Lo ngại nguồn cung dầu thô thiếu hụt trong bối cảnh năng lực sản xuất của OPEC đã tới hạn tiếp tục đẩy giá dầu hôm nay đi lên, trong đó dầu Brent đã lên mức 113,50 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 5/7/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 107,29 USD/thùng, tăng 1,9 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 113,50 USD/thùng, tăng 1,87 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 5/7 tăng mạnh chủ yếu do lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi sản lượng khai thác của nhiều nhà cung cấp không đạt như kỳ vọng.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, sản lượng của 10 nước thành viên OPEC trong tháng 6/2022 đã giảm khoảng 100.000 thùng/ngày, xuống còn 28,52 triệu thùng/ngày. Điều này có nghĩa OPEC tiếp tục “thất hứa” với mức tăng sản lượng đã cam kết và được phân bổ là khoảng 275.000 thùng/ngày.
Sự thiếu hụt nguồn cung từ các nước thành viên OPEC như Ecuador, Nigeria, Libya... có thể được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng của Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình bất ổn leo thang ở những nước như Libya thì rõ ràng, câu chuyện đáp ứng được mức hạn ngạch được phân bổ của OPEC sẽ ngày một khó khăn.
Trong thông báo gần đây, Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya cho biết, xuất khẩu dầu của nước này đã giảm tới 865.000 thùng/ngày so với bình thường, hiện chỉ còn dao động ở mức 365.000 – 409.000 thùng/ngày.
Nhưng không chỉ ở OPEC, nguồn cung dầu từ Nauy cũng được dự báo có thể giảm khoảng 130.000 thùng/ngày, bao gồm sản lượng dầu và khí ngưng tụ.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng bị kiềm chế đáng kể bởi lo ngại suy thoái kinh tế và đồng USD tăng mạnh.
Dù giằng co mạnh giữa tâm lý tiêu cực trên thị trường chung và nguy cơ thiếu hụt sản lượng, giá dầu vẫn được các chuyên gia dự báo khó có thể bứt phá.
Giá dầu thô giằng co trong các phiên gần đây, khi lo lắng của thị trường bị đẩy qua đẩy lại giữa một bên là sản lượng sụt giảm và một bên là lo ngại về suy thoái kinh tế.
Liên tiếp một loạt các sự cố tại Libya, Ecuador, Na Uy và mới đây nhất là tại Venezuela đã tạo ra hỗ trợ cho giá dầu từ tuần trước.
Năm nay đặc biệt có nhiều sự cố xảy tại các cơ sở sản xuất, lọc dầu cũng như tại các cảng xuất khẩu, khi thế giới nói chung và ngành dầu khí nói riêng chưa hoàn toàn thoát ra khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến cho các cơ sở vật chất rất dễ chịu hỏng hóc và sửa chữa. Bên cạnh đó bất ổn từ kinh tế của các nước Trung Đông cũng gây thiệt hại cho cả ngành công nghiệp chủ chốt của các quốc gia này. Đây là yếu tố hỗ trợ chính cho giá dầu khi mà hầu hết các tài sản tài chính đang chịu áp lực bán trước lo ngại về suy thoái kinh tế.
Theo phân tích của JPMorgan Chase, các gián đoạn nguồn cung, cùng rủi ro Nga cắt giảm sản lượng để “trả đũa” các nước phương Tây, có thể đẩy giá dàu lên đến mức tối đa 380 USD/thùng. Rủi ro nguồn cung cũng chính là lý do tại sao giá dầu vẫn vững vàng trên mốc 100 USD/thùng, bất chấp việc dòng tiền trở về tài sản an toàn như tiền mặt, đẩy Dollar Index lên mức đỉnh 20 năm.
Trong nước, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 đã giảm 410 đồng, RON 95-III giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng từ hôm 1/7.
Với việc điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 1/7, giá xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng/lít còn xăng RON 95-III về mức 32.760 đồng/lít. Đây là đợt giảm giá đầu tiên sau 7 lần giá xăng tăng liên tiếp từ cuối tháng 4.
Giá dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 400 đồng, còn 29.610 đồng/lít. Dầu hoả giảm 430 đồng/lít, còn 28.350 đồng/lít. Dầu mazut có mức giá mới 19.720 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.010 đồng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 21/6/2022 và ngày 01/7/2022 là: 147,776 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,817 USD/thùng, tương đương giảm 1,215% so với kỳ trước); 154,844 USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,366 USD/thùng, tương đương giảm 0,875% so với kỳ trước; 161,920 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,330 USD/thùng, tương đương giảm 4,331% so với kỳ trước); 167,395 USD/thùng dầu điêzen (giảm 5,170 USD/thùng, tương đương giảm 2,995% so với kỳ trước); 606,395 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 42,777 USD/tấn, tương đương giảm 6,589% so với kỳ trước).
Trên cơ sở này, cơ quan điều hành tiếp tục dừng chi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Thay vào đó ở kỳ này, nhà điều hành trích vào quỹ trở lại với E5 RON 92 là 100 đồng/lít, còn RON 95-III và dầu diesel không trích vào quỹ. Mức trích vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với dầu hoả và dầu mazut lần lượt là 300 đồng và 800 đồng/lít,kg.
Theo số liệu cập nhật trước 15h hôm 1/7, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại một số doanh nghiệp tiếp tục âm, như Petrolimex âm quỹ gần 149 tỷ đồng.
Hiện số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn lại ít, nên việc trích lập lại vào quỹ với một số loại xăng, dầu nhằm khôi phục lại số dư quỹ và có dư địa điều hành giá tới đây khi thị trường còn bất ổn.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 5/7 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 30.891 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 32.763 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 29.615 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.353 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 19.722 đồng/kg.
Trước đó, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Giá các mặt hàng dầu thời điểm đó cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.
Đợt tăng giá này khi đó là lần thứ 7 tính từ ngày 21/4 đến 21/6. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.
Cơ quan chức năng cũng cho rằng, với những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc giá xăng dầu có thể giảm liên tiếp trong thời gian tới rất khó xảy ra. Nguy cơ giá xăng dầu tiếp tục giữ mức giá cao từ nay đến cuối năm đang tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát và đời sống người dân khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao.
Trả lời báo chí về giải pháp "hạ nhiệt" giá xăng dầu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 chiều qua (4/7), Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dưới áp lực của giá xăng dầu thế giới liên tục có biến động tăng thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các giải pháp liên quan đến các chính sách thuế đánh trên mặt hàng xăng dầu để đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ, bảo đảm kiểm soát, kiềm chế sự tăng nhanh của giá xăng dầu, tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngay trong ngày hôm qua (4/7), sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (Tờ trình số 244 ngày 4/7/2022).
Về nội dung tờ trình, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng thông tin, chính sách này nếu được quyết từ ngày 1/8 ước tính, giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế bảo vệ môi trường cộng với giá trị gia tăng vào khoảng 7.000 tỷ đồng.
Cùng với việc Việt Nam đang triển khai 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với giảm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm đến nay, trên mặt hàng xăng dầu, giảm 25.538 tỷ đồng nữa thì tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ ước giảm thu khoảng 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.
Do giá xăng dầu tăng mạnh nên nguồn thu nhập khẩu từ ngân sách nhà nước từ nhập khẩu xăng dầu cũng sẽ tăng.
Với lượng xăng dầu dự kiến theo báo cáo của Bộ Công Thương, số thu ngân sách từ việc tăng giá cũng như tăng lương trong năm 2022, tăng ngân sách nhà nước khoảng 9.100 tỷ. Như vậy, thu ngân sách do giá dầu tăng từ nhập khẩu xăng dầu vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm thu ngân sách giảm 32.500 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói: "Ngoài những giải pháp mà chúng tôi vừa báo cáo, Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu này, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt.
Song song với đó, chúng tôi đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để chúng ta căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm. Từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước".