Những đoàn bác sĩ, nhân viên y tế lên đường, những chuyến tàu chở thiết bị vào Nam tăng cường chống dịch. Chỉ có tình yêu thương song hành cùng những chính sách thiết thực, những biện pháp hiệu quả về vắc xin miễn dịch cộng đồng và sự đồng tâm nhất trí của nhân dân mới có thể mong sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Những chiếc lá, tôi muốn mượn hình ảnh ý nghĩa của người xưa truyền dạy để nói về đạo lý yêu thương đùm bọc "lá lành đùm lá rách". Truyền thống người Việt chúng ta là như vậy. Khi ai đó khó khăn, khi vùng miền nào đó thiên tai, bão lụt, địch họa, dịch bệnh thì tất cả đều chung tay san sẻ, nhường nhịn, tích góp để giúp đỡ. Càng thấy rõ đạo lý này khi dịch Covid-19 xảy ra đang hoành hành ở các tỉnh phía Nam đặc biệt là đô thị lớn nhất nước, thành phố Hồ Chí Minh.
Hình ảnh đoàn tàu hỏa chở hàng chục tấn thiết bị y tế chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM nói lên rất nhiều điều cùng những xúc cảm thương yêu cho những ai chứng kiến. Cùng với thiết bị y tế, dược phẩm, các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện Bạch Mai đang gấp rút hoàn thiện Trung tâm Hồi sức quy mô 500 giường theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 ở TP.HCM. Đây chỉ là một trong những Trung tâm Hồi sức được cấp tốc thành lập theo chỉ đạo của Bộ Y tế chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Lòng người cả nước tuy cùng ảnh hưởng dịch bệnh nhưng đều hướng về một nửa đất nước phía Nam đang căng mình gồng lên chống dịch.
Đợt dịch lần này đến từ cuối tháng 4. Tôi nhớ dịp đó tôi đang có mặt ở TP.HCM. Lúc đó dịch bắt đầu khởi phát. Trên chuyến bay ra Hà Nội tôi cùng các hành khách đã phải tuân thủ những điều kiện chặt chẽ về kiểm tra y tế. Lúc đó quả thật có dự cảm nhưng tôi không nghĩ dịch lại bùng phát nhanh và dữ dội đến vậy. Không lâu sau đó TP.HCM đã là tâm điểm dịch của cả nước và mức độ dịch lên cao chưa từng.
Dịch như muốn nhấn chìm thành phố lớn nhất cả nước. Khi biện pháp phong tỏa được áp dụng thì với số lượng dân số lớn, mọi khó khăn càng dồn dập. Lúc này có thể nói bên cạnh những biện pháp của chính quyền thì người dân đã thể hiện rất kịp thời sự cưu mang đùm bọc. Những đội thiện nguyện tự phát có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm để chia sẻ từng bữa cơm, gói mỳ, chai nước. Cả nước hướng về thành phố.
Ngành y tế là đội quân tiên phong giúp đỡ các đồng nghiệp phía Nam. Những đội tình nguyện ngành y lên đường. Trang thiết bị y tế được chuyển vào. Những hỗ trợ từ chính sách trong hệ thống quốc gia ưu tiên điều phối. Tất cả đều dành cho nơi tuyến đầu chống dịch mọi ưu tiên có thể. Cho đến bây giờ, đã có hàng chục bệnh viện thuộc các bộ, ngành, trung ương, các tỉnh thành cử cả nghìn bác sĩ, hàng nghìn điều dưỡng viên, kỹ thuật viên lên đường. Ngay cả vaccine đang khan hiếm nhưng tôi biết lòng người dân cả nước đều muốn dành cho TP.HCM những liều thuốc quý giá để nhanh chóng dập dịch. Không thể nói hết có bao nhiêu tấm tình đồng bào lo lắng cho người dân trong đó. Nhiều doanh nghiệp lớn ủng hộ vật chất. Các đoàn thể, tổ chức từ lớn đến nhỏ và cá nhân lo quyên góp giúp sức.
Khi dịch lên đỉnh, thành phố khó khăn về đời sống, buộc hàng nghìn người lao động nhập cư từ các tỉnh phải tìm đường trở về quê quán. Lúc này càng thấy rõ sự bao bọc cộng đồng là quý giá nhường nào. Hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát dẫn đường bảo đảm an toàn giao thông, chính quyền, người dân các địa phương có đoàn người hồi hương đi qua tạo mọi điều kiện vật chất có thể giúp đỡ những người hoạn nạn tạo nên sự lan tỏa tình thương yêu rộng khắp, thật ấm lòng.
Tôi ấn tượng và xúc cảm dâng đầy khi nhìn thấy những tấm biển đề miễn phí đồ ăn, xăng xe, nước uống, chỗ nghỉ. Một chị tiểu thương nghèo phát từng tờ 500 ngàn chị dành dụm tích cóp cho những người đi qua nơi chị sinh sống về quê. Bên cầu Bến Thủy, cũng là hình ảnh rất đẹp ấy của tấm lòng đồng bào chia sẻ từng phong bì, gói đồ. Viết đến đây tôi chợt dùng dằng đôi chút về dòng người hồi hương. Giá như ngay từ đầu có thống nhất chủ trương thì có lẽ đã không có sự thiếu nhất quán ở mỗi địa phương trong phương cách đón nhận cư dân của quê hương mình trở về. Đó thật sự là một điều đáng tiếc, và ở một vài trường hợp cụ thể, việc từ chối đón người hồi hương đã bị phản ứng quyết liệt. Rồi đến khi thông báo đợt giãn cách thứ hai, bà con lại tự phát đổ về quê. Nhiều người khi ra tới cửa ngõ thành phố được thuyết phục ở lại. Và họ không đi nữa dù cũng không biết sẽ thế nào. Hy vọng những chủ trương giúp người ở lại sẽ được triển khai kịp thời. Và làn sóng ủng hộ "lá lành đùm lá rách" lại tiếp tục lan toả.
Hàng ngày qua mạng xã hội, tràn ngập những hình ảnh tương thân tương ái. Rất nhiều sáng kiến giúp đỡ đồng bào trong điều kiện dịch bệnh thành phố bị phong tỏa. Bạn tôi, một cựu nhà báo có tuổi nhưng lăn lộn suốt ngày trên đường phố vận chuyển lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu cho những trường hợp khó khăn. Khi làm những điều ấy tôi biết chắc chắn chị có nghĩ đến những hiểm nguy từ Covid có thể đến với mình nhưng không vì thế mà chị chùn bước. Những người như bạn tôi rất nhiều và nhờ chính họ, những tấm lòng thơm thảo mà khó khăn của người dân vùng dịch được vợi đi rất nhiều nhất là về tinh thần, họ thấy được an ủi trong khó khăn dịch dã.
Con gái tôi, một cô giáo, nhắn tin, bố có bạn nào trong TP.HCM tổ chức quyên góp không, con muốn đóng góp, nhìn người dân trong đó con thấy xót ruột quá. Và con gái tag vào trang FB của tôi để chia sẻ một ứng dụng trang web đóng góp giúp đỡ những hoàn cảnh cần được giúp đỡ với tiêu chí "kết nối yêu thương".
Đúng thế, kết nối yêu thương. Chỉ có tình yêu thương song hành cùng những chính sách thiết thực, những biện pháp hiệu quả về vắc xin miễn dịch cộng đồng và sự đồng tâm nhất trí của nhân dân cả nước thì dịch Covid-19 mới bị đẩy lùi trong tương lai gần, không chỉ ở TP.HCM. Chắc chắn thế.