Ninh Thuận: Xây dựng vùng trồng mì nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến
Giá mì đã nhích lên, Ninh Thuận tham vọng xây dựng vùng nguyên liệu mì trên 5.000ha
Đức Cường
Thứ tư, ngày 23/03/2022 18:15 PM (GMT+7)
Tỉnh Ninh Thuận sẽ mở rộng diện tích trồng mì (sắn) lên 5.120 ha, đồng thời định hướng xây dựng vùng nguyên liệu mì gắn với công nghiệp chế biến để ổn định sản xuất cho nông dân.
Sau thời gian rớt giá thê thảm, qua trung tuần tháng 3/2022, giá mì tươi ở Ninh Thuận có dấu hiệu khởi sắc và tăng nhẹ
Hiện tại (ngày 23/3), giá mì tươi được Công tycổ phần tinh bột sắn Ninh Thuận thu mua ở mức 2.200 – 2.600 đồng/kg tùy vào hàm lượng tinh bột. Ngoài ra, giá củ mì tươi khi bán xô cho thương lái ở địa phương cũng đã được nhích lên ở mức gần 2.000 đồng/kg.
Với giá bán như hiện nay, một số hộ thu hoạch mì cuối vụ đã khấp khởi mừng vì người trồng đã có lãi, dù không cao như mọi năm.
Tranh thủ thời gian giá mì nhích lên, ông Hoàng Anh Dũng, thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn đang tất bật thu hoạch 2ha mì quá lứa. ô
Ông Dũng cho biết, nếu đúng thời vụ thì mì của gia đình đã thu hoạch trước tết Âm lịch, nhưng vào thời điểm đó giá mì tươi quá thấp nên gia đình không dám thu hoạch vì nếu thu hoạch sẽ lỗ nặng.
"Hiện nay giá mì đã tăng nhẹ so với thời điểm trước nhưng nhìn chung vẫn còn thấp hơn nhiều so với mọi năm. Với giá bán này thì nhiều hộ cũng đã có lãi, còn hơn là âm vốn như thời điểm cách đây 1 tháng", ông Dũng vui vẻ cho biết.
Trước đó, vào thời điểm sau tết Nguyên Đán 2022, giá mì tươi ở Ninh Thuận giảm chỉ ở mức trung bình từ 1.700 – 1.800 đồng/kg, thấp hơn 50% so với những năm trước khiến nhiều nông dân lâm cảnh thua lỗ.
Nguyên nhân xuất phát từ việc tinh bột mì xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19.
Định hướngvùng nguyên liệu mì, ổn định sản xuất cho người nông dân
Ngày 23/3, trao đổi với PV Báo Dân Việt, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, niên vụ mì 2021-2022 toàn tỉnh có hơn 4.233ha diện tích cây mì đang cho thu hoạch, với sản lượng đạt gần 80.000 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Ninh Sơn với 2.837 ha (cụ thể: xã Quảng Sơn 1.715 ha, Tân Sơn 250ha, Lâm Sơn 185ha, Mỹ Sơn 106ha, Hòa Sơn 391ha, Ma Nới 75ha và xã Lương Sơn 115ha).
Để cây mì phát triển bền vững, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 27/7/2021 về Kế hoạch phát triển ngành trồng trọt tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó định hướng phát triển cây mì của tỉnh đến năm 2025 là ổn định diện tích gieo trồng khoảng 5.120 ha, sản lượng đạt 111.300 tấn. Số này tập trung ở địa bàn 2 huyện Ninh Sơn (3.400ha) và Bác Ái (1.500 ha).
Bên cạnh đó, Ninh Thuận sẽ tập trung xây dựng vùng trồng mì nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, tổ chức sản xuất theo hướng hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã liên kết theo hợp đồng nông sản với doanh nghiệp chế biến tinh bột mì.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận khẳng định, sẽ đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống và quy trình canh tác bền vững vào sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng mì.
Đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu mì trong nước và từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu trong điều kiện hội nhập.
Phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm từ mì phục vụ cho công nghiệp chế biến tinh bột, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.