị ngăn cản doạ nạt. Không làm tốt việc an dân, nhiều khi chỉ mới từ ngọn lửa nhỏ mà bỗng chốc biến thành đốm lửa to khiến cho dân và nhà chức trách căng thẳng, xa nhau giữa lúc mà sự đoàn kết cần hơn bao giờ hết.

Tại nhiều địa phương, đã xuất hiện nhiều nhóm hoạt động tình nguyện. Họ nhận sự đóng góp của các nhà hảo tâm rồi nấu nướng đồ ăn mang đi cho người thiếu đói. Nhìn họ lặn lội đến từng người đang nằm vỉa hè mà chảy nước mắt. Nếu như những người có tâm như vậy mà cũng bị gây khó dễ thì có thể chính quyền sẽ gặp khó khăn hơn nhiều vì để dân thiếu ăn trên địa bàn mình phụ trách…

Đại dịch Covid-19 chưa hề có trong tiền lệ. Vì thế cũng có thể có lúc cách chỉ đạo chưa thống nhất, chưa đồng bộ, vô cùng khó khăn thách thức cho các nhà chức trách khi thực hiện chống dịch. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn nhất, bí bách nhất lại nảy sinh những sáng kiến mới, tích cực nhất. Điều quan trọng lúc này là trên dưới đồng lòng để có thêm sức mạnh, thêm niềm tin và hy vọng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem