Giao thông công cộng - cần sự quyết liệt, không thể nửa vời
Giao thông công cộng - cần sự quyết liệt, không thể nửa vời
Phạm Trung Tuyến
Thứ sáu, ngày 23/09/2022 13:04 PM (GMT+7)
Khi nhất quán với nguyên tắc ưu tiên hạ tầng đô thị cho phương tiện vận tải hành khách công cộng, việc tổ chức giao thông buộc phải thay đổi và hạn chế khả năng di chuyển của các loại phương tiện giao thông cá nhân. Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến thói quen di chuyển của người dân, phản ứng cực đoan là khó tránh.
Mấy hôm trước, có tờ báo đưa tin Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) dự toán cần 21.000 tỷ đồng để thay thế 1.100 xe buýt chạy xăng thành xe buýt chạy điện. Ngay sau đó tôi thấy nhiều người mang bảng cửu chương ra để bàn luận về số tiền 19 tỷ cho một chiếc xe buýt.
Lúc đầu tôi thấy buồn cười vì chuyện người ta chỉ nhanh chóng tính giá tiền của cái xe, trong khi không quan tâm đến hiệu quả của việc sử dụng đồng tiền cho giao thông công cộng. Nhưng, sau đó tôi nghĩ, câu chuyện giao thông công cộng ở Hà Nội, ngoài việc ngồi tính tiền cho vui thì cũng khó có thể tính được chuyện gì khác, nếu không thực sự có một quyết tâm đủ mạnh để thực hiện việc tổ chức giao thông cưỡng bức, với ưu tiên số 1 là giao thông công cộng.
12 năm trước, khi kênh phát thanh VOV Giao thông bắt đầu những buổi phát sóng đầu tiên, câu chuyện về giao thông đô thị được bàn đến nhiều nhất là cấm ô tô cá nhân hay cấm xe máy.
Cuối cùng, đến bây giờ, sau một vòng con giáp, ô tô và xe máy vẫn hậm hực chen nhau trên những con đường tắc. bởi vì dù bỏ xe máy hay ô tô, người ta vẫn phải đi bằng một cái gì đó, với tên gọi chung là giao thông công cộng, thứ mà người ta muốn nó phải hoàn thiện trước khi quyết định từ bỏ việc đi lại hàng ngày bằng phương tiện cá nhân.
Có cách nào để hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng trước khi người dân quyết định từ bỏ phương tiện cá nhân không? Tôi nghĩ rằng điều đó là hoàn toàn có thể, khi chúng ta đủ quyết liệt với nguyên tắc ưu tiên hạ tầng giao thông cho phương tiện công cộng.
Có người hẳn sẽ chỉ ra là trước nay vẫn ưu tiên cơ mà. Ví dụ như một số tuyến đường đặt biển cấm ô tô nhưng mở ngoặc xe buýt được hoạt động. Ví dụ như làn dành riêng cho BRT.
Điều đó thì đúng rồi. Nhưng chúng ta cần biết rằng hệ thống hạ tầng giao thông công cộng của một đô thị không phải là một tuyến đường hay một con phố. Nó là một mạng lưới liền mạch và nhất quán. Và nguyên tắc ưu tiên phương tiện công cộng cũng phải nhất quán.
Sự nhất quán đầu tiên là các loại phương tiện công cộng hoạt động chung nền tảng hạ tầng đều bình đẳng. Xe buýt, xe taxi, hay thậm chí xe ôm có sự kiểm soát nhận biết… tất cả các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng đều bình đẳng với nhau trong việc sử dụng hạ tầng, như làn đường, điểm đón trả khách…
Sự nhất quán thứ 2 là mọi tuyến đường đều ưu tiên tối đa cho phương tiện công cộng. Sự ưu tiên tối đa đó bao gồm làn đường riêng cho phương tiện công cộng để đảm bảo tốc độ, và làn đường riêng ấy phải nằm sát vỉa hè để hành khách dễ tiếp cận; là sự miễn giảm thuế đối với phương tiện phục vụ mục đích công cộng.
Khi việc ưu tiên phương tiện vận tải hành khách công cộng được áp dụng theo nguyên tắc trên, dĩ nhiên, phần đường dành cho phương tiện cá nhân đương nhiên sẽ bị thu hẹp, việc sử dụng phương tiện cá nhân đương nhiên sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là không thể dừng đỗ xe trên lòng đường, càng không thể sử dụng lòng đường làm bãi đỗ xe như hiện nay. Lúc đó, việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân sẽ là lựa chọn của người dân đô thị, không cần phải bàn tới việc cấm đoán nữa.
Khi nhất quán với nguyên tắc ưu tiên hạ tầng đô thị cho phương tiện vận tải hành khách công cộng, việc tổ chức giao thông buộc phải thay đổi và hạn chế khả năng di chuyển của các loại phương tiện giao thông cá nhân.
Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến thói quen di chuyển của người dân, và sự phản ứng cực đoan là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để có thể tạo nên được một mạng lưới giao thông công cộng đô thị hoàn chỉnh, cần có một cuộc cách mạng thực sự. Một cuộc cách mạng không có sự dân túy nửa vời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.