Đường không chỉ để đi

Phạm Trung Tuyến Thứ năm, ngày 25/08/2022 18:32 PM (GMT+7)
Câu hỏi đặt ra là vì sao các chủ đầu tư đường cao tốc không đặt vấn đề cần có trạm dịch vụ ngay từ khi thiết kế, xây dựng, dù biết rằng trước sau gì thì nhu cầu về các trạm này sẽ buộc phải có? Vì sao trong bộ tiêu chuẩn về đường cao tốc không bắt buộc phải có thiết kế các trạm dịch vụ?
Bình luận 0

Không chỉ có con đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (sắp khánh thành) là chưa có trạm dịch vụ. Rất nhiều tuyến cao tốc đã sử dụng vài năm cũng trong tình trạng tương tự, như Trung Lương - Mỹ Thuận, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bắc Giang - Lạng Sơn, hay gần đây là La Sơn - Tuý Loan, đều chưa có trạm dịch vụ. 

Trước đó nữa, các tuyến đường như Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Ninh Bình (gồm Cầu Giẽ - Pháp Vân - Ninh Bình) cũng phải hoạt động nhiều năm mới có trạm dịch vụ.

Mặc dù Nghị định 32/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc nêu rõ trạm dừng nghỉ trên đường là bộ phận công trình của đường cao tốc, song trong Nghị định này chỉ quy định việc quản lý, khai thác.   

Trong khi đó, tại yêu cầu về thiết kế đường cao tốc ô tô trong bộ Tiêu chuẩn Việt Nam thì trạm dịch vụ không được đề cập. Điều này có nghĩa, trạm dịch vụ trên đường cao tốc có hay không có là vấn đề của thị trường chứ không bắt buộc phải có khi đưa vào khai thác. Khi người sử dụng đường cao tốc có nhu cầu, sẽ có doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích đủ lớn và họ sẽ đầu tư.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các chủ đầu tư đường cao tốc (thường là các địa phương) không đặt vấn đề cần có trạm dịch vụ ngay từ khi thiết kế, xây dựng, dù biết rằng trước sau gì thì nhu cầu về các trạm này sẽ buộc phải có? Vì sao trong bộ tiêu chuẩn  về đường cao tốc không bắt buộc phải có thiết kế các trạm dịch vụ?

Tôi nghĩ có khá nhiều lý do.

Thứ nhất, nhu cầu đường bộ cao tốc ở Việt Nam còn rất lớn, trong khi nguồn vốn để xây dựng cao tốc không dễ dàng. Rất nhiều địa phương vẫn loay hoay tìm nguồn kinh phí xây dựng cao tốc  trong nhiều năm qua. Các tuyến cao tốc dọc trục tây bắc lên Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên, hay Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang vẫn luôn trong tình trạng mơ ước. 

Nhiều địa phương mới chỉ đang mong có con đường cao tốc để rút ngắn thời gian di chuyển mà còn chưa có tiền để đầu tư, nghĩ gì đến tiện nghi bổ trợ? Nếu những tiện nghi như trạm dịch vụ, hệ thống thông tin liên lạc... là tiêu chí bắt buộc thì ước mơ cao tốc còn xa hơn.

Đường không chỉ để đi - Ảnh 2.

Trạm thu phí Tiên Yên trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: D.N.

Thứ hai, lợi ích kinh tế từ các trạm dịch vụ là điều ai cũng nhìn thấy trong tương lai, sau khi đường cao tốc đi vào hoạt động. Ai là người có quyền quyết định việc khai thác lợi ích kinh tế từ các trạm dịch vụ này? Địa phương nơi đặt vị trí trạm dịch vụ, chủ đầu tư đường cao tốc, hay nhà thầu BOT? Có vẻ như việc đặt lợi ích kinh tế trong các vùng mờ là một thói quen không dễ bỏ.

Vậy thì làm thế nào để các tuyến đường cao tốc khi được đưa vào sử dụng sẽ luôn sẵn sàng các trạm dịch vụ? Tôi nghĩ, việc đầu tiên cần làm là phải đưa các trạm dịch vụ vào quy hoạch đường cao tốc, và nó phải xuất hiện trong bản thiết kế trình thẩm định. 

Lợi ích kinh tế của các trạm dịch vụ cần phải được tính đến như một yếu tố khi phê duyệt quyết định đầu tư đường cao tốc, để đấu thầu, hoặc chỉ định nhà thầu khai thác ngay từ đầu. 

Khi làm như vậy, chủ đầu tư đường cao tốc chỉ cần bố trí vốn để làm đường, nhà thầu thiết kế vị trí trạm dừng nghỉ, doanh nghiệp trúng thầu khai thác trạm dịch vụ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ theo thiết kế. 

Khi làm như vậy, áp lực tăng chi phí đầu tư đường cao tốc cho các trạm dịch vụ sẽ không còn, thậm chí còn được bổ sung nguồn tài chính từ các nhà thầu trạm dịch vụ nếu công tác đấu thầu được triển khai minh bạch và hiệu quả.

Đầu tư một con đường cao tốc rõ ràng là một việc mang lại rất nhiều lợi ích cho các nhóm đối tượng khác nhau, không chỉ cho sự di chuyển đơn thuần của người dân. Cao tốc là một công cụ phát triển kinh tế nên không thể không tính đến nguồn thu từ các lợi ích kinh tế mà con đường đó mang lại, ngoài việc thu phí từ mỗi chiếc xe qua. 

Khi tính toán như vậy, các trạm dịch vụ không chỉ là nơi để tài xế dừng nghỉ, không chỉ là chỗ đi vệ sinh, ăn uống, đổ xăng... nó còn là điểm thu hút khách du lịch, là trung tâm xúc tiến dịch vụ, quảng bá du lịch, và sản vật địa phương.

Đã đến lúc cần có một cách nhìn khác về đường cao tốc. Đừng nhìn con đường chỉ là một kết cấu hạ tầng giao thông thuần tuý, mà nên thật tâm nhìn nó là một con đường mang đến cơ hội cho cả cộng đồng mà nó đi qua. 

Đừng nhìn lợi ích của con đường ấy qua đồng tiền trả phí của những người lái xe, hãy nhìn vào những lợi ích mà nó có thể tạo ra từ sự chuyển dịch của cả một vùng đất. 

Khi nhìn theo cách đó, những con đường sẽ được hoàn thiện chỉn chu và đồng bộ hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem