Mô hình trồng dứa tại bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân tộc Mông ở Mường Nhà (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương như ngô, sắn, lúa nương sang trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây dứa đang dần trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân ở Mường Nhà xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Pu Lau là bản có diện tích dứa lớn nhất trong xã Mường Nhà với 30 ha, hầu như tất cả hộ dân trong bản đều trồng dứa. Hộ trồng ít thì vài trăm mét, hộ trồng nhiều thì vài ha. Theo người dân trong bản, giống dứa này do bà con mua ở các bản giáp biên của nước Lào từ năm 1992.
Ban đầu người dân chỉ trồng theo kiểu tự phát, tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây, nhận thấy giá trị của cây dứa đem lại, người dân đã tích cực chuyển đổi từ diện tích trồng lúa nương, ngô kém hiệu quả sang trồng cây dứa. Xác định cây dứa là cây chủ lực để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Ông Vàng A Tếnh, Bí thư Chi bộ bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, Điện Biên cho biết: cây dứa với bà con bản Pu Lau đang tạo ra nguồn thu rất có hiệu quả, tới đây bà con sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích để có nguồn thu lớn hơn nữa , giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Hiện toàn xã Mường Nhà có 50 ha dứa của gần 300 hộ dân thuộc 6 bản trong xã, hầu hết là người dân tộc Mông. Dứa Mường Nhà được trồng trên các sườn đồi với đặc điểm quả to hơn các loại dứa bình thường trung bình từ 1kg đến 3kg/quả, đặc biệt chính vụ có quả nặng đến 5 hay 6kg, quả dứa trồng ở Pu Lau nhiều nước, mắt nông, ăn rất ngọt. Giống dứa có chiều dài lá lên tới 1m2, mép lá không có gai và đặc biệt 1 gốc dứa sinh trưởng và phát triển lên tục đến 7 năm mới phải trồng lại. Sau khi thu hoạch quả, bà con chỉ việc tỉa nhánh cũ, để nhánh mầm mới phát triển.
Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, Điện Biên nói: Biết lợi nhuận kinh tế của cây dứa nên mấy năm gần đây UBND xã Mường Nhà đã chỉ đạo bà con tiếp tục phát triển cây dứa, nâng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô, sắn sang dứa. Định hướng cho người dân trồng dứa áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng quả dứa. Đưa cây dứa thành cây mũi nhọn phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn xã.
Hiện nay, dứa Mường Nhà vẫn là một trong những nông sản rất dễ tiêu thụ trên thị trường, các thương lái từ nhiều nơi đã vào tận thôn, bản để đặt hàng, thu mua dứa. Tuy nhiên, nhằm định hướng đảm bảo cho đầu ra về lâu dài, trong năm 2022, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã dứa Mường Nhà nhằm hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ông Thào A Giàng, Giám đốc Hợp tác xã dứa Mường Nhà, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho biết: Hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn bà con trồng dứa theo quy trình kỹ thuật giúp bà con nâng cao năng xuất cũng như chất lượng quả. HTX nhận tiêu thụ toàn bộ sản lượng cho bà con tại bản Pu Lau. HTX chúng tôi cũng liên kết với các thương lái là các Công ty để thu mua quả xanh, quả chín nhưng hiện nay không đủ dứa để bán.
Theo chính quyền xã Mường Nhà, quy hoạch của xã đối với cây dứa mỗi năm sẽ mở rộng thêm 30% so với diện tích hiện có. Xã cũng đã triển khai mô hình thâm canh dứa tại bản Pu Lau nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là hướng người nông dân sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Pu Lau trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương trong thời gian tới.