Vốn dĩ là người luôn tin rằng xăng dầu chẳng thể nào hết được, cứ từ từ rồi sẽ đến lượt, nhưng khi nhìn dòng người xách những chiếc can to tướng, xếp hàng dài dằng dặc chờ mua xăng, tôi cũng thấy phần nào hoang mang.
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày xuất hiện tình trạng các cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt. Cơn khát chưa vơi đi chút nào, lại còn lan từ trong Nam ra ngoài Bắc. Lúc nào cây xăng cũng đông nghẹt. Sáng nay cây xăng gần nhà lại đóng cửa, tôi thì đã bỏ thói quen chờ xăng cạn bình mới mua, mà chỉ cần đồng hồ báo chạm vạch đỏ là đi xếp hàng liền.
Có ai đó từng tố cáo "có người còn nửa bình xăng cũng đi mua". Nhưng thôi, như một cô gái ngoài 40 tìm kiếm tình yêu nói: "Sĩ diện gì tầm này". Ai biết đâu được, ngày mai khi xe tôi hết xăng, cây xăng này còn mở cửa, hay đã treo biển "Hết xăng", "Nhập hàng"?
Vâng xăng dầu trong kho hay đâu đó thì đúng là vẫn chưa hết, nhưng khi mình cần lại chưa có ở ngay vòi bơm của cây xăng.
Trong bất kỳ một cơn sốt thiếu hàng hóa nào, tích trữ là một hệ quả tất yếu xảy ra. Thiếu gạo, phải tích trữ gạo. Thiếu thuốc, càng phải lùng mua tích trữ thuốc. Thiếu xăng cũng vậy.
Ngày thường, một người chạy xe máy có thể đi đến cạn bình xăng rồi, mới ghé cây xăng rụt rè đổ 50 ngàn. Nhưng với hành vi mua tích trữ, mang can mang thùng đi đổ xăng, nhu cầu có thể tăng gấp đôi là chuyện rất bình thường.
Trong đợt giá xăng tăng kỷ lục hồi đầu năm, tôi chứng kiến một bác trữ cả can 20 lít xăng trong nhà, trong khi bình xăng xe máy của bác chỉ có 4 lít. Như vậy bác đã lập tức tăng lượng tiêu thụ lên 500%. Mà nhìn hàng dài người xách can đi mua xăng thì biết, người như bác nhiều lắm. Xăng đã khan do đó lại càng hiếm.
Việc mua tích trữ bắt nguồn từ sự lo sợ đứt gãy nguồn cung hàng hóa. Những hàng người xếp dài ngày này qua ngày khác, những cây xăng đóng mở chập chờn lặp đi lặp lại cả tháng đã củng cố một nhận thức rõ ràng: Có vấn đề thật sự với xăng dầu.
Với người dân, xăng đủ hay thiếu thể hiện ở đầu vòi bơm, chứ không phải con số trên giấy. Vòi treo, cây xăng đóng, thời là lúc niềm tin của người dân vào lời cam đoan không thiếu xăng cũng rỗng y như mấy chiếc can nhựa rỗng. Khi niềm tin đã rỗng, phải đổ xăng đầy can, ai có thân người nấy lo.
Vòng xoáy thiếu hàng - tích trữ - thiếu hơn nữa - càng tích trữ điên cuồng hơn, nó là quy luật. Không phải dân ta thấp kém mới làm vậy, mà xưa nay ở bất kỳ đâu cũng có tình trạng đó. Dân Mỹ cũng từng vác can vác thùng đi mua xăng về nhà cất giữ. Lý do cũng bởi lo sợ hết xăng để mua, cứ tự tích trữ cho chắc.
Chuyện đó xảy ra nhiều lần, nên các chính phủ nghĩ ra một cách nhằm trấn an dân chúng trong những giai đoạn khủng hoảng như vậy: Lập kho dự trữ xăng dầu thật lớn, để tới lúc thiếu thốn thì tung hàng dự trữ ra. Tuy rằng dự trữ khó mà kéo được dài mãi, nhưng cũng đủ cấp cứu ít lâu.
Không chỉ "méo mó có hơn không", kho dự trữ còn có tác dụng trấn an rất tốt. Mỗi khi có chuyện, Tổng thống Mỹ luôn có thể tự tin nói với người dân rằng: Chính phủ sẽ xả kho 15-20 triệu thùng dầu, yên tâm sẽ có đủ xăng dầu cho bà con trong lúc chờ thị trường ổn định lại.
Bao năm nay nước Mỹ vẫn làm vậy. Mới tháng 10 đây thôi, chính quyền Mỹ thông báo sẽ "hoàn thành đợt xả kho 180 triệu thùng dầu", và nếu cần thì sẽ có những đợt xả kho bổ sung vào mùa đông. Thông điệp gửi tới người dân Mỹ và cả ai đó bên ngoài nước Mỹ cần nghe là: Nước Mỹ sẽ ổn ít ra hết mùa đông này, và có thể sau đó vẫn ổn. Thực ra, 180 triệu thùng dầu chỉ mới bằng 9 ngày tiêu dùng của thị trường Mỹ, không phải rất lớn, nhưng tác dụng trấn an là vô cùng rõ ràng. Kho dầu dự trữ thực tế là cái kho cất giữ niềm tin của dân Mỹ vào năng lực ứng phó của chính quyền với các trường hợp xảy ra khủng hoảng năng lượng.
Kho dự trữ dầu của Mỹ không cố định mà co giãn tùy thời. Lúc cao điểm, nó tương đương 36 ngày tiêu thụ của nước Mỹ. Sau đợt xả mạnh hồi tháng 5 để đối phó khủng hoảng do xung đột Nga - Ukraine, kho còn lại khoảng 1 tháng tiêu thụ, theo thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE). Còn với tuyên bố xả 180 triệu thùng vừa rồi, kho dầu dự trữ này sẽ còn lại đâu đó 400 triệu thùng, tương đương 20 ngày tiêu thụ. Khủng hoảng dịu hoặc qua đi, họ lại bổ sung vào kho.
Các nước khác cũng đều làm như Mỹ. Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết dự trữ của nước này vào khoảng 40-50 ngày.Australia có 30 ngày nhưng đang có kế hoạch tăng dự trữ lên tới 80 ngày, theo Bộ Năng lượng nước họ. Thái Lan yêu cầu các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên tới 70 ngày tiêu thụ từ hồi tháng 3/2022. Kho dự trữ trung bình của thế giới là 30 ngày.
Nếu không có kho dự trữ thì sao? Cũng không sao lắm, như nước Lào. Báo chí đăng tin, Lào đã rơi vào tình trạng thiếu xăng dầu từ tháng 6. Xe cộ xếp hàng dài trước cây xăng, người dân dậy từ 5h sáng đi đổ xăng, mang cả đồ ăn theo phòng lỡ bữa chứ nếu chỉ xếp hàng nửa tiếng thì quá thường. Nhà nước làm đủ mọi cách: Giảm thuế phí, kêu gọi người dân tiết kiệm, bán xăng theo định mức… Rốt cục người dân vẫn phải đi "du lịch" sang Thái Lan mua xăng.
Rất may, Việt Nam có dự trữ xăng dầu, gồm 2 phần: Dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp xăng dầu (theo quy định phải đủ 20 ngày lưu thông) và dự trữ quốc gia.
Dự trữ lưu thông là phần doanh nghiệp phải tự chi trả chi phí.Bộ Công thương cho hay: giai đoạn vừa rồi kinh doanh khó khăn, có doanh nghiệp không chịu nổi chi phí nên đã giảm hàng tồn kho, làm cho ở một số thời điểm, dự trữ không đủ 20 ngày như quy định. Bộ không nói "không đủ 20 ngày" là cụ thể còn được mấy ngày, nhưng thừa nhận điều này khiến nguồn cung xăng dầu có nơi, có lúc bị thiếu cục bộ.
Dự trữ quốc gia hiện tại cũng đang gửi ở kho các doanh nghiệp, với lượng tương đương 6,5 ngày tiêu thụ. Con số này hiển nhiên là quá mỏng: Nếu buộc phải xả kho, chỉ chưa tới 1 tuần là hết, nói nôm na là "chưa đã". Với lượng dự trữ đó, người dân hiểu rằng công cụ "cứu nạn" của cơ quan quản lý sẽ chỉ có hiệu quả ở một mức độ tương ứng. Tất nhiên không thể có chuyện xả kho với lời tuyên bố "qua hết cả mùa đông".
Hiểu rõ hơn ai hết về ý nghĩa của kho dự trữ xăng dầu quốc gia, Bộ Công thương muốn đến năm 2025, phải nâng được lượng dự trữ lên mức 1 tháng tiêu thụ. Dĩ nhiên kho dự trữ quy mô 1 tháng không phải đũa thần giải quyết mọi chuyện, cũng không chấm dứt được ngay cơn khát xăng dầu trước mắt. Nhưng đó chắc chắn là một tính toán có tầm nhìn. Ít nhất, khi có tình huống không hay, người dân có quyền tin rằng cái kho đó đảm bảo đủ xăng dầu cho mọi người. Quan trọng là không cần phải đẩy cơn sốt lên cao gấp đôi chỉ vì ai cũng cố gắng tích trữ xăng dầu trong chai lọ.