2.467,3 tỷ đồng để thực hiện thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn
Trao đổi tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 24/11, ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác (Cục Kinh tế hợp tác) thông tin: Ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT ký Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT về phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh gồm Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.
Đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2022-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án.
Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên hợp tác xã; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.
Giai đoạn 2022-2023 sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích lớn, lên tới gần 167.000ha, gồm cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc 14.000ha; gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, FEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung 22.900ha; cây cà phê Tây Nguyên 19.700ha; lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên 50.000ha; cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười 60.200ha.
Ông Định cho biết, đề án cũng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân liên kết trong vùng nguyên liệu. Thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường...
Giai đoạn 2024-2025 mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ hợp tác xã gồm trung tâm logistics chuỗi lúa gạo huyện Thoại Sơn (An Giang); trung tâm logistic lúa - tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang); trung tâm logistics chế biến tôm huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng); trung tâm logistics trái cây Mỹ Hiệp (Đồng Tháp); trung tâm logistics chuỗi cà phê (Gia Lai).
Ông Định cho hay: Tổng kinh phí thực hiện đề án 2.467,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 942,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 409,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó là vốn đối ứng của doanh nghiệp và hợp tác xã 572,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 552,3 tỷ đồng.
Để triển khai đề án này, Bộ đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Cục Kinh tế hợp tác, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các Vụ, Viện và các trường..., trong đó, Cục KTHT sẽ là đầu mối triển khai cho các đơn vị.
Cũng theo ông Định: Trong đề án này, sẽ phát triển các HTX, THT nông dân liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề án cũng sẽ có sự vào cuộc của hệ thống khuyến nông cộng đồng.
Cụ thể, ở vùng 1 là cây ăn quả miền núi phía Bắc, tập trung là Sơn La - Hòa Bình sẽ ưu tiên phát triển cây dứa, chanh leo, xoài phục vụ chế biến, xuất khẩu. Vùng 2 gỗ rừng trồng ở vùng duyên hải miền Trung. Vùng 3 là nguyên liệu cà phê tại tây nguyên. Vùng 4, trái cây tập trung ở Đồng Tháp Mười tập trung tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An với các loại cây xoài, sầu riêng. Vùng 5 là lúa gạo Tứ Giác Long Xuyên.
14 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản ở các vùng nguyên liệu
Ông Định thông tin thêm, theo thống kê sơ bộ, hiện nay đã có 14 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản ở các vùng nguyên liệu tham gia vào Đề án. Đây là các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt các chuỗi sản xuất nông sản để phát triển các vùng nguyên liệu và liên kết với HTX. Sau đó thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Đối tượng thứ 2, ở trong vùng nguyên liệu theo thống kê có gần 300 HTX nông nghiệp. Đây là những chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất cũng như tham gia liên kết trong chuỗi sản xuất này.
Đối tượng thứ 3 chính là những khuyến nông cộng đồng. Ở 13 tỉnh này mỗi tỉnh sẽ thành lập 10 tổ khuyển nông cộng đồng, như vậy sẽ có 130 tổ khuyến nông cộng đồng ở 13 tỉnh.
Đối tượng thứ 4 tham gia là có gần 200.000 hộ nông dân, trang trại những người trực tiếp canh tác các sản phẩm nông nghiệp ở các vùng nguyên liệu này.
"Bộ NNPTNT chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Với tinh thần chỉ đạo của đề án này thì một vùng nguyên liệu đạt chuẩn phải đáp ứng được 6 yêu cầu" - ông Định nói và chỉ rõ: Thứ nhất về hạ tầng được đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng không chỉ đường giao thông trục lộ lớn mà cả đường giao thông trong lộ vùng, hệ thống kho chứa, bảo quản…
Thứ 2 là các HTX được củng cố, hoạt động hiệu quả gắn kết với các chuỗi. Thứ 3, giữa các doanh nghiệp và HTX gắn kết với nhau bằng chuỗi giá trị trong vùng nguyên liệu.
Thứ 4 chuẩn hoá đội ngũ khuyến nông cộng đồng. Thứ 5 hệ thống dịch vụ công của nhà nước được tập trung vào, ví dụ thông tin về thị trường, dịch bệnh, cung cấp dịch vụ về cấp mã vùng trồng đều được đồng bộ. Thứ 6 chính là câu chuyện chuyển đổi số, số hoá vùng nguyên liệu, số hoá công tác quản trị.
Với 6 yêu cầu đó thì rõ ràng các đối tượng tham gia vào đây sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Tôi lấy ví dụ các doanh nghiệp đầu tàu tham gia trước hết họ được hưởng lợi từ vùng nguyên liệu, được sản xuất tập trung, được đồng bộ hạ tầng…
"Các HTX được đào tạo tập huấn, được củng cố nâng cao năng lực, được hỗ trợ trang thiết bị máy móc sơ chế, bảo quản nông sản. Các tổ khuyến nông cộng đồng được củng cố, nâng cao năng lực. Các hộ nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập", đại diện Cục Kinh tế hợp tác nhấn mạnh.
Theo ông Định, nhu cầu nguồn vốn thực hiện đề án lớn nhưng nguồn lực không chỉ của nhà nước mà kế hoạch xã hội hóa của các doanh nghiệp, nhà tài trợ vào.
"Tổng vốn rất lớn nhưng Trung ương chỉ khoảng 30%, tập trung vào các công tác về phần mền, đào tạo, tập huẫn, hỗ trợ tổ khuyến nông cộng đồng... Các địa phương các cũng cam kết dành vốn cho chương trình này, như việc phát triển các HTX...
Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX cũng góp vào thực hiện, cam kết đầu tư, đồng hành cùng chương trình.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp thực hiện các gói, nguồn vốn ưu đãi lớn, các ngân hàng chi nhánh ở các địa phương cũng rất ủng hộ... Nguồn vốn tuy lớn nhưng theo tôi với sự vào cuộc của các đơn vị từ trung ương đến địa phương sẽ thực hiện được" ông Định khẳng định.