Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nông hộ nhỏ "teo tóp", doanh nghiệp ngoại thâu tóm (Bài 8)

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 15/07/2022 19:57 PM (GMT+7)
Trong khi chăn nuôi nông hộ ngày càng teo tóp thì những doanh nghiệp lớn, HTX chăn nuôi không ngừng tăng đàn, mở rộng trang trại. Nhờ có tiềm lực mạnh, các "ông lớn" luôn chuẩn bị sẵn quy mô, số lượng để đón đầu thị trường, thậm chí có thể "dẫn dắt" giá cả thị trường.
Bình luận 0

Người chăn nuôi kiệt sức, đi làm thuê cho doanh nghiệp

Do trước đó nuôi lợn liên tục bị "âm" vào vốn, nên 3 năm qua gia đình anh Nguyễn Cao Cường ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì - Hà Nội) đã chuyển sang nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. 

Anh Cường cho biết đang nuôi hơn 2.000 con lợn thịt, toàn bộ đầu vào đều do C.P cung cấp, gồm: Lợn giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi lợn. Gia đình anh chỉ lo khâu chuồng trại, chăm sóc đàn lợn.

"Chăn nuôi lợn kiểu này coi như là làm thuê cho doanh nghiệp. Tuy không được làm chủ, phải làm theo yêu cầu của họ, nhưng đỡ rủi ro hơn. Lợn đạt trọng lượng xuất chuồng có người bao tiêu, còn chúng tôi được trả công nên không phải lo nghĩ gì nhiều về chuyện giá lợn hơi lên xuống" - anh Cường nói với PV Dân Việt. 

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Doanh nghiệp ngoại thâu tóm thị trường (Bài 8) - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Thìn ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) đau xót bên trại lợn của gia đình bị bỏ trống nhiều tháng nay. Ảnh: Trần Quang

Cũng như anh Cường, nhiều năm gần đây, một số hộ chăn nuôi gia cầm, lợn tại thị xã Sông Công (Thái Nguyên) đã không còn bám trụ với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ mà chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp. 

Với hình thức chăn nuôi này, các doanh nghiệp sẽ đầu tư "trọn gói" từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, người chăn nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Trung bình 1kg lợn, gà hơi, người dân thu lợi nhuận 4.000 - 5.000 đồng, tùy vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi.

Năm 2021, ước tính TP Sông Công có 125 trang trại chăn nuôi (tăng 13 trang trại so với năm 2020), chủ yếu là chăn nuôi gà và lợn, tập trung ở các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn... 

Đáng chú ý, trên 90% trang trại có liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (Thái Lan), Công ty Japfa Comfeed Việt Nam (Indonesia), Công ty TNHH Emivest Feedmilk Việt Nam (Malaysia)...

Hơn 5 năm nay, gia đình anh Dương Quốc Huy, ở xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn đã liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam chăn nuôi khoảng 30.000 con gà trắng/lứa và khoảng 400 lợn con thịt/lứa trên diện tích chuồng rộng 1.000m2. 

Anh Huy cho hay: Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh của doanh nghiệp, mặc dù dịch bệnh liên tục xảy ra, song trang trại của tôi gần như không bị ảnh hưởng. Lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, theo UBND xã Bá Xuyên, tại địa phương đang có 43 trang trại gà (quy mô 5.000-8.000 con/lứa), nhưng có tới 41 trang trại nuôi gia công cho doanh nghiệp. 

Ngày 14/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, trải qua nhiều đợt bão giá, bão dịch bệnh và dịch Covid-19 hoành hành, số lượng nông hộ chăn nuôi tại Hà Nội có sự biến động.

 "Chúng tôi chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng có một số hộ chăn nuôi do liên tục thua lỗ đã bỏ chuồng, hoặc chuyển đổi sang nuôi gia cầm, trâu bò" - ông Sơn nói.

Tuy nhiên theo con số thống kê năm 2021 của Sở NNPTNT Hà Nội, thì thành phố hiện có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ. 

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Doanh nghiệp ngoại thâu tóm thị trường (Bài 8) - Ảnh 2.

Trang trại từng nuôi hàng nghìn con lợn của ông Phạm Văn Quỳnh ở đồng Màu, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) nay bị bỏ hoang tàn.

Ông Sơn cho biết, trải qua nhiều "cú sốc" về dịch bệnh, giá cả, ngành chăn nuôi của Hà Nội đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Chăn nuôi nông hộ giảm dần, thay vào đó là các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp, HTX, các chuỗi liên kết... Tổng đàn gia súc, gia cầm của TP sẽ giữ ổn định, nhưng tăng về chất lượng. 

"Giảm chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ cũng là định hướng của thành phố và là xu thế tất yếu của đô thị hóa tại Thủ đô. Theo đó, Hà Nội sẽ hạn chế, tiến tới cấm chăn nuôi tại các quận và 5 huyện đang có lộ trình lên quận, gồm Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì. 

Cũng theo ông Sơn, Hà Nội đã cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực. Cụ thể là sẽ tập trung chăn nuôi ở 76 xã chủ lực, gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa (tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai …); 19 xã chăn nuôi bò thịt (tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm, Sơn Tây…); 13 xã chăn nuôi lợn (tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì); 29 xã chăn nuôi gia cầm (tại Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Tây, Sóc Sơn,….). 

"Với định hướng đó, trong tương lai gần nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tự "chết dần", phải rời khỏi cuộc chơi, hoặc phải chuyển đổi nghề. Còn muốn tiếp tục chăn nuôi, thì phải có vốn đầu tư nhiều tỷ đồng mới tồn tại được" - anh Nguyễn Cao Cường than thở. 

Doanh nghiệp "ngoại" thâu tóm thị trường chăn nuôi

Theo phân tích của ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong khi chăn nuôi heo nông hộ ngày càng teo tóp, nhiều nông dân bỏ chuồng, thì lại là cơ hội chiếm lĩnh thị trường, tăng đàn của doanh nghiệp lớn. Nhờ có tiềm lực mạnh nên các doanh nghiệp lớn, HTX lớn chuẩn bị sẵn đủ quy mô, số lượng đàn heo, đàn gia cầm đón đầu thị trường. Trong đó dẫn đầu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nông hộ nhỏ "chết dần", doanh nghiệp ngoại thâu tóm (Bài 8) - Ảnh 4.

Một trang trại nuôi gà gia công tại xã Bá Xuyên, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Sao Mai

"Từ năm 2018 đến nay, ngành chăn nuôi heo liên tục bị dịch bệnh bủa vây, rồi bão giá lên xuống, vừa hồi phục một thời gian ngắn thì lại bị dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi tiêu thụ. Rồi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao... Vai trò của chăn nuôi nông hộ ngày càng lép vế vì không chống đỡ nổi. Chúng tôi ước tính khoảng hơn 2 triệu người chăn nuôi trên cả nước bị ảnh hưởng tới công ăn việc làm, thu nhập" - ông Đoán nói với PV Dân Việt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, sớm muộn bức tranh chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ nghiêng về doanh nghiệp lớn; sẽ phải hy sinh dần chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún để có ngành chăn nuôi phát triển, hiện đại, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường. 

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, riêng đối với ngành gà thịt, các doanh nghiệp có thị phần lớn đều là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, gồm: C.P (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia). Ngoài ra còn có CJ (Hàn Quốc), Bel Gà (Bỉ)... Doanh nghiệp Việt có thị phần rất nhỏ.

Đối với chăn nuôi heo, nhiều năm nay, Công ty CP chăn nuôi C.P luôn là doanh nghiệp FDI có thị phần lớn nhất cả ở mảng con giống, heo thịt. 

Trong khi người nuôi heo cả nước liêu xiêu vì dịch tả lợn châu Phi thì C.P vẫn hoạt động bình thường với đàn heo nái khoảng 350.000 con. Năm 2021, ước tính C.P có tổng đàn heo thịt khoảng 6-7 triệu con. 

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, ngành chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Điển hình trong chăn nuôi lợn, năm 2021 cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn lợn của cả nước giảm mạnh các năm 2019, 2020. Riêng từ năm 2019-2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm từ 15-20%.  

Cục Chăn nuôi dự báo, áp lực đối với người chăn nuôi vẫn đang rất lớn do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao, và sẽ còn tăng đến hết năm 2022. 

Các "ông lớn" liên tục có nhiều dự án "khủng"

Đầu năm nay, Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã ký kết hợp tác phát triển chăn nuôi lợn với mục tiêu đạt 1 triệu con đến năm 2028 tại các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.

Theo thỏa thuận, Dabaco sẽ cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật, còn TSC sẽ tìm địa điểm, xây dựng chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi. Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 3.000 tỷ đồng, trong đó TSC đóng góp 55% và Dabaco góp 45% giá trị. Trước đó, Dabaco cũng đầu tư trang trại nuôi lợn thịt và lợn giống tại Thanh Hóa, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Năm 2021 cũng chứng kiến nhiều thương vụ "khủng" trong ngành chăn nuôi, như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) rót 1.000 tỷ đồng vào trái phiếu kỳ hạn 7 năm của doanh nghiệp sản xuất lợn giống và thức ăn chăn nuôi GreenFeed Việt Nam.

Tập đoàn De Heus (Hà Lan) mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan, trở thành doanh nghiệp nước ngoài sở hữu nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi nhất cả nước. Tiếp đó, De Heus cũng hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư hàng loạt Dự án Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk, DHN Gia Lai, DHN Lâm Đồng, DHN Tây Ninh... Quy mô các dự án của 2 tập đoàn này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem