Giá xăng dầu hôm nay 3/7: Tuần biến động mạnh, dự báo "sốc" về giá dầu nếu Nga làm việc này

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 03/07/2022 08:27 AM (GMT+7)
Tính cả tuần, dầu Brent đã mất 1,3% giá. Ngược lại sự trượt giá của dầu Brent, dầu thô WTI đã trải qua một tuần tăng giá với mức tăng trong tuần là 0,8%. Các nhà phân tích của JPMorgan cảnh báo, nếu Nga cắt giảm nguồn cung 5 triệu thùng/ngày để đáp trả phương Tây, giá dầu có thể tăng đáng sợ, lên tới 380 USD/thùng.
Bình luận 0

Nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn và đồng USD leo đỉnh 20 năm khiến giá dầu có tuần giao dịch biến động mạnh, tăng giảm trái chiều, trong đó dầu Brent đã giảm khoảng 1,3%.

Giá xăng dầu hôm nay 3/7: Tuần tăng giảm trái chiều của giá dầu

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 27/6 với xu hướng giảm mạnh do lo ngại tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, thậm chí rơi vào trạng thái suy thoái sớm hơn dự kiến sẽ làm giảm các nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô.

Ở diễn biến mới nhất, Chỉ số sản xuất (PMI), chỉ số đo lường “sức khoẻ” của nền kinh tế Mỹ trong tháng 6/2022 đã giảm xuống 52,4, mức thấp nhất trong 23 tháng trở lại đây.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô còn đến từ thông tin dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước đã tăng mạnh. Cụ thể, theo dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng tới 5,6 triệu thùng và dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng vào tuần trước.

Giá xăng dầu hôm nay 3/7: Tuần biến động mạnh, dự báo "sốc" về giá dầu nếu Nga làm việc này - Ảnh 1.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 106,59 USD/thùng, giảm 1,03 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 112,06 USD/thùng, giảm 1,06 USD/thùng trong phiên.

Nhưng ngay trong phiên giao dịch sau đó, giá dầu ngày 28/6 đã tăng mạnh khi lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn nữa được dấy lên khi G7 xem xét áp trần giá năng lượng của Nga, làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô và các sản phẩm tinh chế toàn cầu. Đồng USD suy yếu cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu ngày 28/6 tăng mạnh.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 110,39 USD/thùng, tăng 0,82 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 27/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 đã tăng tới 3,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 115,91 USD/thùng, tăng 0,82 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 3,85 USD so với cùng thời điểm ngày 27/6.

Tuy nhiên, khi thông tin tiêu cực về GDP trong quý I/2022 của Mỹ được công bố với mức giảm 1,6%, trái ngược hoàn toàn so với mức tăng …., giá dầu ngày 30/6 đã quay đầu giảm mạnh.

Mặc dù vậy, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt hơn nữa lại được dấy lên và được dự báo có nguy cơ trầm trọng hơn, giá dầu lại quay đầu tăng mạnh.

OPEC+ cho biết sẽ không tăng sản lượng thêm trong tháng 9, thay vì mức kỳ vọng 648.000 thùng/ngày được thực hiện trong tháng 7 và 8 sẽ được đưa về mức 432.000 thùng/ngày.

Áp lực thiếu hụt nguồn cung còn lớn hơn khi nghiệp đoàn Lederne ở Nauy cho biết 74 công nhân làm việc ở các giàn khoan dầu ngoài khơi Gudrun, Oseberg South và Oseberg East của công ty Equinor, sẽ đình công từ ngày 5/7, và nó có khả năng làm giảm sản lượng khai thác khoảng 4%.

Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 108,46 USD/thùng, tăng 2,76 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 111,16 USD/thùng, tăng 2,36 USD/thùng trong phiên.

Dù có phiên giao dịch cuối tuần tăng mạnh, nhưng tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu Brent vẫn giảm khoảng 1,3%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 0,8%.

Giá xăng dầu hôm nay 3/7: Tuần biến động mạnh, dự báo "sốc" về giá dầu nếu Nga làm việc này - Ảnh 2.

Dù có phiên giao dịch cuối tuần tăng mạnh, nhưng tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu Brent vẫn giảm khoảng 1,3%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 0,8%.

Giá xăng dầu hôm nay 3/7: Tuần biến động mạnh, dự báo "sốc" về giá dầu nếu Nga làm việc này - Ảnh 3.

Dù có phiên giao dịch cuối tuần tăng mạnh, nhưng tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu Brent vẫn giảm khoảng 1,3%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 0,8%.

Với những diễn biến trong tuần giao dịch từ ngày 27/6, giá dầu tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục leo dốc khi mà nguồn cung dầu thô không được cải thiện, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo sẽ phục hồi mạnh vào mùa hè nắng nóng khắc nghiệt và mùa du lịch tại các nước vào cao điểm.

Trong một diễn biến khác, thông tin gây chú ý khi các nhà phân tích của JPMorgan cảnh báo, nếu Nga cắt giảm nguồn cung 5 triệu thùng/ngày để đáp trả phương Tây, giá dầu có thể tăng đáng sợ, lên tới 380 USD/thùng.

Cụ thể, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang thành lập một cơ chế phức tạp để áp đặt trần giá lên dầu thô Nga nhằm nỗ lực siết chặt nguồn thu của nước này. Nhưng các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co nhận định, với nền tảng tài chính vững chắc, Nga có đủ khả năng cắt giảm từ sản lượng dầu thô 5 triệu thùng/ngày đang cung ứng mà không gây tổn hại quá mức đến nền kinh tế.

Song với nhiều quốc gia thuộc phần còn lại của thế giới, hệ quả từ việc này có thể rất thảm khốc. Theo các nhà phân tích của JPMorgan, việc cắt giảm nguồn cung dầu hàng ngày tới 3 triệu thùng sẽ đẩy giá dầu thô Brent lên 190 USD/thùng. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Nga dừng bơm ra 5 triệu thùng, khi đó, giá dầu có khả năng tăng phi mã lên 380 USD/thùng.

Các nhà phân tích JPMorgan cho biết, rủi ro rõ ràng nhất và có khả năng xảy ra với giá dầu là Nga có thể chọn trả đũa bằng cách giảm xuất khẩu. "Nhiều khả năng, chính quyền Tổng thống Vladimir có thể đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng như một cách gây đau đớn cho phương Tây. Sự thắt chặt của thị trường dầu mỏ thế giới là phụ thuộc vào phía Nga", các nhà phân tích viết.

Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia. Trước khi nổ ra chiến sự với Ukraine vào đầu năm nay, Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Trong nước, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 đã giảm 410 đồng, RON 95-III giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng từ hôm 1/7.

Với việc điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 1/7, giá xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng/lít còn xăng RON 95-III về mức 32.760 đồng/lít. Đây là đợt giảm giá đầu tiên sau 7 lần giá xăng tăng liên tiếp từ cuối tháng 4.

Giá dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 400 đồng, còn 29.610 đồng/lít. Dầu hoả giảm 430 đồng/lít, còn 28.350 đồng/lít. Dầu mazut có mức giá mới 19.720 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.010 đồng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 21/6/2022 và ngày 01/7/2022 là: 147,776 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,817 USD/thùng, tương đương giảm 1,215% so với kỳ trước); 154,844 USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,366 USD/thùng, tương đương giảm 0,875% so với kỳ trước; 161,920 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,330 USD/thùng, tương đương giảm 4,331% so với kỳ trước); 167,395 USD/thùng dầu điêzen (giảm 5,170 USD/thùng, tương đương giảm 2,995% so với kỳ trước); 606,395 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 42,777 USD/tấn, tương đương giảm 6,589% so với kỳ trước).

Trên cơ sở này, cơ quan điều hành tiếp tục dừng chi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Thay vào đó ở kỳ này, nhà điều hành trích vào quỹ trở lại với E5 RON 92 là 100 đồng/lít, còn RON 95-III và dầu diesel không trích vào quỹ. Mức trích vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với dầu hoả và dầu mazut lần lượt là 300 đồng và 800 đồng/lít,kg.

Theo số liệu cập nhật trước 15h hôm 1/7, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại một số doanh nghiệp tiếp tục âm, như Petrolimex âm quỹ gần 149 tỷ đồng.

Hiện số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn lại ít, nên việc trích lập lại vào quỹ với một số loại xăng, dầu nhằm khôi phục lại số dư quỹ và có dư địa điều hành giá tới đây khi thị trường còn bất ổn.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 3/7 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 30.891 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 32.763 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 29.615 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.353 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 19.722 đồng/kg.

Trước đó, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.

Giá các mặt hàng dầu thời điểm đó cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.

Đợt tăng giá này khi đó là lần thứ 7 tính từ ngày 21/4 đến 21/6. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng. 

Cơ quan chức năng cũng cho rằng, với những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc giá xăng dầu có thể giảm liên tiếp trong thời gian tới rất khó xảy ra. Nguy cơ giá xăng dầu tiếp tục giữ mức giá cao từ nay đến cuối năm đang tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát và đời sống người dân khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem