Theo ghi nhận, khoảng 2 tuần gần đây, giá lợn hơi tại Thanh Hoá tăng vọt, vì vậy, giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng tăng từ 20-25% so với trước.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi, chị Hoàng Thị Thơm, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung chia sẻ: Trong thời gian qua, do áp lực giá xăng dầu, đặc biệt là sự leo thang của thức ăn chăn nuôi nên đã đẩy giá lợn hơi tăng vọt.
Hiện gia đình chị đang có khoảng 200 con lợn thịt và 20 con lợn nái sinh sản. Sáng 14/7, chị xuất bán cho thương lái một số lợn thịt với giá 66.000 đồng/1kg. Khoảng hơn chục ngày trước, giá thường dao động từ 58.000 – 60.000 đồng/kg.
Là đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho hệ thống các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học…, bà Tống Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, cho biết: Thời gian gần đây, hầu hết giá các mặt hàng thực phẩm đều tăng, đặc biệt là thịt lợn. Chỉ trong khoảng 10 ngày nay, giá thịt lợn thành phẩm tăng khoảng 25% và đang có tình trạng khan hàng.
Chị Lê Thị Thuận, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa – một tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn trên địa bàn TP Thanh Hóa nói: Giá lợn hơi đợt này tăng nhanh lắm. Cách đây 2 tuần, tôi thường mua với giá 60.000 đồng/kg, sau đó, giá cứ tăng dần và đến nay là 75.000 đồng/kg (đối với lợn loại 1). Vì vậy, giá lợn tăng khiến giá thịt thương phẩm cũng phải điều chỉnh tăng theo.
Qua khảo sát, tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa, giá thịt lợn các loại cũng đã tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg (tùy từng loại). Từ khoảng đầu tháng 7 dương lịch, giá heo hơi bắt đầu tăng nhanh, vì vậy, thịt lợn bán ra cũng đắt hơn. Chẳng hạn, thịt sấn vai từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/kg; thịt nạc, thịt ba chỉ từ 110.000 đồng lên 130.000 đồng/kg; sườn non từ 120.000 lên 150.000 đồng/kg...
Theo nhận định của chị Thuận và các tiểu thương khác thì giá heo hơi sẽ còn khả năng tăng nữa. Thế nhưng, những ngày gần đây tình hình tiêu thụ thịt lợn tại chợ vẫn bình thường, sức mua không tăng. Tuy nhiên, giá lợn hơi mua vào thì lại tăng.
Không chỉ Thanh Hóa, hiện giá lợn hơi trên thị trường cả nước đang trên đà tăng mạnh. Đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Dù giá ngoài thị trường có nhiều biến động, nhưng tại hệ thống các siêu thị như: Vinmart, Co.opmart, BigC… giá thịt thành phẩm vẫn đang được bình ổn.
Trước những biến động này, nhiều người cho rằng, giá lợn hơi tăng mạnh là do từ đầu tháng 7, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá xăng tăng, kéo các mặt hàng khác cũng leo thang theo. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên việc tiêu thụ thịt lợn cao hơn.
Còn theo một số người chăn nuôi cho biết, giá lợn hơi tăng mạnh chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Khoảng 6 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 4-6 lần (tùy doanh nghiệp), nhiều hộ chăn nuôi đã từng phải gồng mình gánh lỗ.
Những ngày này, dù giá xăng đã tạm thời hạ nhiệt, nhưng giá thức ăn chăn nuôi, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Thắng – Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Thanh Hóa nhận định: Thời gian gần đây, do biến động của thị trường xăng dầu đã kéo các mặt hàng khác cũng tăng giá theo.
Theo ông Thắng, nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. “Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nguồn cung và tình hình phát triển đàn lợn hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, ông Thắng nói.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, ước tính 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.210.000 con lợn, tăng 1,3% cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, chăn nuôi phát triển ổn định, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân. Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để khuyến khích người chăn nuôi đầu tư tái đàn.