Những linh hồn thức

Cẩm Thúy Thứ hai, ngày 26/07/2021 14:22 PM (GMT+7)
Nếu ví mỗi ngọn nến là một linh hồn liệt sĩ, thì hàng triệu ngọn nến thắp lên trong những ngày tháng Bảy này, e rằng vẫn chưa đủ. Đất nước bên bờ sóng, ngàn năm gian lao giữ độc lập chủ quyền, bao nhiêu hy sinh mất mát. Hơn 2000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, vẫn chưa là con số định lượng cho những hy sinh.
Bình luận 0

Có một hôm nào đó ở Côn Đảo, đứng ở Cầu Tàu 914 nhìn biển vời vợi xanh, không hình dung nổi ở mảnh đất đẹp đẽ nhường này, trong quá khứ từng đau thương đến thế nào.

Cầu Tàu 914 không phải là điểm đầu tiên để đặt chân lên Côn Đảo, cũng không phải là địa danh cuối cùng để chào tạm biệt trước khi rời hòn đảo xinh đẹp này. Nhưng nó là điểm mốc cuối cùng để những người chiến sĩ cách mạng năm xưa rời khỏi nơi đây trở về với đất liền. Trong một ngày tháng Tư cách đây gần nửa thế kỷ, Cầu Tàu 914 là điểm đầu tiên tung bay cờ đỏ sao vàng.

Bây giờ nơi ấy là điểm check in lý tưởng cho một chuyến đi, để hình dung dưới chân mình máu xương đổ xuống là có thật. Côn Đảo hôm nay sạch và đẹp ngỡ ngàng, và hồn thiêng anh hùng liệt sĩ chắc vẫn ở đây, trong những đêm Hàng Dương không ngủ.  

Tôi đã có những buổi chiều tháng 7 tham gia thắp nến ở Nghĩa trang Hàng Dương. Hơn 118 năm là chốn giam cầm, hơn 2 vạn người Việt Nam yêu nước ngã xuống, không đủ mộ của hơn 2 vạn linh hồn, đêm tháng 7 ở Hàng Dương – mảnh đất "ít người nhiều ma" – sáng rực ánh nến, mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu lúc nào cũng cháy bùng ngọn lửa của đức tin.

Đã nhiều năm nay những đêm tháng Bảy, trên cả dải đất hình chữ S, hàng triệu ngọn nến được thắp lên, ở các nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài biển Đông, nơi có hai dấu chấm rất đậm mang tên Việt Nam, những tiếng còi tàu tưởng nhớ cũng cất lên giữa một nghĩa trang trùng trùng sóng – nghĩa trang xanh, nơi máu xương người Việt hoà vào cùng nước biển. 

Những linh hồn thức - Ảnh 2.

Chiều trên dòng Thạch Hãn - nơi biết bao liệt sĩ nằm lại dưới đáy sông. Ảnh: Việt Yên.

Nhà văn Bảo Ninh trong truyện ngắn "Mây trắng còn bay" viết về một bà mẹ ngồi trên máy bay, bày hương hoa và ảnh người con trai ra bàn khi máy bay bay qua vĩ tuyến 17 và bà giãi bày với những người xung quanh: "Non ba chục năm rồi tôi mới đến được miền cháu khuất". Tổ quốc ở trên trời cao, nơi có một nghĩa trang giữa ngàn mây trắng lẩn khuất linh hồn những người liệt sĩ phi công. 

Hàng triệu ngọn nến cháy suốt dọc chiều dài đất nước. Mà có người nói rằng nếu ví mỗi ngọn nến là một linh hồn liệt sĩ, thì hàng triệu ngọn nến thắp lên trong những ngày này, e rằng vẫn chưa đủ. Đất nước bên bờ sóng, ngàn năm gian lao giữ độc lập chủ quyền, bao nhiêu hy sinh mất mát. Hơn 2000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, vẫn chưa phải đã là con số định lượng cho những hy sinh. 

Không ai có thể nói sự hy sinh có thể định lượng được khi vào một chiều tháng bảy, thắp nến ở Nghĩa trang Đường Chín và Nghĩa trang Trường Sơn, mộ liệt sĩ bạt ngàn. Không có ngôi mộ nào vô danh, không có sự hy sinh nào vô danh, chỉ có những ngôi mộ chưa có tên liệt sĩ, chưa tìm được đúng tên liệt sĩ. Tôi gặp ở đây những người cha người mẹ đến tìm con. Gần 50 năm rồi vẫn khóc. Tôi gặp ở đây những ngôi mộ, ngày nhập ngũ và ngày hy sinh chỉ cách nhau 2 tháng. Những tuổi đôi mươi "ai mà chẳng tiếc/ Nhưng nếu tiếc đời mình thì còn chi Tổ quốc". Sự sống vẫn tiếp diễn ở nơi này, những mầm cỏ xanh giữa ngút ngàn mộ trắng.

Tháng 7, khi tôi lọ mọ tìm đọc những dòng cảm xúc ghi lại sau khi viếng nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị, chợt sửng sốt nhận ra cảm giác chung của tất cả mọi người. Sự sống nảy mầm và hiện diện ở đây, trên những ngôi mộ, trong sự hiện về đêm đêm của các anh, trò chuyện với những người còn sống… Không ai biết chính xác có bao nhiêu các anh, các chị đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng sông Thạch Hãn và dưới những lớp cỏ non Thành cổ, "cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông..."

Thầy tôi, con trai của một liệt sĩ thời chống Pháp. Nhà có 2 anh em trai, nhưng người anh hy sinh thời chống Mỹ. Đến giờ chưa tìm thấy mộ. Thầy đã sống bằng gánh nặng mà người mẹ suốt đời đau đáu: Đi tìm anh mày về! Thầy tôi năm nào cũng đi tìm mộ, năm nào tháng 7 cũng khắc khoải. Rồi mẹ thầy không chờ được. Gánh nặng thầy mang càng nặng hơn, khi nghĩ rằng đến lượt mình quỹ thời gian cũng không còn nhiều. Thầy tôi cũng như bao người Việt Nam khác vẫn đi tìm mộ liệt sĩ. Nếu có linh hồn, không biết họ còn đang phiêu du ở chốn nào. 

Tôi từng có những đêm trắng ở nghĩa trang và luôn có cảm giác những linh hồn không ngủ. Tôi đã trực tiếp nghe những người quản trang kể nhiều câu chuyện nghe như giai thoại về các linh hồn liệt sĩ. Bà Ny – một cựu tù Côn Đảo sau giải phóng không về đất liền mà ở lại Nghĩa trang Hàng Dương, cam đoan đêm đêm cô Sáu vẫn về. Một anh quản trang ở Nghĩa trang đường 9 kể đêm trước các anh về báo mộng, hôm sau ra kiểm tra một góc mộ bị lún thật…

Ai đó nói rằng đã khép được rồi những ám ảnh chiến tranh. Đã đành là vậy. Nhưng khép lại không phải là quên đi. Vì có những nỗi đau vẫn còn nguyên ở đó. Vì những linh hồn vẫn thức…

Có những linh hồn đã bay đi, có những linh hồn không trở về, hoặc chưa về…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem