Gần 40 năm trước , cha tôi, KTS Tạ Mỹ Duật, một trong những KTS tiền bối của trường Mỹ thuật Đông dương đã thực hiện cuộc triển lãm "Nhà ở nông thôn" giới thiệu mấy chục mẫu nhà ở từ đồng bằng đến trung du, miền núi Bắc Bộ.
Những mẫu "nhà chạy giặc" cho dân ở vùng kháng chiến trên Việt Bắc thời chống Pháp có thể tháo lắp dễ dàng bó lại vác đi đến vùng đất mới, nhưng căn nhà một tầng, nhà có gác lửng, hai tầng đẹp xinh trên cơ sở nếp sống và nguyên liệu truyền thống được đưa vào những thành phần mới để cải thiện cho đời sống sinh hoạt gia đình như góc học cho trẻ, khu bếp, vệ sinh, vườn rau, chuồng nuôi gia súc được bố trí hợp lý thuận tiện và rẻ tiền.
Ngoài ra ông còn đề xuất những ý tưởng về tổng thể qui hoạch nhỏ cho từng cụm nhà, sự phối kết các ngôi nhà riêng lẻ thành một nhóm theo đơn vị như một cái "xóm" nhỏ trong làng quây quần quanh một mảnh vườn như khu sinh hoạt chung của xóm thật lý tưởng.
Chúng tôi cứ nhìn quy hoạch và bản phác thảo từng căn nhà nông thôn của ông cụ mà hình dung ra một bức tranh "nông thôn mới" xanh mát, thanh bình, ngăn nắp, ấm áp...
Cho đến khi kinh hoàng nhận ra "nhà ống" - đặc sản của đô thị Việt nam thời mở cửa đã lan về nông thôn, hơn thế nữa, còn phá tan cả kiến trúc lẫn nếp sống làng quê.
Nhà hộp ở quê được xây dựng bây giờ cũng vẫn như xưa, chủ nhân là những người "sinh ra ở nông thôn" nhưng bố mẹ bây giờ chỉ là ông bà nông dân hết tuổi lao động. Tiền xây nhà của con, những người đã thoát ly ra thành phố hoặc có ở quê thì cũng làm nghề "phi nông nghiệp". Con người đổi thay, cuộc sống và điều kiện kinh tế thay đổi, nông thôn thay đổi thì ngôi nhà không thể là ngoại lệ. Tâm lý mới, thói quen mới, nhu cầu nếp sống và thị hiểu mới đã được thành thị hoá, những ước vọng và niềm hãnh diện của sự thành đạt, tất cả là hợp lẽ, là chính đáng.
Đất của họ, tiền của họ và xây nhà cho họ ở, không dễ để ông kiến trúc bà kỹ sư hay nhà ngiên cứu, bảo tồn văn hoá nào có thể can dự, thay đổi được ý thích của họ cho ngôi nhà của mình.
Làng xóm xưa, ngôi nhà xưa là môi trường sống được hình thành và kiến tạo theo một quá trình hoàn toàn" thuận nhiên", theo "ý Giời" mà làm ruộng, làm nhà. Từ đó, nếp ăn ở, cách ứng xử với nhau theo khuôn phép được sinh ra từ không gian quần tụ, gắn bó, ấm áp trên tinh thần "nương nhau" mà sống, có xóm, có làng.
Có lẽ lòng trắc ẩn, tình yêu thương cũng từ cái không gian sống hiền lành, nếp ăn ở đấy mà ra. Trong khung cảnh ấy, cảm xúc và những cảm nhận về thiên nhiên được nuôi dưỡng, tiềm ẩn trong mỗi con người như là lẽ "tự nhiên" vốn là như thế.
Nhà cửa rộng rãi với những tiện nghi đủ rất cần cho đời sống, nó mang lại cho con người sự "thoả mãn" nhưng đồng thời cả sự "tự mãn", tính "nương nhau" của xóm thôn xưa giờ thành "ganh đua nhau" trong những căn nhà phố ở làng, mọi xúc cảm tự nhiên với cây cỏ, gió trời, tâm lý cư dân cũng khác. Sự chất phác, tính hồn nhiên và cảm xúc con người dần mòn đi theo tiện nghi.
Có lẽ mặt "tiêu cực" của mô hình nhà phố ở làng, ngoài vấn đề như các nhà chuyên môn, bảo tồn văn hoá hay phán xét, nào là làm mất bản sắc, học đòi kiểu "trọc phú", "thẩm mỹ quê mùa" này nọ nhưng thực ra những ngôi nhà đó chính là tâm tư, là niềm ao ước bản năng của những con người gốc nông dân, nó chính đáng và không quá nghiêm trọng.
Nó chưa nguy hiểm bằng những hệ luỵ tiềm ẩn bên trong, ấy là sự phá vỡ, làm suy tàn cái cấu trúc quần cư, nhà ở với các đặc điểm đầy nhân văn của lối sống có tình người, tình cảm xóm thôn và nhưng giá trị "phi vật chất" khác được tạo nên từ ngôi nhà truyền thống.
Có một câu hỏi về "tâm lý của người nông dân" mà ít ai đề cập đến, là tại sao người ta hay nói về người nông dân với tính cách vô cùng mộc mạc, bình dị. Khi nói về ngôi nhà và lối sống xưa của cha ông ta ở thôn quê luôn gắn với hình ảnh một ngôi nhà nhỏ đơn sơ thanh cảnh với cỏ cây hoa lá cùng một đời sống thanh tao đạm bạc.
Có lẽ do hoàn cảnh và tố chất mà ra thôi, cái đời sống ấy chỉ ở bậc trung lưu và người có chữ, những ông thầy đồ, nhà Nho chí sỹ sống một đời ẩn dật ổn thoả để thưởng ngoạn. Dân nghèo khó sống "đạm bạc "chỉ vì không thể có điều kiện để khác đi. Và khi có thời cơ thì "nổi dậy" vùng lên và dễ dàng đập phá hết những giá trị xa hoa mà người ta bảo là xấu xa của giai cấp bóc lột thống trị không thương tiếc, kể cả những công trình tâm linh như đình chùa miếu mạo, mà về sau khi có điều kiện thì chính những con cháu của các người ngày xưa ấy lại có vẻ như thèm muốn và thích thú với chính những thứ xưa kia ông cha mình mạnh tay phá bỏ.
Sự cầu kỳ diêm dúa đầy xa xỉ của "giai cấp thống trị" xưa giờ sống lại trong chính ngôi nhà của gia đình nông dân hay gốc nông dân với đầy đủ các thành phần từ chi tiết trang trí mặt tiền đến những vật dụng xa hoa như ghế bàn chạm trổ, sập gụ tù chè, hổ báo sư tử đá gầm ghè trước của. Một chi phí rất lớn cho sự xa hoa rối rắm và rất không phù hợp với không gian thanh bình êm ả làng quê. Sự lãng phí dù là tiền của tư nhân cũng là tài sản xã hội sao mà xa xót.
Làng quê là nơi dư thừa không khí trong sạch và điều kiện để tận hưởng không khí mát lành của gió tự nhiên, nhưng người ta cứ làm những cánh của nhôm kính bít bùng, nhà ống sử dụng máy điều hoà vừa tốn điện vừa có hại cho sức khoẻ trong khi có thể hít thở khí trời.
Làm thế nào để cải thiện và thay đổi dần nếp nghĩ và thói quen ấy?
Bao năm nay hình như các nhà quy hoạch, thiết kế chưa có một nghiên cứu, một giải pháp nào kỹ lưỡng cho quy hoạch và thiết kế nhà ở nông thôn mới, ngoài mấy mẫu thiết kế điển hình được in thành sách có nhiều điểm bất cập bầy trên kệ "sách ế" ở hiệu sách.
Tôi luôn lấy làm tiếc rằng các ý tưởng của KTS Tạ Mỹ Duật và các đồng sự thế hệ ông chỉ dừng lại như một cuộc giới thiệu giải pháp dù tình hình lúc đó với hiện trạng đất đai còn rất hoang sơ, rộng rãi có nhiều thuận lợi để xây thử nghiệm một mô hình trong thực tế.
Nếu tinh thần ấy được "hiện thực hoá" như một kiểu mẫu dẫn dắt cách nhìn và nghĩ, tác động đến nhiều người, biết đâu có thể hình thành một xu hướng văn minh tiến bộ hơn, có thể hạn chế được những kiểu nhà phố ở làng như hiện nay.
Những ngôi nhà ở quê thường xây trên mảnh đất thổ cư đã hiện hữu từ lâu đời, với hiện trạng ấy không thể có một giải pháp quy hoạch hay chỉ tiêu kiến trúc áp đặt nào như ở thành phố, mà xưa nay những đồ án quy hoạch cho khu nhà ở nông thôn hoặc là trên bản vẽ nghiên cứu, hoặc chỉ là xây dựng cho những khu tái định cư.
Với tình trạng như thế, bây giờ vấn đề chắc chỉ có thể bắt đầu với từng căn nhà riêng lẻ, nếu có thiết kế tốt, xây lên có sức thuyết phục sẽ dẫn đến một cụm nhà và sau đó có sức lan toả thành một trào lưu.
Thực ra những người chủ ngôi nhà ở nông thôn bây giờ một mặt vẫn mê mẩn chạy theo xu hướng "thị dân mới", nhưng sâu thẳm trong lòng, thói xưa nếp cũ, đường ăn nếp ở quen thuộc, một phần thuộc tính "nhà quê" vẫn còn tồn tại trong lòng.
Các ông bà ở quê ra thăm con ngoài thành phố sống trong toà nhà cao tầng, thang máy với các tiện nghi hiện đại vẫn luôn canh cánh một nỗi bất an.
Ngay những người ở quê ra thành phố làm việc đã tậu nhà hoặc đã xây nhưng căn nhà ngoài thành phố mỗi cuối tuần, ngày lễ tết vẫn hồ hởi về nhà sống những ngày thoải mái tự nhiên, tận hưởng những gì quen thuộc gắn bó nhất với mình từ nhỏ.
Không hẳn nông thôn bây giờ đã mất hết, không còn đất để làm nhưng ngôi nhà xinh xắn thấp tầng mà vẫn đủ chỗ cho một gia đình với số nhân khẩu vừa phải. Cơ cấu dân số ở nông thôn giờ đã thay đổi, ở nhiều nơi có những ngôi làng vắng lặng, người trẻ và trong tuổi lao động rời làng ra thành phố học tập và làm việc, nhiều gia đình ở nhà chỉ có ông bà và cháu nhỏ chỉ thỉnh thoảng có con cái về thăm, áp lực về chỗ ở không quá lớn để phải chồng các không gian lên nhau trong một ngôi nhà ống nhiều tầng.
Vì vậy vẫn có thể còn giải pháp bắt đầu từ những gì ít ỏi còn lại trong con ngươi những chủ nhân của những ngôi nhà nông thôn mới ấy. Hiểu và theo đúng cái tâm lý tình cảm của họ, dẫn dắt sao cho họ hiểu ngôi nhà là nơi người ta sinh sống là chính, thuận tiện, văn minh, có lợi cho sức khoẻ và đỡ tốn kém.
Một ngôi nhà đã xây hoàn chỉnh nhờ thiết kế thành công dễ có sự tác động tâm lý và sức lan toả vì cái "tính phong trào", sự ganh đua cố hữu của dân ta, phát triển từ một nhà mẫu có thật thành một cụm nhà rồi từ đó loang dần ra thành một trào lưu với qui mô rộng hơn.
Nếu được như thế, hoạ may những ngôi nhà phố "vô cảm" ở làng dần giảm và thay vào đó là những ngôi nhà mới gần với "nếp xưa", với thiên nhiên, làng xóm hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.