Hôm nay Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021). Danh xưng Lạng Sơn là niềm tự hào không chỉ của người dân xứ Lạng, mà còn là sự vững tin của người dân đất Việt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ bờ cõi biên cương. Sau 190 năm thành lập, Lạng Sơn bước vào hời kỳ phát triển mới và tư duy đổi mới như thế nào?
Gần một năm nay tôi là công dân của Lạng Sơn, được hòa nhập vào đời sống thực tế của người dân, được theo dõi sự chỉ đạo, làm việc, hành động của chính quyền tỉnh. Tôi nhận thấy một cơ hội phát triển cho Lạng Sơn rất gần và tương lai sẽ vô cùng sáng sủa. Chỉ có điều người Lạng Sơn có sẵn sàng thay đổi một cách quyết liệt tới đâu mà thôi!
Trong gần một năm qua tôi đã đọc khoảng hơn 30 báo cáo các loại, trên đủ các mặt trận của các cấp lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn. Điều tôi không đồng ý nhất ở các báo cáo đều nêu những khó khăn giống nhau: Địa bàn rộng, giao thông khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, thói quen tập quán sinh sống thụ động chưa thay đổi, nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, công nghiệp hầu như không đáng kể... Nếu chúng ta vẫn quen lối suy nghĩ cũ mà vin vào đó để không khai thác hết tiềm năng của Lạng Sơn hiện nay thì đúng là rất có lỗi với những gì Xứ Lạng này đang có.
Lạng Sơn có xa không? Với hệ thống đường cao tốc hiện nay thì huyện gần nhất Lạng Sơn với thủ đô Hà Nội chỉ cách chừng hơn 60km chưa đầy 1h đi xe. Ngay cả thủ phủ là thành phố Lạng Sơn cũng chỉ hơn 2h đi xe một chút là có thể tới được. Nhiều lần tôi từ Hà Nội, hẹn ăn sáng cùng bạn ở Lạng Sơn mà đi vẫn kịp bữa sáng lúc 8h. Còn đường từ thành phố về các huyện bây giờ đều đã đẹp lắm, kể cả huyện xa như Bắc Sơn, Tràng Định, Đình Lập thì cũng đi không quá 2h đồng hồ là tới nơi. Còn từ huyện đến xã thì đất Lạng Sơn không thuộc dạng núi cao vực sâu. Nên chuyện mở đường cũng không khó như đánh đố. Quan trọng là chính quyền có quyết tâm đến đâu, có cơ chế như thế nào thu hút sự tham gia đầu tư từ nhiều nguồn để mở đường thuận lợi cho dân đi, cho vận chuyển nông sản, thông thương nhiều mặt hàng khác.
Nói về trình độ lao động của Lạng Sơn, anh Lý Việt Hưng Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn lần gần đây nhất tâm sự với tôi: "Trước kia bà con nông dân Lạng Sơn cứ sau mùa vụ là loanh quanh ở nhà, mang lúa ra xay, mang ngô ra nấu rượu, lên rừng kiếm cây măng, cây rau để ăn thôi. Với đất đai ở Lạng Sơn đói thì không đói nhưng khó giàu lắm, 79.6% dân số Lạng Sơn vẫn sống ở nông thôn mà".
Suy nghĩ về lao động của Lạng Sơn có trình độ hạn chế chúng ta cũng phải thay đổi, hàng chục nghìn nam thanh, nữ tú của Lạng Sơn đang có mặt ở các khu công nghiệp thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Các nhà tuyển dụng và sử dụng lao động Lạng Sơn đều đánh giá họ rất chịu khó, tính thuần và khả năng tiếp thu công nghệ ở mức trung bình khá. Vấn đề là ở chỗ lực lượng lao động trẻ này làm việc ở chỗ nào khi ngay chính quê hương mình đang vắng bóng các nhà máy xí nghiệp mang bóng dáng của công nghiệp hóa?
Đã có lần ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Nhìn bà con cứ sau Tết rồng rắn kéo nhau đi Bắc Giang, Bắc Ninh mà tôi tâm tư lắm". Tỉnh đã quyết tâm xây dựng khu công nghiệp Hữu Lũng, giáp với Bắc Giang, để thu hút lao động tỉnh nhà và các tỉnh khác tới làm việc rồi. Một người đứng đầu tỉnh như ông Thiệu, đau đáu về một khu công nghiệp để giải quyết công ăn việc làm cho công dân tỉnh nhà, và thu hút lao động ở các tỉnh khác về, thì không thể nói rằng người lao động của Lạng Sơn còn hạn chế về khát vọng thay đổi. Mà thay đổi về thói quen sản xuất sẽ dẫn tới thay đổi về thói quen sinh hoạt, chẳng hạn như hạn chế những bữa rượu dài vài ngày mang "thương hiệu" Lạng Sơn bấy lâu nay.
Vậy Lạng Sơn đang có thế mạnh gì? Lạng Sơn có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma kết nối với một thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, những mặt hàng nông sản chủ chốt của nước ta sang thị trường khổng lồ Trung Quốc đều đi qua Lạng Sơn, sao tỉnh nhà không thành lập một trung tâm đóng gói, gia công và bảo quản nông sản Việt ngay tại khu kinh tế cửa khẩu. Để không phải áp lực mỗi khi bạn hàng đóng biên, gây tắc đường hàng chục km, nông sản hỏng phải bán đổ bán tháo như rẻ như cho.
Tại sao Lạng Sơn chưa có những đại diện thương mại của các tỉnh bên nước láng giềng giỏi về máy móc công nghiệp như Triết Giang, Thượng Hải, hay Phúc Kiến, đặt tổng đại lý ở Lạng Sơn, để bán cho khách hàng cả nước tìm về Lạng Sơn? Từ đó sẽ tạo ra sự giao thương nhộn nhịp hơn, từ đó nảy sinh những cơ hội, những mối quan hệ làm ăn mới.
Rồi bao nhiêu ý tưởng mới nữa, cửa hàng số trong phát triển nông sản, của khẩu số trong thương mại xuất nhập khẩu. Rồi du lịch văn hóa, với Bắc Sơn, Mẫu Sơn... Nếu Lạng Sơn với cây hồi, cây quế thơm lừng làm được những việc như kỳ vọng thì đảm bảo đời sống của 760 nghìn người dân sẽ giàu lên, công ăn việc làm tự tìm đến tận các cầu thang của nhà sàn.
Lạng Sơn hàng nghìn năm qua vẫn là biên ải kiên cường, đã được minh chứng trong lịch sử với những chiến thắng như Chi Lăng, Lũy Thầy, là nỗi khiếp sợ của những đoàn quân xâm lược. Bây giờ trong thời kỳ hòa bình và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn lại xây dựng tỉnh nhà như một bộ lọc để phát triển kinh tế, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa. Có như vậy chúng ta mới hoàn thành sứ mệnh của một mảnh đất ở địa đầu Tổ quốc, là biên ải hòa bình ổn định và cùng phát triển.
Những khát vọng về đổi mới, khát vọng về phát triển kinh tế, văn hóa chính trị, chúng tôi đã từng ngày được nhìn thấy trong những hành động của thế hệ lãnh đạo 7X tỉnh nhà trẻ trung và giàu nhiệt huyết. Để rồi trong tương lai chúng ta nhận thấy Lạng Sơn không chỉ đẹp, mà còn giàu và hào sảng khi đón khách phương xa, để ai đến đây cũng thấy được Lạng Sơn vùng biên cương đáng sống và đáng nhớ.