Sao lại cấm shipper?

Quốc Phong Chủ nhật, ngày 25/07/2021 10:15 AM (GMT+7)
Chính shipper góp phần thực hiện giãn cách xã hội mà vẫn lưu thông hàng hóa. Vì thế nên ưu tiên tiêm vaccine cho họ sớm để đảm bảo an toàn hơn là cấm shipper hoạt động,
Bình luận 0

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hôm qua quyết định cấm phần lớn hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, bao gồm cả xe ôm truyền thống và các shipper sử dụng app công nghệ. Nghĩa là chỉ có đội ngũ shipper của đại lý bưu chính viễn thông và siêu thị mới được hoạt động, và phải có đăng ký của công ty với Sở Giao thông Vận tải, còn phần lớn đội ngũ shipper sẽ lao đao trong đại dịch.

Quyết định của Hà Nội đã gây nhiều tranh cãi. Việc hạn chế ra đường theo quy định giãn cách xã hội khiến người dân phải mua hàng online, sử dụng dịch vụ vận chuyển. Chỉ riêng việc đi chợ, đi siêu thị, liệu đội ngũ shipper của siêu thị có thể đủ để phục vụ nhu cầu người dân? Giờ đây rất nhiều người có thói quen mua sắm đồ thiết yếu qua mạng, không có shipper thì biết trông cậy vào đâu. Cách đây vài ngày, lãnh đạo Hà Nội và Sở Công thương đều đã khuyến khích mua bán trực tuyến để tránh nguy cơ lây nhiễm, thì giờ Sở Giao thông lại cấm shipper. 

Cũng không ít người lo ngại về nguy cơ shipper đi lại, tiếp xúc nhiều thì rất dễ lây nhiễm và trở thành nguồn lây nhiễm. Lo ngại đó hoàn toàn hợp lý. Nhưng lẽ ra phải nghĩ đến điều đó từ sớm hơn trong một năm rưỡi sống chung với dịch. Có thể yêu cầu họ có mức độ an toàn cao hơn, như chứng nhận xét nghiệm, đeo tấm chắn giọt bắn… Quyết định nào cũng phải tạo điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của người dân, không phải cứ không quản được là cấm.

Giải pháp căn cơ nhất là tiêm chủng. Tiếc rằng, đối tượng này tuy đã được đưa vào diện ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 (trong 13 đối tượng sẽ được tiêm ưu tiên như Hà Nội vừa thông báo), nhưng chắc cũng còn lâu mới đến lượt, vì họ xếp thứ 11 trong danh sách ưu tiên.

Sao lại cấm shipper? - Ảnh 2.

Hà Nội sẽ tạm thời cấm shipper giao hàng để chống dịch Covid-19. (Ảnh: Phạm Hưng).

Theo tôi, các trường hợp người lao động làm dịch vụ như lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc nhiều người như shipper, lái xe taxi, người làm dịch vụ cắt tóc, gội đầu, nhân viên khách sạn trong những thành phố… có lẽ cần được nhà nước ưu tiên tiêm trước. Việc tiêm chủng cho những người này sẽ mở lối thoát cho rất nhiều dịch vụ hay việc kinh doanh của các doanh nghiệp, các gia đình đang bị đóng cửa cách ly xã hội. 

Quay lại các shipper, họ là người trực tiếp góp phần làm cho hình ảnh một thành phố bớt tiêu điều, ảm đạm hơn trong giãn cách xã hội. Nói chính xác hơn và hình ảnh hơn, đó là sẽ bớt đi cái cảm giác trở nên "thành phố chết" nếu shippers, quán cắt tóc, xe taxi… vẫn được phép hoạt động

Hiện nay, có những cách xử lý rất khác nhau giữa các địa phương . 

Tại TP.HCM, ngoài đường shipper vẫn được hoạt động giao đồ thiết yếu, nhưng chi phí giao đồ hiện đã tăng gấp đôi hoặc hơn. Nhưng cách giải quyết này vừa may vừa không may. May là còn giúp được việc hạn chế người ra đường đi mua sắm đồ thiết yếu. Không may là bởi rất có thể họ sẽ lây lan virus trong cộng đồng chỉ do họ chưa được tiêm chủng. 

Tại TP.Nha Trang( Khánh Hoà), thực hiện theo Chỉ thị 16 taxi không được hoạt động nhưng shipper thì cho hoạt động- một người đồng hương với tôi trong đó vừa cho biết.

Tại Đà Nẵng, theo như đồng nghiệp của tôi, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh: Nếu đội ngũ shippers được ưu tiên tiêm chủng và cấp thẻ rồi thì người dân chắc không lo nhu yếu phẩm trong mùa dịch và bà con buôn bán  cũng đỡ khổ biết chừng nào bởi có người làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm mà không phải ra đường nhiều. Thế nhưng, anh Thế Thịnh lại cho biết, Đà Nẵng mấy hôm nay đã cấm shipper nhưng vẫn cho bán mang về. Theo anh, như vậy thì lượng người ra đường, vào siêu thị mua hàng sẽ càng đông hơn và nguy hiểm hơn nhiều… Bao nhiêu là kịch bản chống dịch chỉ thấy "kịch" mà  không thấy "bản" - anh phàn nàn. 

Giá như đội ngũ shippers được ưu tiên tiêm chủng sớm, tôi nghĩ nhiều việc sẽ sáng sủa hơn trong khâu lưu thông hàng hoá nói chung. Giả sử như một TP.HCM hay Hà Nội mà có được 10.000 shippper (xin gọi chung cho cả người lái taxi, xe ôm, lái xe công nghệ, người giao hàng của các siêu thị, bưu tá…) mà được tiêm chủng trước thì sẽ có cả vài trăm ngàn người khỏi phải đi chợ, siêu thị mỗi ngày, lượng hàng hóa tiêu thụ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu người dân.  

Nên chăng, chúng ta hãy tính chuyện tháo gỡ thật sớm nút thắt trên để các thành phố, một khi phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ thì sẽ đỡ căng hơn hiện nay. Lượng người ra đường mua sắm tất yếu cũng sẽ giảm đi ít nhiều, và cũng sẽ an toàn hơn, bớt lây lan dịch bệnh hơn nhờ đội ngũ người lao động này đã được chủng vaccine. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem