Rút then cài, dẫn Luật Đất đai vào cuộc sống

Hoàng Trọng Thủy Thứ bảy, ngày 24/07/2021 10:53 AM (GMT+7)
"Sở hữu toàn dân" về đất đai vẫn là một khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. Người ta luôn phải truy tìm ai (hoặc những ai) chính là người chủ đích thực của khối tài sản khổng lồ được coi là "sở hữu toàn dân".
Bình luận 0

Luật Đất đai năm 2013 đang được xem xét sửa đổi. Do tính chất phức tạp, có nội dung tác động lớn đến xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ năm theo quy trình tại 3 kỳ họp.

Sẽ có nhiều người dân trong cả nước góp ý tham gia, bởi trong tâm can của họ đất đai là máu thịt. Nhìn gần lại, thì đất đai là nền tảng đầu vào của sự sống. Người có đất có thể giàu lên từ đất và cũng nghèo đi vì đất. Thế nên, điều mà người dân lo lắng, quan tâm nhiều nhất về đất là "sở hữu toàn dân" có thay đổi không? Đất đai có là gia sản không?  Bởi lâu nay, chưa ai định nghĩa ngọn ngành "sở hữu toàn dân" là gì? Nhà nước cứ tự nói nó là sở hữu công chứ có phải thế đâu. Hơn nữa, có chữ 'toàn dân' nghĩa là có dân trong đó. Mà có dân ở đấy thì vai trò của người sử dụng đất được xác định thế nào? 

Với người dân, từ bao đời cha truyền con nối, là bao nhiều năm trời họ chỉ biết rửa mồ hôi khó nhọc thành gia sản. Ở đó, ý chí, gia phong, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Với họ, một nền tảng pháp luật tiến bộ, một đường lối chính trị tiên tiến là phải thừa nhận và bảo hộ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm ấy - đó chính là cơ sở của niềm tin, của đồng thuận xã hội.

Ở nước ta, Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013 xác lập "sở hữu toàn dân" có nghĩa là Nhà nước có quyền lực, quyền định đoạt cuối cùng đối với đất đai. Nhà nước có quyền buộc các chủ sử dụng đất có nghĩa vụ chấp hành. Nếu phân tích kỹ nguồn thu từ đất trong hàng chục năm qua, thì 75% là thu hồi đất nông nghiệp để giao cho các dự án xây dựng nhà ở; 15% thu từ cho thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, tức là cho công nghiệp và dịch vụ. Thu từ thuế là chỉ có 1,5%. Tất cả những điều đó cho thấy, việc thu từ đất ở Việt Nam bị lệch sang hướng thu từ giá trị tăng thêm của đất do chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Nhiều năm qua, ngôn ngữ hành chính tại các văn bản hễ có từ "thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng, cưỡng chế" thì y rằng triển khai có điều nhiễu nhương và nỗi sợ của người dân. Ngước lại, ở phía xa kia lại là những lấp ló niềm vui của những đại gia buôn đất, những doanh nghiệp cần đất.

Rút then cài, dẫn Luật Đất đai vào cuộc sống - Ảnh 2.

Quốc hội đang thảo luận việc sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh minh họa.

Ở nông thôn, từ năm 1993, Nhà nước từng bước trao lại các quyền ngày càng rộng rãi hơn cho các cá nhân, hộ gia đình và tổ chức đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Tuy không có quyền sở hữu tư nhân tuyệt đối, song chủ nhân của hàng trăm triệu ô thửa đất ở Việt Nam ngày càng được hưởng nhiều quyền tài sản trên đất/hoặc gắn liền với đất, nới rộng dần qua các lần sửa đổi Luật đất đai.

Ngoại trừ nông dân với đất nông nghiệp và người thuê đất trả tiền thuê hàng năm có quyền tài sản tương đối hạn chế, chủ nhân của quyền sử dụng các loại đất khác đã có hàng chục quyền tài sản có tính chất loại trừ chẳng khác gì tài sản tư nhân. Quyền sử dụng đất ở đô thị mang lại cho người chủ của nó những quyền lợi chẳng khác gì đất tư ở các quốc gia tư bản.  

Thậm chí, trong bối cảnh quản lý nhà nước còn yếu kém, hệ thống đăng ký bất động sản còn phân tán, những người thâu gom đất chưa bị đánh thuế tài sản đáng kể, người giàu bởi tích tụ đất đai đã không phải chịu thuế đáng kể cho nền tài chính công quốc gia. Như vậy, trên thực tế, quan niệm "sở hữu toàn dân" về đất đai, nếu không được cụ thể hóa bằng những chính sách-pháp luật quản lý chặt chẽ thì có nguy cơ trở nên sáo rỗng.

Nguồn gốc của mọi bất công về phúc lợi trong khai thác và hưởng dụng đất trong nhiều năm, suy cho cùng, đã bắt đầu từ quyền tài sản dễ bị tổn thương của người dân, nhất là nông dân với đất nông nghiệp. Và "sở hữu toàn dân" vẫn là một khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. Người ta luôn phải truy tìm ai (hoặc những ai) chính là người chủ đích thực của khối tài sản khổng lồ được coi là "sở hữu toàn dân".

 Sửa đổi Luật Đất đai lần này phải theo hướng mở phát triển và đem lại lợi ích cho Quốc gia, cộng đồng và người dân. Dọc theo chiều ấy là tăng quyền bảo hộ tài sản của người có đất, hướng trọng lực vào "vốn hóa" đất đai theo cơ chế thị trường có định hướng, mở đường cho tập trung tích tụ đất đai đi lên sản xuất lớn. Nên vậy, dấu hiệu đa sở hữu về quyền tài sản liên quan đến đất đai là một thực tế cần nghiêm túc xem xét bổ sung, sửa đổi để Luật Đất đai theo kịp cuộc sống và dẫn đường cho cuộc sống.

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem