Lâu nay có những luồng dư luận không phải đều đồng thuận với "ngoại giao vaccine". Không ít người đã chê bai vì cho rằng việc "đi xin" đã khiến Việt Nam ở thế yếu.
Nhưng theo tôi cách nhìn đó không hợp lý.
Nếu các nước dân số chỉ có một vài chục triệu, ngân sách lớn, họ có thể "dắt lưng" chừng ấy liều vaccine là yên tâm. Còn Việt Nam, dân số cả trăm triệu, thật không dễ khi nước nào cũng phải đặt hàng trước cả quý, cả nửa năm.
Đó là chưa nói đến chuyện dùng ngân sách chi mua vaccine là cả sự cố gắng với một đất nước còn nghèo. Đảng và Chính phủ ngay từ đầu đã có một chủ trương rất lớn và nhân văn khi xác định rõ: Tiêm miễn phí cho toàn dân bằng tiền ngân sách và tiền vận động từ nguồn xã hội hoá.
Ban đầu, có thể Việt Nam chưa thật rốt ráo lúc đặt mua theo kiểu "bằng mọi giá". Phải chăng lúc đầu dịch bùng phát, chúng ta đã ngăn chặn quá tốt nên "đặt cược" vào khả năng sẽ tự sản xuất được vaccine trong nước? Trong thành công đáng tự hào đó, phải chăng đã có chút tự tin đến mức chủ quan?
Khi huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc để chống dịch và người dân cũng hết sức nghiêm túc chấp hành thực hiện 5K, nhưng cũng lại chưa có kinh nghiệm nên chúng ta quá cẩn trọng, khiến kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đình đốn sản xuất và ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá.
Làn sóng dịch đầu tiên lớn đến mức những cường quốc tự chủ về sản xuất vaccine như Mỹ, Anh, Ấn Độ... cũng thiếu trầm trọng, các nhà sản xuất ra "tối hậu thư" không chấp nhận thương thảo giá cả, thì đương nhiên ngay cả khi Việt Nam chấp nhận mua rồi cũng vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt.
Theo con số thống kê vào cuối tháng 12/2021, từ chỗ là nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. cao nhất trên thế giới. Ở thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát ngày 27/4, mới có 320 nghìn liều vắc-xin được tiêm, sau 5 tháng, ở thời điểm chuyển sang thích ứng an toàn (đầu tháng 10), Việt Nam đã tiêm được 47 triệu liều, cho đến giờ Việt Nam đã tiêm khoảng trên 150 triệu liều.
Theo đó, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%; số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm. Mới đây, Việt Nam cũng đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Rõ ràng phải coi đó như một thành công rất lớn nhờ có chủ trương"ngoại giao vaccine" cực kỳ linh hoạt và khéo léo của Đảng và Chính phủ.
Cho đến tận ngày 8/3/2021,ngành y tế mới bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19, khi đó chỉ tập trung tiêm cho lực lượng tuyến đầu. Ngay cả người cao tuổi khi đó cũng chưa phải đối tượng ưu tiên hàng đầu. Rồi khi vaccine về nhiều, ngành y tế đã căng mình trong chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt ưu tiên những địa phương có dịch bùng phát cao.
Những ngày cao điểm nhất, trên cả nước, tốc độ tiêm thần tốc lên tới 2 triệu người/ngày. Vaccine bao phủ diện rộng đã làm giảm mạnh con số tử vong vì Covid-19 trước và sau khi tiêm, nhất là khi nhìn ở hai thành phố lớn nhất của Việt Nam.
Trên mỗi chuyến chuyên cơ đi công tác trở về nước của các nhà lãnh đạo luôn mang theo những kiện vaccine quý giá. Nếu uy tín của đất nước không cao, bạn bè thế giới không nể trọng và trân quý thì làm sao chúng ta lại có được những kiện thuốc giá trị như vậy?
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính hơn một lần đề cập tại một số diễn đàn, chỉ trong hai tháng 8 và 9 của năm 2021, ông đã gặp gỡ nhiều đại sứ, đại diện doanh nghiệp, đại diện các tổ chức có đầu tư lớn tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn ủng hộ và đồng hành cùng các nhà đầu tư, giao các địa phương xem xét tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư để họ yên tâm làm ăn lâu dài, mong muốn họ hiểu đúng cho cụm từ "lợi ích hài hoà,rủi ro chia sẻ".
Tinh thần này được Thủ tướng nâng lên thành quan điểm rất rõ nét, mạnh mẽ, xuyên suốt, nhất là trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc rồi sau đó tiếp tục được nhắc lại với các cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Mỹ...
Vì thế, việc hỗ trợ vaccine có một phần cũng là để Việt Nam sớm phục hồi sản xuất, đồng nghĩa với việc bạn bè quốc tế làm ăn tại Việt Nam cũng sẽ thuận lợi hơn...
Thật cảm kích khi thấy các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, từ Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ cho đến Chủ tịch Quốc hội, mỗi khi đi công tác nước ngoài, các vị đều luôn xem việc kết hợp vận động bạn bè quốc tế hỗ trợ chúng ta vaccine như một nhiệm vụ tối quan trọng .
Nhớ lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa, Đảng và Nhà nước ta luôn khéo léo dựa vào nguồn lực của bạn bè thế giới, đặc biệt của hệ thống xã hội chủ nghĩa khi đó còn hùng mạnh để chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Từ vũ khí, khí tài, đạn dược cho đến lương thực, thực phẩm, thuốc men và quân trang... chúng ta đều nhận được viện trợ của các nước anh em bên cạnh quyết tâm tự lực cánh sinh.
Chúng ta đã chiến thắng kẻ thù mạnh hơn ta cả trăm lần về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Nếu không có tư tưởng ngoại giao khôn khéo thì thật khó có đủ sức đánh giặc nhiều chục năm.
Trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam" mà cha ông ta chắt lọc hàng nghìn năm qua - rất khéo léo, mềm dẻo và kiên trì để đi đến thuyết phục và hiệu quả là cách mà chúng ta đã ứng dụng vào ngoại giao vaccine hiện đại.
Thành công trong ngoại giao vaccine cũng nhấn mạnh uy tín ngoại giao của Việt Nam ngày nay đã khác xưa. Đó là nhờ vào vị thế địa chính trị, nhờ công cuộc giành được hoà bình và độc lập cho dân tộc từ tay đế quốc, thực dân xâm lược, giành được những thành tựu đặc biệt trong sự nghiệp Đổi mới đất nước.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5/1 mới đây, đánh giá lại 2 năm chống chọi với dịch bệnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét kết quả công tác điều hành trong năm 2021 là "chồng chất khó khăn", nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
"Đến thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay" - Tổng Bí thư nhận xét.
Nghị quyết 128/NQ-CP về chuyển hướng sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong quý IV/2021 và năm 2022. Nó hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine đã cơ bản thực hiện thành công và chủ động.
Biến chủng mới lại đặt ra cho đất nước biết bao khó khăn,thử thách, một trong những khó khăn đó chính là cần thiết phải tiếp tục tiêm mũi nhắc lại cho người từ trên 12 tuổi, người có bệnh nền và một số đối tượng cần ưu tiên khác. Thế nhưng, không như giai đoạn đầu còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm, bây giờ chúng ta đã rất chủ động.
Có lẽ tư tưởng chỉ đạo" ngoại giao vaccine "vẫn là thứ cần thiết trong khi chờ đón vaccine cũng như những thuốc điều trị mang thương hiệu của người Việt chuẩn bị ra thị trường. Chiến dịch "ngoại giao vaccine "của Việt Nam trong 2 năm qua là dấu mốc xứng đáng trong lịch sử ngoại giao nước nhà.