Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 28/10/2022 09:21 AM (GMT+7)
Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi là trụ đỡ lớn của nông nghiệp, tăng trưởng đạt 4,5 – 4,6%/năm, làm sao có môi trường, hệ sinh thái để chăn nuôi phát triển bền vững?
Bình luận 0

Ngành chăn nuôi thời gian qua có những bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 6%/năm, sản lượng thịt năm 2021 đạt gần 7 triệu tấn, dự kiến năm nay sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt.

Trong đó, đàn lợn hiện có quy mô rất lớn, đạt 28,6 triệu con, sản lượng thịt hơi 3,23 triệu tấn (tính đến 9 tháng đầu năm 2022). Đàn gia cầm 533,4 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kì, trong đó gà chiếm 80%. Tổng đàn trâu 2,27 triệu con, giảm 1,1% nhưng thịt hơi tăng lên 88.000 tấn; bò 6,41 triệu con, tăng 3,4% so với cùng kì...

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 1.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ảnh: TL

Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đã đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi. Điều đáng nói là do giá nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine nên giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh.

Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất đều tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm thì không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành, cộng thêm các loại dịch bệnh đe dọa nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải treo chuồng.

Chăn nuôi còn nhiều dư địa phát triển bởi có thị trường tiêu thụ lớn, với hơn 100 triệu dân, lại gần với thị trường Trung Quốc, nhưng để đạt tầm khu vực và thế giới thì còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, từ khoa học công nghệ, giống, thức ăn chăn nuôi, đến xử lí môi trường, tuy nhiên các khó khăn lớn vẫn còn, nhất là nút thắt cung cầu làm hạn chế sự phát triển của ngành.

Về phía các doanh nghiệp, do phải lệ thuộc vào nhập khẩu nên bị động trong sản xuất, tốn kém thêm nhiều chi phí logistic, buộc phải tăng giá bán nếu không sẽ bị lỗ.

Lí giải về việc "quanh năm" phải đi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ chăn nuôi lợn và gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn, với khoảng từ 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh, là trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp nên rất cần sự tham gia nhiệt tình của các hiệp hội, ngành hàng nhằm xây dựng hệ sinh thái cho ngành phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả. Ảnh: M.H

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đặt ra câu hỏi: Chăn nuôi là trụ đỡ lớn của nông nghiệp, tăng trưởng bình quân đều đạt 4,5 – 4,6%/năm, nhưng làm sao có môi trường, hệ sinh thái cho ngành phát triển xứng tầm? 

Trước những vấn đề nêu trên, ngày 28/10, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT), phối hợp báo NTNN/Dân Việt tổ chức tọa đàm: Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả. 

Tham dự buổi tọa đàm có:

1. Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) 

2. Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia 

3. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội. 

4. Ông Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Ngành hạt giống, Công ty Syngenta Việt Nam.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 3.

Nhà báo Lưu Quang Định - TBT Báo Nông thôn Ngày nay tặng hoa cho các khách mời tham gia tọa đàm.

 Tự phối trộn thức ăn chăn nuôi – Giải pháp giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi 

 Để giảm tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng đối với bà con nông dân, được biết, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một số mô hình hướng dẫn người chăn nuôi tự phối trộn thức ăn cho lợn, gà để giảm chi phí; hay trồng cây ngô sinh khối để ủ chua làm thức ăn cho gia súc… Chia sẻ về vấn đề này, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định:

Việc trồng ngô làm nguồn nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi và phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đã trở nên phổ biến nhưng vẫn còn một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, vấn đề chọn giống và kỹ thuật trồng vẫn chưa đồng đều và chưa thống nhất ở nhiều địa phương. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã phối hợp, liên kết với nhiều tỉnh, thành như Hòa Bình, Hà Nam… để trợ giúp nông dân vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là gói kỹ thuật trong nông nghiệp tuần hoàn.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 3.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Ở Hà Nam chúng tôi đã trợ giúp mô hình nuôi bò với cây húng quế, điển hình cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn khi câu húng quế có thể sử dụng để phối trộn với làm thức ăn, và chất thải trong chăn nuôi quay lại sử dụng làm phân bón phát triển cây trồng.

Thứ hai, phần cơ giới hóa cũng rất quan trọng vì nó giúp chúng ta tăng năng suất sản xuất và tiết kiệm được chi phí đầu vào. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã tổ chức nhiều hội thảo đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất cây ngô. Đặc biệt, vụ đông tới đây sẽ có những biện pháp kỹ thuật cụ thể để hướng dẫn bà con miền núi phía Bắc phối trộn thức ăn, chủ động được nguồn thức ăn thô, tinh cho đàn gia súc khi mùa đông kéo dài.

Thứ ba, việc trồng ngô sinh khối ở nhiều địa phương vẫn mang tính tự phát, bà con tự trồng và tự bán cho thương lá, chất lượng cũng như sản lượng chưa thể đảm bảo. Do đó, chúng tôi khuyến cáo và khuyến khích bà con trồng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, theo đúng kỹ thuật mà bên Khuyến nông đã phổ biến để có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Cũng về vấn đề phối trộn thức ăn chăn nuôi, có mặt tại Tọa đàm, Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Nội cho biết: Phải khẳng định, việc nhiều nông hộ tận dụng, phối trộn thức ăn là một giải pháp trước mắt để giảm chi phí giá thức ăn chăn nuôi.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 5.

Để tận dụng nguyên liệu sẵn có, phát huy thế mạnh vùng miền, phối trộn thức ăn tinh nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc phối trộn, tận dụng này chỉ phù hợp với chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ và vừa còn chăn nuôi công nghệ cao thì khó tận dụng. Trong việc tận dụng, phối trộn thức ăn, nếu tính toán không hợp lý lại có thể gây lãng phí. Hiện, nhiều hộ phối trộn thức ăn nhưng công thức phối trộn không hợp lý, trộn thủ công, như trộn bê tông nên không đều, gây lãng phí.

Nhiều bà con cho vào thùng, gây nấm mốc nên chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi, thậm chí còn lây lan dịch bệnh. Do đó, tôi khuyến cáo bà con, khi phối trộn thức ăn phải đảm bảo tỷ lệ và vệ sinh, đúng quy cách.

Giá thức ăn nuôi "phi mã", chăn nuôi chật vật

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 17 lần, điều đáng chú ý là không giảm một lần nào. Điều này đã khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ do chi phí tăng lên. Điều này đã gây những tác động bất ổn lên ngành chăn. Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh:

Trong hệ thống chăn nuôi thì thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm 65 – 70% chi phí sản xuất, chăn nuôi chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ sang chăn nuôi trang trại, đặc biệt là chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, khép kín. Do vậy, trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa hệ thống chăn nuôi không thể không gắn với thức ăn công nghiệp.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 4.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, phần lớn các nhà máy đều có công nghệ sản xuất hiện đại, tuy nhiên nguyên liệu đầu vào cho hệ thống sản xuất mới là quan trọng.

Do vậy, tôi cho rằng, cần thiết phải tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần sử dụng lên đến 33 triệu tấn, trong đó 65% phụ thuộc nhập khẩu. Trong bối cảnh của thị trường thế giới có nhiều biến động (xung đột Nga – Ukraine, nhiều quốc gia tăng tỷ lệ dự trữ lương thực, thậm chí cấm xuất khẩu); thiên tai, hạn hán ảnh hưởng đến năng suất ngô, đậu tương; đứt gãy chuỗi cung ứng hậu Covid – 19 đã khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội.

Có mặt tại Tọa đàm "Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững", ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội, cho biết, Hà Nội dứng tấp đầu cả nước, gia cầm 37-39 triệu con, đàn lơn 1,5 triệu con, trâu bò 164.000 con. Sau 2 năm, bà con ở Hà Nội phải chịu trận vì giá thức ăn tăng 17 lần.

Biến động về mặt giá, người chăn nuôi không tính được đầu vào, đầu ra nên bà con bị động, không tính toán được công việc. Hiện nay, đàn gia cầm chiếm trên 90% cung cấp cho Hà Nội.

Ông Sơn bày tỏ sự vui mừng khi bà con nông dân đã chuyển cơ chế thị trường đó là sang chăn nuôi gà giống sang nuôi gà thương phẩm. Nhiều hộ chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi bò để tận dụng được sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn phục vụ làm thức cho vật nuôi... Thậm chí có những hộ gia đình chuyển sang nghề kinh doanh khác trồng hoa, cây cảnh... Đặc biệt, các hộ nông dân đều thực hiện tốt hơn các phế phẩm nông nghiệp như rơm, thân đậu... ủ làm thức ăn cho vật nuôi. Một trong những kết quả đáng mừng đó là 15.000 con bò sữa cũng được bà con sử dụng phế phẩm ủ làm thức ăn đảm bảo.

"Chúng ta phải chấp nhận thức ăn tự phối trộn để chăn nuôi. Phối trộn tốt nhưng không đảm bảo đúng dinh dưỡng sẽ "lợi bất cập hại" làm ăn hưởng đến chăn nuôi. Theo ôi bà con cần phải phối trộn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, khuyến nông đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng giúp đàn vật nuôi phát triển tốt, hiệu quả.

Tôi khẳng định, đến thời điểm này, dù giá thức ăn tăng cao nhưng việc chăn nuôi của bà con ở các vùng Hà Nội vẫn phát triển bình thường" - ông Sơn nhấn mạnh thêm.

 Trồng ngô sinh khối tạo nguồn nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi 

Gửi câu hỏi về cho Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Mùi, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết: Hiện nay, gia đình tôi rất muốn trồng ngô để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, đỡ phải đi mua thức ăn công nghiệp, các chuyên gia có thể tư vấn cho tôi trồng những giống ngô nào để đạt năng suất cao nhất?

Trả lời câu hỏi của nông dân Nguyễn Văn Mùi, ông Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Ngành hạt giống, Công ty Syngenta Việt Nam cho biết, Syngenta là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao các sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi hoạt động trong hai lĩnh vực chính giống và thuốc BVTV.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 6.

Người nông dân tại Phú Thọ phấn khởi vì một vụ ngô được mùa. Ảnh: VietQ.

Trong thời gian qua mảng hạt giống của Syngenta tại Việt Nam, chúng tôi đã chuyển giao ra thị trường khoảng hơn 10 giống ngô và lúa lai các loại. Đối với sản xuất nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi thì có thể nói cây ngô là cây trồng rất quan trọng để phục vụ làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi cũng như phục vụ trực tiếp cho gia súc sử dụng ngô sinh khối. 

Nói về các giống của Syngenta cũng như của các đơn vị kinh doanh trên thị trường hiện nay thì rất đa dạng, từ các giống ngô chuyên cho lấy hạt, cũng như giống để lấy sinh khối, ủ chua. Đối với khu vực miền Bắc, tại Bắc Giang, Syngenta có các giống ngô như NK4300, NK 7328, NK 6275 là những giống ngô bà con sử dụng rất nhiều. 

Trong thời gian qua xu hướng sử dụng ngô lai chuyển gen thì đang diễn ra rất nhanh do áp lực sâu hại ngày càng tăng. Hiện nay, các sản phẩm giống ngô lai kháng sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ được bà con sử dụng nhiều hơn, đơn cử như: 4300 BTGT, 7328 BTGT…là những sản phẩm vừa thừa hưởng đặc tính của giống nền có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh thì thêm vào có các đặc tính kháng sâu, bảo vệ mùa màng tốt hơn, giảm chi phí thuốc BVTV, gia tăng năng suất và hiệu quả.

Trong thời gian tới việc sử dụng nhiều giống ngô lai mới, đặc biệt ngô lai chuyển gen sẽ giúp bà con nông dân có được năng suất và hiệu quả cao hơn.

Hiện năng năng suất ngô ở các nước tiên tiến như Mỹ rất cao, bình quân 10 tấn/ha, trong khi ở Việt Nam có khoảng 900.000ha sản xuất ngô nhưng năng suất chưa vượt qua được 5 tấn/ha. Trong đó, giống là nguyên nhân đầu tiên, một số các kh vực vùng sâu, vùng cao vẫn sử dụng các giống năng suất không cao. Như vậy việc chuyển đổi sang giống ngô lai mới có năng suất cao hơn thì rất cần thiết. 

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Ngành hạt giống, Công ty Syngenta Việt Nam.

Bên cạnh giống ngô thường thì ngô lai chuyển gen sẽ là xu hướng và công nghệ sẽ giúp bà con nông dân gia tăng rất nhiều. Trong thời gian qua, áp lực từ sâu bệnh đã gia tăng rất nhanh nếu chúng ta không có bộ giống tốt, chống chịu với sâu bệnh thì năng suất sẽ suy giảm, sử dụng nhiều hơn thuốc BVTV, do vậy yếu tố giống rất quan trọng. Bên cạnh yếu tố giống thì thâm canh và cơ giới hóa trong nông nghiệp rất quan trọng. 

Ở Việt Nam phần lớn sản xuất ngô trên khu vực đồi núi có độ dốc cao, chính bởi vậy cơ giới hóa sẽ hạn chế hơn so với các nước phát triển. Tuy nhiên, đâu đó có những khu vực, diện tích bà con có thể áp dụng cơ giới hóa, thâm canh tốt hơn. Cây ngô có tiềm năng rất cao, nếu đảm bảo vấn đề phân bón, tưới tiêu sâu bệnh hại thì năng suất cây ngô sẽ tăng lên. 

Một yếu tố ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, đó là thu hoạch, bảo quản, chế biến. Như tại Sơn La, bà con thu hoạch để trên nương rất lâu, hoặc thu hoạch về để trong kho lúc bán sẽ bị hao hụt cũng như chất lượng sẽ bị giảm. Ông Cường cho rằng, để có thể gia tăng sản lượng, đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi thì cần quan tâm nhiều hơn và có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp….

Phát triển vùng nguyên liệu để giảm giá thức ăn chăn nuôi

Tại tọa đàm, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin: Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520-QĐ/CP. Đây là quy hoạch tổng thể để phát triển ngành nuôi một cách toàn diện, lâu dài.

Riêng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chúng ta vẫn phải chạy bằng 2 chân, đó là sử dụng thức ăn công nghiệp để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất thực phẩm đáp ứng thức ăn cho gần 100 triệu dân. Thứ 2 là phải làm sao giảm một phần phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.

Chúng ta cần xác định khi đã hội nhập sâu thì mặt hàng nào có cơ hội cạnh tranh cao chúng ta sẽ tập trung vào đó. Ví dụ, chúng ta có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất với lúa nước nhưng không thể cạnh tranh với việc sản xuất ngô công nghiệp. Tại các quốc gia có lợi thế về trồng ngô như Mỹ hay Argentina họ sản xuất với diện tích rất lớn nên có thể áp dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ, cho sản phẩm chất lượng cao và rất đồng đều. Nhưng ngô trồng ở Việt Nam diện tích ngô chính thức chỉ có 850.000ha, năng suất chưa bao giờ vượt quá 5 tấn/ha, trong khi của họ là 10-11 tấn/ha thì chắc chắn chúng ta không thể cạnh tranh nổi.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 7.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Chính vì vậy, chúng ta cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để làm được điều này phải có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng phát triển ngô chất lượng cao, ngô biến đổi gen GMO cho năng suất vượt trội nhằm từng bước đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Một vấn đề nữa, chúng ta đang thiếu thịt từ gia súc ăn cỏ như sữa, thịt bò. Chúng ta mới chỉ đáp ứng đc 8% nhu cầu tiêu dùng này của người dân trong nước, do vậy cũng cần tính toán việc chuyển từ chăn nuôi gia cầm sang chăn nuôi gia súc để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ở quy mô hộ gia đình bà con cũng có thể tận dụng lại các nguồn phụ phẩm từ trồng trọt để làm thức ăn nuôi, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, có thể tự trồng cỏ hay ngô sinh khối để tự chủ nguồn thức ăn.

Khuyến khích bà con tăng cường nuôi các con bản địa, con đặc sản chứ bà con không thể nào cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn. Nuôi các loài bản địa để giảm thức ăn công nghiệp, tăng cường loại thức ăn thô xanh…Rồi nuôi ruồi lính đen, nuôi trùn quế để tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, tạo ra phân bón hữu cơ, tiếp nữa là tạo ra nguồn protein từ các loại côn trùng này quay lại phối trộn thức ăn cho gà, cho lợn, thậm chí cả trong nuôi trồng thủy sản.

Và cuối cùng, một giải pháp quan trọng khác là sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương tự phối trộn để giảm giá thành. Nhưng phải kèm theo 4 điều kiện: sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ; tuân thủ kỹ thuật của cơ quan chức năng để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng; bảo quản thức ăn tốt; và phải áp dụng ép viên để vật nuôi có thể việc hấp thụ thức ăn tốt hơn.

Phát triển chăn nuôi, Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Là địa phương có đàn vật nuôi rất lớn, trong đó đàn lợn, đàn bò thuộc loại lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng, hàng năm nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội rất lớn. Với tình hình hiện nay, Hà Nội đã có những giải pháp gì để giúp người chăn nuôi giảm chi phí sản xuất, xây dựng ngành chăn nuôi một cách chủ động, hiệu quả, bền vững. 

