Năm xưa không rõ năm nào, tự dưng bị cô giáo chủ nhiệm ghét, từ ngày đó hay dùng là "bị trù". (Thực ra có thể cô nghiêm khắc với tôi chứ không có ý gì). Sau một lần nghịch ngợm, ương bướng, không nghe lời, tôi bị cô bắt lên phòng giám hiệu để cùng các học sinh cá biệt khác nghe giáo huấn.
Nửa đường gặp cô Hiệu phó. Mắt cô trừng lên, giọng alto: Học sinh cá biệt mà cũng đeo khăn quàng đỏ à?
Câu nói này của cô đến nay, tuy đã U50 mà tôi vẫn nhớ. Cũng may là tôi - học sinh tiên tiến toàn tòng (đôi khi học sinh giỏi) không vì chuyện đó mà trở thành đối tượng trên mục An ninh trật tự.
Chuyện cũng không có gì đặc biệt, chỉ là tôi nhớ lại khi đọc tin ông bố ở Hà Tĩnh cầm dao vào trường "nói chuyện" với cô giáo.
Nguyên nhân của sự việc như báo viết: Nhà trường phát loa thông báo gọi tên những em chưa tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc dù trường đã gửi giấy mời cho phụ huynh trước đó một tuần nhưng phụ huynh không đến. Trường yêu cầu những em này lên trước sảnh để nhà trường gặp, nhắc nhở.
Trường Tiểu học xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) được cho là đã có biện pháp "nhắc nhở" 14 học sinh chỉ vì các em chưa nộp 402.000-563.000 đồng tiền bảo hiểm y tế bắt buộc.
Cần nhắc lại, bảo hiểm là việc cá nhân, tổ chức mang tiền đi nộp cho một đơn vị nào đó để có thể được đền bù khi gặp rủi ro, thiệt hại. Thường thì bảo hiểm là giao dịch tự nguyện, thích thì mua, thích mua của ai thì mua, mua loại nào thì mua, mua bao nhiêu tiền thì mua.. Trừ một số loại bảo hiểm phải bắt buộc nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua hay người thứ ba. Ví như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp... Người mua thường đủ điều kiện tài chính cho việc mua bảo hiểm.
Ở đây có 2 cháu bé, 6 tuổi và 10 tuổi bị nêu tên trước trường. Đây có lẽ không chỉ là việc làm "thiếu tế nhị" như Ban giám hiệu và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Sơn tự đánh giá mà là hành vi vi phạm quyền của những đứa trẻ vị thành niên.
Chúng ta có Luật Trẻ em, bộ luật "quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em".
Trong luật này, tại khoản 2 Điều 5 có quy định: "Không phân biệt đối xử với trẻ em".
Khoản 8 Điều 6 cũng quy định, cấm "kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc Điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em".
Còn tại khoản 3 Điều 69 Luật Giáo dục quy định, nhà giáo có nhiệm vụ "…tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học".
Sự việc ở trường Sơn Lâm cho thấy đã có sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với học sinh. Nhà giáo, cụ thể là ban giám hiệu đã chưa đối xử công bằng với 14 học sinh trong đó có 2 người con của ông Đ. (trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Việc bán - mua bảo hiểm hoàn toàn là giao dịch giữa người bán - đơn vị bảo hiểm và người mua chứ không có thấy hình bóng của nhà trường dù trên báo, đại diện phòng giáo dục huyện Hương Sơn có nại ra lý do vận động học sinh do nhân viên bảo hiểm quá ít.
Ở đây không khó để dự đoán nguyên nhân trường Sơn Lâm khá hăng hái trong việc thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh. Như Hiệu trưởng trường này trần tình trên báo: Nếu không đạt, trường sẽ bị nhắc nhở, phê bình. Và như vậy có thể ảnh hưởng đến thành tích thi đua của trường, của ban giám hiệu vào cuối năm học.
Nhưng dù nói gì thì nhà trường không phải đại lý bảo hiểm hay đại lý đồ chơi mà là nơi bồi đắp tri thức, xây dựng nhân cách cho trẻ em, mầm non của đất nước...
Thêm nữa, việc vận động các cháu học sinh mua bảo hiểm y tế, nếu nhà trường muốn, có thể được thực hiện bằng nhiều cách trong đó có việc thầy cô giáo gặp gỡ phụ huynh tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, vận động gia đình tham gia bảo hiểm y tế cho con vì quyền lợi của chính con… Những biện pháp đó, hoàn toàn là những biện pháp giáo dục và không xa lạ với các nhà giáo. Trong những biện pháp giáo dục này không thể có việc nêu tên trong giờ chào cờ. Chắc chắn như vậy.
Việc ông bố cầm dao vào trường đã bị pháp luật xử lý. Xử lý về tội danh hình sự là tương đối nghiêm khắc nhưng đúng đắn với hành vi vi phạm pháp luật của ông Đ. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, nhà trường cũng vi phạm quy định của pháp luật, đặc biệt là khi đối tượng lại là trẻ em, những cá thể còn "non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý" như Tuyên bố về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc.
Theo Trung tâm Khu vực về Học tập Suốt đời của tổ chức SEAMEO, một khía cạnh cơ bản của môi trường học tập là xem trọng người học. Nhưng người học - những đứa trẻ sẽ học hành, vui chơi ra sao khi mà có thể bị bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, phải tát nhau vì nói chuyện riêng hay bị kỳ thị vì chưa nộp bảo hiểm y tế?
Khi mà những hành vi phi giáo dục vẫn tồn tại ở các cơ sở giáo dục và được biện minh chỉ là "thiếu tế nhị".