Băn khoăn 3 huyện lên thành phố

Nguyễn An Thanh Thứ năm, ngày 14/10/2021 19:01 PM (GMT+7)
Ngay cả những ngày mưa gió bão bùng này, dòng ô tô đổ về Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh xem đất vẫn kéo dài sau khi có đề xuất đưa huyện lên thành phố. Tầm nhìn có thể được ủng hộ, song còn nhiều băn khoăn về nguồn lực để có thể đáp ứng các tiêu chí chuyển đổi từ làng ra phố.
Bình luận 0

Đại dịch Covid-19 khiến mục tiêu "từ làng ra phố" của Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn. Mục tiêu huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2020 đã không hoàn thành (mới đạt 22/27 tiêu chí để trở thành quận); đối với 4 huyện còn lại là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025 cũng phải rất nỗ lực. 

Hiện tại, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã, mà theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố trực thuộc trung ương phải có tỉ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên, theo đó, TP Hà Nội phải có từ 18 quận trở lên.

Mục tiêu chuyển 5 huyện thành quận của Hà Nội cũng là xu hướng chung của nhiều đô thị khác của Việt Nam, là cơ hội để Thủ đô chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó huyện Thanh Trì, Gia Lâm được định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ; phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. 

Trong khi đó, huyện Đông Anh và Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. 

Thực ra, tại các huyện này người dân cũng đang háo hức tham gia quá trình "đô thị hóa" để từ "người làng" trở thành "người phố", nhất là các thanh niên, mong giấc mơ đó đến sớm từng ngày.

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì điều kiện trở thành quận có tới 27 tiêu chí. Khó nhất là tiêu chuẩn: Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay chỉ huyện Đông Anh và Gia Lâm bảo đảm cân đối thu - chi, còn lại tỷ lệ thu chi của huyện Thanh Trì đạt 75%, huyện Hoài Đức 47% và huyện Đan Phượng đạt 27%. Nếu không bị đại dịch Covid-19 thì với sự nỗ lực của chính quyền và người dân Thanh Trì thì mục tiêu "chuyển làng lên phố" trước năm 2025 có thể thực hiện được.

Vẫn biết không có một quốc gia nào trên thế giới có nền kinh tế hiện đại và phát triển mà lại không trải qua quá trình đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa sẽ mang lại cho người dân và các địa phương rất nhiều lợi ích và cơ hội để bứt phá trong phát triển nhưng trong bối cảnh cụ thể này thì lại phải tính toán hết sức cẩn thận.

Băn khoăn 3 huyện lên thành phố - Ảnh 2.

Nhiều năm nay, hạ tầng giao thông ở các quận nội thành Hà Nội quá tải dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên. (Ảnh chụp tại đường vành đai 3 - Khuất Duy Tiến). Ảnh: Trần Kháng.

Với người dân thì mới thấy cái lợi trước mắt, khi dân thành phố đã ùn ùn kéo về mua đất. Ngày cả mưa gió bão bùng, dòng ô-tô đổ về Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh kéo dài hàng trăm mét. Những tấm biển rao bán đất khắp xóm, đăng kín trên MXH, rồi văn phòng bất động sản, với đủ loại cò, cò thật, cò giả làm náo loạn các làng quê lâu nay vốn yên tĩnh. Chuyện của Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh cũng là bối cảnh chung của Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, chuyện thường ngày ở xã.

Chuyện "từ làng lên phố" không đơn thuần chỉ là việc đổi con dấu từ xã sang phường, từ huyện sang quận mà nó là một sự thay đổi cơ bản về tập quán, thói quen, công việc mưu sinh của hơn 10.000 người dân mỗi xã. Vẫn cái làng ấy, từng ấy con người lâu nay đang tự hào về "văn hóa làng quê vùng Bắc Bộ" làm thế nào để thích nghi khi trở thành người phố thị là cả một vấn đề lớn, nếu không muốn nói là quá lớn. 

Người dân, sau khi bán được ít đất, rủng rỉnh ít tiền trong túi sẽ phải đối diện với không biết bao nhiêu vấn đề, đơn giản nhất là hàng tháng cũng phải móc túi trả tiền thu dọn rác cho công ty vệ sinh. Lớn hơn nữa là đi lại trong phố cũng khác, y tế, năng lượng, ô nhiễm môi trường; chi phí sinh hoạt cũng tăng cao hơn trước, rồi dần sẽ chịu áp lực về gia tăng về dân số. Người dân sẽ được đi siêu thị thay vì ra chợ quê, thay vì nghe sáo diều vi vu thì hàng ngày sẽ nghe tiếng karaoke ầm ĩ của hàng xóm.

Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ từng bước bị thu hẹp, dẫn đến người nông dân bị mất việc làm và thu nhập nếu không sớm thích nghi và chuyển đổi theo thời cuộc. Thanh nam, nữ tú các làng quê sẽ được vào các khu công nghiệp, sẽ mặc áo công ty, đi làm theo giờ và rồi cũng sẽ người lương cao, kẻ lương thấp. Nạn trộm cắp và các tệ nạn xã hội của phố chắc chắn sẽ phức tạp, nở rộ hơn làng

Và một thực tế rất khó tránh khỏi là sẽ có một bộ phận dân cư sau khi tiêu hết tiền bán đất sẽ bị "hụt hơi", gặp khó khăn trong việc thích ứng với quá trình đô thị hóa. Nên chuyển đổi và tạo việc làm, sinh kế cho người dân, để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình đô thị hóa 5 huyện của Hà Nội là cả một vấn đề.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư và lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi cả người dân lẫn chính quyền phải có sự chuẩn bị chu đáo. Hiện nay các huyện đều kiến nghị TP cho phép được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn; được hưởng 100% khoản thu thuế phát sinh; tăng cường phân cấp cho cấp huyện đầu tư lĩnh vực giao thông…Mọi việc đang rất khẩn trương, được bàn tán sôi nổi khắp phố huyện, đến tận từng nhà dân, phần lớn đều háo hức, mừng nhiều hơn lo

Trong dự thảo Quy hoạch TP.Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Hà Nội còn đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố. Nếu từ huyện lên quận "chỉ có" 27 tiêu chí, thì từ huyện lên thành phố còn khó hơn.

Việc xây dựng chiến lược phát triển Thủ đô và quy hoạch chuyển đổi kinh tế vùng đã được vạch ra cách đây 4-5 năm, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Nay tình hình đã khác, nguồn lực của cả chính quyền và người dân có sự thay đổi, thiết nghĩ cần phải có sự khảo sát, đánh giá lại một cách toàn diện, dựa trên bộ tiêu chí đã được Quốc hội phê duyệt. Thời gian qua, nhiều quy hoạch chưa được thực hiện do thiếu nguồn lực và nhiều nguyên nhân khác. Nếu không xử lý được thấu đáo việc quy hoạch và quản lý, đề xuất từ huyện lên thành phố, một lần nữa, lại bị lợi dụng tạo ra cơn sốt đất ảo và những tiêu cực khác, gây thiệt hại cho người dân.

Câu chuyện "làng lên phố" chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân Thủ Đô, được quan tâm chả khác gì thời điểm 2008, chúng ta mở rộng Hà Nội, mà đến giờ vẫn còn nhiều thách thức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem