Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

Nhóm P.V Thứ năm, ngày 24/11/2022 09:54 AM (GMT+7)
Sáng nay, 24/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm làm rõ hơn sự cần thiết cũng như các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng vùng nguyên liệu.
Bình luận 0

Theo Bộ NNPTNT, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững. 

Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị, đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ...

Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định 1088 về phê duyệt Đề án Thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Theo mục tiêu của đề án là sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ở 13 tỉnh thành trọng điểm. Cụ thể: 14.000 ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc; 22.900 ha gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) ở vùng Duyên hải miền Trung; 19.700 ha cà phê Tây Nguyên; 50.000 ha lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên; 60.200 ha cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.

Cùng với Đề án trên, Bộ NNPTNT cũng có Quyết định số 1094 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Mục tiêu là nhằm chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho HTX, người dân; phát triển, củng cố nâng cao năng lực cho HTX; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông, thực hiện các chính sách nông nghiệp...

Để góp phần cung cấp thêm thông tin nhiều chiều, chi tiết hơn về 2 đề án trên cho hội viên, bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp và bạn đọc, cũng như cách thức triển khai vùng nguyên liệu…, hôm nay, 24/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu".

Đang diễn ra tọa đàm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến.

Chủ trì và tham gia tọa đàm, gồm có:

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT);

Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT).

Ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT)

Bà Ngô Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam.

Về phía báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt có:

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt.

 Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập Báo NTNN/Dân Việt điện tử cho biết, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, vì thế việc xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất quan trọng. "Tôi cho rằng đây là điểm khởi đầu và là nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp trong nước", ông Hoài nhấn mạnh.

Theo ông Hoài, vừa qua Bộ NNPTNT đã cho xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn để phục vừa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại 13 tỉnh, thành. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan của Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Đang diễn ra tọa đàm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt phát biểu tại tọa đàm.

Tọa đàm hôm nay chúng tôi muốn truyển tải thêm nhiều thông điệp đến các địa phương, nông dân để cùng triển khai hiệu quả đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tất nhiên, ban đầu thực hiện triển khai nhiệm vụ sẽ gặp vấn đề, khó khăn. Tôi hi vọng cuộc tọa đàm hôm nay sẽ giải đáp được thắc mắc, tháo gỡ được nhiều khó khăn để triển khai hiệu quả đề án trên.

Đây là tọa đàm lần 3 báo phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức trong năm nay. Tại các buổi tọa đàm trước, các tin, bài thu hút được khoảng 70.000 lượt bạn đọc, cho thấy bạn đọc rất quan tâm đến vấn đề trên. 

Đang diễn ra tọa đàm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Liên kết, hỗ trợ nông dân hình thành 5 vùng nguyên liệu lớn

Trả lời câu hỏi: "Đầu năm 2022, Bộ NNPTNT đã phê duyệt và ban hành Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Vì sao đến thời điểm này Bộ NNPTNT lại ban hành cùng lúc 2 đề án này?", ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: 

Việt Nam có trên 10.000 hộ gia đình sản xuất, đất đai sản xuất còn nhiều manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến năng suất, chất lượng sản lượng không cao, hiệu quả kinh tế thấp, làm tăng giá vật tư đầu vào, tiêu hao nhiều tài nguyên.

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu và Đề án Tổ khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025

Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy từ tư tuy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trước mắt, sẽ hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung ở 13 tỉnh, thành.

Đối với Đề án tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở cộng đồng - đây là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông chúng tôi gọi là hỗ trợ phần mềm, tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất. Người nông dân có sản xuất đúng quy trình không cũng cần đến lực lượng khuyến nông. Người nông dân có kết nối được thị trường cũng cần đến lực khuyến nông. Làm thế nào để cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ xuất khẩu nước ngoài mà trong nước cũng rất cần.

Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

 Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói về việc xây dựng mã số vùng trồng gắn với vùng nguyên liệu:

Sắp tới xu thế và định hướng của ngành bảo vệ thực vật là khuyến khích và làm nào để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi bền vững và lâu dài. Từ xưa tới nay, mỗi “nhà” trong chuỗi liên kết vẫn thường “mạnh ai nấy làm”, phát huy các vai trò khác nhau mà chưa có sự liên kết. Chính thực tế này đã khiến nông sản của chúng ta mất đi nhiều lợi thế khi xuất khẩu. Do đó, Bộ NNPTNT cũng như ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) đã có rất nhiều giải pháp để thay đổi thực tế này.

Trước hết cần thay đổi về nhận thức của các hộ sản xuất, các doanh nghiệp; sau đó là thúc đẩy việc xây dựng quy trình sản xuất bài bản; thúc đẩy việc xúc tiến các sản phẩm nông sản chủ lực vào các thị trường tiềm năng.

Cục BVTV đã được Bộ NNPTNT giao và chủ trì việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phổ biến tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con để đáp ứng nhu cầu của từng thị trườn, trước mắt là thị trường trong nước, sau đó phù hợp với từng thị trường xuất khẩu; đưa ra các khuyến cáo cho người dân trong việc lựa chọn thị trường; xây dựng và cấp mã số theo tinh thần tự nguyện, phù hợp với từng thị trường. Bởi chúng ta không thể dùng mã số này cho thị trường khác, do đó việc triển khai cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc là vô cùng cần thiết.

Mới đây, Cục đã trình Bộ NNPTNT Chỉ thị 1838 đưa ra rất nhiều điều kiện, giải pháp, yêu cầu chất lượng của các thị trường. Bộ cũng giao Cục chủ trì và xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng và truy xuất mã số vùng trồng. Đây cũng chính là cơ sở để chúng ta hy vọng thời gian tới việc cấp mã số và truy xuất nguồn gốc sẽ được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn.

5 vùng nguyên liệu lớn có quy mô như thế nào?

 Ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) nói về việc xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn:

Ngày 25/3 vừa qua, ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT ký Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT về phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh gồm Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT).

Đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2022-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên hợp tác xã; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.

Giai đoạn 2022-2023 sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích 166.800ha gồm cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc 14.000ha; gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, FEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung 22.900ha; cây cà phê Tây Nguyên 19.700ha; lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên 50.000ha; cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười 60.200ha.

Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân liên kết trong vùng nguyên liệu. Thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường...

Giai đoạn 2024-2025 mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ hợp tác xã gồm trung tâm logistics chuỗi lúa gạo huyện Thoại Sơn (An Giang); trung tâm logistic lúa - tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang); trung tâm logistics chế biến tôm huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng); trung tâm logistics trái cây Mỹ Hiệp (Đồng Tháp); trung tâm logistics chuỗi cà phê (Gia Lai).

Tổng kinh phí thực hiện đề án 2.467,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 942,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 409,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp và hợp tác xã 572,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 552,3 tỷ đồng.

Để triển khai đề án này, Bộ đã chỉ đạo Cục, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các Vụ, Viện và các trường.... Theo đó, Cục KTHT sẽ là đầu mối triển khai cho các đơn vị.

Trong đề án này, sẽ phát triển các HTX, THT nông dân liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề án cũng sẽ có sự vào cuộc hệ thống khuyến nông cộng đồng.

Trước mắt đề án sẽ triển khai thí điểm tại 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Vùng thứ nhất là cây ăn quả vùng núi phía Bắc, tập trung là Sơn La - Hòa Bình với các sản phẩm như dứa, chanh leo, xoài phục vụ chế biến, xuất khẩu. Vùng 2 gỗ rừng trồng ở vùng duyên hải miền Trung. Vùng 3 nguyên liệu cà phê tại tây nguyên. Vùng 4, trái cây tập trung ở Đồng Tháp Mười tập trung tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An với các loại cây xoài, sầu riêng. Vùng 5 là vùng lúa gạo Tứ Giác Long Xuyên.

Tổng diện tích của 5 vùng nguyên liệu rất lớn lên đến 186.000ha, địa bàn rất rộng trải dài từ Bắc vào Nam.

Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh 6.

Bà Ngô Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam.

Doanh nghiệp muốn có tiếng nói chung với nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản

 Nói về ý nghĩa của việc xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản, bà Ngô Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết:

Hiện Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đang tham gia thu mua trên 30 mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu tới rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong quá trình thu mua, bên cạnh sự thuận lợi, đồng hành của chính quyền địa phương, HTX, bà con nông dân thì chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Thứ nhất là vùng nguyên liệu. Như đã biết, vùng nguyên liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, công ty gặp khó khăn trong quá trình thu mua.

Thứ 2, công tác thu hoạch của bà con nông dân còn hạn chế. Bà con tự đứng ra thu hoạch, chưa có tổ đội chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tính tuân thuỷ quy trình sản xuất nông nghiệp của bà con còn hạn chế. Tính tuân thủ chưa đồng bộ, đồng đều. Yếu tố nữa là tính thời vụ trong sản xuất.

Một khó khăn nữa là về giá mua. Doanh nghiệp thu mua luôn mong muốn mua được nông sản với giá cố định và cam kết bảo đảm tiêu thụ cho bà con nông dân. Tuy nhiên đa phần bà con muốn mua theo giá thị trường, do đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng dài hạn thu mua nông sản do giá biến động theo thị trường. Khó khăn nhỏ nữa là, đôi khi vì lợi nhuận trong ngắn hạn, bà con phá vỡ cam kết bán nông sản với doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, doanh nghiệp và nông dân có những tiếng nói chung trong hợp tác xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Tích hợp các gói công nghệ cho từng vùng nguyên liệu khác nhau

Triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia được giao những nhiệm vụ gì? ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho  biết:

Không chỉ là vùng nguyên liệu mà với chức năng nhiệm vụ của TTKNQG được Bộ giao để chuyển giao công nghệ sản xuất, trong đó có việc chuyển giao các nội dung về xây dựng vùng nguyên liệu. Như chị Hồng nói muốn có được sản phẩm theo các tiêu chuẩn thì chúng ta cần phải có quy trình chuẩn. Quy trình chuẩn không phải là một quy trình áp dụng mọi nơi.

Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh 7.

Nông dân vùng trồng nhãn Sơn La ứng dụng các phần mềm quản lý, chăm sóc cây trồng. Ảnh: M.Ngọc.

Việc đầu tiên chúng tôi phải tích hợp các gói công nghệ cho các vùng nguyên liệu khác nhau. Ví dụ doanh nghiệp muốn có sản phẩm đi Mỹ thì phải có quy trình sản xuất phù hợp để xác định sản phẩm sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chúng ta phải xác định muốn làm sản phẩm nào cũng phải có quy trình chuẩn ở các tiểu vùng khác nhau.

Công việc tiếp theo khuyến nông cần là là tích hợp quy trình, phù hợp với các vùng sinh thái. Làm được quy trình chuẩn rồi thì lực lượng khuyến nông phải chuyển giao đc cho người sản xuất.

Người sản xuất cần phối hợp tối với lực lượng chuyên môn tại địa phương. Việc phối hợp này rất quan trọng vì có những việc trong sản xuất không thể chậm trễ được như rải vụ, ra hoa….

Quy trình muốn đạt chuẩn phải “làm” chuẩn. Làm chuẩn chính là ở người nông dân sản xuất. Thông qua diễn đàn này, tôi cũng mong mốn thông tin việc muốn sản xuất đạt chuẩn thì mọi khâu để làm ra sản phẩm cũng phải theo tiêu chuẩn. Sản phẩm chuyên nghiệp phải chuyên nghiệp từ đầu, từ kế hoạch. Chúng tôi khuyến khích bán sản phẩm từ khi lập kế hoạch, vì vậy, muốn sản phẩm đó đi được đâu phải có quy trình tương thích. Thị trường khó đến đâu cũng có thể đáp ứng nhưng các khâu tham gia phải chuyên nghiệp, đội ngũ khuyến nông cũng phải chuyên nghiệp.

Cụ thể hơn, trong đề án này TTKHQG được giao xây dựng các tổ cộng đồng. Trước mắt, mỗi tỉnh 10 tổ để tham gia vào vùng nguyên liệu này. Trong đó, 26 tổ sẽ được xây dựng thí điểm để tăng cường năng lực. Các tổ này chủ yếu được đào tạo huấn luyện để chuẩn bị với mong muốn ngoài thực hiện công tác khuyến nông truyền thống thì người làm khuyến nông phải biết kết nối thị trường, doanh nghiệp, biết mua bán ở đâu để tư vấn cho người sản xuất.

Về HTX, để thúc đẩy trong môi trường sản xuất nông thôn thì tổ khuyến nông cộng đồng này phải am hiểu HTX và tư vấn cho người dân tham gia vào HTX như thế nào. Thúc đẩy cho HTX như nào vì nhiều HTX thành lập nhưng chưa biết vận hành như việc vận động hội viên sản xuất, ký hợp đồng mua bán nông sản….

Và một điều nữa tôi muốn nhắc đến đó là việc không thể không chuyển đổi số. Trong chúng ta cũng còn nhiều người chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số nữa là môi trường nông thôn. Chúng tôi cũng giao tổ khuyến nông cộng đồng phải có năng lực giuýp cho người nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Việc này sẽ áp dụng từng sản phẩm cụ thể như nhật ký điện tử, hợp đồng online, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như thế nào…

Lực lượng khuyến nông cộng đồng này còn tham gia nhiều hoạt động khác vì họ là lực lượng nằm ở địa phương.

Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh 8.

Khu vực Tây Nguyên sẽ xây dựng vùng nguyên liệu cà phê.

Đối tượng nào tham gia vào việc xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết: 

Đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu triển khai thí điểm ở 5 vùng ở 13 tỉnh với quy mô rất lớn. Khi tham gia đề án có những đối tượng hưởng lợi trực tiếp tham gia vào sản xuất vào vùng nguyên liệu. Đối tượng tham gia đầu tiên là các doanh nghiệp. Cụ thể hiện nay sơ bộ có khoảng 14 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản ở các vùng nguyên liệu.

Đây là các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt các chuỗi sản xuất nông sản để phát triển các vùng nguyên liệu và liên kết với các HTX, sau đó thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Đối tượng thứ 2, ở trong vùng nguyên liệu theo thống kê có gần 300 HTX nông nghiệp. Đây là những chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất cũng như tham gia liên kết trong chuỗi sản xuất này.

Đối tượng thứ 3 chính là những khuyến nông cộng đồng. Ở 13 tỉnh này mỗi tỉnh sẽ thành lập 10 tổ khuyển nông cộng đồng, như vậy sẽ có 130 tổ khuyến nông cộng đồng ở 13 tỉnh.

Đối tượng thứ 4 tham gia là có gần 200.000 hộ nông dân, trang trại những người trực tiếp canh tác các sản phẩm nông nghiệp ở các vùng nguyên liệu này.

Bộ NNPTNT chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Với tinh thần chỉ đạo của đề án này thì một vùng nguyên liệu đạt chuẩn với 6 yêu cầu. Thứ nhất về hạ tầng được đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng không chỉ đường giao thông trục lộ lớn mà cả đường giao thông trong lộ vùng, hệ thống kho chứa, bảo quản… Đạt chuẩn thứ 2 là các HTX được củng cố, hoạt động hiệu quả gắn kết với các chuỗi. Thứ 3, giữa các doanh nghiệp và HTX gắn kết với nhau bằng chuỗi giá trị trong vùng nguyên liệu.

Thứ 4 chuẩn hoá đội ngũ khuyến nông cộng đồng. Thứ 5 hệ thống dịch vụ công của nhà nước được tập trung vào, ví dụ thông tin về thị trường, dịch bệnh, cung cấp dịch vụ về cấp mã vùng trồng đều được đồng bộ. Thứ 6 chính là câu chuyện chuyển đổi số, số hoá vùng nguyên liệu, số hoá công tác quản trị.

Với 6 yêu cầu đó thì rõ ràng các đối tượng tham gia vào đây sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Tôi lấy ví dụ các doanh nghiệp đầu tàu tham gia trước hết họ được hưởng lợi từ vùng nguyên liệu, được sản xuất tập trung, được đồng bộ hạ tầng… 

Các HTX được đào tạo tập huấn, được củng cố nâng cao năng lực, được hỗ trợ trang thiết bị máy móc sơ chế, bảo quản nông sản. Các tổ khuyến nông cộng động được củng cố, nâng cao năng lực. Các hộ nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập.

Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh 9.

Các diễn giả, chuyên gia tham gia tọa đàm.

Sẽ giám sát chặt các mã số vùng trồng đã được cấp

Nói về việc xây dựng, giám sát mã số vùng trồng tại các vùng nguyên liệu nông, lâm sản, ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết:

Trong năm 2021, chúng tôi đã trình Bộ ra văn bản 2425 (2425/BNN-BVTV, kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu) để thực hiện các công việc giảm sát mã số vùng trồng (MSVT) và hầu như đã giao cho địa phương. Cục BVTV chỉ xác nhận lại việc thực hiện các MSVT để gửi các nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc cấp MSVT cũng đang có nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên chính là vùng nguyên liệu, do sản xuất của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung khiến khó áp dụng điều kiện kỹ thuật, hay cơ giới hóa để nâng cao sản lượng và chất lượng cho nông sản. 

Thứ 2, việc qua tầng lớp trung gian khiến cho việc kiểm soát ATTP cũng như dịch hại trở nên khó khăn hơn. Nhiều địa phương chưa kiểm soát tốt nên xảy ra vấn đề thu gom mã số, nhiều nơi cả chính quyền, người dân đều chưa quan tâm đúng mực, dẫn đến buông lỏng quản lý. Ví dụ mỗi mã số chỉ phù hợp với 1 sản phẩm, 1 hộ sản xuất, không thể cho mượn, ko thể sử dụng cho người khác, tuy nhiên, do quan lý yếu kém nên tình trạng cho mượn, sử dụng trái phép vẫn đang diễn ra.

Về nguồn lực, chúng tôi đang hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng mà không thu bất cứ một đồng kinh phí nào, nhưng đây chính là hạn chế của lượng lượng triển khai, dẫn đến việc triển khai đôi lúc, đôi chỗ chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai, áp dụng, quản lý các thông số chưa rõ ràng, chưa minh bạch, do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý thời vụ, số lượng, thời lượng chưa đồng bộ và phù hợp với quy chuẩn.

Có nhiều đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, trong đó có đồng bào ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số bà con chưa nhận thức đầy đủ nên việc triển khai mã số vùng trồng ở một số địa phương còn nhiều khó khăn. Do đó, cần có công tác giáo dục đào tạo đối tượng này để nâng cao vai trò, nhận thức của doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong quản lý và giám sát thực quy trình.

Để khắc phục những khó khăn này, chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp, đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn để các lực lượng này nắm rõ, nắm chắc tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ mã số vùng trồng.

Thứ hai, là hoàn thiện cơ sở tiêu chuẩn, nâng cao thành tiêu chuẩn của Việt Nam. Từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn thống nhất trong mọi quy trình có áp dụng mã số vùng trồng.

Thứ ba, tiếp tục ký kết và đồng hành với các hiệp hội, giúp các hiệp hội phổ biến tới người dân những nội dung và quy chuẩn trong xây dựng mã số vùng trồng.

Và cuối cùng là đưa kế hoạch xây dựng chuyển đổi số vào giám sát mã số vùng trồng, làm sao chúng ta quản lý tốt các lô hàng xuất khẩu, đảm bảo công tác xuất khẩu đáp ứng đúng yêu cầu mà đối tác đưa ra.

Số hóa, tích hợp công nghệ để xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh 10.

Cục Bảo vệ thực vật sẽ giám sát chặt các mã số vùng trồng, trong đó có vùng trồng sầu riêng.

Trả lời câu hỏi của một độc giả về việc: Sản phẩm sầu riêng khi xuất sang Trung Quốc thì có phải kiểm dịch 100% không và kiểm dịch những gì?, ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay:

Trung Quốc sẽ phải kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng từ phía Việt Nam và trước khi xuất khẩu, phía Việt Nam cũng sẽ kiểm soát 100% lô hàng theo đúng nội dung đã ký kết tại Hiệp định thư.

Cụ thể là kiểm tra ATTP, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, đặc biệt là kiểm soát các loại dịch hại. Ví dụ trong danh sách của TQ có hơn 500 loài thực vật gây hại cần kiểm soát, và lực lượng chức năng của cả 2 nước phối hợp với nhau để thực hiện công tác này theo đúng quy định tại Hiệp định thư đã ký kết. Và tất cả các thông tin kiểm dịch đều được cập nhật trên hệ thống kiểm dịch thực vật Việt Nam. Cục BVTV cũng đã ban hành Văn bản 2425, hướng dẫn và phân cấp cho các địa phương thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, giao hết cho địa phương tới 95%, Cục chỉ xác nhận lại và gửi cho các nước để họ làm căn cứ kiểm tra kiểm soát.

 Đối tượng nào được tham gia Tổ khuyến nông cộng đồng?

Về câu hỏi này, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trả lời: 

Hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng khi có Đề án Tổ khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025, nhất là vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có 1 chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì phải Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Đây là cú hích cho hoạt động khuyến nông. Chúng tôi cho rằng đến nay các hoạt động diễn ra của khuyến nông đã vượt ra khỏi tầm của đề án. Đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng; từ Trung ương, Bộ NNPTNT, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến hoạt động này. Như vậy sự hình thành của các tổ khuyến nông cộng động phù hợp với thời cuộc và nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Về đối tượng tham gia tổ khuyến nông cộng đồng thành phần là ai, ai được tham gia, tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào trong Đề án ghi rõ. Đầu tiên đối tượng nòng cốt vẫn là là lấy lực lượng khuyến nông viên cơ sở, có tham gia của ban quản lý, ban quản trị của HTX; có sự tham gia của chính quyền địa phương. Đối tượng nữa là có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn. Ví dụ như các chi cục ở đâu có nhiều vật nuôi khuyến khích chi cục thú y, ở đâu có nhiều lâm sản thì khuyến khích sự tham gia của chi cục lâm nghiệp; ở địa phương có nhiều hải sản, thuỷ sản khuyến khích sự tham gia chi cục thuỷ sản.

Chúng tôi cũng không quy định cứng là ở góc độ tiêu chuẩn, tiêu chí và thành phần. Chúng tôi chỉ quy định lực lượng khuyến nông là nòng cốt và duy trì hoạt động. Tổ khuyến nông cộng đồng mang tính chất tự nguyện nhiều hơn là cơ quan, tổ chức hành chính. Nếu chúng ta xây dựng vào tổ chức hành chính sẽ vướng rất nhiều. Nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này. Chúng tôi cùng với các địa phương, nhất là các vùng nguyên liệu xây dựng các quy chế hoạt động, thu hút các lực lượng tham gia. Ở trong này có cả lực lượng khuyến nông của doanh nghiệp, ví dụ như Amei có cán bộ khuyến nông thị trường, cán bộ khuyến nông vùng nguyên liệu sẽ thu hút cùng tham gia. Chúng tôi vừa làm vừa điều chỉnh. Tổ khuyến nông cộng đồng không có mô hình mẫu bởi mỗi địa phương có văn hoá, tập quán khác nhau.

Nguồn lực xây dựng vùng nguyên liệu

Trả lời câu hỏi của nhà báo Đỗ Hương, Cổng thông tin điện tử Chính phủ về nguồn lực xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT) cho rằng: Nhu cầu thực hiện đề án lớn, nguồn lực không chỉ của nhà nước mà kế hoạch xã hội hóa của các doanh nghiệp, nhà tài trợ vào.

Tổng vốn rất lớn nhưng Trung ương chỉ khoảng 30%, tập trung vào các công tác về phần mền, đào tạo, tuận huẫn, hỗ trợ tổ khuyến nông cộng đồng... Các địa phương các cũng cam kết dành vốn cho chương trình này, như việc phát triển các HTX...

Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX cũng góp vào thực hiện, cam kết đầu tư, đồng hành cùng chương trình.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp thực hiện các gói, nguồn vốn ưu đãi lớn, các ngân hàng chi nhánh ở các địa phương cũng rất ủng hộ... Nguồn vốn tuy lớn nhưng theo tôi với sự vào cuộc của các đơn vị từ trung ương đến địa phương sẽ thực hiện được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem