Cấp cứu nền kinh tế - chậm còn hơn quá muộn

Quảng Hà Thứ hai, ngày 27/09/2021 11:06 AM (GMT+7)
Các trung tâm kinh tế lớn đã gần phủ kín vaccine. Nhu cầu mở cửa để "cấp cứu" nền kinh tế đang rất bức bách. Vị trí 121/121 trong bảng xếp hạng của Nikkei Asia cảnh báo rằng, Việt Nam có phần chậm chạp. Mở cửa lúc này, vẫn còn cơ hội để cứu các doanh nghiệp.
Bình luận 0

Sáng 26/9, Thủ tướng lần thứ hai đối thoại với các doanh nghiệp trong vòng gần 2 tháng, để tìm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Chiến lược Zero Covid đã được xác định là phải thay thế, chuyển sáng thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong cuộc họp, Thủ tướng đã nhấn mạnh, với các giải pháp dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, chúng ta có thể yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế. Đó là một sự khẳng định để hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ được khơi thông lối ra, thoát khỏi những rào cản liên quan đến Covid-19 mà phục hồi và phát triển. 

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2020 - đầu 2021, khi chuỗi sản xuất thế giới có xu hướng rời Trung Quốc, và Việt Nam đang là điểm sáng rực rỡ về thành tích khống chế dịch Covid-19, chúng ta đã mơ mộng nhiều về một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Nhiều nơi, người ta bàn đến chuyện phải có thêm nhiều khu công nghiệp mới, phải xây tổ đón đại bàng.

Một người thận trọng như ông Nguyễn Đình Lương, chuyên gia đàm phán các hiệp định kinh tế quốc tế, khi bày tỏ mối hoài nghi về thái độ lạc quan tràn ngập khắp nơi đó, cũng chỉ nghĩ rằng: Có nhiều đích đến cho làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc, không nhất thiết phải là Việt Nam. Nếu FDI vào Việt Nam có tăng thì cũng ở mức độ nào đó thôi, còn tùy thuộc khả năng "dung nạp" của chính chúng ta.

Nhưng đến giờ phút này, ta có thể phải tự hỏi lại: Làn sóng dịch chuyển FDI ấy đâu rồi?

Chẳng những không tăng dù ở mức độ "tùy thuộc khả năng dung nạp" của Việt Nam, mà FDI đăng ký trong 8 tháng đầu năm 2021 còn giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Cấp cứu nền kinh tế - chậm còn hơn quá muộn - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp kiến nghị Bình Dương công nhận kết quả xét nghiệm nhanh của công ty cho các công nhân. Ảnh: V.D

Đầu tháng 9/2021, Nikkei Asia xếp Việt Nam đứng thứ 121/121, tức là chót bảng, về chỉ số phục hồi Covid-19 - một bảng đánh giá dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, diễn tiến tiêm chủng vaccine, mức độ thực hiện các biện pháp giãn cách phòng chống dịch. Xếp chót bảng, có nghĩa là Nikkei Asia đánh giá Việt Nam cách xa trạng thái phục hồi hậu đại dịch nhất trong số các nước được khảo sát. Vị trí chót bảng rất đáng suy nghĩ, đặc biệt khi so sánh với nước láng giềng Singapore - họ xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng.

Làn sóng Covid thứ tư, con virus delta nguy hiểm tấn công và cách thức Việt Nam đối mặt với nó đã thay đổi hoàn toàn vị thế của đất nước. Trong 8 tháng, sau các đợt giãn cách nghiêm ngặt, có tới 85.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng gần 1/4 so với cùng thời gian này năm trước. Riêng ở đầu tàu kinh tế TPHCM, đồng thời cũng là thành phố bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất, phải thực hiện các biện pháp giãn cách chặt chẽ nhất, kéo dài nhất, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lên tới 24.000, chiếm 28% tổng số cả nước. Có những nơi như Cần Thơ, 95% doanh nghiệp đóng cửa. 

