Nguyễn An Thanh
Thứ sáu, ngày 10/12/2021 20:55 PM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận của HĐND TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã kiến nghị lắp hệ thống camera an ninh trong thành phố. Một ý kiến ngay lập tức đã được dư luận người dân Thủ đô quan tâm.
Câu chuyện lắp đặt camera để đảm bảo an ninh trật tự vốn không mới nhưng ít nhiều đã để lại nhiều dư luận không tốt. Năm 2019, tỉnh Sóc Trăng tiến hành lắp đặt camera an ninh nhà riêng của 12 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy với số tiền 882.865.000 đồng. Sự việc đã làm dậy sóng dư luận.
Sau đó địa phương phải xác nhận "triển khai thực hiện là sai về quy mô, số lượng, nguồn kinh phí lắp đặt. Đồng thời thu hồi số tiền đã chi lắp đặt camera cho 12 nhà riêng Ủy viên là 882.865.000 đồng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ tiến hành họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và các cá nhân liên quan; đồng thời báo cáo đầy đủ sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương". Một bài học thấm thía cho một ý tưởng thoạt nghe tưởng chừng rất hợp lý.
Nhưng lần này, ý kiến của CATP Hà Nội lại được người dân Thủ đô tiếp cận theo cách khác. Xây dựng đô thị thông minh đã và đang là xu hướng tất yếu của các thành phố lớn. Việc phát triển Hà Nội thành một đô thị thông minh cần có sự tham gia đầy đủ của các thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.
Lắp đặt camera đường phố là một trong các giải pháp kết nối thành phố đa chiều, đa cấp, linh hoạt đòi hỏi phải có cơ chế liên kết, phối hợp từ quản trị, đầu tư đến vận hành và thụ hưởng. Đây là yếu tố gắn kết các bên liên quan, các yếu tố cấu thành và vận hành đô thị thông minh. Bộ tiêu chuẩn này cần bao gồm các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất: Mang lại cho người dân đô thị một tiêu chuẩn an toàn, an sinh tốt hơn, an ninh được kiểm soát, làm chùn tay tội phạm khi các trang thiết bị giám sát đường phố 24/7.
Thực tế lâu nay nhiều vụ án được công an điều tra thành công nhờ trích xuất camera của nhà dân, công sở và gắn trên xe hơi. Từ nhận diện khuôn mặt tội phạm, hướng điều tra đã được rút ngắn, khoanh vùng đối tượng tình nghi.
Gắn camera công cộng là một ý tưởng tốt nhưng vẫn khiến dư luận băn khoăn do bài học lâu nay từ khá nhiều dự án của Hà Nội, điển hình nhất là lát vỉa hè. Đến giờ hàng ngày người dân vẫn chứng kiến các tuyến vỉa hè Thủ đô nứt, sứt, lún… khiến cho bộ mặt đô thị thêm nhếch nhách mà số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Nếu mọi nơi đều làm tốt như vỉa hè hồ Hoàn Kiếm thì chắc hẳn người dân sẽ đồng tình ủng hộ và không lo lắng trước các đề xuất chi tiền ngân sách khá lớn như gắn camera lần này.
Vấn đề đầu tiên là lộ trình thực hiện. Hà Nội là một trong những đô thị lớn của thế giới, chỉ nội việc lắp đặt quận, huyện nào trước, tích hợp với hệ thống camera hiện có của CSGT hay các cơ quan nhà nước khác như thế nào cũng đã thành một đề tài lớn. Có nên tích hợp các camera của nhà dân vào hệ thống camera công cộng hay không? Rồi công tác đấu thầu như thế nào? Đơn giá lắp đặt của Sóc Trăng tính ra hơn 70 triệu/hộ cũng đã khiến cho không ít hộ chuyên kinh doanh lĩnh vực này ngạc nhiên.
Vấn đề nữa là công tác quản lý hệ thống camera sau khi lắp đặt như thế nào. Lâu này, nhu cầu tăng cường an ninh, lắp đặt camera giám sát đang trở thành thiết yếu với nhiều gia đình; song cùng với đó, tội phạm ngày càng tinh vi. Trong các vụ án lớn diễn ra tại thành phố, các đối tượng gây án đều tìm cách vô hiệu hóa camera để che giấu hành vi phạm tội.
Các thiết bị camera giám sát muốn hoạt động đều phải được cung cấp nguồn điện, gắn với mạng internet. Vì vậy nhiều kẻ gian lợi dụng điều này, chúng phá hoại nguồn điện của gia đình nhằm vô hiệu hóa hệ thống an ninh.
Những lo ngại này là có thật, bởi ngay cả các cây ATM được bảo vệ tốt như thế nhưng không ít lần kẻ gian đã tấn công để lấy tiền.
Để khắc phục vấn đề này, khi lắp đặt camera an ninh, người ta đầu tư một bộ lưu điện và bộ phát để phòng các trường hợp xấu xảy ra, ngoài ra còn làm một cái hộp bảo vệ bên ngoài camera. Nhưng đã không ít lần, khi xảy ra các vụ án, trích xuất camera thì người dân lại thất vọng khi biết "camera bị nhòe, hỏng" không biết cố tình hay vô tình – những sự việc đó đến nay vẫn chưa có lời giải thấu đáo.
Như vậy, nếu triển khai dự án lắp đặt camera công cộng thì cùng với việc đầu tư trang thiết bị phải xây dựng được các văn bản pháp lý để có thể gắn trách nhiệm với các cá nhân, tập thể nếu thiết bị sử dụng không hiệu quả. Việc quản lý các hình ảnh riêng tư từ các camera đó cần được giám sát như thế nào? Hàng ngày chúng ta đang phải chịu bao nhiêu phiền toái khi số điện thoại di động bị "bán" tràn lan cho các dịch vụ, nếu hình ảnh cá nhân bị trôi nổi trên mạng thì rất bất an xã hội.
Khi đã trang bị thêm hệ thống camera công cộng thì liệu có giảm bớt được số lượng cảnh sát khu vực, dân phòng đang trực tiếp tham gia công tác gìn giữ an ninh trật tự hay không? Chắc chắn, nếu triển khai, dù có xây dựng lộ trình, đầu tư vào các quận, huyện có tình hình an ninh phức tạp trước thì ngân sách cũng phải bỏ ra một lượng tiền không nhỏ. Như vậy dự án camera công cộng nên nằm trong một giải pháp đồng bộ của quá trình phát triển đô thị Hà Nội chứ không đơn thuần chỉ giải quyết vấn đề nhận diện tội phạm khi xẩy ra vụ án.
Lắp đặt camera công cộng cho các đô thị không phải là vấn đề mới, thậm chí chúng ta đã đi sau khá nhiều thành phố trong khu vực và trên thế giới. Nhưng đúng như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói: "Sau hàng loạt vụ án đầu tư công gần đây của Hà Nội đã phải lôi nhau ra toà, Thành phố hãy công khai, minh bạch các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho dân để lấy lại niềm tin". Nếu làm được điều đó, hẳn người dân Thủ đô sẽ giơ cả hai tay ủng hộ đề xuất lắp đặt camera công cộng như đề xuất của Công an Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.