18 tháng chủ tịch tỉnh không tiếp dân

Quốc Phong Thứ tư, ngày 13/10/2021 14:05 PM (GMT+7)
Lâu nay, cũng hơi buồn mỗi khi nghe nơi này nơi kia có những cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân hoặc có tiếp thì cũng chiếu lệ, hình thức, chẳng giải quyết được gì đến nơi đến chốn. Dân đến nhà thưa gửi, trình báo kiện tụng thì né được là cứ né. Có khi còn lấy Luật ra dọa dân và không chịu tiếp.
Bình luận 0

Trong hội nghị góp ý cho dự thảo báo cáo giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chủ tịch UBND các cấp, ông Lê Tiến Châu, phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: Về cơ bản các chủ tịch UBND cấp tỉnh đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, số lượng ngày tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định của Luật tiếp công dân. Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 1-2 ngày, thậm chí có 4  người không tiếp dân ngày nào. Có tỉnh đã lên tiếng khẳng định lãnh đạo vẫn đảm bảo đủ số buổi tiếp công dân, chỉ là một số buổi Phó Chủ tịch được uỷ quyền thay chủ tịch. Song nhìn chung, với những con số như vậy, với một hệ thống chính trị như chúng ta, liệu có đáng lo không?

Covid-19 là một nguyên nhân khách quan khiến việc tiếp dân bị gián đoạn hoặc bị giãn ra. Nhưng nói về việc tiếp dân, gần dân thì vẫn còn không ít điều cần bàn thảo. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng  nhiều lần căn dặn các thế hệ lãnh đạo: Cán bộ là công bộc, là người đầy tớ trung thành của dân. Ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, Người luôn nhắc nhở: Đã làm lãnh đạo thì không được xa dân. Những lời khuyên ấy,trong sâu thẳm, luôn chất chứa nhiều điều mà hoá ra  không dễ gì các vị lãnh đạo hiện giờ có thể thực hiện đủ đầy, cho dù lâu nay chúng ta vẫn luôn luôn "học tập và làm theo tư tưởng, đạo  đức, tác phong của Bác".

Phải chăng nhiều người đã tự thấy hài lòng?

Cấp tỉnh, thành mà như vậy thì cấp cơ sở có thể còn tệ hơn, bởi họ sẽ không nhắc nhở, không đôn đốc cấp dưới mà sẽ coi đó là "bình thường". Nói về nguyên tắc làm việc đã được luật hoá thì đó là vi phạm.

Từ hạn chế trên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo thường trực các tỉnh, thành ủy thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

18 tháng chủ tịch tỉnh không tiếp dân - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan, khi là Bí thư tỉnh Đồng Tháp, trong một lần tiếp xúc cử tri. Ảnh: Người Lao động.

Trong thực tế, tôi từng biết trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương có những vị bí thư tỉnh ủy rất quan tâm đến công tác này, dù lịch tiếp công dân, về nguyên tắc, là lịch của chủ tịch tỉnh.

Trường hợp  ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chẳng hạn, khi ông còn làm  Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp; hay ông Nguyễn Bá Thanh, cố Trưởng ban Nội chính Trung ương, khi ông còn làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, là những ví dụ rất đáng suy nghĩ .

Nhiệm kỳ trước, là người luôn muốn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp địa phương nhằm giúp đỡ cơ sở tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan có nghĩ ra một cách làm việc khá thân thiện mà lại rất được việc. Cứ mỗi tuần, ông Lê Minh Hoan luôn giành một buổi vào đầu giờ sáng định kì tiếp các doanh nghiệp ngay trong quán cà phê của khuôn viên cơ quan mình. Lâu dần thành nếp, anh em biết, kéo nhau tới đông dần. Họ đến để trình bày với ông những khó khăn, bất cập họ gặp phải và quen gọi đó là buổi "Cà phê với Bí thư". Đã có không ít vướng mắc của doanh nghiệp, cả riêng và chung đã được vị đứng đầu tỉnh nghe và xử lý rất nhanh và hiệu quả trông thấy.  

Giá như cách gần dân, gần doanh nghiệp kiểu này mà các tỉnh thành khác cũng làm theo thì rất hay. 

Khi biết được phong cách làm việc của Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, tôi linh cảm ngay từ ngày đó, những người như Bí thư Lê Minh Hoan thì Trung ương nên trọng dụng ông ở vị trí nào đó có lợi cho quốc gia hơn. Và quả là đúng như vậy. Ông hiện giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Song, hình như sau đó, tôi cũng không thấy có tỉnh nào có các sáng kiến tương tự để giúp lãnh đạo có cơ hội gần dân như Bí thư Đồng Tháp đã làm.

Hàng chục năm qua, người dân cả nước rất ấn tượng với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Có được tên gọi "Thành phố đáng sống" như thế, vai trò của người đứng đầu địa phương là rất quan trọng. Cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là một con người như vậy. 

Nhiều năm gần đây, tôi hay vào Đà Nẵng du lịch và thăm bạn bè. Vì thế nên càng có dịp hiểu hơn về nơi này cũng những gì người dân họ nghĩ đến ông Bá Thanh về vai trò đổi mới của ông với thành phố.  

Họ cũng rất biết, có những chuyện sai phạm ngay trong ban lãnh đạo cao nhất địa phương mà hàng loạt cán bộ vi phạm pháp luật phải chịu đi tù hoặc chịu kỷ luật hành chính,kỷ luật Đảng. Nếu nói về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vi phạm do thiếu nguyên tắc tập trung dân chủ trong cung cách làm việc, ông Nguyễn Bá Thanh nếu còn sống cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Dân họ biết chứ! Thế nhưng khi tiếp xúc với đủ mọi đối tượng trong xã hội, tôi có sự cảm nhận rằng người dân rất rạch ròi,công minh.

Những câu chuyện về tầm nhìn, bản lĩnh của ông thì nhiều người biết, đặc biệt là về cung cách gần dân của ông thì như giai thoại. Thật khó tìm ra ông Bí thư nào như Đà Nẵng. Ông chủ động gợi ý đối thoại với trẻ em hư trong trại giáo dưỡng để động viên các cháu mau tiến bộ, trở thành công dân tốt. Ông đối thoại với các ông chồng vũ phu, hay đánh đập vợ, con để nói chuyện, giải thích luật Hôn nhân gia đình cho họ hiểu.

Cũng thật hiếm có ông Bí thư nào, vào ngày Tết đến lại nghĩ ra ý tưởng, cho mời gọi hàng trăm ông chạy xích lô, xe ôm lại thăm hỏi, lì xì cho họ. Đà Nẵng, thành phố du lịch có phần đóng góp không nhỏ của chính tầng lớp lao động dịch vụ  luôn giáp mặt du khách nhiều nhất này.

Cũng thật hy hữu có ông Bí thư vào ngày nghỉ tha thẩn ra ngồi dưới gậm cầu sông Hàn đánh cờ với  các cụ hưu trí như ông Bá Thanh dù công việc quá bộn bề. Song, chính những lúc đánh cờ với dân như thế, ông được nghe đủ chuyện trên trời, dưới đất, nơi ông là nhà lãnh đạo cao nhất của địa phương. Nó không hề làm ông mất thời gian vô ích chút nào , nếu không nói là giúp ông nắm được dân tình đang băn khoăn chuyện gì , bức xúc chuyện gì cần tới ông can thiệp. Khoảng cách giữa người dân và lãnh đạo cũng nhờ thế mà gần nhau hơn. Chắc cũng khó tìm một ông Bí thư nào có cách làm đó ngoài ông Bá Thanh…

Cũng thật ít ỏi có được vị lãnh đạo nào như ông Bá Thanh, ra tận nơi giải tỏa mặt bằng đầy nóng bỏng để thuyết phục người dân chấp thuận và ủng hộ chủ trương giải toả đất đai khi nó còn quá nhiều phức tạp, thậm chí bị chống đối quyết liệt. Vậy mà ông Bá Thanh vẫn có mặt để thuyết phục, phân tích mối lợi, hại tới tận cùng, làm sao để người dân chia sẻ và vui vẻ ủng hộ. Ngay cả người có nhà bị giải toả cũng nói về ông một cách trân quý. Bộ mặt Đà Nẵng hôm nay, nếu không có tầm nhìn và cách làm quyết liệt của ông thì rất khó được một quy hoạch như vậy.

Lâu nay, cũng hơi buồn mỗi khi nghe nơi này nơi kia có những cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân hoặc có tiếp thì cũng khá chiếu lệ, hình thức, chẳng giải quyết được gì cho đến nơi đến chốn. Dân đến nhà thưa gửi, trình báo kiện tụng thì né được là cứ né. Có khi còn lấy Luật ra dọa dân và không chịu tiếp. Điểm nào" nóng"thì đùn đẩy cấp dưới đến nghe thay rồi về nghe họ ... báo cáo lại!

Chính trong buổi hội thảo góp ý cho dự thảo báo cáo giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở trên, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, nói: "Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện ngay từ cơ cở, cấp xã không đùn đẩy lên cấp huyện, cấp huyện không đùn đẩy lên cấp tỉnh, cấp tỉnh không được đùn đẩy lên Trung ương. Nhưng hiện nay chúng ta lại tổ chức ngược, gây bức xúc trong nhân dân ghê gớm".

Mỗi cấp cơ sở không làm tốt việc lắng nghe dân thì làm sao mà giữ vững được đoàn kết, ổn định xã hội, người lãnh đạo làm sao có những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân? Ông Lê Minh Hoan - khi còn là Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, đã nói rằng, những lần gặp gỡ trực tiếp dân như vậy giúp cán bộ thấu hiểu cuộc sống của người dân, qua đó, giải quyết được nhiều vấn đề cho dân và cho cả chính quyền.

Trước những sự tác động do mặt trái cơ chế thị trường, một số cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị đã không giữ được mình. Họ bị chi phối bởi những danh vọng, quyền lực,tiền bạc rồi từ đó xa dân. Họ sa vào quan liêu, tham nhũng do bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ chính cũng là đây.

Họ bị tha hoá dần nên không quan tâm, lo lắng đến cuộc sống của nhân dân, chỉ lo lắng "chạy" ghế và vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ của mình.

Vì thế, hiện rất cần chỉnh đốn lại phong cách làm việc như tôi đề cập trong bài viết này và nên bắt đầu từ câu chuyện cần thật sự nghiêm túc khi có trách nhiệm tiếp dân. Chúng ta phải coi đó như một nguyên tắc làm việc bình thường nhất, tối thiểu nhất của một công bộc và hết sức tránh nói suông, hứa suông mà không làm trước dân...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem