Sư cô chùa Hồi Long ở Thanh Hóa cưu mang, nuôi dạy gần 30 trẻ mồ côi với tấm lòng bồ tát
Tấm lòng nhân ái của vị sư cô cưu mang hàng chục trẻ mồ côi ở Thanh Hóa
Hoài Thu
Thứ sáu, ngày 10/06/2022 06:04 AM (GMT+7)
Thương cảm với những mảnh đời bất hạnh, suốt những năm qua, sư cô Thích Đàm Ngoan - trụ trì chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) đã cưu mang, nuôi dưỡng gần 30 đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc chẳng may mồ côi cha mẹ.
Clip: Sư cô Thích Đàm Ngoan - trụ trì chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) cưu mang hàng chục trẻ mồ côi.
Mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh
Đến xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá hỏi thăm về sư cô Thích Đàm Ngoan - trụ trì chùa Hồi Long, người dân địa phương ai ai cũng biết đến bởi sư cô cũng là người thành lập và phụ trách một trung tâm từ thiện xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi ngay tại chùa.
Sư cô có dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng rất kiên định, giàu ý chí, nguyện dành cả đời phụng sự Phật pháp và cưu mang trẻ mồ cô... Đó là những gì người ta nói về sư cô Thích Đàm Ngoan.
Sư cô Đàm Ngoan dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan khuôn viên chùa và thăm những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, tại đây, ngoài cảnh thanh tịnh của nơi cửa Phật, thì xen vào đó là tiếng cười đùa, tiếng ê a, bi bô hồn nhiên của trẻ nhỏ.
Sư cô kể lại, năm 2008, khi được phân công về trụ trì tại chùa Hồi Long, nơi đây khá hoang sơ, cây cối rậm rạp. Ngôi chùa có tuổi đời cả nghìn năm từ thời nhà Lý, do thời gian và chiến tranh tàn phá khiến ngôi chùa ít nhiều bị hư hỏng, xuống cấp.
Nhờ sự giúp đỡ về tài chính của nhiều nhà hảo tâm và chung sức của các phật tử, ngôi chùa đã được tu sửa, phục dựng lại. Sau đó, sư cô nhận một số trẻ mồ côi về cưu mang, nuôi dưỡng.
Với tâm niệm chùa không những là nơi du khách đến dâng hương mà còn là mái ấm tình thương của những mảnh đời bất hạnh, sư cô đã nuôi quyết tâm thành lập một trung tâm từ thiện xã hội ở đây.
Bằng sự tâm huyết của mình, đầu năm 2019, Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long đã chính thức đi vào hoạt động. Từ đó, cứ ít tháng lại có một đứa trẻ bị bỏ lại cổng chùa hoặc được người dân đưa đến nhờ nhà chùa chăm sóc.
Chia sẻ về công việc của mình, sư cô Thích Đàm Ngoan cho biết, khó khăn nhất là những ngày đầu chưa quen với cách nuôi một đứa trẻ. Những đứa mới lọt lòng thì phải học cách pha sữa, cho con ăn uống theo độ tuổi ra làm sao. Những đứa lớn hơn chút sẽ dạy chúng lễ phép, kính trọng người lớn, nhường nhịn, yêu thương nhau…
Mặc dù thời gian đầu, trung tâm gặp không ít khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu cả kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, song với tâm niệm "Dẫu xây chín bậc phù đồ/Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người", sư cô không quản ngại khó khăn, vất vả, vẫn niềm nở đón nhận.
Cứ như thế, gần 3 năm nay, Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long đã trở thành mái ấm của những đứa trẻ bất hạnh bị chính gia đình chối bỏ. Không có tình cảm của cha mẹ, anh chị em ruột, thay vào đó, các con lại được sư cô tận tâm nuôi dưỡng nên người.
Nguyện dành cả đời phụng sự Phật pháp và cưu mang trẻ mồ côi
Từ khi Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long được thành lập đến nay, sư cô Thích Đàm Ngoan đã nhận nuôi 28 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trong đó có 10 em đã được gia đình đón về và 3 em nhỏ vì bệnh nặng không thể qua khỏi.
Hiện còn 15 em nhỏ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây. Em nhỏ nhất chỉ mới 3 tháng tuổi và lớn nhất là 19 tuổi, mỗi em một hoàn cảnh, một số phận chẳng ai giống ai. Tuy nhiên, khi được cưu mang về đây, các em đều được yêu thương, quan tâm chăm sóc như con ruột.
Những đứa trẻ dù lành lặn hay bệnh tật, đều được đặt cho những cái tên rất đẹp, Bảo Minh, Bình An, Bình Minh, Bảo An, Hải Yến…Với sư cô Thích Đàm Ngoan, những cái tên này mang đầy ý nghĩa, đó là hy vọng tương lai đứa trẻ sẽ may mắn, bình an và hạnh phúc.
Em Lường Thị Hải Yến (9 tuổi, Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long) chia sẻ: "Thầy là người nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu thương chúng em. Thầy đã dạy cho chúng em biết nhiều điều hay lẽ phải. Sau này trưởng thành, dù có đi đâu làm gì, em cũng không quên công ơn của thầy, không quên các anh chị em cùng sinh sống ở đây".
Ngoài việc chăm sóc, lo cái ăn cái mặc cho đứa trẻ bất hạnh kia, sư cô Thích Đàm Ngoan cũng liên hệ với các bệnh viện để tổ chức khám định kỳ, cấp thuốc, đảm bảo sức khỏe cho các em và tạo điều kiện cho các em nhỏ được đến trường, học hành tử tế.
"Tôi coi việc cưu mang các cháu nhỏ là do nhân duyên. Thời gian tới, những bé không may mất cha mẹ, người thân đưa tới hoặc các bé không may bị bỏ rơi thì trung tâm vẫn nhận nuôi dưỡng. Vì gia đình đã quyết định gửi các bé vào đây nghĩa là họ đang rất khó khăn, cần sự giúp đỡ của chùa để nuôi dạy các cháu.
Sau này tôi già yếu, không còn làm được nhiều việc nữa thì sẽ giao lại trách nhiệm này cho một đệ tử nào đó có đủ tâm đức, nhiệt huyết và cả tài trí để giúp đời, giúp người", sư cô Thích Đàm Ngoan tâm sự.
Về chi phí nuôi dưỡng trẻ, theo sư cô Ngoan, mỗi tháng tiền trả lương cho bảo mẫu, người nấu ăn, bảo vệ… rồi tiền ăn, học, dụng cụ học tập, sách vở và chi phí sinh hoạt của chừng ấy con người cũng hết cả 100 triệu đồng/tháng... Đó là chưa kể những lúc trẻ ốm đau đi viện, tiền thuốc men.
Do đó, để có thêm nguồn kinh phí để nuôi, chăm sóc trẻ, mấy năm trở lại đây sư cô Đàm Ngoan đã bắt tay vào nghiên cứu làm hương, làm tinh dầu sả, nuôi trồng nấm hương, mộc nhĩ...
Mặc dù đây đều là các mô hình mới nhưng hiệu quả đem lại rất khả quan. Mỗi năm, nhà chùa thu được khoảng 400 triệu đồng từ các mô hình. Theo sư thầy, số tiền này đủ trang trải một nửa cho các chi phí của trung tâm.
"Trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi đang cố gắng hết sức để đảm bảo sản xuất và có nguồn thu duy trì trung tâm. Tâm nguyện duy nhất của tôi là để các cháu có một mái ấm, sau này khôn lớn trưởng thành, các cháu vẫn nhớ nơi đây là nhà để có thể trở về bất cứ lúc nào", sư cô Thích Đàm Ngoan chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.