Một cuộc khảo sát tiến hành đầu tháng 9 trong hơn 21.000 doanh nghiệp, phần lớn ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, cho biết: 70% trong số này đóng cửa do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hơn 21% phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch.

Các doanh nghiệp lớn, cả trong nước lẫn FDI, cố gắng chịu đựng, dù phải trả giá bằng tiền. Giữa tháng 7, hãng giày Nike đã nhìn thấy tình trạng thiếu hụt hàng sản xuất tại Việt Nam - nơi làm ra khoảng 50% sản lượng giày dép của hãng trên toàn cầu. Các nhà cung cấp chính cho Nike như Chang Shin, Poun Chen đều phải tạm dừng sản xuất. Bắt đầu có nhiều tiếng nói cảnh báo về làn sóng "dịch chuyển ngược" FDI.

Cũng theo kết quả khảo sát đầu tháng 9, trong số các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, 40% chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng; tỷ lệ này tính riêng ở các công ty TNHH là 39,5%, doanh nghiệp Nhà nước là 30%, doanh nghiệp FDI là 23,5%, và với hộ kinh doanh là 45%. Điều này nghĩa là, nếu đóng cửa kéo dài qua tháng 10, những doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh trên có thể chết hẳn, hay rơi vào tình trạng kiệt quệ, muốn cứu cũng khó.

Với doanh nghiệp còn như vậy, thì với phần đông người dân, tình trạng càng kém sáng sủa. Những đoàn người kéo nhau đi hàng trăm cây số rời khỏi TPHCM, những người dù bị bắt quay đầu 4-5 lần vẫn tiếp tục cố "trốn" về… tất cả đều chung một lý do: Ở lại thì không có gì để sống. 

Tôi từng là người ủng hộ một mực cho chiến lược giãn cách để dập dịch. Tuy nhiên, khi tôi ngồi viết bài này, đã qua hàng tháng trời giãn cách mà số ca nhiễm mỗi ngày cứ đều đặn trên 10.000, thì niềm tin "Zero Covid" bắt đầu lung lay. Những người nghèo mừng rỡ ôm những gói đồ ăn cứu trợ và nói họ đã nhịn đói mấy ngày, cho ta thấy chiến lược giãn cách dài ngày làm tổn thương người dân quá nặng. Tới lúc Bộ trưởng Tài chính nói rằng, ngân sách dự phòng cho chống dịch đã cạn, thì chúng ta buộc phải thừa nhận một thực tế là không thể kéo dài sách lược giãn cách được nữa. Tiền đã hết.

Ngay từ cuối tháng 8, trong cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra phát biểu mang tính chất bước ngoặt: Xác định cuộc chiến này lâu dài, sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. 

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, theo các quan sát thì phần lớn các địa phương vẫn muốn "Zero Covid", tích cực bóc tách F0 khỏi cộng đồng, kèm theo đó là giãn cách và kiểm soát chặt chẽ giãn cách xã hội. Đến mức Thủ tướng phải kêu lên trên truyền hình quốc gia: "Đồng chí tiếp tục phong tỏa đến bao giờ? Phong tỏa để làm gì?"

Ngày 17/9, trong một cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: "Thành phố không thể không mở cửa lúc này". Ông dẫn quan điểm của các chuyên gia là sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulbright) nói: "Không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa". 

Biết rằng sẽ còn mất thêm thời gian và nhiều khó khăn nữa phải giải quyết để doanh nghiệp đặt được chân lên lộ trình tiến tới trạng thái bình thường mới. Nhưng dù vậy, cũng đã có tia sáng để hy vọng.

Tốc độ phủ vaccine đang được đẩy nhanh. Nhu cầu phải mở cửa để cấp cứu nền kinh tế ngày càng bức bách. Chậm mỗi ngày, số doanh nghiệp "ra đi" càng nhiều hơn. Đã gọi là cấp cứu thì cần phải thật nhanh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem