Cuối tuần trước, một cuộc bốc thăm đầy kịch tính và thực sự đau lòng vừa diễn ra giữa khu dân cư đông đúc bậc nhất của Thủ đô. Sau 4 tiếng, phải bốc thăm qua 2 vòng, 80 phụ huynh ở phường Hoàng Liệt đã bốc thăm trúng tuyển cho con vào trường Mầm non Hoàng Liệt cơ sở Tứ Kỳ, 96 phụ huynh phải ngậm ngùi ra về khi bốc thăm phải phiếu không trúng tuyển.
Hoàng Liệt, một xã ven nội vốn trồng rau cung cấp cho nội thành, từng chỉ có 14.000 dân. Nhưng sau hơn 10 năm đô thị hoá với những rừng chung cư mà ấn tượng mạnh nhất là khu "ổ chuột trên cao" của đại gia Lê Thanh Thản, 12 toà chung cư hơn 40 tầng chứa tới 32 ngàn người, giờ đây hơn 8 vạn dân Hoàng Liệt đang ken dày như cá hộp trên diện tích vỏn vẹn 4,9km2.
Rất nhiều người sẽ nói : "Trường nhỏ, lớp chật, người đông, rút thăm là giải pháp công bằng nhất". Nhiều người nữa sẽ lên tiếng: "Học trường gần nhà không phải giải pháp duy nhất, bố mẹ chịu khó chở con đi xa tí, sang... phường bên cạnh, hay bớt ăn nhịn tiêu, thêm tiền cho con vào trường tư, rộng rãi mát mẻ lớp ít học sinh tha hồ yên tâm".
Nhưng mà họ quên mất: cho con học trường tư hay trường nào đó tiện đường đi làm/ít học sinh hơn... là lựa chọn của cha mẹ. Còn đi học (trường công, ở ngay nơi cư trú) là quyền hiến định của trẻ em. Không ai và không bất cứ một lý do gì có thể bào chữa cho việc từ chối nhận một đứa trẻ vào trường công khi đến tuổi đi học ở ngay nơi chúng cư trú
Nhưng, lại quay về bài toán ban đầu: Số chỗ học trong trường có hạn mà số trẻ em đến tuổi đi học lại quá đông? Còn cách nào công bằng hơn rút thăm?
Hàng vạn lượt thắc mắc và trách móc đã đổ lên đầu ngành giáo dục về hiện trạng thiếu trường thiếu lớp này.
Nhưng một câu hỏi đơn giản mà bao lâu nay vẫn không có câu trả lời: Trong những quy hoạch phát triển 10-20 năm, tầm nhìn 30 năm từ các khu đô thị nằm trong đô thị đến các quy hoạch vùng, có nhà quy hoạch nào định lượng được bao nhiêu m2 dành cho trường học/ người dân? Có khu đô thị nào đặt điều kiện tiên quyết: Cứ xây nhà cho 100 ngàn dân bắt buộc phải có 2 trường mẫu giáo, 2 trường liên cấp 1-2 và 1 trường trung học hoặc tương đương.
Lưu ý: Đây là trường do chủ đầu tư xây và bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành theo chính sách công chứ không phải các trường tư thục vận hành theo cơ chế thị trường như hiện nay vẫn phổ biến ở tất cả các khu đô thị khắp cả nước.
Chúng ta thường xuyên tiến hành tổng kiểm kê dân số, chúng ta có cơ quan quản lý di biến động dân cư, có công an hộ khẩu, có tổ dân phố... quá thừa năng lực để ghi nhận trên địa bàn có bao nhiêu trẻ ở tuổi đi học
Chúng ta cũng có đầy đủ ban bệ chức năng để thẩm định hàng trăm dự án ngàn tỉ, xây nhà bán cho hàng triệu người.
Chúng ta cũng có hệ thống đào tạo giáo viên thừa khả năng cung cấp cho hơn 20 triệu trẻ em đang độ tuổi đến trưởng (con số do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xác nhận trong một Hội nghị giáo dục năm 2018 là tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên sư phạm lên tới 19%- một trong những ngành học có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất, và tình hình chưa hề cải thiện cho đến nay).
Năm học mới lại đang đến. Cuộc rút thăm vào trưởng mầm non thất bại của hơn 90 đứa trẻ chập chững vào đời chưa phải là những gì gay cấn phức tạp nhất mà ngành giáo dục phải đối mặt trong năm học này và nhiều năm học nữa.
Nhưng mình ngành giáo dục thì giải quyết sao nổi, khi nhà cứ ken dày và mọc lên cao cao mãi, trường chẳng còn chỗ chen chân, và Đi học- quyền hiến định của mỗi đứa trẻ được sinh ra trên đời, lại trở thành bấp bênh với lá thăm may rủi.