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội đang thực hiện chiến lượng phát triển chăn nuôi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Hà Nội đã đẩy mạnh tái cấu trúc ngành chăn nuôi và ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND về hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố.

Thứ nhất, Hà Nội nâng cao về chất lượng giống, không nâng cao về số lượng, từ 38-40 triệu con. Đàn lợn từ 1,6 đến 1,8 triệu con; giữ ổn định đàn bò thịt phấn đấu đạt 120 nghìn con; Ổn định đàn bò sữa đến năm 2030 khoảng 15 - 16 nghìn con... Hiện nay, Hà Nội đang có giống bò được các tỉnh đến thăm quan, học hỏi... Đặc biệt, đàn bò được thụ tinh nhân tạo trên 80%; bò sữa áp công nghệ tinh phân ly giới tính...

Thứ hai, chúng tôi luôn nâng cao về chất lượng giống, liên kết hợp tác với các tỉnh đồng bằng sông Hồng để cung cấp thực phẩm cho Hà Nội. Ngày 7/7 vừa qua, Hà Nội thông báo đưa ra quy định các vùng không được phép chăn nuôi, các vùng có dự án xây dựng nhà cao tầng... không được chăn nuôi. Và hiện tại, Hà Nội đang tập trung chăn nuôi gia súc lớn ngoài khu dân cư. Bên cạnh đó, Hà Nội đã ban hành quyết định về phát triển chăn nuôi bò. Hiện, sản lượng thịt bò của thành phố mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu và vẫn phải nhập nhiều.

Thứ ba, là liên kết chuỗi đảm bảo đầu vào, đầu ra ổn định. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy thức ăn phục vụ chăn nuôi bò, đơn cử ví dụ như vùng Ba Vì hiện đang rất cần nhà máy thức ăn. Chúng tôi đã tham mưu cho thành phố ban hành các nghị quyết về thức ăn chăn nuôi để giúp việc chăn nuôi bò phát triển được.

Thứ tư, công tác tác phòng chống dịch bệnh phải thực hiện tốt. Hà Nội đang thực hiện cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh, có các thuốc... để ngăn chặn dịch bệnh. Hà Nội sẽ định hướng sẽ chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi hiệu quả cao hơn. Chúng tôi đang cân nhắc để bà con chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu chăn nuôi.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác cây ngô tạo năng suất cao

Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Ngành hạt giống, Công ty Syngenta Việt Nam cho rằng: Một trong những khó khăn trong sản xuất ngô ở Việt Nam là diện tích nhỏ, ví dụ vùng Tây Bắc, bình quân chỉ 1 – 2ha/hộ, một số ít hộ có 5ha, trong khi vùng đồng bằng chỉ vài sào. Với diện tích nhỏ như vậy thì việc sản xuất hàng hóa tập trung sẽ rất khó khăn.

Trong thời gian qua, Công ty Syngenta tập trung vào công tác nghiên cứu, chuyển giao các giống cây trồng mới, giải pháp về thuốc bảo vệ thực vật để gia tăng năng suất, hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, Syngenta đang phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu lớn về thức ăn chăn nuôi như TH true milk, Vinamilk, Dalat Milk để phát triển vùng nguyên liệu ngô sinh khối, các doanh nghiệp này họ yêu cầu cao về sản lượng, chất lượng ngô sinh khối. Bên cạnh đó, Syngenta kết hợp với một số đơn vị thu mua ngô sinh khối, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, như ở Đồng Nai, Nghệ An,… đang có nhiều doanh nghiệp thu mua lượng ngô lớn và là vùng trọng điểm về ngô sinh khối.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 10.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác cây ngô tạo năng suất cao

Theo tôi, chúng ta nên áp dụng công nghệ để từng bước nâng cao năng suất ngô của Việt Nam vì có một thực tế trong thời gian dài giá nhập ngô thấp hơn giá thành sản xuất trong nước. Nếu nâng cao năng suất thì Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được.

Trước đây, diện tích ngô sản xuất ở Việt Nam khoảng 1,1-1,2 triệu ha nhưng hiện nay chỉ còn 842ha. Việc suy giảm đó đến từ nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do bà con chuyển sang các loại cây trồng khác do sản lượng không còn như kỳ vọng.

Các vùng trồng ngô trọng điểm ở nước ta như Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn giữ được diện tích ngô khá ổn định, nông dân vẫn sản xuất theo hướng hàng hóa. Các khu vực nhỏ hơn như ĐBSCL, Bắc Trung bộ, ĐBSH, tuy diện tích nhỏ hơn nhưng lại có lợi thế mở rộng diện tích ngô sinh khối, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi gia súc tại các địa phương.

Trong thời qua so một số biến động chính trị và ảnh hưởng của dịch Covid nên giá ngô trên thế giới đã tăng cao. Nếu trước kia chỉ độ 200 USD/tấn thì hiện đã tăng lên khoảng 350 USD/tấn. Giá ngô trong nước theo đó cũng tăng cao và đây chính là cơ hội để bà con trồng ngô có thể yên tâm giữ diện tích hoặc mở rộng diện tích.

Bên cạnh đó, với những diện tích trồng các loại cây năng suất, sản lượng thấp hơn như sắn (khoai mì)… thì có thể chuyển sang trồng ngô. Và tất nhiên, khi chuyển đổi bà con rất cần được hỗ trợ giống, kỹ thuật để đem lại sản lượng, chất lượng đảm bảo nhất.

Hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi

Được biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang lấy góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trong đó có nội dung: Hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Về vấn đề này, thay mặt Cục Chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh thông tin: Năm 2021, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT, trực tiếp Cục Chăn nuôi phối hợp với các cơ quan để xây dựng Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Trong đó, Dự thảo đang xin tổ chức, cá nhân, xin ý kiến hoàn thiện văn bản này.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 11.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

 Dự kiến trình Dự thảo Nghị định này cuối năm nay để Chính phủ xem xét phê duyệt. Trong đó có điều khoản hỗ trợ cho việc sản xuất, bảo quản, chế biến đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Có 5 điểm rất quan trọng về mặt hỗ trợ, đây chỉ mang tính chất thúc đẩy, nguồn để động viên về mặt chính sách.

Thứ nhất, đối với các Tổ hợp tác, HTX khi tham gia vào sản xuất các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ tối đa 50% về tổng chi phí cho cơ sở hạn tầng của vùng nguyên liệu đó, không vượt quá 2 tỷ cho 1 dự án. Cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu đó là xây dựng đường giao thông nội vùng, vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như là sản phẩm, hệ thống thủy lợi, điện, có khu vực tập kết nguyên liệu.

Thứ hai, nếu các Tổ hợp tác, HTX chúng ta tham gia vào vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được hỗ trợ để mua các loại giống mới, đặc biệt giống có năng suất, chất lượng cao sẽ được hỗ trợ khoảng 50%, đối đa 100 triệu. Khi chúng ta đầu tư vào vùng nguyên liệu này thì điều khó khăn nhất, đó là phải làm sao có diện tích lớn để cơ giới hóa đồng bộ. Chính sách cũng sẽ hỗ trợ 50% chi phí này để chúng ta thu gom đất nông nghiệp, quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 1 tỷ đồng.

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 12.

Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành, xã Hợp Thành (Sơn Dương - Tuyên Quang) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi gặp khó, thua lỗ, nên hạn chế tái đàn.

Một chính sách nữa rất quan trọng phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và có dự án để nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung hỗ trợ 50%, tối đa không quá 2 tỷ cho 1 dự án.

Đồng thời để thúc đẩy cho việc thu gom, chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ cho chăn nuôi chính vì vậy chính sách cũng sẽ hỗ trợ cho các Tổ hợp tác, HTX, bà con nông dân nếu mua trang thiết bị, dụng cụ thì sẽ được hỗ trợ 50%, tối đa không quá 100 triệu đồng.

Ông Tống Xuân Chinh cũng khẳng định thêm: Bà con có thể dùng gạo để thay thế cho ngô nhưng bài toán kinh tế đặt ra mới là vấn đề, không ai dám,doanh nghiệp nào dám cho gạo thay cho ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Còn lại Bộ NNPTNT, các Sở NNPTNT hướng dẫn bà con sử dụng nguyên liệu cám, gạo lật để làm thức ăn chăn nuôi nhưng việc áp dụng chưa phát phổ biến. Trừ trường hợp sau chúng ta nhập loại lúa nào chuyên làm thức ăn chăn nuôi, có thể loại gạo có đủ chất, dinh dưỡng. Như Philipines có loại gạo dùng làm thức ăn chăn nuôi rất tốt. Bài toán kinh tế dùng gạo làm thức ăn chăn nuôi ở nước ta vẫn khó làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem