Điện Biên: Báu vật hàng trăm năm tuổi ở vùng đất này là thứ gì mà phải cử người đi tuần tra liên tục?

Thứ bảy, ngày 06/02/2021 18:55 PM (GMT+7)
Huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) có rừng nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên các dãy núi đá thuộc các xã: Huổi Só, Mường Ðun, Tủa Thàng và Xá Nhè. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Tủa Chùa luôn coi rừng nghiến như “báu vật”, chú trọng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an toàn cho rừng nghiến.
Bình luận 0

7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại cửa rừng khi mọi vật ở thôn Háng Pàng (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) vẫn đang chìm trong sương. 

Ngoài cán bộ kiểm lâm, địa chính xã còn có Tổ bảo vệ rừng thôn Háng Pàng gồm: Bí thư Chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng, tổ phó và 2 dân quân. 

Hôm nay, chúng tôi sẽ đi tuần tra nơi tập trung nhiều cây gỗ nghiến nhất xã Huổi Só. 

Trước khi khởi hành, anh Hờ A Tính, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng của thôn căn dặn tôi: “Chúng ta đi sớm để khoảng 10 giờ sáng đến được rừng nghiến, sau đó quay về trước khi trời tối. Núi đá tai mèo không có đường đi nên anh phải tinh gọn đồ đạc mang theo để tiện leo trèo trong quá trình di chuyển”. 

Chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi xuất phát.

Điện Biên: Báu vật hàng trăm năm tuổi ở vùng đất này là thứ gì mà phải cử người đi tuần tra liên tục? - Ảnh 1.

Tổ bảo vệ rừng thôn Háng Pàng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên tuần tra bảo vệ rừng gỗ nghiến.

Từng tham gia rất nhiều cuộc tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa bàn, tôi tự tin rằng mình có sức khỏe, bắt kịp tốc độ của đoàn không quá khó khăn. 

Tuy nhiên, càng đi sâu vào rừng, độ khó, nguy hiểm đã ngoài dự liệu. Những vách đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn. Ði tuần tra rừng mà ngỡ như đang tham gia một cuộc thi leo núi. Mọi người phải bám đá, bám cây rừng để leo lên phía trước, bên cạnh là vực sâu. 

Người đi trước vượt qua an toàn rồi phát tín hiệu “tất cả vách đá đều chắc, có thể bám được” thì người theo sau mới được leo lên. Hiếm hoi lắm mới có chỗ để cả đoàn ngồi nghỉ. Trong khi mọi người vẫn nói chuyện rôm rả, có vài anh còn lấy điếu cày xách tay “bắn vài bi” thì tôi gối mỏi chân chùn, ngồi thở hồng hộc.

Ðưa cho tôi chai nước, anh Hờ A Tính chia sẻ: “Anh cố lên, qua bãi đá tai mèo này là có đường mòn rồi, cũng dễ đi hơn. Diện tích rừng thôn Háng Pàng không lớn, khoảng gần 300ha, nằm bao quanh thôn. Song nơi đây tập trung nhiều cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi. Do đó, công tác tuần tra bảo vệ rừng được thôn rất chú trọng. 

Mùa khô, tổ bảo vệ tổ chức tuần tra khoảng 7 - 8 buổi/tháng, vào mùa mưa thì tần suất ít hơn. Mọi người trong thôn đều coi rừng nghiến này là “báu vật” nên rất có tinh thần trách nhiệm bảo vệ. Từ xưa đã thế, nay có thêm tiền dịch vụ môi trường rừng, anh em càng trách nhiệm hơn. Rừng nghiến của thôn không bị khai thác, chặt phá”.

Sau khoảng 3 giờ chật vật, với sự giúp đỡ của mọi người, tôi cũng đã có mặt tại rừng nghiến cổ thụ của thôn Háng Pàng. Từ vị trí đứng, phóng tầm mắt xung quanh cũng có thể đếm được hàng chục cây gỗ nghiến. 

Những cây nghiến hàng trăm tuổi, thân xù xì bám đầy rêu; phần gốc nghiến trồi lên khỏi mặt đất để lộ một phần bộ rễ “cơ bắp”. Ở đây, cây nhỏ thì 2 - 3 người ôm, cây lớn 4 - 5 người ôm không hết. 

Anh Giàng A Lử, kiểm lâm địa bàn xã Huổi Só cho biết: “Gỗ nghiến ở đây có đường kính trung bình khoảng 60cm - 1m”. 

Nói rồi anh Lử kéo tôi lại vị trí 1 cây nghiến đã bị một vết cắt hình chữ V trên thân. “Nhiều năm trước đây, cây nghiến này đã bị người ta cắt mất mắt nghiến. Gỗ nghiến là loại gỗ rất cứng, không bị mối, mọt. Việc sử dụng gỗ nghiến để làm cột nhà, hoành, kèo… hay chế tác lục bình, tượng gỗ trong nhà giúp gia chủ thể hiện đẳng cấp của mình. 

Nếu như trước đây, lâm tặc thường tìm đến các cánh rừng nghiến để khai thác ngọc nghiến, mắt nghiến và chế tác ra những sản phẩm gỗ mĩ nghệ thì nay nhiều dân buôn đã chuyển hướng sang “săn” các cột, thớt gỗ nghiến. Ở thời điểm nào, gỗ nghiến cũng rất quý”.

Ông Hờ A Tùng, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Háng Pàng nói: “Loài nghiến này chậm lớn. Ðể thân nghiến có chu vi bằng sải tay 3 - 4 người ôm cũng phải mất mấy trăm năm. Bởi vì từ lúc nhỏ đến nay đã gần 50 tuổi tôi thấy rừng nghiến này vẫn thế, không to hơn là bao”. 

Ðể tôi dễ hình dung hơn, ông Tùng chỉ về 1 cây nghiến nhỏ, cao chưa đầy 1m nói: “Ðây là cây nghiến non, tôi quan sát cây này khoảng gần 10 năm nay rồi nhưng không thấy nó cao thêm và to ra chút nào cả. Trên đỉnh núi này, có 1 cây nghiến cổ thụ 7 - 8 người ôm không hết, chắc cũng phải nghìn tuổi rồi!”.

 “Thế có cách nào bảo vệ hiệu quả hơn không?” - Tôi hỏi. “Hiện nay, song song với công tác tuần tra, bảo vệ rừng của các tổ bảo vệ rừng thôn, bản, lực lượng kiểm lâm Tủa Chùa đã tiến hành kiểm đếm, đánh số và gắn tọa độ cho từng cây nghiến. Nhờ đó, việc kiểm tra, phát hiện việc khai thác trộm sẽ dễ dàng và kịp thời, hiệu quả hơn” - Anh Giàng A Lử trả lời.

Chúng tôi tuần tra qua 2, 3 khu vực có cây gỗ nghiến. Tất cả đều được bảo vệ an toàn. Gần 1 ngày tham gia tuần tra rừng nghiến, tôi hiểu thêm về gỗ nghiến và được trải nghiệm những khó khăn, vất vả, sự nỗ lực của lực lượng bảo vệ an toàn cho rừng gỗ nghiến.

Tôi chợt nhớ lời chia sẻ của anh Sùng A Và, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa (Điện Biên): “Toàn huyện hiện có khoảng 195 cây gỗ nghiến cổ thụ. Huyện ủy, UBND huyện đã và đang chỉ đạo sát sao các lực lượng chức năng, chính quyền các xã bằng mọi cách phải bảo vệ an toàn cho rừng nghiến cổ thụ”.

Nhật Phương (Báo Điện Biên phủ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem