Chuyến hồi hương không thành của 15 chú chó và 1 chú mèo

Nhật Lệ Chủ nhật, ngày 10/10/2021 16:27 PM (GMT+7)
Cộng đồng đã dõi theo chuyến về quê của đôi vợ chồng nghèo cùng 15 con chó và con mèo của họ, như một bài học về lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Nhưng việc đàn chó mèo bị tiêu huỷ bất ngờ đã gây bất bình, thậm chí kinh ngạc vì sự vô cảm.
Bình luận 0

Hôm nay, cộng đồng mạng xôn xao khi hay tin, 16 con chó mèo dễ thương ngồi quây quần trên chiếc xe máy hồi hương của đôi vợ chồng nghèo, vừa lên báo vì hình ảnh xúc động gắn kết giữa chủ và vật nuôi trong đại dịch, vừa bị tiêu hủy.

Ít ai biết đôi vợ chồng này dù thiếu ăn, vẫn dành dụm gạo được phát để nấu cơm cho 18 thú cưng của mình. Họ trải qua 4 tháng cách ly trong nhà cùng với chó mèo, đói khổ cũng cùng chia thức ăn. Thậm chí, ông chủ vốn là phụ hồ thất nghiệp vẫn ráng đi bắt cá về kho, hay nhặt xương, thức ăn thừa lề đường về cho "đàn con" của mình.

Và hành trình hồi hương của họ gây xúc động cho người qua đường, vì những con chó vui vẻ, hớn hở ngồi yên trên xe, mặc chiếc áo mưa xinh xinh, ánh mắt có lúc trầm ngâm như biết suy nghĩ về thời cuộc. Con bé nhất nằm trong lòng bà chủ. 2 chú chó khác được gửi cho người em chở vì xe máy quá tải. Nhiều người cảm động vì tình thân gắn bó của chủ và bầy chó, dù hành trình về quê gian khổ nhưng không ai bỏ rơi những người bạn của mình.

Chuyến hồi hương không thành của 15 chú chó và 1 chú mèo - Ảnh 1.

Hình ảnh 15 con chó của 2 vợ chồng đưa về quê được cộng đồng mạng chia sẻ ngày 8/10. (Ảnh: CTV).

Thậm chí, có người từng trả tiền triệu để có chú chó cưng về nuôi, song ông bà chủ lắc đầu. Người đàn ông cho biết qua báo chí: "Có người trước hỏi mua trả 300k, 500k với 1 triệu. Nhưng ở lâu, thương chúng nó lắm. Đứa nào cũng khôn và lanh lẹ nên có thiếu thốn mấy tôi cũng không bán."

Thế nhưng, ít giờ sau, cộng đồng mạng đau xót đến bất lực vì sự ra đi bất ngờ của đàn chó và chú mèo bất hạnh. Hai vợ chồng ông chủ bị dương tính với Covid-19, phải đi cách ly, không thể mang theo "đàn con" của mình. Họ có thể gửi chúng cho người quen, thậm chí cả người xa lạ yêu động vật, thế nhưng, chỉ vì một câu nói của một bác sĩ, vì nỗi lo sợ lây lan dịch bệnh, người ta đã trấn nước chết cả đàn chó rồi đem thiêu. Mặc dù trước khi chúng chết, người chủ bảo: "Chạy trốn đi con", song chẳng con nào chịu rời đi cả. 

Câu chuyện về những con chó và 1 chú mèo chợt gợi lên hình ảnh tương tự khác trong dòng người từ các tỉnh phía nam về quê gần đây. Có những chủ nhà khác cũng mang theo cả cái xoong cũ, cái thau, cái chổi, những vật dụng cần thiết và cả con chó ngơ ngác ngồi trên xe. Đó là hình ảnh không thể thiếu của những đoàn người chỉ còn nhìn thấy hình ảnh quê hương, mẹ già, người thân vẫy gọi phía trước, để dấn thân vào hành trình mưa bão, bất chấp hiểm nguy.

Trong đại dịch, lòng trắc ẩn không thể thiếu, là nơi trú ngụ để con người và loài vật cùng nhau sống qua ngày no đói, cùng nhau về quê, cùng nhau đi qua nỗi sợ. Nhưng nếu công cuộc chống dịch với lý do "an toàn cho tất cả, cho cộng đồng", "chống dịch như chống giặc" thì sẽ dễ xảy ra tình cảnh thương tâm của những con vật trung thành và quyến luyến hết mực với chủ của mình kia.

Lòng trắc ẩn để khi ra một quyết định nào đó, người ta nghĩ ngay đến tình thương và sự chia sẻ, không phải để nhìn thấy ai cũng là "mối nguy", là "mầm bệnh" lây lan dịch Covid-19. Vậy tại sao không thể giao bầy chó cho một người quen của vợ chồng người chủ chẳng hạn, hay ai đó, trông nom giúp ở một nơi cũng cách ly, biệt lập.

Khi người chủ hay tin, cả hai đau đớn ứa nước mắt, hối hận nghĩ rằng giá mà họ gửi đàn con dọc đường nhờ ai đó trong cộng đồng mạng chăm sóc giùm, hoặc thậm chí, có thể cho chúng đi, thì đã có thể tránh cái kết buồn thương thế này.

Hoặc nếu họ được thông tin kỹ càng hơn, có thể họ đã không trở về quê, không mang đàn con của mình vào cuộc hồi hương bất trắc. 

Có người nói, chuyên gia y tế đã cảnh báo tình trạng virus có thể lây lan sang động vật. Virus SARS-CoV-2 có thể không sống trong cơ thể vật nuôi, hay đường hô hấp của vật nuôi, nhưng tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người tiếp xúc gần. Mọi người, đặc biệt là F0, không nên ôm ấp chó, mèo, tránh dùng chung các đồ vật khác với người nhà nếu cách ly tại nhà. Nhưng không phải vì thế mà nỡ ra tay tiêu hủy cả đàn chó như vậy.

Cũng có người cho rằng, phải chăng cái thông điệp "chống dịch như chống giặc" đã lỗi thời, vì không thể nhốt hết, không thể cách ly mãi, bởi F0 chính là người thân, chứ đâu phải kẻ thù. Con vật, với nhiều người, cũng là "đứa con" của họ, đâu phải "nghi can"?

Nhà văn Khải Đơn phân tích: "Đối đầu với dịch bệnh bằng sự kỳ thị và nhẫn tâm không làm dịch kết thúc. Ở đây, mệnh đề dù đã nhốt hết giặc, tiêu hủy hết chó, căn bệnh vẫn tiếp tục lan ra. Bởi dịch bệnh không kết thúc khi thú cưng chết sạch hay hàng xóm bị nhốt hết trong bệnh viện dã chiến. Dịch bệnh giảm dần dựa vào nỗ lực tự bảo vệ của từng người và vaccine cho cộng đồng".

Chống dịch, nhưng chúng ta không thể vô cảm trước tình yêu thương. Tình cảm của vợ chồng người chủ với đàn chó mèo đem lại rất nhiều sự xúc động, nhiều bài học cho công chúng. Hơn nữa, thời nay, người ta đã có những nhìn nhận rất khác về quyền động vật. 

Một mặt khác, đây là thời đại truyền thông, ứng xử không khéo léo, hợp lý của nhà chức trách một địa phương có thể gây ra những luồng dư luận mạnh mẽ, khiến người ta nhìn nhận, đánh giá về năng lực, tầm nhìn của nhà chức trách nơi đó.

Đại dịch mang đến cho chúng ta nhiều mất mát, nhưng cũng nhắc nhở về quyền tự do cá nhân, quyền được yêu thương và hãy ngừng đưa ra mệnh lệnh bằng mọi giá, nhân danh sự an toàn của cộng đồng, mà triệt tiêu mầm sống và lòng trắc ẩn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem