Giàu – nghèo sau Covid

Cẩm Thuý Thứ ba, ngày 12/10/2021 07:06 AM (GMT+7)
Covid-19 đang bộc lộ những sự thật đằng sau những con số xoá đói giảm nghèo. Sẽ mất nhiều thời gian để một người nghèo thoát nghèo nhưng rất nhanh để một người nghèo tái nghèo. Có thật có tỷ lệ rất cao người nghèo đã "thoát nghèo bền vững"?
Bình luận 0

Cách đây 2 năm, chúng tôi tới Ấn Độ theo một lịch trình gồm toàn những vùng hẻo lánh của đất nước đông dân này. Đường đi ổ gà, ổ trâu, vừa xóc vừa bụi mù mịt. Đón chúng tôi ở Bodh Gaya rồi sau đó ngồi trên xe khách đi cùng suốt hành trình còn lại, Đại sứ Phạm Sanh Châu cố gắng kể và thuyết phục chúng tôi về một Ấn Độ khác, xa hoa và giàu có, những căn nhà dát vàng và những đám cưới tỷ phú lộng lẫy. Trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình ông đã thuyết phục được tới mấy tỷ phú Ấn Độ tổ chức đám cưới của gia đình ở Việt Nam.

Là những nhà báo, chúng tôi đủ thông tin để hiểu những điều Đại sứ nói, nếu nói Ấn Độ giàu có thì tức là mới đi một nửa bên này, nếu kể về Ấn Độ nghèo khó, lạc hậu thì mới chỉ đi một nửa bên kia. Ấn Độ như một ví dụ tiêu biểu cho khoảng cách giàu – nghèo, cho 2 nửa sáng – tối ở trong cùng một quốc gia. 

Tờ Indian Express, một trong những tờ báo lớn ở Ấn Độ, ước tính tổng số tỷ phú ở nước này có thể nhiều hơn số tỉ phú ở Anh và Canada cộng lại, nhưng số người sống trong đói nghèo ở chỉ tám bang nghèo nhất trong tổng số 28 bang ở Ấn Độ cũng đã có thể nhiều hơn số người nghèo của 26 nước châu Phi cộng lại… 

Hình như hôm ấy, khi ngồi phỏng vấn ông trên chuyến xe lắc lư cả ngày mới đi được vài trăm cây số, Đại sứ có nói cho tôi về con số chênh lệch giữa những người giàu nhất Ấn Độ và những người nghèo nhất, con số chính xác không còn nhớ nữa chỉ biết đó là một khoảng cách xa xôi.

Mà đâu phải chỉ ở Ấn Độ, khoảng cách giàu nghèo đối với cả thế giới này lúc nào cũng xa xôi. Thậm chí đối với một số quốc gia, đó cũng là một khái niệm không phải lúc nào cũng hình dung được.

Nhưng vào lúc đó tôi liên tưởng tới những con đường trải nhựa phẳng lì tới những vùng sâu vùng xa ở Việt Nam, và chỉ số phân hoá giàu nghèo ở Việt Nam chỉ dưới 10 lần (đương nhiên phần giàu nhất ở Việt Nam không thể so sánh được với phần giàu nhất ở Ấn Độ). Tôi không biết khoảng cách thực tế giữa những tỷ phú Việt Nam với những người nghèo nhất là bao xa, nhưng những con số thống kê đã khiến chúng ta tin, ít nhất là sự bất bình đẳng đói nghèo không phải là một hố sâu ngăn cách.

Ở Việt Nam vào lúc bình thường nhất, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, tỷ lệ người nghèo đang chỉ còn vài phần trăm (tất nhiên là theo chuẩn Việt Nam), một con số lạc quan sau nhiều thập niên nỗ lực xoá đói giảm nghèo. Thậm chí có những nhận định rằng với tỷ lệ nghèo dưới 3% vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo.

Ngay cả năm 2020, khi đã chịu tác động không nhỏ của Covid-19, những số liệu thống kê vẫn còn khá lạc quan về khoảng cách giàu nghèo: Tại khu vực thành thị, sự phân hóa giàu nghèo giữa nhóm thu nhập thấp nhất và thu nhập cao nhất có xu hướng giảm từ 7,6 lần năm 2016 xuống 7,2 lần năm 2019 và chỉ còn 5,3 lần năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 làm cho nhóm thu nhập cao giảm trong khi nhóm thu nhập thấp có xu hướng tăng.

Giàu – nghèo sau Covid - Ảnh 2.

Người lao động nghèo mắc kẹt tại TP.HCM trong thời gian giãn cách gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh, những người phụ nữ trọ tại ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức sơ chế cá rô mà các ông chồng bắt từ kênh để nấu bữa trưa. Chụp tháng 9/2021. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Khu vực nông thôn có xu hướng ngược lại với khu vực thành thị khi chênh lệch về thu nhập giữa 2 nhóm thấp nhất và cao nhất tăng từ 8,4 lần năm 2016 lên 9,6 lần năm 2019, tuy nhiên năm 2020 giảm chỉ còn 8 lần do chịu tác động chung của dịch Covid-19 lên toàn bộ nền kinh tế.

Nhưng đến thời điểm này thì Covid-19 không cho ai lạc quan được nữa. Những gì đang diễn ra, đặc biệt là những tháng gần đây, đang bộc lộ những sự thật trần trụi nhất về khoảng cách giàu nghèo. Nó khác với những con số đẹp đẽ trong các bản báo cáo. 

Không biết mất bao lâu để một gia đình thoát nghèo nhưng đã quá nhanh để một gia đình tái nghèo. Sự thật về hàng vạn gia đình nghèo sống ở thành phố giàu có nhất nước không có việc làm mỗi ngày vì giãn cách xã hội và ngay lập tức không còn trụ được trong cơn bão dịch bệnh đã cho thấy, cụm từ "thoát nghèo bền vững" chỉ là lý thuyết. 

Khoảng cách giàu nghèo không còn mơ hồ nữa, nó chưa bao giờ dễ hình dung như lúc này.

Ông Phạm Thế Duyệt, khi ở cương vị Thường trực Bộ Chính trị, đã có lần tâm sự, ông không thích nói lý thuyết, theo ông, cứ xoá đói giảm nghèo thành công là có chủ nghĩa xã hội. Cách nói giản dị của ông Duyệt không phải là để hiểu xoá đói giảm nghèo một cách đơn giản. Xoá đói giảm nghèo là việc vô cùng khó khăn, việc rất lâu dài. Nhất là khi càng ngày kinh tế thị trường càng được vận hành theo đúng nghĩa của nó, nhất là khi cả y tế và giáo dục với cách gọi "xã hội hoá" đang ngày càng được "tính đúng tính đủ", thì khoảng cách giàu nghèo càng trở nên xa xôi.

Chúng ta không nhìn hình ảnh hàng vạn người dắt díu bồng bề nhau về quê trong những ngày qua trên một bề nổi. Sâu xa đằng sau, những hình ảnh ấy bộc lộ điều gì về công cuộc xoá đói giảm nghèo? Đã thật sự lạc quan như các con số báo cáo? Đã thật sự có "thoát nghèo bền vững"?

Thoát nghèo bền vững càng không phải là chỉ dựa vào những hoạt động từ thiện vốn đang trở thành việc cãi vã ầm ĩ trên mạng xã hội hiện nay.

Được biết rằng từ năm 2022, chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam sẽ được nâng lên một bước nữa. Người nghèo nông thôn từ chỗ thu nhập 700.000 đồng/tháng trở xuống sẽ tăng lên 1.500.000 đồng/tháng, người nghèo khu vực thành thị từ 900.000 đồng/tháng trở xuống tăng lên 2.000.000 đồng/tháng.

Trong khi còn chưa kịp áp dụng chuẩn nghèo mới, Covid-19 đã "đánh" cho người nghèo ngã quay lơ và hàng trăm ngàn người có thể đã thoát nghèo (theo chuẩn) đã "kịp" tái nghèo trở lại.

Chính sách xoá đói giảm nghèo thêm một lần nữa đi sau thực tiễn cuộc sống, khi mà nhiều người không ở trong danh sách người nghèo, thực tế qua cơn đại dịch đã lộ ra rằng họ rất nghèo. Và việc đưa họ vào danh sách thoát nghèo là không hề bền vững!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem