Giá xăng dầu hôm nay 2/7: Cung bất ổn và thiếu hụt, giá dầu thô lại tăng vọt
Giá xăng dầu hôm nay 2/7: Cung bất ổn và thiếu hụt, giá dầu thô lại tăng vọt
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 02/07/2022 09:05 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 2/7: Giá dầu thô tăng vọt trong phiên giao dịch sáng nay do lo ngại nguồn cung dầu thô thiếu hụt trong bối cảnh mùa du lịch, mùa hè nắng nóng khắc nghiệt đến gần. Trong nước, các doanh nghiệp đã đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu theo mức giảm nhẹ.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay (2/7), vì nguồn cung ngừng hoạt động ở Libya và dự kiến ngừng hoạt động ở Na Uy đã lấn át kỳ vọng rằng suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/7/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 108,46 USD/thùng, tăng 2,76 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 111,16 USD/thùng, tăng 2,36 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 2/7 tăng mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận nguy cơ ngày một lớn hơn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi các nước OPEC+ cho biết sẽ không tăng sản lượng thêm trong tháng 9, thay vì mức kỳ vọng 648.000 thùng/ngày được thực hiện trong tháng 7 và 8 sẽ được đưa về mức 432.000 thùng/ngày.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nauy khi nghiệp đoàn Lederne ở nước này cho biết 74 công nhân làm việc ở các giàn khoan dầu ngoài khơi Gudrun, Oseberg South và Oseberg East của công ty Equinor, sẽ đình công từ ngày 5/7, và nó có khả năng làm giảm sản lượng khai thác khoảng 4%.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, đà tăng của giá dầu ngày 2/7 cũng bị kiềm chế đáng kể bởi đồng USD leo đỉnh 20 năm và lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế ở nền kinh tế Mỹ ngày một lớn.
Mặc dù giá dầu hôm nay tăng mạnh song các chuyên gia vẫn dự báo, rủi ro giá dầu giảm đang cao hơn khi lo ngại về suy thoái kinh tế áp đảo.
Nguồn cung được dự đoán gần như chắc chắn sẽ còn nhiều bất ổn và thiếu hụt, sau một loạt các gián đoạn tại Libya và Ecuador trong tuần này, cùng với quyết định của OPEC+ giữ mức tăng sản lượng ở 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8.
Phát biểu của những người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho thấy mục tiêu lớn nhất hiện tại là kiềm chế lạm phát, và cần phải có hành động quyết liệt, bất chấp một số “đau đớn” có thể xảy ra cho thị trường trong ngắn hạn.
Điều này khiến cho tâm lý thị trường chung trở nên tương đối tiêu cực, và khiến lực bán tăng mạnh trên khắp các thị trường, như chứng khoán, tiền điện tử, và dòng tiền quay về các tài sản an toàn như trái phiếu.
Giằng co giữa một bên là ảnh hưởng từ thị trường tài chính chung và một bên là các yếu tố căn bản, gần như chắc chắn thị trường dầu thô sẽ đón nhạn tháng 7 tiếp tục với nhiều biến động. Chỉ số OVX, đo lường sự biến động của thị trường dầu, hay còn gọi là thước đo sự sợ hãi, hiện tại duy trì ở mức 50, cao hơn đáng kể so với vùng 30-40 trong năm 2021.
Trong nước, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 đã giảm 410 đồng, RON 95-III giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng từ hôm qua.
Với việc điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 1/7, giá xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng/lít còn xăng RON 95-III về mức 32.760 đồng/lít. Đây là đợt giảm giá đầu tiên sau 7 lần giá xăng tăng liên tiếp từ cuối tháng 4.
Giá dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 400 đồng, còn 29.610 đồng/lít. Dầu hoả giảm 430 đồng/lít, còn 28.350 đồng/lít. Dầu mazut có mức giá mới 19.720 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.010 đồng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 21/6/2022 và ngày 01/7/2022 là: 147,776 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,817 USD/thùng, tương đương giảm 1,215% so với kỳ trước); 154,844 USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,366 USD/thùng, tương đương giảm 0,875% so với kỳ trước; 161,920 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,330 USD/thùng, tương đương giảm 4,331% so với kỳ trước); 167,395 USD/thùng dầu điêzen (giảm 5,170 USD/thùng, tương đương giảm 2,995% so với kỳ trước); 606,395 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 42,777 USD/tấn, tương đương giảm 6,589% so với kỳ trước).
Trên cơ sở này, cơ quan điều hành tiếp tục dừng chi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Thay vào đó ở kỳ này, nhà điều hành trích vào quỹ trở lại với E5 RON 92 là 100 đồng/lít, còn RON 95-III và dầu diesel không trích vào quỹ. Mức trích vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với dầu hoả và dầu mazut lần lượt là 300 đồng và 800 đồng/lít,kg.
Theo số liệu cập nhật trước 15h hôm 1/7, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại một số doanh nghiệp tiếp tục âm, như Petrolimex âm quỹ gần 149 tỷ đồng.
Hiện số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn lại ít, nên việc trích lập lại vào quỹ với một số loại xăng, dầu nhằm khôi phục lại số dư quỹ và có dư địa điều hành giá tới đây khi thị trường còn bất ổn.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 2/7 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 30.891 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 32.763 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 29.615 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.353 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 19.722 đồng/kg.
Trước đó, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.
Giá các mặt hàng dầu thời điểm đó cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.
Đợt tăng giá này khi đó là lần thứ 7 tính từ ngày 21/4 đến 21/6. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.
Cơ quan chức năng cũng cho rằng, với những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc giá xăng dầu có thể giảm liên tiếp trong thời gian tới rất khó xảy ra. Nguy cơ giá xăng dầu tiếp tục giữ mức giá cao từ nay đến cuối năm đang tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát và đời sống người dân khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao.
Để hạ nhiệt giá xăng bán lẻ trong nước, Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất giảm thêm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít dầu. Đây là mức giảm "kịch kim" theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu được thông qua, đầu tháng 8 chính sách này sẽ có hiệu lực.
Cơ quan này cũng cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng, dầu. Các quy trình lấy ý kiến, thẩm định về Nghị quyết giảm 2 loại thuế này sẽ theo thủ tục rút gọn, nhưng việc quyết định thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo lịch thông thường, kỳ họp Quốc hội gần nhất vào tháng 10 năm nay.
Việc giảm thuế nếu được thông qua và áp dụng cần phải mất một thời gian nữa song mở ra kỳ vọng cho người dân, doanh nghiệp giảm đi gánh nặng thuế, giảm giá xăng dầu trong thời gian tới, từ đó giảm áp lực lạm phát kỳ vọng lên giá cả hàng hóa.
Giá xăng dầu tăng gây áp lực giá lên nhiều mặt hàng - VTV24
Vui lòng nhập nội dung bình luận.